Friday, 25 November 2016

BANG VÔ ĐẠO . . . (Trần Văn Chánh)




Trần Văn Chánh
Viet Studies  25-11-2016 

Cho dù không thuộc phái nào trong số hai phái chủ yếu đề cao và bài bác Khổng Tử, nhưng dường như hầu hết ai cũng phải khách quan nhận rằng văn chương trong sách vở kinh điển của Nho gia có nhiều đoạn rất hay, rất “đắc”, hàm súc mà thâm trầm tế nhị về phương diện diễn đạt, khi nó muốn phát biểu bất cứ chuyện gì liên quan đến các vấn đề thuộc chính trị, văn hóa, đạo đức…

     Chẳng hạn, muốn nói về thái độ sống và trách nhiệm của hạng người quân tử tức tầng lớp lãnh đạo hay tầng lớp trên trong xã hội phong kiến thời xưa (phân biệt với đông đảo quần chúng), Khổng Tử chỉ buông ra một câu rất gọn mà dứt khoát, trong Luận ngữ, thiên “Thái Bá”: “Bang vô đạo, phú thả quý yên, sỉ dã” (Khi nước vô đạo nghĩa là đang ở trong tình trạng hắc ám về chính trị mà lo chạy theo lợi danh để mong được giàu và sang là điều đáng hổ thẹn).

        Về hai chữ “vô đạo”, Hán ngữ đại từ điển của Trung Quốc nêu lên cả thảy 5 ý nghĩa khác nhau, trong số có 3 nghĩa liên quan chính trị rất rõ: (1) Chỉ tình trạng quốc gia có nền chính trị hôn ám tệ hại, chính sự rối loạn thối nát, người lãnh đạo không trị dân bằng đạo đức (tương ứng với ý nghĩa trong câu vừa dẫn trên); (2) Vô đạo đức, vô hạnh, không thi hành chính đạo, làm những việc xấu ác (như trong câu  “Ngô văn Tống quân vô đạo…”, Ta nghe vua nước Tống làm những chuyện xấu ác, trong Hàn Phi Tử, “ Ngoại trữ thuyết tả thượng”); (3) Kẻ vô đạo, chỉ kẻ xấu không làm việc nhân nghĩa, hoặc vua chúa tàn bạo (như trong câu: “Phạt vô đạo, tru bạo Tần”  Đánh kẻ vô đạo, kể tội và giết nhà Tần tàn bạo, trong Sử ký,“Trần Thiệp thế gia”).  
     
       Xét các ý nghĩa của cụm từ “vô đạo” như trên thì Việt Nam trong vòng vài chục năm nay rõ ràng đã và đang ở trong tình trạng khó khăn, gần như vô đạo, tức chính trị thối nát và thiên hạ bị mất lòng tin trên diện rộng. Bên cạnh vài nhà lãnh đạo mà dân chúng còn có phần hi vọng được, một bộ phận không nhỏ kẻ khác tham lam vô hạnh/ vô đạo (nghĩa thứ 2 và 3) đã bằng con đường cơ hội hoặc thủ đoạn chính trị chen được vào bộ máy quản lý đất nước, để xảy ra tình trạng “thượng bất chính, hạ tắc loạn”, luật pháp không nghiêm, mà diễn đạt theo nghĩa bình dân dễ hiểu là mạnh ai nấy làm, “trên bảo dưới không nghe”, dẫn đến nhiều thực trạng đau buồn: môi trường thiên nhiên và xã hội bị phá nát, các thang giá trị bị đảo lộn, văn hóa-giáo dục-đạo đức xuống cấp tới mức lâm nguy, xã hội bất công trầm trọng, hố ngăn cách giàu nghèo thêm sâu sắc, quốc nạn tham nhũng, tội ác giết người cùng các loại hình tệ nạn xã hội khác diễn biến phức tạp theo chiều hướng ngày một gia tăng…, vô phương cứu chữa!

