Thursday, 4 April 2013

VỀ VỤ ĐOÀN VĂN VƯƠN : ĐẠO LÝ & LUẬT PHÁP (Đoàn Vương Thanh)




Đoàn Vương Thanh
4-4-2013

Mấy hôm nay, tôi bỏ cả ăn ngủ để theo dõi thông tin về vụ án Đoàn Văn Vươn và gia đình, người thân của anh trên thông tin của Đảng và Nhà nước và trên các trang mạng chủ yếu. Là một người cao tuổi, đã từng có thời gian tuổi trẻ đi theo Đảng và chiến đấu dưới lá cờ của Đảng, đã nhiều năm tháng tin vào Đảng như tin vào một chủ thuyết tôn giáo, tôi có nhiều suy nghĩ và đặt câu hỏi cho chính mình đòi hỏi chính mình thử giải đáp xem sao.

Như mọi người đã biết, vụ án Đoàn Văn Vươn xảy ra từ đầu năm 2012, đến nay đã quá một năm, anh và một số người trong gia đình anh đã bị tạm giam “chờ ngày xét xử”, nhưng đã phải chờ đến 15 tháng mới có phiên tòa xử Đoàn Văn Vươn và anh em, vợ con những người trong gia đình anh về vụ “Tiên Lãng”. Vụ Tiên Lãng đã làm nóng dư luận một thời gian và nhiều báo chí, nhiều trang mạng đã công phu viết bài về nhiều khía cạnh xung quanh vụ này. Tuy nhiên, đến nay, Tòa án Nhân dân Hải Phòng mới mang ra xử “công khai” mà không công khai như Luật sư Trần Đình Triển đã nêu rõ trong bài viết của mình. Báo chí chính thống thì hình như đã được giao cho TTXVN là người đưa tin chính, các báo khác cũng điểm qua, nhưng chủ yếu là theo tin TTXVN để khỏi bị “oan gia”. Mấy ông Tổng biên tập các báo khác đã “an toàn hơn” khi chỉ lấy tin từ TTXVN.

Thật ra, một vụ án như vụ án Đoàn Văn Vươn cũng như rất nhiều vụ, có vụ xử đúng, có vụ xử oan, và án oan, án không giải thích được, như ông Trương Hòa Bình, Chánh án Tòa tối cao đã nói trong phiên chất vấn của UBTVQH vừa qua. Theo tôi, vụ án Đoàn Văn Vươn như mọi người thấy rõ chủ thể của nó là việc cương chế trái phép (như kết luận của Thủ tướng rồi) và sự phản ứng tự vệ của người “bị cưỡng chế”. Bất kể vì động cơ như thế nào, hai phía “mâu thuấn” với nhau đã được Chính phủ kết luận rồi, khó lòng bàn cãi thêm. Nhưng tại sao lại có phiên tòa xử Đoàn Văn Vươn và một số thành viên trong gia đình anh về tội “giết người và chống người thì hành công vụ ?” Chà, tội danh mới lớn làm sao, nếu không bị tù nặng thì cũng phải chung thân và có thể bị án tử hình, vì “sát nhân giả tử” mà.

Theo dõi dư luận nhiều chiều (ngày nay độc giả có thể dùng phương tiện của mình theo dõi thông tin nhiều chiều, nhiều phía trước những sự kiện), tôi chỉ xin phát biểu đôi điều, còn về “luận tội” và phát biểu luật pháp đã có nhiều người làm luật, nhiều luật sư lên tiếng.. Một nguyên điều tra viên công an Thanh Hóa khẳng định: “Ông Đoàn Văn Vươn và những người trong gia đình ông không có tội” với nhưng dẫn giải đầy thuyết phục của một “điều tra” viên giầu kinh nghiệm. Trong ý kiến của mình, “điều tra viên” này nói: “Có một điều đáng buồn là “người ta” chỉ nghĩ đến định tội danh cho ông Đoàn Văn Vươn mà không định tội danh cho những người lãnh đạo chỉ huy lực lượng xâm phạm trái phép luật quyền bất khả xâm phạm nơi ở và cố ý hủy hoại tài sản nhà ông Vươn ? Về luật, họ hoàn toàn có đủ căn cứ phạm tội. Hay họ quan niệm chỉ những thằng dân đen mới có tội !” Như vậy, thì kể cả luật pháp và đạo lý, đạo lý và luật pháp cũng đều bị xâm phạm và đều bị chà đạp một cách không thương tiếc. Còn luật sư Trần Đình Triển nói gì ? Ông viết: “Điều đáng bàn nhất là lời khai của những người “bị hại” và của nhân chứng là mâu thuẫn nhau, “tát” vào miệng nhau tại phiên tòa với những nội dung chủ yếu là: có trang bị vũ khí hay không? Có bắn trước hay bắn sau ? Vết đạn trên tường, áo giáp, mũ bảo vệ…Việc thi hành có đúng luật hay không ? Đi vào nhà người khác không được đồng tình của chủ nhà…khi kíp nổ là sự cảnh báo ngăn chặn sự cưỡng chế và xâm phạm vào nhà ở trái pháp luật của anh Đoàn Văn Quý, nhưng lực lượng cưỡng chế vẫn tiếp tục xông vào ? Đây không những là việc thi hành luật pháp chưa nghiêm (có phần liều lĩnh, coi thường luật pháp hiện hành mà còn là vấn đề đạo đức, vấn đề đạo lý nữa).

