Saturday 6 January 2024

PHÁP : THẾ KỶ 19, THỜI HOÀNG KIM CỦA NGÀNH SẢN XUẤT ĐỒ CHƠI (Thùy Dương / RFI)

 



Pháp : Thế kỷ 19, thời hoàng kim của ngành sản xuất đồ chơi

Thùy Dương  -  RFI

Đăng ngày: 05/01/2024 - 14:08

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-x%C3%A3-h%E1%BB%99i/20240105-ph%C3%A.....BB%93-ch%C6%A1i

 

Đồ chơi vốn dĩ không chỉ mang tính giải trí mà còn mang tính giáo dục, gắn liền với sự phát triển của trẻ nhỏ. Các cửa hàng đồ chơi vì thế vẫn đón khách quanh năm. Thế nhưng, thị trường đồ chơi cũng là một trong những thị trường mang tính mùa vụ rất cao. Tại Pháp và các nước phương Tây, đặc biệt là các nước có truyền thống đón Giáng Sinh và tặng quà Giáng Sinh cho trẻ nhỏ, dịp lễ tết cuối năm chính là mùa đồ chơi lên ngôi, được tiêu thụ ồ ạt.

 

https://s.rfi.fr/media/display/4e286862-a97f-11ee-9e9b-005056a90284/w:980/p:16x9/mus%C3%A9e%20des%20juoets%20de%20Colmar%201.webp

Một góc trưng bày ở bảo tàng đồ chơi tại Colmar, Pháp, tháng 07/2023. © RFI / Thùy Dương

 

Qua mùa lễ tết cuối năm, bước sang năm mới, đây là lúc để tổng kết doanh thu hay xu hướng trong lĩnh vực đồ chơi, chẳng hạn đồ chơi thân thiện với môi trường, hay các loại đồ chơi cũ được bán lại …

 

Tại Pháp, hiện nay, đa phần đồ chơi vẫn là « made in China ». Báo Le Figaro ngày 05/09/2023 cho biết đồ chơi nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tới 80% thị trường Pháp. Thế nhưng, nhưng nhìn lại lịch sử, nước Pháp cũng đã có thời nổi tiếng với nhiều loại đồ chơi, chẳng hạn búp bê Jumeau và hiện nay, 50% doanh thu đồ chơi « made in France » là nhờ xuất khẩu.    

 

Để hiểu thêm về lịch sử đồ chơi tại Pháp, ngày 07/11/2023, RFI Tiếng Việt đã có cuộc phỏng vấn ông Lucas Marchel, phụ trách công chúng tại Bảo tàng Đồ chơi ở Colmar,vùng Grand Est, miền đông bắc nước Pháp.

 

 

RFI : Xin chào Lucas Marchel. Xin ông cho thính giả, độc giả của RFI Tiếng Việt biết tại Pháp, bắt đầu từ khi nào người ta nói đến thị trường đồ chơi và đồ chơi phát triển nhất vào giai đoạn nào ?

 

Lucas Marchel : Thị trường đồ chơi là một khái niệm hơi phức tạp, bởi vì ngay từ thuở ban đầu, đồ chơi không hẳn là được sản xuất. Khi nói về thị trường đồ chơi thì hiện nay người ta muốn nói đến ý tưởng về thị trường, về một quá trình công nghiệp hóa sản xuất khá lớn. Tất cả những chuyện này bắt đầu từ thế kỷ 19. Nói vậy có thể là hơi sớm nhưng dẫu sao đi chăng nữa thì thế kỷ 19 cũng là thời kỳ hoàng kim của đồ chơi. Chúng ta thực sự có những nhà sản xuất lớn, họ đã thành lập công ty và rồi các công ty đã phát triển, có chỗ đứng quan trọng trên thị trường châu Âu.

 

Chúng ta có một nhà sản xuất búp bê lớn, đó là công ty Jumeau. Ngoài ra, còn có công ty Petitcollin sản xuất đồ chơi bằng chất liệu celluloid (nhựa dẻo) vào thế kỷ 20, và công ty Vilac vào đầu thế kỷ 20 phát triển loại đồ chơi từ chất liệu gỗ. Tất cả những công ty lớn, những nhà sản xuất lớn này đều hình thành hồi thế kỷ 19.

 

Và thời kỳ hoàng kim này càng được củng cố nhờ thói quen tặng quà nhân dịp đầu năm mới dần dần có sự biến chuyển. Đến cuối năm, đầu năm mới thì mọi người tặng quà cho người thân. Người ta tặng quà cho nhau và đặc biệt là tặng đồ chơi cho trẻ em. Các đồ chơi, đặc biệt là đồ chơi cơ khí được phát triển ở Pháp từ thế kỷ 19 và giữ vị trí rất quan trọng ở thị trường châu Âu cho đến năm 1960.

