Tuesday, 29 November 2016

CASTRO ĐÃ PHẢN BỘI CUỘC CÁCH MẠNG (Jeffrey Tucker)




Jeffrey Tucker
30-11-2016
.
Nhà cách mạng, người giải phóng thời trai trẻ

Fidel Castro chết ở tuổi 90, và, một cách tình cờ, tôi vừa mới xem bộ phim tuyệt vời, nhan đề “Bố”, sản xuất năm 2015, nói về những năm tháng Ernest Hemingway sống ở Cuba trước cách mạng. Bối cảnh của phim là đất nước Cuba thời trước Castro, một vùng đất đang phải vật lộn, nhưng phồn vinh, nằm dưới sự cai trị của Fulgencio Batista (1901-1973), một nhà độc tài tàn bạo. Đấy là bộ phim đầu tiên của Hollywood được quay tại chỗ sau ngày Cách mạng Cuba thành công.

Khẩu hiệu của cuộc cách mạng là "tự do hay chết", và Castro là người lãnh đạo cuộc cách mạng đó

Bộ phim tìm cách tái hiện khung cảnh năm 1959. Trớ trêu là, đấy không phải là việc khó. Hầu hết những bộ phim nói về khung cảnh cách đây 50 năm sẽ phải đi tìm những khu phố cũ, những chiếc xe cổ, công nghệ cũ, thời trang ngày xưa, đường phố bụi bặm..v.v... Để thực hiện bộ phim này có lẽ cần phải làm ngược lại: sơn lại một chút, sửa lại một vài tuyến đường..v.v.. Nếu không, tất cả mọi thứ vẫn giữ nguyên

Đấy là vấn đề. Khi Castro giành được chính quyền, chính sách cộng sản của ông ta chặn đứng tất cả công cuộc phát triển kinh tế. Người ta nói về tỉ lệ người biết chữ cao và tất cả đều được chăm sóc y tế, nhưng du khách trong mấy chục năm gần đây có thể dễ dàng thấy các trò lừa bịp ở xứ này. Đây là vùng đất đã bị đông cứng lại trong một thời gian dài, một vùng đất mà người dân đã liều chết để mong tìm cách trốn đi trong suốt 50 năm qua. Thậm chí hiện nay, đó là một bảo tàng, một sự bác bỏ sống động lời tuyên bố quan trọng nhất cách đây một trăm năm rằng chủ nghĩa cộng sản sẽ chấm dứt liễu sự áp bức về kinh tế và tạo ra của cải cho tất cả mọi người.

Gặp những ông chủ mới

Trước hết, làm sao Castro giành được quyền lực? Bộ phim cho thấy câu chuyện. Ngay cả nếu bạn không biết gì khác về lịch sử Cuba, ngoài những điều bộ phim cho thấy, bạn có thể thấy vì sao tình trạng đó không thể kéo dài mãi được.

Batista tranh cử tổng thống năm 1952. Trước thất bại hầu như chắc chắn, và có kinh nghiệm sâu sắc về chính quyền quân sự, ông ta lãnh đạo cuộc đảo chính đưa ông ta lên cầm quyền. Ông ta không phải là cộng sản mà là nhà độc tài quân sự điển hình. Ông cấm báo chí tự do. Ông ta ngăn chặn quốc hội. Ông ta sát hại kẻ thù của mình. Ông ta ra lệnh đàn áp thô bạo tất cả những người thách thức chính quyền của ông ta. Trong khi ông ta tỏ ra hữu nghị với những vụ kinh doanh và vui vẻ nhận hối lộ từ các công ty Mĩ đang làm ăn ở Cuba, nạn tham nhũng và sự tàn bạo của ông ta tạo ra những điều kiện dẫn đến cuộc cách mạng.

Kết quả không phải là chế độ dân chủ và tự do mà nhân dân mong muốn, mà là một cơn ác mộng không thể tin nổi đối với một nước đang quằn quại.

Khẩu hiệu của cuộc cách mạng là “tự do hay chết”, và Castro là người lãnh đạo cuộc cách mạng đó. Nhưng không chỉ lãnh đạo. Ông đã trở thành nhân vật huyền thoại, được báo chí Mĩ đặc biệt yêu thích. Tờ New York Times, năm 1957, viết: “Một người có học, một người cuồng tín đồ tận tụy, một người có lí tưởng, can đảm và phẩm chất đặc biệt về lãnh đạo”.

Nhưng, ngay sau khi Castro nắm được quyền lực, ông ta đã tổ chức những vụ hành quyết công khai các đối thủ chính trị của mình, ông ta tịch thu đất đai tư nhân, tuyên bố gắn bó với chủ nghĩa Mác-Lênin, và chế độ độc tài hóa đá, rồi sẽ kéo dài nửa thế kỉ. Kết quả không phải là chế độ dân chủ và tự do mà nhân dân mong muốn, mà là một cơn ác mộng không thể tin nổi đối với một nước đang quằn quại.