        Trong khi đó, một nhóm những kẻ thuộc tầng lớp trên nhưng lại bất cố liêm sỉ, cứ hớn hở ngồi trên các vị trí lãnh đạo câu kết lẫn nhau trục lợi và tranh giành quyền lực trước tình trạng ngày càng gian nan điêu đứng của khối quảng đại quần chúng lao động nghèo khổ bao gồm phần lớn là công nhân, công chức cấp thấp, dân nghèo thành thị, đặc biệt nông dân và đồng bào miền núi, những thành phần vốn bị lép vế, không tiền không quyền, chỉ biết mưu sinh chân chính bằng sức lao động trong nền chính trị không có tự do dân chủ và luật pháp nghiêm minh, trùm lên cả một nền kinh tế bất ổn định, lương không đủ sống, do chính những phần tử đặc quyền đặc lợi nêu trên gây ra. Nhóm đặc quyền đặc lợi này, dù bị dư luận phê phán bao nhiêu dường như họ cũng tỏ ra không biết hổ thẹn, trái lại cứ nhơn nhơn hằng ngày không ngượng miệng, nói mãi những câu chỉ đạo chung chung vô nghĩa, vừa giáo điều vừa sáo rỗng, mà chẳng cần biết có đối tượng dân chúng hay nhân sĩ trí thức nào còn muốn được nghe họ nói nữa hay không.  

        Hạng người như vừa nêu trên trong lịch sử thời nào cũng có, đặc biệt bộc lộ rõ nhất trong các thời kỳ “bang vô đạo”. Thời xưa đó là hàng trăm những ông quan đại thần trong triều (tương đương các quan chức trung ương như bộ trưởng, vụ trưởng vụ phó, cục trưởng cục phó … ngày nay), được chỉ huy bởi vua và tể tướng. Trong điều kiện chính trị hủ bại, nhóm người này từ tể tướng trở xuống đều trở thành những kẻ vô trách nhiệm, ăn hại đái nát, chuyên  ăn hối lộ đè đầu cưỡi cổ đám dân đen nghèo khổ, mà chẳng có kế sách gì để cải cách hay vực dậy hiệu quả nền chính trị trong nước, trái lại còn tìm cách duy trì sự thối nát bằng những luận điệu bảo thủ cũ rích để tiếp tục được hưởng lợi quyền lâu dài, cho cá nhân và cho những nhóm lợi ích liên quan tới mình.

     Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam và Trung Quốc, xưa cũng như nay, đều có những giai đoạn chính trị bại hoại tàn tệ gần gần giống như nhau.

     Ở Việt Nam, tiêu biểu có thể kể là vào khoảng cuối thời Hậu Lê, như thư viết năm 1766 của giáo sĩ thừa sai Reydellet gởi cho người em trai ở Pháp, đã mô tả rất sinh động tình trạng tệ hại trong nước, với giọng mỉa mai sâu sắc: “Về việc giữ gìn an ninh và luật pháp trong xứ [Đàng Ngoài, tức Bắc Việt] thì có lẽ sẽ rất dài dòng nếu ta đi sâu vào các chi tiết. Tôi chỉ xin nói để chú biết là nhìn tổng quát thì luật lệ ở đây rất đúng đắn, rất hợp lý và được quy định rõ ràng. Chỉ tệ một nỗi là chẳng được kẻ nào tôn trọng cả. Chính những người có phận sự thi hành luật pháp lại là những người phạm luật trước hơn ai hết. Tiền bạc và những tặng vật  đút lót xóa sạch những tội ác. Dù có là đại gian hùng nhưng nếu biết cách che giấu những hành động bất chính của mình thì vẫn là người lương thiện [TVC nhấn mạnh]. Chỉ những kẻ vụng về, những kẻ ngờ nghệch, ngây ngô, những kẻ nghèo hèn là bị trừng phạt thôi. Điều này cho thấy là đức hạnh của con người không đủ sức tạo ra những kẻ có lòng lương thiện” (xem Thư của các giáo sĩ thừa sai, bản Việt dịch từ Pháp ngữ của Nguyễn Minh Hoàng, NXB Văn Học, tr. 74).

