Hoàng Xuân Phú
28.01.2012
Tiếng nổ ở Tiên Lãng ngày 5/1/2012 đã làm chấn động bốn
phương, quá đủ để thức tỉnh những ai còn có thể thức tỉnh. Nó buộc những người
có lương tri phải suy nghĩ, để trả lời câu hỏi: Vì sao lại có kết cục bi thảm
như vậy? Sẽ còn bi thảm hơn nếu những người cầm quyền không rút ra bài học hợp
lý để xử lý đúng vụ này.
Một
số người đòi nghiêm khắc xử lý ông Đoàn Văn Vươn và những
người liên quan về tội chống người thi hành công vụ. Nhiều người tin
rằng gia đình ông Vươn là nạn nhân của cường hào ác bá thời nay, nhưng cũng
nghĩ là họ không thể tránh khỏi bị trừng phạt vì đã chống người thi hành
công vụ. Ngày 10/1/2012 Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hải Phòng đã phê
chuẩn quyết định của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hải Phòng, khởi tố bị can đối với ông Đoàn Văn Vươn
và 3 người thân về tội giết người, đồng thời khởi tố vợ và em dâu ông
Vươn về tội chống người thi hành công vụ.
Hai tiếng "công vụ" cứ lặp lại, vang lên
như tiếng chuông dồn dập trong buổi chiều tà, khi cái ác hoành hành, nhân danh công
vụ để ức hiếp dân lành, khiến tâm hồn bất an, lương tri bứt rứt. Vì vậy tôi
phải gạt bao việc cần kíp sang một bên để viết bài này.
Công vụ hay mạo danh công vụ?
"Công
vụ là một hoạt động do công chức nhân danh nhà nước thực hiện theo quy định của
pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân và xã
hội."
Nội
dung này cũng phù hợp với cách giải nghĩa trong Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam.
Rõ
ràng, công vụ phải là việc công, do công chức nhân danh nhà nước
thực hiện. Nếu lợi dụng chức quyền để triển khai những việc nhằm trục lợi
cho bản thân, không nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân và xã hội, thì
không thể ngụy biện là công vụ. Những kẻ nhân danh chính quyền để chiếm
đất của dân rồi giao cho người khác để kiếm chác những khoản tiền tham nhũng,
thì không còn đủ tư cách xưng danh công chức để ra lệnh hay thi hành công vụ.
Công
vụ
phải có lý do rõ ràng và minh bạch. Lấy đất của dân, lúc thì bảo là do hết hạn thuê, lúc thì viện cớ xây dựng sân bay, lúc lại ngụy biện là để đảm bảo công bằng. Mỗi lúc tung ra một
lý do khác nhau, để che giấu cái mục đích xấu xa, thì chỉ thể hiện thói dối trá
đã ăn sâu vào xương tủy, đã di căn từ đầu đến chân, chứ không thể biện hộ được
lý do công vụ.
Công
vụ
thì phải chính danh, phải có những người đủ thẩm quyền ra lệnh, thi hành
và chịu trách nhiệm. Phá nhà của dân, rồi trơ trẽn vu khống cho nhân dân bức xúc nên phá, thì không thể
gọi là chính danh. Việc cho công chức giả danh dân thường hoặc huy động thành
phần bất hảo để giải tán biểu tình, ngăn cản khiếu kiện hay đàn áp ai đó là
không chính danh. Việc dùng một thông báo không ai dám ký làm bình phong
để đàn áp người biểu tình yêu nước là không chính danh. Công an mặc thường phục
để rình bắt những người vi phạm quy tắc giao thông cũng không chính danh. Đang
lái xe trên đường, thấy người mặc thường phục rượt đuổi, thì lấy gì để đảm bảo
rằng đấy không phải là cướp? Ngay cả trong trang phục công an còn khó phân biệt
được kẻ xấu, người ngay, huống chi là mặc thường phục. Vậy mà lại bắn vào đùi người đi đường chỉ vì không
chịu dừng xe (theo đòi hỏi của công an giả dân), thật là ngang ngược hết
mức.
