Sunday 7 April 2013

HỒI KÝ "TRÊN NHỮNG NẺO ĐƯỜNG CHIẾN TRANH" - PHẦN III: MỘT CUỘC HÀNH QUYẾT (Nguyễn Anh Dũng)




Nguyễn Anh Dũng
Nhà giáo-Cựu chiến binh, Hà Nội
05/04/2013
.
Lệnh động viên cục bộ năm 1971, chuẩn bị cho chiến dịch năm 1972. Chúng tôi rời miền Bắc vào Nam, để bổ xung quân số cho trung đoàn 1 (Đoàn Ba Gia), sư đoàn 2 được gọi là quân giải phóng Miền Nam. Đang dừng chân tại tỉnh Xavannakhet thuộc vương quốc Lào.

Là những lính mới, hàng ngày chúng tôi phải thay nhau đi kiếm rau, đào củ rừng hoặc chặt cây đót lấy nõn để làm thức ăn. Vừa học tập, làm quen với nhiệm vụ của một đơn vị chủ lực, cơ động tác chiến tại địa bàn Tây nguyên và khu 5. Ngoài lúc làm nhiệm vu, anh em lính cũ, lính mới lại chuyện trò tâm sự. Tình cờ được nghe kể lại câu chuyện mà cho đến bây giờ, Tôi vẫn không thể nào quên cho dù đã 42 năm trôi qua:

Vào một ngày nọ sau cuộc hành quân trên đất Lào, khi đến bãi khách mọi người chuẩn bị căng tăng võng làm chỗ ngủ qua đêm, đồng thời phân công nhau phụ giúp anh nuôi chuẩn bị bữa ăn chiều.

Trời còn sớm, mấy anh lính trẻ rủ nhau ra suối câu cá, cải thiện bữa ăn cho đơn vị. Cần câu đã chuẩn bị xong, họ vào rừng đào giun để làm mồi. Dưới tán cây, thấy một chỗ đất xốp như mới được lấp, họ mừng rỡ vì nghĩ rằng: “Ai đó đã chôn giấu chiến lợi phẩm ở đây”?

Họ ra sức đào bới, bỗng mũi dao găm chạm phải một vật cứng, khi lớp đất được bóc đi. Thì hiện ra chiếc chân người đi chiếc giầy nhỏ, không phải loại giầy của lính ta, thì ra đây là xác của một người con gái. Kinh hoàng trước sự việc trên, họ báo cáo về chỉ huy đơn vị và nhanh chóng được làm rõ: “Đó là xác nữ biệt kích người Lào bị chết và mới được chôn hôm qua”. Chuyện tưởng chẳng có gì lạ, mọi chuyện rồi cũng qua đi, bởi nó là chuyện bình thường trong chiến tranh.

Thế nhưng lại tình cờ, tôi được nghe cậu Tỉnh quê Hải Dương cùng trung đội kể lại rõ ràng sự việc đó:

Sau chiến dịch đường 9 nam Lào tháng 3/1971, chống lại cuộc hành quân “Lam Sơn 719″ của quân Mỹ và VNCH. Khi hành quân trên đất Lào, đơn vị bắt được một toán biệt kích của quân chính phủ hoành gia Lào. Chúng gồm có 5 tên, 3 nam và 2 nữ trong đó có 1 nữ rất trẻ khoảng 17 tuổi. Việc áp giải và canh giữ tốp biệt kích này được giao cho đơn vị trinh sát của sư đoàn. Nếu để tốp biệt kích này trốn thoát thì sẽ bị lộ bí mật, hậu quả khôn lường. Nếu trao trả cho bộ đội cộng sản Pathet Lào, thì theo chủ chương của họ, chỉ một thời gian sau chúng lại được thả, do dân số của Lào có ít.

Đơn vị quyết định thủ tiêu tốp biệt kích này, nhưng không dùng súng mà chỉ được dùng dao.

Tỉnh kể tiếp: Em được giao nhiệm vụ giết con biệt kích trẻ. Mấy ngày đầu dẫn nó đi, Em phải canh giữ nó mọi lúc từ đi lại, ăn ngủ, tắm rửa kể cả lúc nó .. đi vệ sinh. Nó trẻ và hồn nhiên, nói cười suốt như là đang đi chơi, chứ không phải đang ở trong cuộc chiến.

Lệnh hành quyết: Ngày cuối cùng, buổi chiều khi đến bãi khách. Em dẫn nó đi vào trong rừng, ra phía bờ suối, thấy lạ nó hỏi: “Mày đưa tao đi đâu”? Em không trả lời, nó lại gặng hỏi, mãi sau em đành phải nói dối là: “Đi gặp chỉ huy”.