     Tương tự như vậy, ở Trung Quốc thời xưa, ngay từ giai đoạn đầu nhà Minh (khoảng cuối thế kỷ 14), chính trị đã bộc lộ rõ sự bại hoại vô đạo, khiến một quan chức lớn vừa là nhà văn/ nhà trí thức đương thời là Lưu Cơ (tức Lưu Bá Ôn, 1311-1375) đã không ngăn được nỗi bức xúc, cực lực phê phán một cách sâu sắc hiện trạng quan lại gian tà trong bài “Mại cam giả ngôn” (Lời người bán cam), một tiểu phẩm cổ văn chính luận rất nổi tiếng, nội dung mượn lời người bán cam bình phẩm sự tác tệ của bọn quan chức ăn hại để kết luận bài viết. Đại khái, tác giả trách anh bán cam lừa đảo bán toàn cam bên vỏ ngoài màu mè thấy tươi tốt nhưng bên trong hỏng nát, thì được anh ta đáp lại bằng một luận điệu trông có vẻ rất tự nhiên bình thản: “Ở đời, kẻ lừa gạt người không phải ít, há chỉ có riêng tôi hay sao?... Nay những kẻ đầu đội nón cao to [chỉ giới quan lại cấp cao trong triều]…, nhưng… cướp dấy lên mà không biết ngăn, dân khốn khổ mà không biết cứu, quan lại gian tà mà không biết cấm, pháp luật bại hoại mà không biết sửa, ngồi không ăn tốn lúa trong kho mà không biết nhục. Trông họ ngồi trên nhà cao, cưỡi ngựa lớn, say rượu ngon, no thịt cá, thì kẻ nào mà chẳng vòi vòi đáng sợ…, bề ngoài thì như ngọc như vàng mà bề trong thì như bông nát? Nay ông chẳng xét những kẻ đó mà chỉ xét cam của tôi!”.

     Đọc tiểu phẩm cổ văn chính luận dẫn trên, chúng ta thấy dường như tác giả Lưu Cơ đã không tiếc lời mạt sát khinh miệt đám quan lại cấp cao “ngồi không ăn tốn lúa trong kho” còn thậm tệ hơn cả anh bán cam vì nghèo mà không tôn trọng đạo đức kinh doanh đến phải phạm tội lừa đảo.
  
     Ngày nay, đối chiếu với thực trạng Việt Nam, nếu để ý quan sát, sẽ thấy đại khái cứ có khoảng bao nhiêu kẻ thất học vô công rồi nghề lừa đảo, cướp của giết người… phải vào tù ra khám thì có lẽ cũng có chừng ấy không ít hơn những viên chức-quan chức nhà nước bị truy tố, phải tra tay vào còng và bị đăng hình lên báo chí vì một số loại tội phạm như tham ô, móc ngoặc, hối lộ, lừa đảo…. Cho nên câu ca dao dạy trong các trường học “Con ơi nhớ lấy câu này, cướp đêm là giặc cướp ngày là quan” là ám chỉ khá đúng cho tình trạng hiện tại.

     Chỉ có điều, ngoài lòng tham và bản năng chạy tội ra thì giữa hai loại kẻ cướp lại có những đặc điểm hầu như khác nhau hoàn toàn. Đại khái: Một đằng thất học vô nghệ, lý lịch đôi khi không rõ ràng, bần cùng sinh đạo tặc; còn đằng kia thì phần nhiều được đào tạo có cấp bằng văn hóa hoặc chuyên môn cao hẳn hoi (kể cả không ít thạc sĩ, tiến sĩ), lý lịch từ quá tốt đến tốt, được tín nhiệm giao cho quyền cao chức trọng, không bần cùng mà vẫn sinh đạo tặc. Đạo tặc loại nào cũng nguy hiểm, hại dân hại nước, cần trừng trị như nhau, nhưng loại đạo tặc quan chức đứng đầu các cơ quan lãnh đạo hành chính hoặc doanh nghiệp nhà nước lớn (như tập đoàn, tổng công ty…) thì lẽ tất nhiên phải có hại cho dân nhiều hơn, vì thực chất dưới tay họ là những cơ quan công quyền hoặc công ty kinh doanh thuộc sở hữu của khoảng 90 triệu dân trong nước.