Thi
hành công vụ thì
phải thực hiện đúng mục tiêu. Quyết định thu hồi đất một nơi, lực lượng cưỡng chế lại tiến
vào hành sự trên một mảnh đất khác, hoàn toàn không nằm trong khu vực bị thu
hồi, và đập phá nhà dân trên diện tích ấy. Đó là xâm phạm và
phá hoại tài sản hợp pháp của công dân. Không chỉ phá hoại, một khi người tham gia cưỡng chế đã vơ vét đồ đạc, Xã đội phó cuỗm
cả cái ổn áp, thì phải gọi là cướp bóc. Chẳng nhẽ công vụ
là vậy sao? Nếu người nhà ông Vươn đuổi theo vị Xã đội phó và giật lại cái ổn
áp, thì sẽ bị buộc cho tội chống người thi hành công vụ chăng?
Điều
tiên quyết là công vụ chỉ được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Về vụ Tiên Lãng, đã có rất nhiều bài viết chỉ ra việc chính quyền địa phương
quyết định thu hồi đất và tiến hành cưỡng chế đối với gia đình ông Đoàn
Văn Vươn là trái pháp luật. Đặc biệt, Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã đánh giá:
"Tôi
đang theo dõi sát vụ việc này nên có thể khẳng định chính quyền sai từ xã đến
huyện. Điểm sai đầu tiên là để sự việc kéo dài quá nhiều năm mà không xử lý đến
nơi đến chốn và thấu tình đạt lý. Người làm được, làm tốt đáng lẽ phải động
viên, tạo điều kiện nhưng lại cố thu hồi của người ta, đó là cái sai thứ hai.
Việc thu hồi còn trái pháp luật là cái sai thứ ba. Cái sai thứ tư là chính
quyền cố tình vi phạm luật pháp, dồn người dân vào chân tường, làm họ uất ức
đến mức phải chống lại."
Thiết
tưởng không cần phải bổ sung thêm gì nữa. Một hoạt động, cho dù của ai, cho dù
ở cấp nào, mà vi phạm pháp luật, thì tự nó đã tước bỏ chính danh của công vụ.
Vụ
cưỡng chế ở Tiên Lãng vi phạm tất cả những tiêu chí kể trên, nên không thể xem
là một công vụ theo nghĩa tử tế. Nó đẩy chính quyền đứng trước hai lựa
chọn. Nếu coi nó là một công vụ thì sẽ phải trả lời cho nhân dân câu
hỏi: Tại sao chính quyền này lại có loại công vụ tệ hại, ức hiếp người dân
như vậy? Nếu không coi nó là một công vụ thì cũng không thể buộc cho ông
Đoàn Văn Vươn và người thân vào tội chống người thi hành công vụ, mà
phải nghiêm trị những kẻ mạo danh công vụ để trục lợi, hại dân và bôi
nhọ công vụ.
Thi hành công vụ hay tòng phạm việc xấu?
Bình thường, đã là công chức thì phải thực hiện nhiệm vụ
được lãnh đạo phân công. Là công an, bộ đội thì lại càng phải tuân theo mệnh
lệnh của chỉ huy. Kỷ luật ấy là điều kiện cần thiết để một chính quyền có thể
vận hành trôi chảy.
Nếu có thể yên tâm rằng mọi nhiệm vụ đều hợp lý, mọi mệnh
lệnh đều đúng đắn, thì người thi hành chỉ còn phải lo hoàn thành nhiệm vụ được
giao. Nhưng lấy đâu ra cái yên tâm ấy giữa thời buổi tham nhũng tràn lan, trở
thành quốc nạn, việc lớn việc nhỏ bị chi phối bởi các nhóm lợi ích? Khi môi
trường bị ô nhiễm trầm trọng thì không thể ngây ngô tin rằng mọi giọt nước từ
trên trời rơi xuống đều trong sạch; ngược lại, phải ý thức rằng nước trời có
thể chứa đầy độc tố. Khi trên đầu có cả "một bầy sâu" (theo cách nói
của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang) thì công
chức có thể phải tiếp nhận cả những nhiệm vụ xấu xa, những mệnh lệnh sai trái.
