Tuesday, 29 November 2016

NỖI NHỤC CỦA MỘT DÂN TỘC & NIỀM VINH DỰ CỦA CHẾ ĐỘ (Độc giả Dân Luận)




Độc giả Dân Luận
Tác giả gửi tới Dân Luận
29/11/2016

Cựu chủ tịch nước Cộng Hòa Cuba là Fidel Castro qua đời mới đây đã kéo theo rất nhiều sự chú ý của dư luận.

Báo chí cũng tốn rất nhiều giấy mực, nhất là báo chí trong nước đã bày tỏ sự thương tiếc cũng như việc không tiết kiệm bất cứ lời lẽ cao đẹp nào để ca tụng ông. Và cả nhà nước Việt nam cũng đã dành ra ngày 4/12 để tổ chức quốc tang cho ông.

Ở hầu hết các quốc gia khác cũng như Việt Nam, nghi thức quốc tang là để dành cho những nhân vật có công lớn với đất nước hay những vị lập quốc công thần từ trần.

Fidel Castro một cái tên không xa lạ gì đối với những người Việt Nam thích xem tivi, đọc báo đảng, hay những em học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường. Nhưng nó cũng rất xa lạ với nhiều người Việt bởi lẽ ngoài việc xuất hiện trong các phương tiện tuyên truyền từ báo đài cho đến giáo dục, thì ông ta không gây ra được nhiều sự ảnh hưởng. Hay nói toạc ra là ông ta chẳng có cái công trạng gì đối với nhân dân hay đất nước Việt Nam. Còn ở trên phương diện góc nhìn thế giới, nhiều người nhìn ông như một kẻ độc tài tàn bạo. Kẻ đã làm cho một nước Cuba giàu có và trù phú, phát triển hưng thịnh trở thành một quốc gia nghèo nàn lạc hậu, cách biệt với thế giới bên ngoài khi Đảng cộng sản do ông cầm đầu lên nắm quyền. Một người như vậy là đáng kính hay đáng bị kết tội? Ấy vậy mà đảng và nhà nước ta lại làm quốc tang cho ông.

Quay ngược thời gian trở về lịch sử Trung Hoa cách đây 2000 năm. Vào thời Tam Quốc. Một nhân vật được ca tụng là võ thánh, đó là Quan Công. Không chỉ riêng văn hóa Trung Hoa mà ở Việt Nam người ta cũng tôn sùng ông như một vị thần. Qua việc thờ phụng, xăm hình ông như một biểu tượng cho sự trung nghĩa, bản lĩnh và mưu trí. Nhà nước ta còn định chi hàng trăm tỷ đồng để xây miếu thờ phụng ông.

Có lẽ người Việt Nam chỉ tìm hiểu về các nhân vật thời Tam Quốc qua tác phẩm Tam Quốc diễn nghĩa của Ngô Thừa Ân. Một tác phẩm 7 phần hư 3 phần thực, mà quên mất rằng xung quanh đó vẫn còn nhiều ghi chép lịch sử khách quan và chân thực hơn, ví dụ tác phẩm Tam Quốc Chí của Trần Thọ. Một Quan Vân Trường đời thường hơn, ít thần thánh hơn được miêu tả lại. Một kẻ ngu muội, ngoài việc có sức khỏe vô song ra thì chẳng có cái gì đáng nổi bật. Đó cũng chính là lý do khiến cho Gia Cát Lượng không tin dùng ông trong những lần Bắc phạt Ngụy Tào mà chỉ cho ở nhà giữ của Kinh Châu. Ngoài ra ông còn tỏ rõ bản chất đố kỵ hèn hạ của mình qua các việc như đòi tỷ thí với Triệu Vân khi Vân lập công lớn, giật dây Trương Phi làm khó dễ cho Gia Cát Lượng khi Lượng mới về dưới trướng của Lưu Bị làm lỡ nhiều chuyện lớn và khi hay tin Gia Cát Lượng cùng Lưu Bị công hạ thành công Hán Trung, ông ta đã tự quyết bỏ ngỏ Kinh Châu để đánh Phàn Thành và hậu quả là yết hầu của Thục Hán đã rơi vào tay Đông Ngô. Coi như cơ nghiệp Thục Hán sụp đổ và sự sụp đổ đó bắt đầu từ đây. Chính ông là kẻ đã phá nát cơ nghiệp mà Lưu Bị cùng Khổng Minh dày công xây dựng. Dù chỉ giữ trọng trách trấn thủ Kinh Châu đối với một đại tướng lừng danh như Quan Vũ thì quá đơn giản, nhưng đã là mầm họa thì ở đâu cũng gây họa được.

