Sunday, 7 April 2013

GIẤC MƠ CỦA ĐOÀN VĂN VƯƠN ĐI VỀ ĐÂU ? (Hiệu Minh)




Saturday, April 6th, 2013 at 3:19 am

Còn nhớ sau 1954, tại miền Bắc, hàng chục triệu nông dân vui sướng khi tên mình được ghi trên cái biển cắm trên mảnh ruộng.

Nhưng giấc mơ làm chủ của người nông dân ngắn chẳng tầy gang. Vài năm sau tất cả đã được hợp tác hóa. Từ mảnh ruộng đến con trâu, cái cầy đều thuộc vào sở hữu tập thể, một khái niệm cóp nhặt của Liên Xô và Trung Quốc.

Sự thất bại thảm hại của làm chủ tập thể và hợp tác xã không nằm ngoài tiên lượng. Cũng may, năm 1986, họ cũng biết “đổi mới”, thực chất là sửa sai, hợp tác xã bị xóa bỏ.

Do chính sách khoán 10 “trả lại ruộng cho người nông dân”, từ một nước phải đi xin viện trợ từng bao bo bo mà nước bạn dùng cho bò ăn, về phân phối cho dân chống đói, Việt Nam thành nước thừa gạo.
Diện tích cấy trồng vẫn thế, dân số tăng gần gấp đôi, thế mà xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới.
Nông dân được trả lại “giấc mơ người cày có ruộng” dù chỉ là 50 năm, sự kỳ diệu đã xảy ra trên đất nước này mà không cần bất kỳ sự chỉ đạo nào.

Hơn nửa thế kỷ sau, nhân danh hội nhập, phát triển, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đi tắt đón đầu, chuyện cướp đất của nông dân xảy ra như cơm bữa.

Ngày 22-7-2010, tờ báo Đời sống & Pháp luật đăng bài về Đoàn Văn Vươn, một kỳ tài đất Tiên Lãng và cuộc chinh phục biển. Hơn một năm sau, người hùng lấn biển nay đã ngồi tù.

Tôi nhớ bài viết có đoạn kết rất lãng mạn “Đứng với anh trên con đê nơi có cống Rộc, phóng tầm mắt nhìn ra, ngút ngát một mầu xanh, mầu xanh tươi từng thấm đẫm cả máu, mồ hôi và công sức. Phía xa hình như đang có một cơn giông.”

Cơn giông thiên tai đã nghiệt ngã, từng cuốn trôi bao công sức và cả đứa con gái của anh, nhưng cuối cùng đã phải thua Đoàn Văn Vươn vì ý chí lấn biển làm giầu.

Nhưng cả tác giả bài viết và anh Vươn lại không tiên liệu “cơn giông nhân tai” mới thực sự tàn nhẫn.
Hơn một năm sau khi bài báo được đăng, tháng 1-2012, một cuộc cưỡng chế sai trái của chính quyền huyện Tiên Lãng đã xảy ra.

Tất cả chỉ vì miếng đất đẹp cạnh biển do người nông dân Vươn cùng gia đình khai khẩn mà nên và kẻ khác tìm cách cưỡng đoạt dưới danh nghĩa “Đất đai là sở hữu toàn dân và do nhà nước quản lý”.

Ngày 4-4-2013, tòa án Hải Phòng đã tuyên án anh Vươn tù 5 năm. “Cơn giông nhân tai” ấy đã đưa anh và toàn bộ gia đình vào vòng lao lý, kết thúc giấc mơ lấn biển của một người nông dân từng mang áo lính.

Hôm nay, nếu anh Đoàn Văn Vươn được tha bổng tại tòa, về cống Rộc, nhìn lại cơ ngơi đã tan hoang, con gái bị biển cuốn trôi, anh em bị tù tội, thì liệu rằng anh còn ước mong chinh phục biển như xưa.
Kẻ nào đã đang tâm phá tan giấc mơ của Đoàn Văn Vươn cũng như của bất kỳ người nông dân nào có ý định khai phá ruộng hoang và ước làm chủ ruộng đồng.

Năm năm tù giam với một người đã đáng sợ. Nhưng đáng sợ hơn là sự tù đầy sức sáng tạo và ý chí vươn lên của mấy chục triệu người nông dân xứ Việt với giấc mơ muốn làm chủ mảnh ruộng của chính mình.