Với những người a dua, mong được theo đóm ăn tàn, hay
những kẻ chờ dịp để thỏa máu côn đồ, vốn dĩ bị kìm nén bởi địa vị công tác, như
kẻ đã đạp vào mặt người biểu tình yêu nước, thì
chẳng có gì khiến họ phải lăn tăn. Nhưng với những công chức mẫn cán, những sĩ
quan và chiến sĩ một mực trung thành, thì hoàn cảnh trớ trêu ấy đẩy họ rơi vào
tình thế khó xử. Không tuân lệnh thì vi phạm kỷ luật và băn khoăn về trách
nhiệm. Mà tuân lệnh thì lại bứt rứt lương tâm, nhất là khi phải tham gia làm
hại người lành. Cuối cùng thì quyền lợi bản thân thường là trọng lượng quyết
định làm lệch cán cân do dự. Liều thuốc an thần hay được dùng để tự an ủi là
mình chỉ làm theo phận sự, buộc phải tuân lệnh, và nếu sai thì người ra lệnh
phải chịu trách nhiệm chứ không phải người thi hành…
Tiếc rằng liều thuốc ấy không đủ để gột bỏ trách nhiệm
của những người tham gia vào những việc sai trái. Khi người ta sai anh làm một
việc xấu xa, ví dụ như việc dùng
vòi cứu hỏa phun nước thải vào người dân để giải tỏa chợ, mà
anh vẫn làm, thì anh sẽ bị nhân dân nguyền rủa và gia đình anh sẽ không biết
trốn đi đâu để thoát khỏi nỗi nhục nhã.
Trong hoàn cảnh ô nhiễm, cần tỉnh táo suy xét, xem cái
việc mình phải thực hiện có thể coi là công vụ chân chính hay không? Việc đó
xuất phát từ lý do gì? Phục vụ ai và có hại cho ai? Điều đó có chính đáng hay
không? Người thi hành công vụ trước hết phải là Người, tức là phải biết
tư duy, biết phân biệt phải trái... Không thể hành động một cách mù quáng, với
tư duy nô lệ, theo kiểu lính đánh thuê, rằng ai trả tiền cho tôi thì tôi tuân
lệnh người đó. Nếu biết rõ là việc xấu mà vẫn làm thì là tòng phạm,
không thể ngụy biện là thi hành công vụ.
Điều quan trọng là phải xét xem nhiệm vụ được giao có hợp
pháp hay không. Khi phát hiện ra nhiệm vụ phải thực hiện hay mệnh lệnh
phải tuân theo vi phạm Hiến pháp, pháp luật, thì mọi công dân có quyền không
chấp hành và có trách nhiệm đấu tranh chống lại vi phạm ấy, theo đúng
quy định trong Điều 12 của Hiến pháp nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992:
"Các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã
hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân phải
nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống các tội phạm, các vi
phạm Hiến pháp và pháp luật."
Rõ ràng, nếu có quy định buộc một loại công dân nào đó
(kể cả công chức, sĩ quan và chiến sĩ trong lực lượng công an hay quân đội)
phải chấp hành cả những mệnh lệnh tiến hành công vụ vi phạm Hiến pháp, pháp
luật, thì quy định ấy vi phạm Điều 12 của Hiến pháp hiện hành, và hiển nhiên nó
phải bị hủy bỏ.