Đến nơi thuận tiện có chiếc hố đã đào sẵn, Em trói tay nó ra sau, bịt miệng, đá chân cho nó quỳ xuống. Cảm nhận được sự nguy hiểm, mặt nó tái đi, măt mở tròn đẫm lệ, miêng ú ớ kêu gào, đầu cứ gật lia lịa như để cầu xin tha mạng. Trước cảnh tượng đó, Em như không làm chủ được mình, liền túm tóc ngửa cổ nó lên, vung con lê AR15 nhằm thẳng ngực nó đâm xuống. Máu phụt ra đầy người, nó dẫy dụa, lăn lộn, rống lên những tiếng kêu thảm thiết. Sau nhiều nhát dao, nó lả dần rồi chết. Em vứt dao xuống hố, ra suối tắm sạch máu rồi đi về, việc chôn xác được giao cho người khác.

Chuyện kể tiếp: Bị ám ảnh bởi sự việc trên, Tỉnh bị ốm, sốt cao tâm thần bất ổn, phải đưa về đơn vị quân y điều trị. Có lúc nửa đêm cứ tồng ngồng chạy ra suối nói cười, đùa nghịch, mấy cậu cảnh vệ cũng không giữ nổi. Sau đó phải dùng mấy cô hộ lý trẻ, với lời nói nhẹ nhàng tình cảm, dỗ dành mãi mới đưa được Tỉnh trở về đơn vị. Sau khi bình phục, Tỉnh được điều về làm lính bộ binh.

Trên đường hành quân vào đánh thị xã Kon Tum, khoảng tháng 5/1972. Một hôm vào buổi trưa, đơn vị được lệnh dừng chân nghỉ và ăn cơm. Tôi mở Ănggo, khẩu phần ăn chỉ là những lát sắn khô luộc rồi sào với ít muối.

Bỗng những ánh chớp xanh lóe lên, mọi người vội lao đầu vào chiếc hầm chữ A gần đó. Mặt đất rung chuyển, những tiếng nổ chát chúa, đất đá, cây cối bay tứ tung, từng đợt hơi nóng, khét lẹt ập vào. Đợt 1 .. yên lặng, đợt 2 .. yên lặng, đợt 3 .. yên lặng, một sự yên lặng chết người. Mọi người từ từ rút đầu ra khỏi hầm và quan sát động tĩnh. Trước mắt là một khung cảnh tan hoang, cả một vạt rừng bị san phẳng, không khí đặc sệt mùi thuốc bom. Đâu đây có tiếng kêu rên của thương binh, tiếng gọi nhau ý ới để tìm đồng đội trong số những người đã hy sinh. Đơn vị đã bị trúng bom của máy bay B52.

Tỉnh bị thương cụt 2 chân, đã được băng nhưng máu vẫn chẩy ra nhiều, đang nằm trong cáng đợi chuyển thương, đứng bên cạnh chăm sóc là trung đội phó tên Hòa. Lúc tôi gặp, Tỉnh chỉ nói được một cách yếu ớt: “Anh Dũng ơi, Em bị thương không sống được anh ạ, hãy trả thù cho em”, sau đó ít ngày Tôi được tin Tỉnh đã hy sinh.
Đó là câu chuyện buồn, đối với người lính của cả hai phía chiến tuyến! Liệu cái chết của Tỉnh có liên quan gì tới cái chết của nữ biệt kích Lào kia không?

Thỏa thuận quốc tế giữa 60 nước, về đối xử nhân đạo đối với tù và hàng bình trong chiến tranh. Ký tại Giơnevơ ngày 12.8.1949 có 6 phần, 143 điều, các nước ký kết công ước cam kết:

“Tù bình được nới nhẹ khỏi những điều kiện ngặt nghèo của cuộc sống bị giam giữ tập trung, được chăm sóc về ăn ở, chữa bệnh, được trao đổi thư từ, cầu nguyện, làm lễ theo nghi thức tôn giáo của họ. Khi phạm tội, phạm kỷ luật được xét xử theo nguyên tắc pháp lý chung”. Việt Nam gia nhập công ước vào ngày 5.6.1957.

Việc hành quyết tốp biệt kích người Lào, với hình thức tàn bạo như thời trung cổ đã vi phạm công ước quốc tế, là tội phạm chiến tranh (Điều 343 LHS).

