21/05/2012 17:10
Tội
"chống người thi hành công vụ", mà trung tâm là xác định thế nào là
công vụ, vốn là một đề tài tranh luận không dứt trong suốt lịch sử phát triển
Nhà nước pháp quyền.
Thời quân chủ, chỉ cần nhân danh nhà
vua thì bất cứ ai cũng không được chống lại; không ai được hỏi lệnh vua đúng
hay sai.
Thủa ban đầu của Nhà nước quân chủ lập
hiến, thực thi công vụ được hiểu là mọi hoạt động nhân danh Nhà nước. Quá trình
phát triển Nhà nước pháp quyền chỉ ra rằng bản chất của hoạt động công vụ là sử
dụng quyền lực Nhà nước. Trong Nhà nước pháp quyền, bất kỳ hình thức sử dụng
quyền lực Nhà nước cũng phải được luật pháp cho phép. Nói một cách khác, mỗi
một hành vi, một hoạt động công vụ nào cũng phải căn cứ vào ít nhất là một điều
luật. Hoạt động sử dụng quyền lực Nhà nước mà không có cơ sở pháp lý (không căn
cứ trên một điều luật cụ thể nào) không những không phải là hoạt động công vụ,
mà còn là hành vi lợi dụng quyền lực Nhà nước.
Mặc dù trước kia, Luật hình sự của một
số nước phát triển không qui định rõ thế nào là công vụ để xác định khi nào thì
hành vi chống lại người sử dụng quyền lực Nhà nước không phải là chống người
thi hành công vụ; nhưng với nguyên tắc sử dụng quyền lực Nhà nước ở trên, giới
luật sư, luật học đã bảo vệ thành công nhiều trường hợp công dân phản ứng với
chính quyền. Tuy nhiên, trường phái theo chủ nghĩa răn đe trong Luật Hình sự
vẫn thuyết phục được nhiều người với lập luận rằng, khi chống lại người thi
hành công vụ, "Tội phạm“ thường mặc định rằng đó là hoạt động công vụ thật
sự và vì vậy rõ ràng là có chủ đích chống lại công vụ, chống người thi hành
công vụ. Luật hình sự phải trừng phạt người có chủ đích này để răn đe.
Tuy nhiên, ngày nay, lập luận rằng Nhà
nước pháp quyền hiện đại với trọng tâm là bảo vệ, bảo đảm phẩm giá con người
không thể đặt việc răn đe công dân lên trên nghĩa vụ và trách nhiệm tự ràng
buộc mình vào luật pháp, đã trở thành lập luận được đa số ủng hộ. Vì vậy, nhiều
nước, trong đó có CHLB Đức, đã bổ sung vào Luật hình sự điều khoản không trừng
phạt người chống lại "người thi hành công vụ“ nếu công vụ đó không có cơ
sở pháp lý ngay cả khi người này ngộ nhận đó là công vụ hợp pháp thật sự.
Như vậy, nếu vụ Tiên Lãng xảy ra tại một Nhà nước pháp quyền
như CHLB Đức chẳng hạn, thì ông Vươn không bị truy tố tội "chống người thi
hành công vụ“, mà cao nhất chỉ có thể về tội “tự vệ vượt quá giới hạn cần
thiết“. Nhưng với sự xem xét kỹ lưỡng, trong trường hợp cụ thể này, giới hạn
cần thiết là gì, liệu ông Vươn còn có cách nào khác để giải quyết ức chế của
mình, giải quyết vụ việc không? Thì phán quyết cuối cùng vẫn là vô tội. Ngược
lại, các cán bộ lãnh đạo huyện Tiên Lãng sẽ bị truy tố về tội lợi dụng quyền
lực Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng với bản án vài năm tù và bồi thường thiệt
hại cho gia đình ông Vươn cũng như cho những người trong lực lượng cưỡng chế bị
bị thương tật.
Tham khảo:
Khoản 3, Điều 113 Luật Hình sự CHLB Đức
(Chống lại người thi hành công vụ):
(3) Die Tat ist nicht nach dieser
Vorschrift strafbar, wenn die Diensthandlung nicht rechtmäßig ist. Dies gilt
auch dann, wenn der Täter irrig annimmt, die Diensthandlung sei rechtmäßig.
Hành động đó (chống lại người thi hành
công vụ - chú thích của người dịch) không bị trừng phạt theo qui định này (Điều
113), nếu hành động công vụ không đúng pháp luật, ngay cả khi thủ phạm (người
chống lại người thi hành công vụ - chú thích của ND) ngộ nhận rằng hành động công
vụ đó là hợp pháp.
GS TS Nguyễn Vân Nam
No comments:
Post a Comment