Sunday 14 April 2013

CỤC ĐIỆN ẢNH & HỘI ĐỒNG THẨM ĐỊNH ĐÃ HIỂU SAI LUẬT, CAN THIỆP VÀO QUYỀN TÁC GIẢ (LS Trần Hồng Phong)




Luật sư Trần Hồng Phong
14-4-2013

Luật điện ảnh qui định về “những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh” như sau: “kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục”.

Theo tôi nghĩ, trước hết cần phải hiểu rằng cấm ở đây là cấm “những hành vi” – tức là đối với chủ thể là con người, chứ không phải là cấm về nội dung/hình ảnh của một bộ phim. Thứ nữa, cần phải hiểu rõ nội hàm của thuật ngữ “kích động” và “truyền bá” là gì? – khi bản thân hai từ “kích động” và “truyền bá” đều là động từ. Một bộ phim không thể có hành vi kích động, truyền bá.

Qua đó, rõ ràng không thể nói “kích động bạo lực” đồng nghĩa với việc trong phim có nhiều/quá nhiều cảnh bạo lực. Hay “truyền bá lối sống đồi trụy” nghĩa là trong phim có nhiều cảnh sex. Hiểu như vậy là hoàn toàn sai, khiên cưỡng và thậm chí là phản khoa học.

Điện ảnh là một nghệ thuật mang tính bác học, đòi hỏi sự sáng tạo rất cao và thậm chí là không giới hạn. Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, trình độ chuyên môn, nhận thức – các tác phẩm điện ảnh nói chung trên thế giới đang ngày càng hoành tráng hơn, khốc liệt hơn. Cảnh đánh nhau, chém giết, máu me … ngày càng thật hơn, gây ấn tượng hơn. Thậm chí gây shock. Nhưng trong nhiều trường hợp chính những điều đó càng làm cho bộ phim hay hơn, hấp dẫn hơn, nhân văn hơn, tình cảm hơn.

Nếu so với cách nay vài chục năm, mọi người đều thấy đã có những bước tiến đáng kể về nhận thức và trình độ thưởng lãm. Nếu như trước đây Việt Nam từng cấm phim kiếm hiệp, có cảnh chỉ hơi hở hang một tý là cắt thì ngày nay đã khác rất nhiều. Muốn hội nhập và sánh với trình độ, đẳng cấp thế giới, đòi hỏi tư duy, nhận thức của những nhà làm phim và cả những nhà quản lý phải thay đổi, bổ sung rất nhiều.

Nếu nói là hành vi bạo lực, thì phải nói đến những môn thể thao võ thuật, như quyền anh, tán thủ. Người ta đánh nhau hết sức dã man, mà lại đánh thật. Thậm chí đánh gãy xương, gây chấn thương. Chẳng lẽ đó là kích động bạo lực?

Gần đây tôi có xem bộ phim Life of Pi. Trong phim có rất nhiều cảnh về một con cọp rất hung tợn, hàm răng nhọn hoắt. Người lớn xem còn thấy sợ. Trẻ em xem lại càng phát khiếp, thậm chí khóc thét trong rạp. Nhưng tóm lại là phim rất hay, kể cả cảnh con cọp bạo lực và đã đoạt giải Oscar 2013. Vấn đề ở đây là phim hay nhưng dành cho người lớn. Trẻ em không nên xem vì không hiểu, sẽ sợ. Nhưng phim như vậy không thể nói là tuyên truyền hay kích động bạo lực.

Thật vô lý khi truyện ma, phù thủy, sex … bán đầy nhà sách, phản ánh trên báo chí mỗi ngày. Thế mà khi được làm thành phim, điện ảnh hóa tác phẩm văn học thì lại bị cấm, bị cản, qui chụp đủ thứ.

Nếu quản lý mà tư duy theo kiểu chỉ muốn an toàn, giữ ghế, ngại những gì có thiên hướng “đụng chạm” thì thật là không tốt cho nền điện ảnh nước nhà. Nếu không muốn nói đó chính là lực cản đối với sự phát triển của điện ảnh.

Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần phải nhanh chóng xây dựng hệ thống phân loại phim một cách khoa học như ở nước ngoài. Ai thích và phù hợp thì được xem. Trẻ em thì không thể xem phim có nhiều cảnh sex. Nhưng người lớn thì sao lại cấm?

Về phương diện pháp luật, tôi không nghĩ là chúng ta cần phải bỏ những qui định cấm như trong luật hiện nay. Nhưng nên được giải thích, qui định rõ ràng, cụ thể hơn.

Với qui định như hiện nay, có thể thấy quyền sinh sát, kết luận về một bộ phim đang được giao vào tay một số rất ít người ở Cục điện ảnh và Hội đồng thẩm định phim. Điều này thật “nguy hiểm” khi những phán quyết của họ lại không hẳn dựa trên cơ sở khoa học hay pháp lý rõ ràng, mà chủ yếu phụ thuộc vào sự đánh giá chủ quan, cảm tính của mình.

Tôi cho rằng với kiểu quản lý theo kiểu phim “chưa ra lò” mà đã cấm, ngăn cản hoặc can thiệp, thậm chí chỉ đạo sâu và quá nhiều vào nội dung như trường hợp của bộ phiêm Bụi đời Chợ Lớn là sự can thiệp trái luật vào quyền tác giả, vào tính nguyên vẹn của tác phẩm.

Điện ảnh Việt Nam có lẽ sẽ không bao giờ “ngóc đầu” lên được nếu cứ bị kiểm soát và kiềm chế như hiện nay.

Tác giả gửi quechoa.vn
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả


----------------------------------------





No comments:

Post a Comment

View My Stats