     Cũng như những kẻ giựt dọc khác, hầu hết đạo tặc quan chức khi bị phát hiện đều tìm mọi cách chối tội/ chạy tội,  đôi khi cũng trốn chui trốn nhủi ra nước ngoài, ngành công an phải phát lệnh truy nã; nhưng thường thì họ chỉ được xử lý nội bộ theo kiểu bao che lẫn nhau để hạ cánh an toàn, tiếp tục thụ hưởng sự giàu sang bên cạnh một đám đông dân số nghèo khổ mà chẳng ai làm gì được họ. Đám người này, một số đã về hưu, nếu chưa phạm trọng tội hình sự rõ ràng (không che giấu được) và bị đuổi ra khỏi tổ chức thì hầu hết cũng đều không chịu từ bỏ cái tổ chức chính trị đã nát bét nhưng nhờ đó họ được dung dưỡng trở nên vinh sang giàu có, nhà cao cửa rộng, cộng thêm một số ưu quyền mà thường dân không có. Một số người khác tuy có phẩm cách sạch sẽ trong sáng hơn, cố giữ mình trinh bạch tương đối cho lương tâm đỡ bị cắn rứt tới lúc về hưu, nhưng vẫn không dám mạnh dạn có tiếng nói phản biện trung thực, ngại xin ra khỏi tổ chức, vì sợ bị trù dập, mất các quyền ưu tiên, hoặc ngầm hiểu bản thân mình có thể hi sinh quyền lợi nhưng còn e ảnh hưởng bất lợi đến tương lai con cháu. Xét cho cùng kỳ lý, nhóm thiểu số tạm gọi tốt đẹp này cũng đã bị khéo lợi dụng mà không hay biết, vì kẻ xấu thường tìm cách treo gương họ ra bằng những tấm bằng khen, huân chương để tuyên truyền cho tính ưu việt của thể chế chính trị, khi gọi họ là những người con “ưu tú”, “chân chính”, “anh hùng”… của nhân dân và đất nước XHCN! 

     Một khi đã trở thành tội phạm, thì nhân cách các đối tượng đều xấu như nhau, nhưng nếu xét “hoàn cảnh” cụ thể thì hạng phạm nhân quan chức gây thiệt hại tiền tỉ cho dân lại đáng bị xã hội khinh chê nguyền rủa hơn, chẳng hạn so với quân trộm chó mạt hạng…, vì những kẻ này vốn đã được xã hội ưu ái, cho ăn học-đào tạo-đề bạt chức vụ, nhờ đó (trên nguyên tắc/ lý thuyết) hiểu biết luật pháp, có điều kiện nhận thức tốt hơn về những gì đáng làm và không nên làm. Vì lòng tham không đáy, họ dám phản bội cả lòng tin của tổ chức cấp trên và của nhân dân, bằng đủ loại thủ đoạn cao cường quỷ quyệt, sẵn sàng vi phạm phép nước để thỏa mãn tham vọng thấp hèn, góp phần tạo nên môi trường xấu và tình trạng bất công,  cũng chính là tạo nên cái điều kiện cơ bản để từ đó liên tục làm nảy sinh các loại tệ nạn xã hội khác.