Ở thế kỷ 21 không phải quốc gia nào sở hữu vũ khí nguyên tử mới thống trị thế giới, mà chính là đất nước nào là nguồn cung cấp lương thực cho nhân loại sẽ lãnh đạo trái đất.

Hiểu điều đó rồi thì bàn về Hiến pháp và sở hữu đất đai sẽ dễ hơn nhiều, giúp cho giấc mơ của những người nông dân như Đoàn Văn Vươn không thể thành ác mộng.

HM. 5-4-2013

Tham khảo “Kỳ tài đất Tiên Lãng và cuộc chinh phục biển” trên viet-studies

--------------------------


XEM THÊM :

Nguyễn Việt
Chủ Nhật, 07/04/2013

Kính thưa anh,

Đọc bài viết „Đoàn Văn Vươn và thái độ nhà văn“ của anh, tôi rất đồng cảm với nhiều suy nghĩ của anh về vụ án bất minh này.

Trước tiên tôi thấy được an ủi, vì một nhà văn tuy đã có cuộc sống ấm êm ở hải ngoại như anh cũng tỏ ra bất bình khi theo dõi sự oan khuất của gia đình anh Vươn. Điều này chứng tỏ, ngày càng có nhiều người quan tâm đến những gì đang xảy ra trên đất nước ta, tuy nghiệt ngã thay, số người này vẫn là thiểu số trong tổng số 90 triệu người Việt.

Việc một dân tộc với truyền thống „nhiễu điều phủ lấy giá gương“ mà chỉ trong vòng mấy chục năm qua, đã trở nên một dân tộc lãnh cảm và ích kỷ đến như vậy có liên quan đến một vấn đề mà có thể anh cũng biết. Đó là "chế độ toàn trị" với sức mạnh phá hủy nền tảng đạo đức xã hội. Như nhà báo trẻ Nguyễn Đắc Kiên đã nói: „Tình trạng nô lệ, sự vô trách nhiệm được gieo rắc phổ biến nơi con người trong các chế độ toàn trị là một trong những tội ác như thế. Nó như một thứ thuốc độc ma mãnh, từng lúc từng lúc len lỏi vào tận xương cốt mỗi con người phá hủy tận gốc dễ, căn để, bòn rút toàn bộ sức mạnh sáng tạo, động lực phát triển của xã hội... Khi niềm tin vào công lý, vào đạo đức xã hội bị xói mòn, con người sẽ bị đẩy sâu hơn vào các lợi ích thiết thân. Họ sẽ tìm mọi cách để tự bảo vệ mình, gia đình mình, lợi ích riêng tư của mình và không ngần ngại nếu có thể, xâm phạm vào lợi ích người khác, lợi ích xã hội. Đồng thời cũng chính những con người này, họ cũng sẽ sẵn sàng kháng cự lại bằng “luật rừng” nếu có thể với mọi sự xâm hại đến lợi ích bản thân và gia đình họ.

Nhưng để không sa đà vào các đề tài về ý thức hệ, về quyền lực nhà nước, tôi muốn đi ngay vào vụ án Đoàn Văn Vươn. Ở đây tôi có cái nhìn hơi khác anh trong một số vấn đề:

1- Nguyên nhân chính của vụ án Cống Rộc này không phải như anh viết „Trái với luật đất đai (như thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận)" mà theo tôi, chính lại là luật đất đai phi lý đã tồn tại ở Việt Nam từ hơn 50 năm qua. Thực tiễn cuộc sống đã chứng minh sự phá sản của chính sách ruộng đất và nông nghiệp XHCN từ vụ „Bí thư Kim Ngọc“, từ „Khoán 10“ mấy chục năm trước.