Tiếc rằng, có cả cán bộ, chiến sĩ quân đội tham gia cưỡng chế
gia đình ông Đoàn Văn Vươn, trong khi Hiến pháp năm 1992 xác định nhiệm vụ của
quân đội là bảo vệ Tổ quốc, chống ngoại xâm (Điều 46) và nhiệm vụ của công an
mới là bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội… (Điều 47). Tức là các
cán bộ, chiến sĩ ấy đã vượt khỏi khuôn khổ hoạt động của quân đội được quy định
trong Hiến pháp hiện hành. Đây là một vi phạm Hiến pháp nghiêm trọng, mang tính
nguyên tắc. Không thể biện hộ là do thiếu hiểu biết, vì đó là kiến thức pháp
luật tối thiểu và Luật số 16/1999/QH10 về sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam
đã quy định là sĩ quan phải có trình độ về pháp luật (Điều 12). Một khi
tham gia vào chuyện không được Hiến pháp cho phép thì không thể quan niệm là
các sĩ quan và chiến sĩ quân đội đã thi hành công vụ, và nếu quả thật cuộc
cưỡng chế gia đình ông Vươn là sai trái thì họ đã trở thành tòng phạm
trong một vụ việc xấu. Khi đó, nếu có bị thương thì cũng nên ráng chịu, thay vì
oán trách những người bị dồn vào bước đường cùng.
Kể cả trong trường hợp có vẻ như không vi phạm pháp luật
hiện hành thì người công chức cũng nên thận trọng xem xét khía cạnh đạo lý của
nhiệm vụ được giao. Đừng ỷ vào hai chữ "công vụ" và vị thế "thi
hành mệnh lệnh" mà cho rằng chúng đủ để bảo vệ mình vĩnh viễn. Biết
bao sĩ quan và binh sĩ của chế độ cũ đã bị giam vào trại cải tạo nhiều năm, mặc
dù họ có thể biện minh rằng họ chỉ thi hành mệnh lệnh theo đúng nghĩa vụ của
người lính và hành động của họ phù hợp với pháp luật của chế độ cũ.
Càng trung thành với chế độ thì càng phải ý thức rằng:
Trong số những mệnh lệnh, nhiệm vụ mà mình tiếp nhận, có thể có những cái mà hệ
quả của chúng là bôi nhọ và phá chế độ. Vụ cưỡng chế gia đình ông Đoàn Văn Vươn
là một trong rất nhiều trường hợp như vậy. Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nhận định
rằng:
"… rõ ràng vụ việc Tiên Lãng là một tổn thất chính
trị lớn cho uy tín của các cấp ủy và chính quyền Hải Phòng và ảnh hưởng xấu đến
cả nước."
Cho nên, nếu cứ mù quáng chấp hành mọi mệnh lệnh sai
trái thì sẽ có tội với chính chế độ mà mình đang phụng sự.
Phán xét cuối cùng không phải lời vàng ý ngọc của lãnh đạo, cũng không phải là phán xử của
tòa án, mà thuộc về nhân dân, thuộc về lịch sử. Nếu tham gia vào chuyện
bất nghĩa, thất đức, thì vỏ bọc công vụ sẽ không đủ để che chở trước sự lên án
của nhân dân và sự phán xét của lịch sử.
Tội chống người thi hành công vụ
Chế độ nào cũng có trách nhiệm bảo vệ người thi hành công
vụ. Chế độ này cũng rất tích cực trong việc ấy, thậm chí là trên cả mức hợp lý.
Khi có va chạm, xung đột, thì tội của những người thuộc bộ máy chính quyền hay
được nương nhẹ, thậm chí được bao che, còn tội của dân thường thì bị nghiêm
trị, nhiều khi nghiêm hơn cả mức cần thiết. Kiểu cư xử không công bằng, quá
nuông chiều người của chính quyền, đồng thời coi nhẹ dân thường, khiến nhiều
công chức, công an ngày càng trở nên quá trớn, hay lợi dụng lý do công vụ để
làm chuyện bất minh. Bức xúc dồn nén, dẫn đến hành động chống người thi hành
công vụ ngày càng gia tăng, đó cũng là quy luật.
Khi công vụ được thi hành một cách đúng đắn thì người
chống lại cần bị trừng phạt. Nhưng khi công vụ được thực hiện không đúng với
quy định của pháp luật thì không thể đòi hỏi người dân phải im lặng chấp thuận,
và không thể đơn giản kết tội chống đối nếu người dân có phản ứng tự vệ.