     Ở các cấp lính lác thừa hành nhỏ hơn, noi gương xấu cấp trên, họ không thể kiên nhẫn chịu mãi sự lép vế thu nhập so với thượng cấp, nên một bộ phận không nhỏ đã lần lần trở nên hèn kém hư hỏng bằng đủ mọi loại thủ đoạn kiếm chác rẻ tiền. Một số khác trong họ đã trở thành những phần tử tha hóa ác ôn, ức hiếp bóc lột dân chúng, thường thấy trong những vụ cưỡng chế giải tỏa nhà đất, hoặc dẹp lòng lề đường…; nhân danh nhiệm vụ cấp trên giao, đi đến đâu cũng “đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi” (Nguyễn Du), sẵn sàng thi triển những hành động vô cảm, “phũ tay tồi tàn” ngay cả đối với những phụ nữ nghèo khổ mua gánh bán bưng lương thiện ngoài đường phố để kiếm tiền nuôi con.

     Những hình ảnh phản cảm như trên vừa nói gợi chúng ta nhớ đến một tiểu phẩm cổ văn chính luận khác cũng rất nổi tiếng, đó là bài “Bổ xà giả thuyết” (Lời người bắt rắn) của Liễu Tông Nguyên (773-819) thời Đường, nội dung công kích mạnh mẽ vào đám tham quan ô lại và bày tỏ sự cảm thông sâu sắc với những người dưới đáy xã hội bị bóc lột tận xương tủy, với ý tưởng chính coi chính sách thuế khóa bóc lột dân nghèo còn độc hại hơn cả nọc rắn độc và còn “dữ hơn cọp” nữa. Đại khái, trong câu chuyện, người dân đen ở nông thôn thà liều chết bắt rắn nộp lên quan để được miễn thuế còn hơn phải chịu khổ về nỗi thuế má nặng nề, lại còn bị bắt nạt hiếp đáp trăm chiều: “Bọn lại hung ác tới làng tôi, hò hét ở phía đông phía tây, phá phách ở phía nam phía bắc, ầm ĩ làm cho mọi người kinh hoảng, tới gà chó cũng không được yên”.    

     Bên cạnh một bộ phận không nhỏ giới quan liêu thối nát đủ cỡ và các cấp thừa hành chỉ biết làm theo lệnh cấp trên, xưa nay còn có một số không ít (chứ không phải tất cả) trí thức nô dịch ăn theo thể chế kinh tế-chính trị bằng cách minh họa/ phụ họa cho những chính sách mị dân, sai lầm. Những người này tuy chưa xứng gọi ăn hại đái nát, một số cũng có hoàn cảnh riêng biệt đáng được thông cảm, nhưng nói chung về mặt chiều sâu còn có hại hơn cả đám lính lác đi dọn dẹp lòng lề đường, trong vai trò đồng lõa của họ với những cái xấu lớn hơn/ gây tác hại nhiều hơn thuộc về đường lối, chính sách.

     Trong bối cảnh chính trị Việt Nam hiện tại, một số trong họ là những ông nghị viên hội đồng các tỉnh thành, ủy viên mặt trận này mặt trận nọ, chủ tịch các thứ hội, hoặc thậm chí cả đại biểu Quốc hội, vốn được cơ cấu sẵn để đưa vào tổ chức chính trị nhưng thực chất chỉ hữu danh vô thực, giữ vai trò a dua phụ họa. Đối với hạng trí thức này, có lần tôi đã mạnh dạn viết rõ: “Người ta thường thấy vẫn có không ít trí thức về mặt nhận thức đối với các hiện tình chung của xã hội thì họ vẫn đủ sáng suốt, thấy hết mọi vấn đề, nhưng vì nhiều lý do thực tế của cuộc sống, họ đã chọn lựa thái độ cầu an nên thường không dám tỏ thật thái độ, thậm chí vô hình trung còn đồng lõa với một số điều tệ hại đi ngược với quyền lợi của công chúng. Một số khác trong họ bên ngoài cuộc sống hiền lành và có vẻ trong sạch còn dần dà trở thành những phần tử thỏa hiệp nguy hiểm để hợp lý hóa cho những chủ trương chính sách sai lầm, gọi là ‘văn quá sức phi’, tức tìm cách tô điểm cho những điều bậy bạ trở nên có văn vẻ để mị hoặc quần chúng. Nếu cần tỏ thái độ phê bình, họ chỉ phát biểu vừa phải để giữ mức an toàn cho bản thân và cho những chức vụ đang được nắm giữ, rốt cuộc trở thành những kẻ ngụy tín ngụy biện lúc nào không hay. Họ có thừa khả năng lý luận để biện minh và che giấu cho mặt trái hành động của mình, so với đám tham quan ô lại thì thành phần trí thức dạng này còn nguy hiểm hơn nhiều vì chính họ mới là thủ phạm gián tiếp dung dưỡng, làm trái độn bắc cầu cho những kẻ tham quan ô lại tiếp tục hoành hành. Chuyện này không có gì mới, vì lịch sử đã nhiều lần chứng tỏ, trong một số thời kỳ chính trị hủ bại, một bộ phận của tầng lớp sĩ phu không phải lúc nào cũng đứng về phía binh vực cho quyền lợi của nhân dân lao động” (xem tuần báo Công Giáo Và Dân Tộc, số 1384).