Những sự việc nêu trên đã nói lên điều gì? Thực chất mối quan hệ Việt – Lào như thế nào. Xin hãy để công luận phán xét.

Luận bàn: Vụ hành quyết một cách tàn bạo như trên, xẩy ra trong chiến tranh đã là một điều không thể chấp nhận. Ngày nay tại thủ đô Hà Nội, nơi tập trung các cơ quan đầu não của chế độ, nơi được gọi là “Thành phố vì hòa bình”.

Thế nhưng vụ viên trung tá công an Nguyễn Văn Ninh, vung dùi cui đánh gẫy cổ, dẫn đến cái chết của ông Trịnh Xuân Tùng vào ngày 8/3/2011, ở quận Hai Bà Trưng. Vụ xuyên tạc lời nói của tổng GM Ngô Quang Kiệt, khi làm việc với UBND TP Hà Nội ngày 20/9/2008. Vụ chủ nhiệm UBTP của quốc hội Nguyễn Văn Hiện, ngày 16/9/2003 cướp đất, dồn gia đình gồm 3 thế hệ vào bước đường cùng nhằm bức tử, tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân. Tất cả đã nói lên tính chất tàn bạo và sảo trá của những người nhân danh nước cộng hòa XHCN Việt Nam, do Đảng CS lãnh đạo.

Vì vậy yêu cầu bãi bỏ điều 4 HP 1992, thực hiện đa đảng, tam quyền phân lập, đã trở thành tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Một tất yếu khách quan, trong cuộc góp ý sửa đổi Hiến Pháp đang diễn ra hiện nay.
.
Hà Nội ngày 24 tháng 2 năm 2013
.
Nơi nhận: Blogger
- Bộ chính trị
- Các cơ quan báo chí trong và ngoài nước.
- Đoàn ĐB Quốc Hội các tỉnh, thành phố
.
Nguyễn Anh Dũng
Nhà giáo-Cựu chiến binh
Địa chỉ số 5 ngách 12/87 Chính Kinh, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội. ĐT: (04) 38583514, DĐ 0984535494, Gmail: xuannho.vu1@gmail.com

GHI CHÚ: Kèm theo thư ngỏ đề ngày 14/2/2013. Gửi: Bộ chính trị

Tác giả gửi cho Nguyễn Tường Thụy's Blog



--------------------------------------------



Hà Nội, ngày 14 tháng 02 năm 2013

                                                    THƯ NGỎ

        Kính gửi: BỘ CHÍNH TRỊ, TRUNG ƯƠNG ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
               Đồng kính gửi: Ông trưởng BCĐ TW về phòng chống tham nhũng

 Tôi là: Nguyễn Anh Dũng, tuổi 66. Hội viên hội cựu chiến binh VN. Nguyên giảng viên trường cao đẳng kinh tế công nghiệp Hà nội.

 Đầu xuân năm mới Quý Tỵ, tôi xin gửi tới quý vị lời chúc sức khỏe, hạnh phúc để lãnh đạo đất nước ngày một tốt đẹp hơn. Đồng thời xin được trình bầy vấn đề sau đây:

Chủ nhiệm uỷ ban tư pháp của quốc hội khoá XIII, ủy viên BCĐ TW  về phòng chống tham nhũng Nguyễn Văn Hiện. Nguyên uỷ viên trung ương đảng khoá X; Đại biểu quốc hội khoá XI; Chánh án toà án NDTC; Phó ban chỉ đạo cải cách tư pháp VP chủ tịch nước.

1.     Tham nhũng về kinh tế:
Bằng quyết định số 61/KNDS ngày 12/9/2003 kháng nghị bản án phúc thẩm số 118/DSPT ngày 22/5/2003 của toà án nhân dân TP Hà Nội, đã được thi hành án xong ngày 08/9/2003.

 Đã tạo nên vụ án oan sai nhằm: Trục lợi và hủy hoại tài sản hợp pháp của công dân trị giá: 28.374.230.000đ (Đơn đề 05/12/2010). Trong vụ án “Đòi lại đất đã giao cho người khác sử dụng" từ ngày 01/5/1983 để nhận tiền bồi hoàn, tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội.

2.     Tham nhũng về chính trị:
Sau một nhiệm kỳ bị mất hết các chức vụ, với lòng ham mê quyền lực. Bằng thủ đoạn lừa dối cấp trên và cử tri, để tiếp tục trục lợi và chạy tội bằng đặc quyền của đại biểu quốc hội.