Nền kinh tế Việt Nam đã thoát khỏi sự diệt vong chính nhờ chấp nhậ nền tư hữu phương tiện sản xuất (ngoài đất đai) từ cuối những năm 80. Từ đó đến nay ai cũng thấy được sự kìm hãm và bản chất phản động của nền công hữu tưu liệu sản xuất trước đó. Hiện nay Người Việt đã được sở hữu nhiều thứ trước kia bị cấm. Riêng ruộng đất vẫn nằm trong tay nhà nước dưới cái vỏ bọc "sở hữu toàn dân".
Nguyên nhân của việc không cho phép tư hữu ruộng đất nằm ở bản chất „bất động“ (Immobile) của nó. Mọi sở hữu khác mà tư nhân Việt đang đươc hưởng đều nằm trên cái nền „bất động“ này. Thế lực nào nắm được cái bất động này đương nhiên có khả năng chi phối, khuynh đảo xã hội. Sự lũng đoạn của các thế lực tài phiệt dựa vào nền chính trị không được kiểm soát đã tiếp tục kìm hãm nền kinh tế Việt Nam và đang gây ra rất nhiều bất công xã hội. Điều này chắc anh cũng rõ. Hiện nay chính sách công hữu ruộng đất tuy đang bị phê phán, nhưng vẫn được nhiều thế lực quyết duy trì, vì các lợi ích của họ.

Trường hợp anh Vươn chỉ là "giọt nước tràn ly" của cái bể bao gồm hàng vạn vụ oan trái xảy ra từ 1954 đến nay. Chính nhờ tinh thần bất khuất, không cam chịu của người nông dân, người lính, nguời kỹ sư Đoàn Văn Vươn mà xã hội và thế giới mới được báo động về về một thảm cảnh đã, đang và sẽ còn xảy ra.

2- Việc anh coi hành động của Đoàn Văn Vươn có tính bản năng, tôi e chưa chín. Theo tôi anh Vươn là một con người đặc biệt, hội tụ nhiều phẩm chất tốt đẹp của người Việt: can truờng, chăm chỉ, bất khuất, nhân hậu, ham học và có học. Tính can trường, chăm chỉ, bất khuất của Đoàn Văn Vươn chắc không ai dám bác bỏ, kể cả những anh cảnh sát, anh bộ đội tham gia cưỡng chế hôm đó và hôm nay đứng ra xin giảm tội cho anh Vươn.

Anh sỹ quan Vươn sau khi xuất ngũ đã không chọn con đường quan trường để vinh thân mà đã chọn trường đại học nông nghiệp để lấy kiến thức chinh phục thiên nhiên, làm giầu chính đáng. Thành công lấn biển của gia đình anh Vươn bên cạnh cơ ngơi thảm hại của Tỉnh đoàn TN Xung phong được bù lỗ 100% ngay cạnh đó đã làm nổi bật trình độ canh nông và khả năng quản lý của một người có học. Tôi đã ngạc nhiên bởi sự bình thản và sự tự tin của anh Vươn khi ra toà trong hoàn cảnh hoàn toàn bị bưng bít thông tin.

Anh Vươn đã chứng minh trước tòa là mình hành động có lý trí. Anh đã sử dụng hết mọi khả năng pháp lý, đã làm tất cả các loại đơn từ, thủ tục tố tụng cần thiết. Nhưng khi hiểu ra là chính hệ thống luật pháp hiện hành chỉ là một cái bẫy, anh đã quyết tâm hành động để bảo vệ thành quả lao động và cuộc sống của gia đình. „Cuộc kháng chiến súng hoa cải“được tổ chức bằng kiến thức của một người biết dùng thuôc nổ, biêt dùng vũ khí. Mọi tính toán của anh Vươn, từ thuốc nổ đến bom cháy, không nhằm sát thương ai, mà chỉ nhằm tạo ra một tiếng vang để đánh động dư luận, hy vọng sẽ có có người chặn lòng tham của bọn cướp đang được hệ thống pháp luật hỗ trợ.

Anh Vươn muốn dùng "tiếng bom" để kêu thấu tới Ba Đình. Tất nhiên giới hạn của anh Vươn chính là ở đây. Cho đến cuối phiên tòa, anh Vương vẫn tin rằng Đảng và Nhà Nước sẽ giúp anh giải hạn. Với bản chất nhân hậu, thật thà của người nông dân, anh đã cảm ơn tất cả những ai đã quan tâm đến anh. Riêng tôi không dám nhận lời cảm ơn của anh, vì đã không giúp được gì cho anh trong hoàn cảnh hoạn nạn.