     Nhưng nói đi rồi cũng phải nói lại cho đúng sự thật và công bằng sòng phẳng: dẫn đến tình trạng trầm trọng đáng lo như hiện nay không phải do tội lỗi của từng cá nhân riêng lẻ gộp lại, mà do cái tổng thể của kiểu cách/ mô thức tổ chức điều hành xã hội đã không thể không tạo nên tình trạng tha hóa cho mỗi con người mà cá nhân chỉ là sản vật. Nói cách khác, chính là cái thể chế kinh tế-chính trị, mà người ta thường nói giảm đi cho lịch sự tế nhị bằng hai chữ “cơ chế”, thứ cơ chế đã có mấy đời thủ tướng (như Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải…) gợi ý khéo léo cần phải thay đổi (chứ khó nói huỵch toẹt ra vì dù cấp thủ tướng trong cơ chế đó cũng chẳng dám hoặc được tự do phát biểu…), và có lần ông bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Đào Đình Bình đã phải ngậm ngùi phát biểu lớn lên giữa phiên họp Quốc hội ngày 15.6.2006 trước khi ông bị bắt buộc phải từ chức: “Cơ chế hiện nay phải thay đổi. Nếu không thay đổi thì bộ trưởng nào ngồi vào đây cũng sẽ mắc khuyết điểm. Tôi từ chức rồi, nhưng các đồng chí sau tôi chắc chắn cũng khó vượt qua” (dẫn lại theo tạp chí Phát Triển Kinh Tế, số 191, tháng 9.2006).

     Liên quan sự bất lực của cả hệ thống, rất nhiều quan chức cấp cực lớn trước nay đã thừa nhận công khai, như có thể nhắc lại, chính cựu Thủ tướng Phan Văn Khải khi vừa rời khỏi chính trường cũng có lần phát biểu trả lời phỏng vấn trước Quốc hội: “Rất nhiều lần tôi nói cả hệ thống chính trị chứ không chỉ hệ thống hành chính của chúng ta có vấn đề, cần phải cải cách, chấn chỉnh, nâng cao năng lực, hiệu quả, hiệu lực, chống cho được tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu...” (nt.).