Giờ đây khi xuất hiện trong các cuộc họp của UBTV quốc hội, trong các hội nghị đầu ngành tòa án, viện kiểm sát, ban chỉ đạo TW về phòng chống tham nhũng. Lại lớn tiếng dậy người khác về .. “Chống tham nhũng” và khẳng định: “Lờ tham nhũng, đỡ trách nhiệm” .. “Khó tránh được việc bao che cho tham nhũng”. Thậm chí còn đổ lỗi: “Chưa có quy định khái niệm về người đứng đầu” (Dân Trí.com.vn,  ngày 18/9/2012).

Có thể nói Nguyễn Văn Hiện đã lợi dụng chức vụ, sử dụng diễn đàn của quốc hội ngang nhiên tuyên truyền, bảo kê cho hành vi tham nhũng. Đã góp phần đưa ngành tư pháp Việt Nam trở thành một trong 3 ngành có tỷ lệ các quan chức tham nhũng nhiều nhất (Báo Pháp Luật VN, 11/12/2007). Làm mất uy tín của các cơ quan, mà ông ta là một trong những người đại diện.

Những việc làm sai trái nêu trên đã được chứng minh trong các đơn thư khiếu nại, đơn tố cáo từ ngày 23/12/2003. Theo hướng dẫn của một số cơ quan của TW Đảng và nhà nước, thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết  thuộc ủy ban kiểm tra và bộ chính trị TW Đảng.

 Đến nay đã gần 10 năm, với không dưới 1500 lần đơn thư gửi đi, vẫn không một lần được giải quyết. Tức là đã có sự xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo (Đ 132 LHS) của công dân. Sự vụ hoàn toàn chìm trong im lặng, đã mặc nhiên thừa nhận: Đơn thư khiếu tố là đúng sự thật vì vậy quyết định kháng nghị số 61 của chánh án Nguyễn Văn Hiện là trái pháp luật (Đ 296 LHS). 

Việt Nam là nhà nước pháp quyền, quản lý xã hội bằng pháp luật (Đ 4, 12 HP). Vì vậy vụ án oan sai này không thể bị đánh "Chìm xuồng", mà hoàn toàn có thể giải quyết theo 2 cách:

Cách 1: Giải quyết đơn tố cáo và báo tin về tội phạm, đề ngày 10/10/2012 (Kèm theo) đối với Nguyễn Văn Hiện. Theo quy định kèm theo quyết định số 190-QĐ/TW ngày 29/9/2008 của BCT về việc giải quyết đơn tố cáo đối với đảng viên là cán bộ thuộc diện TW quản lý.

 Cách 2: Giải quyết đơn khởi kiện thường dân Nguyễn Thị Minh Châu, về hành vi "Lừa đảo, cố ý làm trái pháp luật để chiếm đoạt tài sản" đề ngày 04/02/2012" (Kèm theo). Theo quy định tại điều 122, 139 Luật HS. Điều 52, 100, 103, 105 Luật tố tụng HS.

Chúng tôi đã cố gắng kiên nhẫn chờ đợi, nhưng sức chịu đựng cũng chỉ có hạn. Vì vậy kể từ  khi gửi thư ngỏ này, đến hết thời hạn do luật định, nếu một trong 2 cách nêu trên không được giải quyết đúng pháp luật. Thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân. Tôi sẽ công bố bức thư ngỏ này và tài liệu quan trọng liên quan đến một khía cạnh của cuộc chiến được gọi là giải phóng miền nam.

Khi những tài liệu này được công bố, có khả năng sẽ gây nên phản ứng mạnh, lúc đó công luận trong nước và quốc tế, sẽ phán xét và hậu quả của nó không thể lường hết được. Hiện tại tài liệu này đang được cất giữ tại nơi tin cậy, nó chỉ được công bố khi không còn biện pháp nào khác.

Kính mong trung ương Đảng và nhà nước quan tâm giải quyết. Tôi xin chân thành cám ơn.

         Nơi nhận:                                                                KÍNH THƯ
- Như trên
- BCH trung ương Đảng
- Đoàn ĐB quốc hội các tỉnh, TP  
- Ô Nguyễn Bá Thanh, phó trưởng ban CĐ TW
   Về phòng chống tham nhũng.
- Các cơ quan báo chí trong và ngoài nước.                             
                                                                                         Nguyễn Anh Dũng
                                                                                                                                                         

      Địa chỉ số 5 ngách 12/87 Chính Kinh, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội.   ĐT: (04) 38583514, DĐ  0984535494,  Gmail: xuannho.vu1@gmail.com



No comments:

Post a Comment

View My Stats