 

https://s.rfi.fr/media/display/d4636670-a97f-11ee-9b37-005056a97e36/mus%C3%A9e%20des%20juoets%20de%20Colmar%203.webp

Một góc trưng bày ở bảo tàng đồ chơi tại Colmar, Pháp, tháng 07/2023. © RFI / Thùy Dương

 

 

RFI : Vậy theo ông, đâu là những mốc thời gian nổi bật nhất trong lịch sử phát triển đồ chơi tại Pháp ? 

 

Lucas Marchel : Ở Pháp nói riêng thì hơi khó nói, nhưng chủ yếu là khi Đệ nhị Thế chiến chấm dứt. Quả thực, giai đoạn mà chúng ta gọi là 30 năm huy hoàng đã thực sự mở ra một hình thức xã hội tiêu dùng mà ngành công nghiệp đồ chơi tham gia mạnh mẽ. Trên thực tế, đã diễn ra quá trình công nghiệp hóa quy trình sản xuất.

 

Cũng trong thời kỳ này, người ta thấy có sự phát triển ồ ạt trong việc sử dụng các loại nhựa khác nhau, có nhiều sáng chế mới nên đồ chơi cũng phát triển mạnh mẽ. Quả thực, nhựa celluloid chắc bền hơn nhưng cũng nguy hiểm vì dễ bắt lửa, dễ cháy, đã bị loại bỏ dần. Có những vật liệu mới, những loại đồ chơi mới đã được phát triển.

 

Vào năm 1949 chúng ta bắt đầu có, chẳng hạn những miếng ghép Lego bằng nhựa đầu tiên, những thương hiệu lớn rất nổi tiếng cũng được thành lập trong giai đoạn này và ngày càng trở nên phổ thông. Quả đúng là đối với nước Pháp, dẫu sao đi nữa thì giai đoạn 30 năm huy hoàng cũng ghi nhận nhiều tiến bộ xã hội.

 

Lần đầu tiên tại Pháp chúng ta có kỳ nghỉ phép được trả lương là vào năm 1936. Điều này khuyến khích việc sáng tạo ra nhiều loại đồ chơi mới vì trẻ em được đến những không gian mới, khi gia đình đi du lịch. Đó cũng là giai đoạn chúng ta có rất nhiều loại đồ chơi mang tính thể thao chẳng hạn.

 

Như vậy là Pháp, đặc biệt là trong giai đoạn 30 năm huy hoàng, thậm chí nhìn rộng ra hơn là vào thế kỷ 19, đã có một sự phát triển vô cùng lớn về sáng tạo các loại đồ chơi, với các nhà sản xuất như tôi đã nêu ở trên. Chẳng hạn, Petit Colin, Vilac và nhất là Jumeau đã phát triển vào thế kỷ 19 và là một công ty rất quan trọng, rất nổi tiếng về chất lượng đồ chơi.

 

.

RFI : Đồ chơi do Pháp sản xuất có nổi tiếng trên thế giới hay châu Âu không ?

 

Lucas Marchel : Câu hỏi này hơi khó trả lời. Toàn bộ vấn đề nằm ở chỗ ngày nay, với toàn cầu hóa, chẳng hạn công ty Petitcollin vẫn tồn tại, nhưng các nhà máy không nhất thiết được đặt ngay trên lãnh thổ Pháp. Các thương hiệu cũng đã có rất nhiều sự chuyển đổi. Chẳng hạn, một thương hiệu của Pháp, Joustra, trước đây chỉ tập trung vào đồ chơi cơ khí, nhưng nay hướng nhiều hơn tới các loại đồ chơi khoa học. Nhìn ra toàn thế giới, cũng khó để nói liệu có món đồ chơi nào của Pháp thực sự nổi tiếng.

 

Nhưng Pháp từng nổi tiếng với ngành công nghiệp thế kỷ 19, đến nay vẫn còn được các nhà sưu tập biết đến, đặc biệt là búp bê Jumeau mà tôi đã nói đến ở trên, với chất lượng rất cao, mang tính sáng chế. Đúng vậy, có những con búp bê biết nói, những con búp bê đang ngủ. Và trên thực tế, hồi thế kỷ 19, Pháp đã có nhiều bằng sáng chế. Quả thực, những con búp bê Jumeau này rất nổi tiếng và hiện nay vẫn được nhiều nhà sưu tập, người Nhật hay Anh, Pháp săn lùng, nhất là thời gian gần đây.

 

Hiện nay cũng có sự quay trở lại của các đồ chơi bằng gỗ vì được coi như sản phẩm thân thiện với môi trường hơn. Đây là đồ chơi truyền thống khá phổ biến ở tỉnh Jura của Pháp.

 

https://s.rfi.fr/media/display/b72184de-a97f-11ee-a20d-005056a97e36/mus%C3%A9e%20des%20juoets%20de%20Colmar%202.webp

Một góc trưng bày ở bảo tàng đồ chơi tại Colmar, Pháp, tháng 07/2023. © RFI / Thùy Dương

 

.

RFI : Thế giới đồ chơi có phải là tấm gương phản chiếu xã hội và lịch sử ? 