     Một cái thông bệnh của quan chức các cấp nhà nước trong hệ thống chính trị là thường khi người ta sắp hoặc đã về hưu rồi mới có người thỉnh thoảng dám nói lên một phần sự thật mấy vấn đề cốt lõi về quan điểm/ lập trường chính trị; còn trong khi đương chức, nghĩ mình là phương diện quốc gia, sớm tối xách cặp đi họp/ đi báo cáo/ chỉ đạo… gọi là làm việc nước, để chỉ phát biểu qua loa mấy vấn đề râu ria sự vụ, mà chẳng dám động vào những chỗ bị ngầm hiểu (vì không có văn bản hay luật pháp quy định) là “vùng cấm” hay “vùng nhạy cảm”, vì sợ đi chệch đường lối chính thống sẽ có thể bị chính những đồng chí thân thiết của mình nghi ngờ và quy chụp quan điểm, từ đó có thể “bị đì”, rất khó tiến thân trên con đường sự nghiệp. Hậu quả tất yếu là hầu hết quan chức có chức vụ càng cao lại càng trở nên rụt rè gà phải cáo, sống và làm việc thiếu trung thực, (để giữ ghế chờ đến lúc về hưu hưởng đủ các loại chế độ?), và vì thế quốc gia nếu không ngày càng suy bại, bộ  máy vận hành nhà nước không ngày càng kém hiệu lực, mới là chuyện lạ.   
   
     Sự thật, chẳng phải không có những quan chức lãnh đạo cấp cao có thực tâm cải cách, chống tham nhũng, muốn làm trong sạch bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, nhưng chính cái hệ thống với bản chất thiếu công khai dân chủ này trước hết đã vùi dập làm tê liệt mọi sáng kiến và quyền tự do phát biểu cá nhân, khiến cho một người dù thiện chí đến đâu rốt cuộc cũng phải chịu cảnh lực bất tòng tâm! Và trong tình huống triệt buộc bất lực một cách phổ biến như vậy, chỉ một số rất ít trong họ dám có quyết định “từ quan” để ít nhất cũng giữ mình trong sạch trong lương tâm thanh thản vì không tiếp tục mắc tội đồng lõa với một số biện pháp/ chính sách bất cập do tập thể quyết định. 

     Vậy rõ ràng vấn đề cần được giải quyết từ gốc, bằng cách phải sửa đổi căn bản hệ thống kinh tế-chính trị theo hướng dân chủ hóa toàn bộ hoạt động xã hội một cách thực chất, thông qua quá trình sửa đổi Hiến pháp và thực thi đúng Hiến pháp, vì trên thực tế, kể từ Hiến pháp Việt Nam đầu tiên (năm 1946) cho tới Hiến pháp bây giờ (năm 2013), hầu hết các quyền tự do dân chủ căn bản đều chỉ dừng lại ở mức độ lý thuyết: nói tự do ngôn luận mà không có tự do ngôn luận (nên mới có vụ trấn áp nhóm Nhân Văn Giai Phẩm năm 1956…); nói biểu tình mà không có quyền biểu tình (đến nay luật biểu tình vẫn chưa được thông qua, và ai tổ chức biểu tình cũng đều bị trấn áp, quy chụp do kẻ thù này khác xúi giục…); nói ứng cử/ bầu cử tự do nhưng thực tế chỉ do sự cơ cấu/ quy hoạch sẵn của một tổ chức độc quyền lãnh đạo (nên những người tự nộp đơn ứng cử hầu hết đều bị loại…) … 
     Cho đến hiện nay, tình trạng mất tự do dân chủ kiểu nêu trên vẫn chưa được cải thiện đáng kể, mọi ý đồ tốt đẹp của quốc gia vì thế đều chỉ nằm trên giấy, trong khi mọi thứ hiện tượng tiêu cực trong đó nổi bật quốc nạn tham nhũng tràn lan nêu ra từ mấy chục năm nay chẳng những không dừng lại mà còn tiếp tục gia tăng hoành hành, hay được mô tả khéo bằng cụm từ “diễn biến phức tạp”.

