Tuesday, 1 November 2016

VÌ SAO BẢO PHÍ OBAMACARE TĂNG 22% NĂM 2017 (Hà Tường Cát)




Hà Tường Cát/Người Việt
October 31, 2016

HOA KỲ – Tuần trước, Tòa Bạch Ốc cho biết năm 2017 phí bảo hiểm y tế Obamacare sẽ thay đổi đáng kể, tăng lên trung bình khoảng 22% nhưng khác nhau tùy từng tiểu bang.

Một trong những nơi có mức gia tăng cao nhất là Arizona, 116%. Trong khi đó ở các tiểu bang Massachusetts, Indiana, Rhode Island phí bảo hiểm Obamacare giảm 14%.

Theo lời ông Dan Mendelson, chủ tịch hãng tư vấn Avalere Health: “Tương đối không có nhiều người cảm thấy bị ảnh hưởng, nhưng tất cả mọi người đều nghe nói, và điều ấy tác động tới cảm nhận về chương trình cải tổ y tế gây nhiều tranh luận này.”

Năm 2010, Tổng Thống Barack Obama ký ban hành đạo luật cải tổ y tế mang tên Patient Protection and Affordable Care Act (Bảo Vệ Bệnh Nhân và Chăm Sóc Sức Khỏe Hợp Khả Năng Chi Trả), viết tắt ACA. Những người Cộng Hòa chống đối và có ý châm biếm gọi ACA là luật y tế “của Obama” và cái tên này trở thành tên quen gọi – Obamacare.

Mọi người đều đồng ý rằng xã hội Mỹ đứng hàng đầu thế giới nhưng quần chúng chưa được bảo đảm săn sóc thích đáng về sức khỏe. Những nỗ lực từ nhiều chục năm không đi đến kết quả vì đụng quá nhiều phức tạp với giới cung cấp dịch vụ y tế, quyền lợi của các hãng thuốc, công ty bảo hiểm… Một năm sau khi Tổng Thống Bill Clinton vào Tòa Bạch Ốc, Ðệ Nhất Phu Nhân Hillary Clinton được chỉ định nghiên cứu kế hoạch cải tổ y tế nhưng dự án cuối cùng thất bại vì không vượt qua được những trở ngại như thế.

Tổng Thống Obama ngay khi vào Tòa Bạch Ốc quyết tâm thực hiện sứ mạng này và nhờ lúc đó đảng Dân Chủ nắm đa số ở cả hai viện Quốc Hội, dự luật ACA được thông qua và ông ký ban hành thành luật Tháng Ba, 2010. Cho đến nay đảng Cộng Hòa vẫn tiếp tục chống ACA bằng hàng chục phương cách khác nhau nhưng chưa bao giờ thành công.

Obamacare nhắm làm sao cho tất cả, hay tuyệt đại đa số, người dân Mỹ có được bảo hiểm sức khỏe. Nguyên tắc căn bản của Obamacare là phí tổn tham gia chương trình phải phù hợp với túi tiền của từng người. Người nghèo được liên bang trợ cấp sao cho tiền mua bảo hiểm không quá 10% thu nhập.

Tính đến 30 Tháng Sáu, đã có 10.4 triệu người ghi danh vào Obamacare và dự trù thêm 10 triệu nữa cho đến cuối năm nay. Như vậy số dân Mỹ hoàn toàn không có bảo hiểm y tế, nghĩa là không được chủ nhân mua cho tại nơi làm việc, hoặc không trong các chương trình bảo hiểm của chính quyền như Medicare, Medicaid, chỉ còn lại 8.6%, con số thấp kỷ lục trong lịch sử.

“Silver Plan” là chương trình tiêu chuẩn mà phần lớn người ghi tên vào Obamacare chọn lựa, cung cấp những dịch vụ y tế căn bản. Năm 2016, bảo phí của chương trình tiêu chuẩn này chỉ tăng trung bình 7.2%. Với sự gia tăng bảo phí 22% năm 2017, họ sẽ phải đóng trung bình $296 mỗi tháng, giá biểu này thay đổi ở từng nơi, thấp nhất khoảng $120 và cao nhất $500 trước khi được trợ cấp liên bang.

Những giới chống Obamacare dựa vào tình hình này, nói rằng đạo luật ACA đang đi dần tới thất bại. Nhưng theo người bênh vực thì 77% khách hàng đã ở trong thị trường bảo hiểm sẽ được giảm thuế để bảo phí của họ không quá $100 mỗi tháng, hoàn toàn trong điều kiện vừa túi tiền.

Mức gia tăng năm 2017 được xem là phù hợp với thực tế và chưa tạo nên khó khăn quá đáng cho khách bảo hiểm cũng như cho ngân khoản tài trợ của liên bang. Tất cả hãy còn là “affordable” – vừa với túi tiền. Nhưng có một ẩn số mà người ta lo ngại và không thể dự đoán chính xác, đó là phải chăng đây mới chỉ là bước đầu tiên mở đường cho những gia tăng tiếp tục trong tương lai. Dịch vụ y tế càng tân tiến thì càng tốn kém, chưa kể khó có thể giới hạn những dịch vụ coi như không tối cần thiết mà bác sĩ và cơ sở y tế cho là phải thực hiện. Hãng bảo hiểm không có cách gì định trước được tiền phải chi trả. và cuối cùng thì mọi phí tổn ấy chỉ có thể trút lên khách hàng của họ.