3- Khác với anh, tôi coi sự bất công trong quá trình điều tra và xử án từ sau vụ cưỡng chế trước Tết năm ngoái không còn là vấn đề của Hải Phòng hay của của địa phương nào, mà là một vấn đề mang tính hệ thống, mạng dấu ấn của chế độ. Nếu đem so với vụ án Nọc Nạn cách đây hơn 80 năm, có thể nói ở VN không có nền tư pháp độc lập. Chuyện án bỏ túi xảy ra trong mọi phiên tòa, ở mọi địa phương chắc anh cũng biết rõ như tôi.

Trong vụ Tiên Lãng này, có một điểm đặc biệt so với tất cả các vụ án khác: do sức ép dư luận nên cái „án bỏ túi“ không thể định trước từ ngày đầu, mà chỉ xuất hiện sau ngày thứ hai, khi quan tòa đột ngột tuyên bố nghỉ. Có nghĩa là sự can thiệp từ nhiều phía khác nhau đã dẫn đến một kết quả vừa mất lòng dân (án quá nặng), vừa sai về nghiệp vụ (mức án quá thấp so với tội danh giết người như cáo trạng).

Tiến sỹ Nguyễn Quang A đã coi vụ án này là sự „Phá sản của nền tư pháp Việt Nam“. Theo tôi anh Quang A đã có phần rộng rãi, vì nền tư pháp Việt Nam đã không hề tồn tại theo đúng nghĩa của nó từ khi những người CS Việt Nam tiếp quản chính quyền từ tay người Pháp. (Ở miền Nam từ 1955-1975 tôi không dám nói đến vì không được sống ở đó).

Trong hoàn cảnh như vậy. không ít người Việt có lương tâm đang đòi hỏi phải xóa bỏ mô hình toàn trị hiện nay, xây dưng một nhà nước Việt Nam dân chủ có tam quyền phân lập rõ ràng. Một khi đã có chế độ tam quyền phân lập, thì cho dù có một đám mafia nào đó tìm cách chui qua kẻ hở pháp luật để ép một người lương thiện phải rơi vào vòng lao lý thì chúng cũng không có khả năng đẻ ra một phiên tòa mà anh và tôi đều bất bình, đều uất hận về nó.

Từ nhận thức trên, giả sử là một nhà văn được nhiều độc giả yêu mến như anh, tôi sẽ dùng ngòi bút của mình đóng góp vào phong trào đòi hỏi xây dựng một nhà nước Việt Nam, dân chủ, pháp quyền để chấm dứt những bi kịch như Cống Rộc, như Văn Giang.

Việc anh kêu cứu Bộ Chính trị đảng CSVN, mong chủ tịch Trương Tấn Sang can thiệp vào vụ án này chứng tỏ không những anh nhìn bản chất của vấn đề khác tôi, mà còn vì anh thiếu thông tin.

Từ Tổng Bí thư, Bộ Chính Trị, Ban Nội chính và cả văn phòng Chủ tịch nuớc đều đã quan tâm đến vụ án này từng giờ. Từ bộ CA đến các sở CA Hà Nội, Hải Phòng đều phối hợp để bảo vệ, bưng bít vụ án. Bản án chụp lên cả gia đình anh Vươn mà vị chánh án tuyên bố hôm 05.04.2013 không phải là của hội đồng xét xử, mà là kết quả của sự thỏa hiệp giữa tất cả các lực lượng đang sống chết bảo vệ chế độ toàn trị và bảo vệ các quyền lợi của cá nhân và gia đình họ.

Anh Thọ kính,

Mong anh không coi những điều tôi viết là sự phủ nhận các suy nghĩ của anh. Tôi rất trân trọng các suy nghĩ của anh về vụ Đoàn Văn Vươn. Chỉ riêng việc anh lên tiếng đã nói lên nỗi đau trong anh.

Chúng ta nhìn nhận sự việc khác nhau vì có kinh nghiệm sống khác nhau. Chính sự khác nhau này làm cho cuộc sống phong phú, làm cho xã hội tiến lên.

Điều đáng sợ nhất là khi có ai đó bắt tất cả mọi người chỉ được nghĩ và nói theo một ý.

Chúc anh sức khỏe dồi dào

Cologne ngày 06.04.2013, một ngày sau khi Đoàn Văn Vươn bị tuyên án.
Nguyễn Việt



No comments:

Post a Comment

View My Stats