Bộ luật
hình sự của nước Đức được ban hành
vào năm 1871, với tội chống người thi hành công vụ được quy định ở Điều
113, trong đó viết rõ điều kiện áp dụng là công vụ được thực hiện đúng pháp
luật (rechtmäßige Ausübung). Tức là không thể mặc nhiên kết tội này cho
người chống lại nếu công vụ được thực hiện sai pháp luật. Điều kiện "thực
hiện đúng pháp luật" được duy trì trong Điều 113 suốt 98 năm,
"sống sót" qua 4 lần chỉnh sửa Bộ luật hình sự, kể cả lần chỉnh sửa
vào năm 1943 dưới thời phát xít. Đó là một yếu tố pháp lý quan trọng để bảo vệ
người dân trước khả năng lạm dụng quyền lực của bộ máy công quyền. Chưa yên tâm
với điều kiện đó, năm 1970 các nhà lập pháp Cộng hòa Liên bang Đức đã thay nó
bằng một điều khoản rõ ràng hơn, có tác dụng bảo vệ người dân triệt để hơn, đó
là:
"Hành động (chống người thi hành công vụ) không
thể bị xử phạt theo quy định này (tức là quy định trong Điều 113) nếu
việc thực hiện công vụ không đúng pháp luật."
Bộ luật hình sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội thông qua năm 1985 (trong đó tội chống người thi hành
công vụ được quy định ở Điều 205) và được sửa đổi, bổ sung 4 lần trong các
năm 1989, 1991, 1992 và 1997.
Năm 1999 Quốc hội thông qua Bộ luật hình sự mới (trong đó tội
chống người thi hành công vụ được quy định ở Điều 257) và nó đã được sửa
đổi, bổ sung vào năm 2009. Trong cả hai lần ban hành và qua 5
lần chỉnh sửa Bộ luật hình sự, điều về tội chống người thi hành công vụ
chỉ quy định một chiều về việc xử phạt đối với những người chống người thi hành
công vụ, mà không nhắc đến điều kiện công vụ phải được "thực hiện đúng
pháp luật", lại càng không có khoản nào để bảo vệ dân oan, buộc phải
tự vệ trước hành động vi phạm pháp luật của người mang danh thi hành công vụ. Xét
về phương diện này thì Bộ luật hình sự hiện hành của Việt Nam
không bằng Bộ luật hình sự của
Đức ra đời cách đây 141 năm, chỉ 4 tháng sau khi Đế chế Đức (Deutsches Kaiserreich, 1871-1918) được
thành lập.
Khiếm khuyết này của Bộ luật hình sự khiến các "con
trời" càng dễ ngộ nhận và tùy tiện chụp lên đầu người dân tội chống
người thi hành công vụ. Bị công an đánh mà giơ tay che chắn theo phản xạ tự
nhiên cũng có thể bị ghép cho tội ấy. Một số công an không mặc quân phục, không
xuất trình giấy tờ chứng minh tư cách công an, nhưng nếu người dân nghi ngờ và
không tuân theo đòi hỏi của họ, thì họ cũng có thể nổi nóng, vu cho người dân
tội chống đối. Trong vụ Tiên Lãng, khi xảy ra đụng độ, bà Nguyễn Thị Thương (vợ
ông Vươn) và bà Phạm Thị Báu (tức Hiền, vợ ông Quý) đứng trên đê, từ xa nhìn lại. Vậy mà hai
người phụ nữ yếu ớt ấy lại bị khởi tố về tội
chống người thi hành công vụ.
Dù xã hội văn minh đến đâu thì cũng vẫn xảy ra việc người
thi hành công vụ vô tình hay cố ý vi phạm pháp luật, khiến người dân phải tự vệ
một cách chính đáng. Cho nên, những quy định pháp lý như trong Bộ luật hình sự
của Đức để bảo vệ người dân trước khả năng công quyền bị lạm dụng là thực sự
cần thiết. Ở Việt Nam, khi mà sự tha hóa và tham nhũng đã làm ô nhiễm bộ máy
công quyền, công chức quá thiếu hiểu biết về pháp luật, tòa án hay xét xử tùy
tiện, thì những quy định để bảo vệ dân oan lại càng bức thiết. Rõ ràng, các
nhà lập pháp đang nợ nhân dân việc sửa đổi Điều 257 (về tội chống người
thi hành công vụ) của Bộ luật hình sự hiện hành, để đáp ứng đòi hỏi
cấp bách của cuộc sống.