Obamacare không cho phép các hãng bảo hiểm từ chối khách hàng. Vì thế nếu khách hàng đau yếu quá nhiều so với khách hàng khỏe mạnh, thì số tiền tiết kiệm vì ít cần sử dụng cho những khách sau này không đủ bù đắp phí tổn lớn cho những khách đau yếu.

Sự thay đổi bảo phí từng năm là chuyện đã được dự tính, không phải bất ngờ. Trong những năm đầu, nhiều hãng đã tính giá quá thấp cho các chương trình bảo hiểm của họ vì mục đích cạnh tranh ở thị trường. Hậu quả là để khỏi thua lỗ, hay để có lời, họ cần phải tăng phí nếu không thì phải rút khỏi thị trường.

Những người có chương trình bảo hiểm riêng, do chủ nhân sở làm mua hoặc thuộc các chương trình bảo hiểm sức khỏe của chính quyền như Medicare, Medicaid hay bộ Cựu Chiến Binh không bị ảnh hưởng với việc tăng bảo phí Obamacare, chỉ tác động đến 10 triệu khách hàng trong thị trường bảo hiểm.

Những người này cần tìm chương trình khác rẻ tiền hơn nhưng vẫn cung cấp đủ dịch vụ căn bản thích hợp cho mình. Nếu có trợ cấp, 80% người trong Obamacare hiện nay có trợ cấp, thì sẽ không phải chịu sự tăng bảo phí quá cao, hơn 10% thu nhập như đã nói trên. Nhưng tìm một chương trình khác trong thị trường rẻ tiền hơn thì tất nhiên không bị tăng nhiều hoặc không phải tăng phí.

Tuy nhiên, đổi chương trình là hợp lý nhưng không phải là dễ dàng. Người mạnh khỏe chỉ cần tìm chương trình nào rẻ, nhưng những người đau yếu nhiều bệnh tật không dễ đổi bệnh viện, bác sĩ đã quen biết để qua một chương trình khác. Ðể giảm phí tổn, các hãng bảo hiểm giới hạn mạng lưới cung ứng dịch vụ y tế, bác sĩ, bệnh viện và nhà thuốc.

Thêm nữa là việc một số hãng bảo hiểm rút ra khỏi thị trường. Hai công ty lớn, UnitedHealth Group và Aetna, đã quyết định rút khỏi nhiều nơi mà họ đã từng cung cấp dịch vụ. Năm 2017 sẽ chỉ còn 228 hãng trong thị trường bảo hiểm liên bang và một số tiểu bang, so với 298 năm 2016. Năm 2016, Wyoming là tiểu bang duy nhất chỉ có một hãng và năm tới thêm 4 tiểu bang khác Alaska, Alabama, Oklahoma, South Carolina chỉ có một hãng cung cấp dịch vụ trong thị trường bảo hiểm liên bang.

Khoảng 21% khách hàng bảo hiểm đi tìm chương trình bảo hiểm cho mình năm 2017 sẽ chỉ có một chứ không có nhiều hãng để chọn lựa, mặc dầu một hãng ấy có thể cung cấp nhiều chương trình khác nhau. Các hãng bảo hiểm không tin là Obamacare sẽ thất bại, nhưng tình trạng nhiều hãng rút ra và bảo phí tăng là dấu hiệu không tốt cho toàn bộ hệ thống xây dựng trên nguyên tắc tự do lựa chọn và thị trường cạnh tranh.

Vào mùa bầu cử, tình hình này trở thành đề tài vận động cho các ứng cử viên. Bà Hillary Clinton trước đây đã chủ trương thành lập một hãng bảo hiểm do chính quyền quản lý. Quan niệm này phần nào trái ngược với nguyên tắc tự do cạnh tranh của nền kinh tế thị trường, tuy nhiên có thể giúp giảm thiểu những bế tắc.

Ông Donald Trump, theo chủ trương của những người Cộng Hòa, nói rằng nếu ông đắc cử sẽ cho thu hồi đạo luật ACA, có nghĩa là cùng lúc hủy bỏ thị trường bảo hiểm. Nhưng hứa hẹn hình thành một hệ thống bảo hiểm y tế khác hiệu quả hơn là điều dễ nói chứ không phải dễ thực hiện (kinh nghiệm lịch sử hơn nửa thế kỷ trước thời Obama cho thấy chưa kế hoạch nào thành công).

Theo nhận định của các chuyên gia, Obamacare hãy còn trong giai đoạn sơ khai, nhiều sai sót cần phải được chấn chỉnh, nhưng như mọi việc gì khác, thiếu quyết tâm đi tới không là tinh thần của dân Mỹ và nước Mỹ.




No comments:

Post a Comment

View My Stats