 

Lucas Marchel : Trên thực tế, đồ chơi gắn liền với mọi tiến bộ và phát minh của con người, và trên hết phản ánh những cách thực hành khác nhau. Ban đầu, đồ chơi không hẳn là được thiết kế như một đồ vật để giải trí, mà được thiết kế như một đồ vật mang tính giáo dục, dạy cho trẻ em những cách thực hành cụ thể. Chúng ta biết rằng từ thời Cổ đại, trẻ em đã vui chơi, chẳng hạn như chơi gậy đầu ngựa, hình thức bắt chước người lớn cưỡi ngựa. Những đồ chơi này từng được nhắc đến trong các văn bản thời cổ đại, người ta cũng tìm thấy rất nhiều hình ảnh thể hiện trò chơi này trong các bức tranh thời Phục Hưng.

 

Và những hình thức đồ chơi này đã phát triển theo các hình thức mang tính giải trí cao hơn, chẳng hạn với sự xuất hiện của xe đạp thì người ta phối hợp xe đạp và gậy đầu ngựa và tạo ra kiểu đồ chơi ngựa - xe đạp. Đó là vào thế kỷ 19.

 

Về khía cạnh đồ chơi là tấm gương phản chiếu xã hội thì điều này chủ yếu liên quan đến các đồ chơi mang tính khoa học. Đó là kiểu đồ chơi rất gần với những phát minh, sáng chế của con người theo dòng thời gian, nhất là từ thế kỷ 19-20. Ngay khi những chiếc xe hơi đầu tiên ra đời, người ta cũng bắt đầu phát triển các loại ô-tô có bàn đạp cho trẻ em. Như vậy là trẻ em có thể bắt chước hoạt động của các bậc phụ huynh.

 

Và các đồ chơi khoa học đặc biệt được tạo ra để dạy cho trẻ em nắm bắt môi trường, hiểu, quan sát, phân tích môi trường. Các đồ chơi mô phỏng lại các loại máy móc đã có, ví dụ như máy phát tĩnh điện Wimshurst được dùng trong thí nghiệm vật lý chẳng hạn. 

 

Đó là những chiếc máy được sản xuất với phiên bản thu nhỏ để trẻ em có thể tiếp cận. Cũng có những chiếc máy hơi nước mini để trẻ em có thể hiểu cách thức vận hành của máy và các công nghệ mới. Đồ chơi khoa học được tái tạo và mang tính giải trí hơn từ thế kỷ 20. Một trong số các đồ chơi khoa học tuyệt vời đó là điện thoại.

 

 

Vậy đấy, đồ chơi gắn liền với lịch sử của chúng ta, gắn liền với hành vi, xu hướng và thị hiếu của các xã hội khác nhau trong suốt chiều dài lịch sử. Đồ chơi cũng thích ứng với đặc điểm văn hóa và các công nghệ mới xuất hiện.

 

.

RFI : Ông là người phụ trách công chúng của bảo tàng đồ chơi ở thành phố Colmar của Pháp. Để kết thúc chương trình hôm nay, ông có thể giới thiệu cho thính giả, độc giả của RFI Tiếng Việt về bảo tàng đồ chơi Colmar ?

 

Lucas Marchel : Đây là một bảo tàng khoảng 30 năm tuổi, kỷ niệm ngày thành lập vào ngày 03/12/2023. Bảo tàng ra đời theo mong muốn của một nhà sưu tập ở Colmar, vốn cũng là một họa sĩ vẽ rất nhiều về chủ đề đua ngựa, về tàu lửa và ông ấy có một bộ sưu tập rất nhiều đồ chơi. Ông đã liên hệ với chính quyền thành phố Colmar và đề xuất thành lập một bảo tàng đồ chơi, với một phần lấy từ bộ sưu tập của chính ông.

 

Và thế là thành phố đã quyết định mua lại một phần bộ sưu tập của người đàn ông này. Tên ông là Georges Trincot. Trên cơ sở bộ sưu tập mà thành phố có được này và với bộ sưu tập của hiệp hội do Georges Trincot lập ra và từ các nhà sưu tập đồ chơi khác, từ hiệp hội Majette và bảo tàng mô hình tàu hỏa, bảo tàng đồ chơi Colmar được thành lập, đặt tại một rạp chiếu phim cũ và mở cửa vào ngày 03/12/1993. Cho đến nay, bảo tàng vẫn trưng bày các hiện vật từ bộ sưu tập ban đầu của Trincot và các bộ sưu tập do hiệp hội Majette mua dần theo thời gian. Hiệp hội đến nay vẫn tồn tại và đóng góp rất nhiều vào sự phát triển của bảo tàng và quản lý bảo tàng suốt những năm qua.

 

Bảo tàng chủ yếu tập trung vào đồ chơi từ thế kỷ 19 đến nay. Hàng năm, chúng tôi đều có phần triển lãm về các chủ đề khác nhau.

 

 

RFI Tiếng Việt chân thành cảm ơn ông Lucas Marchel đã tham gia chương trình !





No comments:

Post a Comment

View My Stats