Ngay cả với quy định hiện nay của Bộ luật hình sự thì
cũng không thể đơn giản buộc cho những người trong gia đình họ Đoàn tội
chống người thi hành công vụ, nếu không chứng minh được rằng việc cưỡng chế
là một công vụ đúng đắn, được thi hành theo đúng quy định của pháp luật, và mọi
người được huy động đều có đủ tư cách pháp lý để tham gia. Khi quyết định thu
hồi đất là sai thì việc cưỡng chế cũng sai. Cho dù coi quyết định thu hồi đất
của gia đình ông Đoàn Văn Vươn là đúng, thì việc lực lượng cưỡng chế có trang
bị vũ khí hiện đại tự tiện tiến vào khu đất không thuộc diện thu hồi và phá hủy ngôi
nhà của ông Đoàn Văn Quý nằm trên mảnh đất đó là hoàn toàn
sai.
Theo Quyết định thu hồi số 461/QĐ-UBND và Quyết định cưỡng chế số 3307/QĐ-UBND của UBND huyện Tiên Lãng thì phạm vi cưỡng chế chỉ là 19,3 ha đã được giao cho gia đình ông Vươn
theo Quyết định số 220/QĐ-UBND. Những người họ Đoàn không hề có mặt trên diện tích 19,3 ha ấy, không cản
đường vào khu vực ấy, nên không thể nói là họ chống lại lực lượng cưỡng chế,
nếu lực lượng này chỉ tiến hành cưỡng chế theo đúng Quyết định số 3307/QĐ-UBND.
Anh em họ Đoàn chỉ ở trong nhà của mình, trên mảnh đất hợp pháp của mình, vì
vậy họ có quyền tự vệ nếu có người tấn công họ.
Mục tiêu thực sự của cuộc cưỡng chế ở Tiên Lãng ngày 5/1/2012 là gì? Hãy xem An ninh Thủ đô
5/1/2012 tường thuật:
"Trước đó vào lúc 7 giờ 30, đoàn công tác của UBND
huyện Tiên Lãng gồm hơn 100 CBCS Công an, quân đội và
Bộ đội Biên phòng và đại diện các ban ngành chức năng tổ chức cưỡng chế diện tích đất hơn 50 ha đầm nuôi trồng thủy sản,
trồng cây ăn quả tại vùng bãi bồi ven của Đoàn Văn Vươn (SN 1960) đã đấu
thầu nhiều năm nhưng đến nay đã hết hạn và không chịu đóng thuế
trong thời gian dài."
"Để đảm bảo an toàn cho đoàn công tác cưỡng chế, một tổ công tác bí mật tiếp cận ngôi nhà của Vươn xây
dựng trên diện tích đất này thì bất ngờ một quả mìn tự
chế phát nổ hất văng 2 CBSC công an huyện Tiên Lãng làm bất tỉnh tại chỗ
nhưng rất may là không gây thương vong."
"... khi tổ công tác vừa áp
sát ngôi nhà thì bất ngờ từ trong nhà Vươn cùng người nhà chĩa súng bắn đạn hoa cải liên tiếp nhả đạn vào lực lượng chức
năng, làm 4 Cán bộ chiến sỹ Công an và một số cán bộ chiến sỹ quân đội bị thương."