Trong cáo trạng đối với Đoàn Văn Vươn và người thân trong gia đình anh, người viết cáo trạng thậm chí dùng từ tiếng Việt còn non nớt quá đỗi. Đặc biệt là những từ thể hiện khái niệm trong văn bản pháp luật phải rất chặt chẽ, rất kín kẽ, không được phép tùy tiện. Ví dụ, Tòa chưa xử là Đoàn Văn Vươn và người thân có phạm tội “giết người” không mà đã nêu thành “tít” vụ xử là “Giết người và chống lại người thi hành công vụ”. Tội giết người thì sau phiên tòa mới tuyên, chắc là không có, vì không có ai chết, chỉ bị thương nhẹ thôi nay đã khởi và không đòi được đền bù. Còn tội “chống người thi hành công vụ” thì chao ôi, với mấy người đàn bà không một thứ vũ khí nào trong tay như mẹ và hai người vợ của anh em Đoàn Văn Vươn, vì quá xót của đã chuẩn bị một vài dụng cụ không có tác dụng nhiều để đối phó với “đội quân cưỡng chế” hàng trăm người có trang bị “đến tận răng”, thử hỏi họ làm sao mà chống lại được và chống lại để làm gì? Vũ khí tự tạo không có thể giết người trực tiếp và mấy người đàn bà quanh năm chân lấm tay bùn, hiền lành như cục đất, làm sao dám chống lại người thi hành công vụ gồm cả công an, cảnh sát và rất tiếc lại có cả bộ đội “con em nhân dân” nữa. Đó là thuộc phạm trù đạo lý. Đảng Cộng sản ta luôn giáo dục đảng viên và nhân dân sống có đạo lý làm người. Vậy lực lượng cưỡng chế ở Tiên Láng đấu năm 2012, có đạo lý không ? Kẻ nào đã dùng quân đội vào vụ này, có bị pháp luật trừng trị không? Tôi là một CCB, tôi không thể hiểu nổi người ta lại dùng quân đội nhân dân vào vụ “cương chế” đất đai này ! Phải chăng, sau kết luận của Thủ tướng Chính phủ “cưỡng chế trái pháp luật”, một số cán bộ từ thành phố, huyện Tiên Lãng đến xã Vinh Quang đã bị kỷ luật, tức là mất địa vị và mồi ngon, bây giờ lợi dụng một câu nói cho “cân bằng” của Thủ tướng đã dựng lên vụ xử án Đoàn Văn Vươn để cố ý trả thù người dân đen thấp cổ bé miệng.

Đoàn Văn Vươn và những người trong gia đình anh hoàn toàn không có tội, chỉ vì ép anh ấy đến chân tường, anh ấy và các người nhà anh ấy phải tự vệ mà thôi. Xử phạt tù anh ấy dù chỉ một ngày cũng là một sự trả thù hèn hạ, làm trái với lời dạy của Bác Hồ khi nói về đạo lý làm người ! Trong trả lời chất vấn của thành viên dự họp UBTVQH vừa qua, ông Trương Hòa Bình, chánh án Tòa án Tối cao thừa nhận hiện còn hàng nghìn vụ án oan sai, còn hàng trăm vụ án xử rồi mà chưa giải thích nổi. Ôi, những vụ xử oan ấy, liệu có bao nhiêu người dân vô tội bị tù, bị “xử trí” Ai sẽ là người gỡ mối oan nghiệt này cho họ. Lịch sử chưa xa của đất nước ta, có rất nhiều “án oan” và án oan thì người bị oan, liệu trời có thấu cho chăng ? Vài ba vạn người, có nhiều đảng viên của Đảng bị xử trí oan trong CCRĐ là do sai lầm khuyết điểm của Đảng ta, nhưng tại sao lại sai lầm, tại “giáo điều” hay “tả khuynh”, biết sai có sửa hay chỉ sửa nửa với chưa triệt để, người bị oan chưa được trả lại đúng vị trí làm người của họ. Và không chỉ có trong cải cách ruộng đất mà còn khá nhiều vụ án oan nữa, Đảng và Nhà nước có “sửa sai” cho họ không ? Gần đây nhất là vụ Bà Anh hùng lao động Ba Sương ở Hậu Giang, ai đã làm sai, người làm sai có bị “xử trí” thích đáng không hay là vẫn cứ nhơn nhơn, vênh cái mặt lên như là “bánh đã nướng” ?

Vụ án Đoàn Văn Vươn đã chót mở tòa, đã chót xử, và đã chót ép cung, mớm cung dụ cung rồi thì tốt nhất là tuyên vô tội mới được lòng dân, không chồng chất thêm “sự mất lòng dân” nhiều hơn nữa, để như Tổng bí thư của Đảng đã nói, “có nguy cơ ảnh hưởng đến tồn vong của Đảng, của chế độ !”./.

Tác giả gửi cho quechoa.vn
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)




No comments:

Post a Comment

View My Stats