Đó là hai nhân vật tuy khác nhau về thời điểm. Nhưng cũng có nhiều nét tương đồng. Đó là sự độc đoán trong cách hành xử mà bất chấp hậu quả. Giả dối trong cách đối nhân xử thế. Một bên thì lợi dụng chủ nghĩa cộng sản để làm giàu và củng cố quyền lực cho bản thân, khiến cho cả một đất nước trở nên nghèo nàn lạc hậu dù tiềm lực rất mạnh. Một bên thì lợi dụng nghĩa huynh đệ để lộng quyền tự quyết khiến cho cả một cơ đồ dù rất hùng mạnh cũng sụp đổ mà không gì có thể cứu vãn được. Và cuối cùng. 2 kẻ này đều được Việt Nam đón nhận như những vị thánh.

Xét về quốc tang của Fidel Castro tại Việt Nam. Nó không những phi lý, vô nghĩa và lố bịch mà còn cả một sự phân biệt không hề nhỏ với chính những con người Việt Nam. Chắc hẳn chúng ta còn nhớ 64 anh hùng đã ngã xuống ở Gạc Ma năm 1988 chứ? Có bao giờ đảng và nhà nước tổ chức một cái quốc tang nào chưa? Đã có một buổi lễ quy mô nào để tưởng nhớ đến họ chưa? Hay những chiến sĩ, những dân quân đã nằm lại mãi mãi ở chiến trường biên giới Việt Trung. Thân xác họ rải rác dọc biên giới mà hơn một nửa trong số họ là những Liệt sĩ vô danh. Ngay cả trong bài học lịch sử chỉ vẻn vẹn có vài dòng chữ nhắc lại, đối lập hoàn toàn với con số hàng ngàn người đã nằm xuống. Một cuộc chiến chớp nhoáng nhưng tang thương nhường vậy mà kẻ thù còn không bị nêu đích danh, những người đã nằm xuống cho tổ quốc không được ghi ơn, tưởng nhớ, thay vào đó là một ngày quốc tang cho một cá nhân chuyên quyền độc đoán ở tận nửa vòng trái đất thì đó có phải mỗi nhục cho dân tộc Việt Nam không?

Đáng buồn thay khi nỗi nhục đó được xem là niềm vinh hạnh của chế độ.

Xét về Quan Công với những bản chất cũng như sai lầm của ông ta thì liệu có đáng để được người Việt thờ phụng? Chưa nói đến việc ông là nhân vật của lịch sử Trung Hoa. Tại sao lại phải tôn sùng ông? Chẳng lẽ lịch sử Việt Nam không có những võ thánh, những tướng tài? Còn đó Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Vua Quang Trung v.v... chẳng lẽ không xứng tầm? Hình ảnh của một Quan Công trung thành nghĩa hiệp âu cũng chỉ là một hình thức tuyên truyền cho chế độ, tiêm nhiễm vào đầu người dân sự trung thành tuyệt đối với kẻ làm vua. Đó là một ý thức vô cùng độc hại. Khi cả một hệ thống mục ruỗng, thối nát cần phải thay đổi nhưng sự trung thành tuyệt đối lại không cho phép tạo ra sự thay đổi, như từ ngữ chỉ có trong thời phong kiến đó là "phản tặc" còn thời hiện tại là "phản động".

Fidel Castro là hiện thân của chủ nghĩa cộng sản đời đầu. Và việc nâng ông ta lên tầm lập quốc công thần để tổ chức quốc tang cũng giống như một biện pháp cứu vãn hình ảnh ngày một tồi tệ không có dấu hiệu dừng lại của chế độ trong mắt người dân. Để tránh bị cuốn theo chiều hướng thay đổi ngày một mạnh mẽ trên đất nước Việt Nam.

Hai nhân vật, hai thời điểm, vị trí địa lý cũng khác nhau nhưng cùng chung một muc đích của nhà cầm quyền. Đó là cả hai đều như là cái phao cứu sinh để giúp kẻ độc tài bám víu vào để không sớm bị người dân, những người đang bị cai trị thấy được cái họa với đất nước do chính họ tạo ra. Họ vì quyền lực của bản thân mà dẫm đạp lên xương máu, lịch sử và lòng tự tôn dân tộc chẳng khác nào họ đang xem cái hèn của quốc gia để lấy làm vinh hạnh.

--------------------------------------






No comments:

Post a Comment

View My Stats