Như vậy, ngay từ đầu người ta đã định cưỡng đoạt toàn
bộ diện tích đất mà gia đình ông Đoàn Văn Vươn đang sử dụng (tức bao gồm cả 21
ha không có quyết định thu hồi). Điều này cũng được Chủ tịch UBND huyện
Tiên Lãng Lê Văn Hiền đề cập trong cuộc họp báo chiều ngày 5/1/2012. Hơn
nữa, lực lượng vũ trang đã chủ động tiếp cận ngôi nhà của ông Đoàn Văn
Quý (mà An ninh Thủ đô gọi là "ngôi nhà của
Vươn"), nằm trên diện tích 21 ha
không thuộc diện thu hồi. Có nghĩa là ngôi nhà vô can và hợp pháp ấy đã bị
xác định là mục tiêu tấn công, trước khi người nhà họ Đoàn có bất cứ biểu hiện
chống đối nào. Chỉ khi lực lượng vũ trang tiếp
cận ngôi nhà của ông Quý thì quả mìn mới phát nổ và sau đó,
khi lực lượng ấy lại áp sát ngôi nhà thì đạn
hoa cải mới bắn ra.
Làm sao có thể biện minh được việc huy động
lực lượng công an và quân đội để tấn công vào nhà đất hợp pháp của công dân như
vậy? Chuyện "không chịu đóng thuế trong thời gian dài" được
đưa ra không chỉ để bổ sung thêm tội, mà có lẽ để biện hộ cho việc chiếm cả
diện tích 21 ha chưa hết hạn cho thuê. Cái mẹo không chịu nhận tiền thuế của
dân để sau này dễ bề "gây sự" đã trở thành kinh điển từ lâu. Có điều,
dân đóng thuế thì không chịu nhận, rồi lại vu cho dân không chịu đóng thuế,
thì quá vô liêm xỉ.
Nếu lực lượng cưỡng chế
chỉ tới diện tích 19,3 ha ghi trong Quyết định thu hồi số 461/QĐ-UBND và Quyết
định cưỡng chế số 3307/QĐ-UBND, không tùy tiện tiến vào khu vực 21 ha mà quyền quản lý và sử dụng hợp pháp hoàn toàn
thuộc về anh em họ Đoàn, không tiếp cận ngôi nhà của ông Quý, thì
mìn đã không nổ, súng đã không bắn và do đó không có ai bị thương cả. Vậy thì,
nói cho cùng, ai mới là người phải chịu trách nhiệm về việc 4 cán bộ, chiến sĩ
công an và 2 cán bộ quân đội bị thương? Nếu có tội giết người trong vụ
này, thì ai mới là người phải chịu tội ấy?
Giả sử công vụ không vi phạm pháp luật hiện hành,
thì khi phán xét về tội chống người thi hành công vụ cũng không thể bỏ
qua khía cạnh đạo lý. Vâng, có một thứ cao hơn cả pháp luật, bền hơn cả chế độ,
đó là đạo lý. Đất đã giao cho dân sử dụng bao nhiêu năm nay, dân đã đổ
biết bao công sức và tiền của để cải tạo và gây dựng, bây giờ chính quyền thu hồi mà không bồi thường, rồi giao cho
cá nhân khác, thì chẳng đạo lý nào chấp nhận được.
Trước khi lên án một hành động chống người thi hành
công vụ thì nên lưu ý là tội này không phải là một phạm trù tuyệt
đối, không phải là vĩnh cửu. Trên cương vị cầm quyền thì thấy hành động chống
người thi hành công vụ rõ ràng là một tội cần bị trừng trị nghiêm khắc,
không thể bàn cãi. Nhưng nếu chịu khó lục lại trí nhớ, quay về thuở còn đang
tìm cách giành chính quyền bằng bạo lực, sẽ thấy thời ấy quân ta cũng đã từng chống
người thi hành công vụ và giết người thi hành công vụ của chế độ cũ.
Những tiếng nổ tuyệt vọng làm cộng đồng tỉnh giấc, nhưng
cũng làm tan nát một đại gia đình. Giá mà mấy anh em họ Đoàn kiềm chế hơn…
Nhưng liệu họ còn có cách hành động nào khác, để cứu thành quả lao động vất vả
mấy chục năm và bao tỷ đồng còn vay nợ, hay không? Khiếu nại với chính quyền,
với tòa án địa phương ư? Thì họ đã làm rồi. Không thu được kết quả cần thiết, mà lại
còn bị lừa. Khiếu nại với chính quyền trung ương và tòa án
cấp cao hơn ư? Bao dân oan kéo về thủ đô đã bị trả về địa phương với lý do
không được khiếu kiện vượt cấp. Hơn nữa, kết quả của một số vụ xét xử gần đây
cho người dân cảm giác rằng cấp nào xử cũng vậy. Gửi kiến nghị cho X, Y, Z ư?