      Trong bối cảnh gần như bế tắc như vậy, không ít người có thiện chí đã tỏ ra lúng túng, cố gắng lắm cũng chỉ thẳng thắn nêu lên được một vài ý kiến phản biện/ đóng góp trên các phương tiện truyền thông (lề phải, lề trái) nhưng thường chỉ được đáp lại bằng sự im lặng gần như tuyệt đối của các nhà đương cuộc! Một số người khác thất vọng vì lực bất tòng tâm, không đủ kiên nhẫn chờ đợi lâu thêm, họ đã lai rai buồn bã đoạn tuyệt với cái tổ chức chính trị độc quyền trì trệ ít chịu thay đổi mà họ kịp nhận ra chính sự độc quyền trì trệ đó mới là nguyên nhân đích thực của mọi nguyên nhân  tạo nên tình trạng hôn ám, vô đạo như từ trước đến nay. Họ dứt khoát như vậy, vừa để tránh mặc cảm đồng lõa, vừa để bắt chước người xưa bảo tồn danh tiết.         

     Từ rất lâu đã có loại lý lẽ cho rằng, trong điều kiện nước nhà “vô đạo”, tức chính trị hôn ám bại hoại, nếu thật sự là người tốt, chân chính thì không ai có thể tiến thân xa trên con đường chính trị. Trường hợp ai đó thản nhiên chịu nhận chức vụ cao một cách không ngay chính (vì thiếu đức thiếu tài, lại được cơ cấu/ đề bạt không theo nguyên tắc công bằng, dân chủ…) để được giàu sang như trong thực tế xã hội hiện tại “tiền và quyền đi đôi với nhau” mà chẳng làm được gì có ích cho dân thì họ chỉ được cái mã ngoài tốt đẹp vinh thân phì gia nhưng thực chất chỉ là một nỗi nhục nhã hết sức lớn lao, tương lai sẽ bị lịch sử phán xét không thương tiếc!

      Là một người không từ bỏ lý tưởng xã hội, hẳn ai cũng muốn đóng góp phần mình vào sự nghiệp tiến bộ chung của đất nước. Nhưng ngặt nỗi, cuộc sống không đứng yên một chỗ, thực tế thời cuộc cũng ngày một đổi khác, lòng yêu nước, mục đích lý tưởng vì thế cũng cần được biến thông, thể hiện khác đi cho phù hợp với thời thế và hoàn cảnh lịch sử cụ thể đã thay đổi. Nếu vẫn cứ một mực “ngu trung” theo con đường cũ, khi sự vật đã khác xưa, thì đó chắc chắn không phải là cách lựa chọn sáng suốt của một người trong sạch luôn coi lợi ích của nhân dân là mục đích tối thượng.

     Về phía các nhà đương cuộc chịu trách nhiệm lèo lái quốc gia, ngày càng thấy dường như họ đã nhận ra tầm quan trọng và tính bức bách của nhu cầu cải cách thể chế. Về mặt phát biểu công khai, không ít các nhà lãnh đạo cấp cao đã đề cập vấn đề này từ lâu. Nhiều người trông chờ vào một bước đột phá có tính quyết định để khai thông mọi bế tắc; một vài cố gắng cũng đã được bàn thảo và thực hiện bước đầu, tuy vẫn còn vấp phải khá nhiều khó khăn trở ngại, bởi nhiều lý do rất phức tạp. Nhưng dù thế nào, nếu thật sự muốn lấy lại niềm tin trong nhân dân, để đất nước được ổn định phát triển lâu dài và thông suốt, tiêu chí của giá trị cải cách nhất định cũng phải được đánh giá dựa trên cái ngưỡng từ đó trông thấy rõ nỗ lực vượt lên mấy nút chặn nghiệt ngã bấy lâu nay, liên quan những nội dung/ vấn đề cốt lõi như quyền tự do ngôn luận-báo chí-xuất bản, quyền ứng cử, quyền biểu tình, quyền sở hữu ruộng đất (trên thực tế)…, chứ không thể chỉ dựa vào mấy câu chữ lưỡng nghĩa vốn đã được sửa đi sửa lại nhiều lần ghi trong các bản nghị quyết suốt mấy chục năm nay mà bản chất gần như không có gì đổi mới.
                                                                                                                         
22.11.2016     

 Tác giả gởi cho viet-studies ngày 24-11-16







No comments:

Post a Comment

View My Stats