Ngay cả các bậc đại công thần gửi tâm thư cũng không nhận được hồi đáp, các trí
thức có tên tuổi kiến nghị hay khởi kiện cũng không được trả lời tử tế, vậy thì
những người như ông Vươn (đến cả cấp xã cũng
coi là dân ngụ cư nên
không cần quan tâm) có thể hy vọng gì? Có lẽ gia đình họ Đoàn
cảm thấy mọi nẻo đường hợp pháp đều đã bị chặn đứng, nên đành liều tự xử. Trách
nhiệm gây ra cảnh bất công cho gia đình ông Đoàn Văn Vươn có thể thuộc về một
số người trong bộ máy chính quyền ở Hải Phòng. Nhưng để cho người dân mất
hết niềm tin, manh động trong tuyệt vọng, thì trách nhiệm chắc chắn không chỉ
nằm ở cấp Hải Phòng.
Giá mà gia đình họ Đoàn kiên trì hơn, như bao người theo
đòi công lý suốt hàng chục năm không nản… Nhưng cũng nên thông cảm với sự sốt
ruột của những người chăn nuôi hải sản, không thể bỏ rơi đàn tôm cá hàng năm
trời. Vả lại, khi trời chưa kịp yên, sóng chưa kịp lặng, mà những người mới
tiếp quản đã vơ vét hàng chục tấn hải sản, thì làm sao
có thể đòi hỏi những người chủ thực sự của khối tài sản ấy điềm tĩnh được. Hoàn
cảnh của họ cũng giống như người mẹ nghe tiếng con trẻ khóc thét trong căn phòng
kẹt khóa bị hỏa hoạn, hiển nhiên là cuống cuồng tìm mọi cách để phá cửa ngay
lập tức.
Giá mà người nhà họ Đoàn không bắn vào lực lượng tham gia
cưỡng chế, vì họ chỉ là những người thừa hành… Tiếc thay, không mấy khi kẻ cầm
đầu ra trận. Cũng như trong các cuộc chiến tranh, cho dù mệnh lệnh sai trái
được phát ra từ bộ máy đầu não xa xôi, thì đạn cũng chỉ nhằm vào những người
lính đối phương đang lăn lộn trên chiến trường. Không nhằm vào đó thì biết nhằm
vào đâu nữa?
*
*
Trên đây tôi chỉ trao đổi một số khía cạnh liên quan đến
khái niệm "công vụ", "thi hành công vụ" và
"tội chống người thi hành công vụ". Hy vọng chúng sẽ có ích,
không chỉ cho việc xem xét vụ Tiên Lãng.
Tiếng nổ đã phát ra, không thu lại được nữa. Vấn đề còn
lại chỉ là đánh giá và xử lý như thế nào? Nếu cương quyết trừng trị bọn lộng
hành, tham nhũng và trả lại công bằng cho người dân, thì mới hy vọng khôi phục
được niềm tin của nhân dân và sự bình yên của xã hội. Nếu tiếp tục lấp liếm, xử
lý một cách thiên vị cho phía công quyền và dồn tội lên đầu nạn nhân, thì sẽ
góp phần đẩy đất nước vào một chu kỳ loạn lạc. Bức xúc dồn nén khắp nơi, có lẽ
đã ở mức tới hạn của phản ứng dây chuyền.
Tiếng nổ ở Tiên Lãng ngày 5/1/2012 chỉ dừng lại ở vai trò
cảnh tỉnh để phục hồi công bằng và luân lý, hay sẽ trở thành tiếng nổ khởi đầu
cho loạt nổ lan rộng tiếp theo, điều đó phụ thuộc vào cách xử lý của những
người cầm quyền đối với vụ Tiên Lãng.
Hà Nội, ngày 28/1/2012
No comments:
Post a Comment