Mĩ phản ứng bằng những lời lên án, cấm vận, và những biện pháp trừng phạt, và những việc làm đó đã cho Castro lí do mà ông ta cần để biện minh cho nhà nước cảnh sát của ông ta và con dê tế thần mà ông ta cần để trút trách nhiệm cho sự thất bại khủng khiếp của các chính sách kinh tế mà ông ta theo đuổi. Dù cuộc sống của người dân Cuba có tồi tệ đến mức nào thì câu chuyện bên trong Cuba bao giờ cũng vẫn thế: Hãy xem những việc mà bọn Mĩ độc ác đang làm cho chúng ta.

Tư tưởng cuồng tín của Fidel Castro không thể cứu ông ta khỏi chết, đấy cũng giới hạn cuối cùng của sự bám víu vào quyền lực của bất kỳ cá nhân nào. Nếu không, quyền lực của ông ta sẽ biết không biết đến giới hạn. Tất cả những lời ca ngợi nhà cách mạng vĩ đại này không thể che giấu được thực tế: ông ta là một nhà độc tài khát máu, kẻ đã giữ nhân dân Cuba - những người mà ông cho phép sống - làm con tin trước tham vọng quyền lực của chính ông ta. Ông là kẻ phản bội cuộc cách mạng của chính mình.

Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa

Cuba chỉ là một trong số hàng mấy chục nước như thế trong thế kỷ XX: chế độ độc tài phái hữu (hoặc tả) theo sau là chế độ độc tài tả (hoặc hữu), rồi theo sau lại là chế độ độc tài hữu (hoặc tả), và cứ thế, không bao giờ chấm dứt. Chúng ta đã chứng kiến chuyện đó biết bao nhiêu lần rồi. Khao khát cách mạng bao giờ cũng giống nhau: tự do hay là chết. Đó là tư tưởng đầy cảm hứng và gây được nhiều cảm hứng. Nhưng tư tưởng đó nhanh chóng lụi tàn khi các nhà cách mạng nhấm nháp được hương vị của quyền lực và sao chép những biện pháp của những người đi trước, và những người kế thừa cũng làm y như thế.

Những hình thức độc tài khác nhau có cách nói, cách tuyên truyền, giọng điệu và ưu tiên chính trị khác nhau, nhưng tất cả những chế độ đó đều có chung tình cảm là ghét cay ghét đắng tự do.

Năm 1944, F.A. Hayek đã cảnh báo rằng trong thế giới của những nhà nước can thiệp vào mọi việc như hiện nay, ý thức hệ bao trùm có thể thay đổi, nhưng đe dọa đối với tự do thì vẫn như cũ. Mối đe dọa của chủ nghĩa cộng sản sinh ra chủ nghĩa phát xít, trong khi hiện thực của chủ nghĩa phát xít lại truyền cảm hứng cho chủ nghĩa cộng sản, sự thất bại của chủ nghĩa cộng sản lại củng cố hi vọng của chủ nghĩa phát xít..v.v... Trong các nước khác nhau, chi tiết và trình tự thay đổi có thể khác nhau. Nhưng động lực thì vẫn giữ nguyên.

Con người bất tử và không thể sai lầm

Những hình thức độc tài khác nhau có cách nói, cách tuyên truyền, giọng điệu và ưu tiên chính trị khác nhau, nhưng tất cả những chế độ đó đều có chung tình cảm là ghét cay ghét đắng tự do. Vì vậy, nếu thế giới còn đi tìm những người được cho là có học và những người dũng cảm, có lí tưởng thực hiện việc lãnh đạo từ trên xuống, thì chúng ta sẽ mãi mãi bị phản bội, bị vùi dập khi người ta dùng những ý thức hệ khác nhau để biện hộ cho hết chế độ độc tài này đến chế độ độc tài khác.

Sai lầm căn bản là gì? Hayek nói, đấy là: niềm tin cho rằng, trật tự xã hội và trật tự kinh tế là sự khuếch chương một ý chí, một kế hoạch, một bản thiết kế, một khát vọng. Đấy là sai lầm căn bản của người trí thức. Nó xuất phát từ giới hàn lâm trong những năm cuối thế kỉ XIX. Nó đã được trao vào tay những kẻ xấu xa nhất trong thế kỉ XX để chúng thực hiện những tội ác chống lại loài người, không bút giấy nào tả xiết.

Tự do hay quyền lực?

Nếu thế, cái gì sẽ thay? Xã hội tốt là thiết chế tự phát, là xã hội tiến hóa từ những lựa chọn riêng rẽ của từng cá nhân, dù họ đang ở đâu, họ cũng hành động một cách hòa bình và cùng tôn trọng quyền lợi của nhau và tôn trọng hạnh phúc của người khác. Ở đó không có một bản kế hoạch bao trùm lên cả xã hội, mà kế hoạch nằm trong đầu óc của các cá nhân, và thậm chí là, phải luôn luôn và thường xuyên đem kế hoạch ra kiểm tra, cân nhắc với những điều kiện đang thay đổi.

Cuối cùng, cuộc đấu tranh thực sự không phải là giữa phái hữu và phái tả, mà là giữa tự do và quyền lực. Chúng ta không bao giờ được rời mắt khỏi vấn đề quan trọng nhất này và không bao giờ ngưng phấn đấu cho một thế giới thực sự tự do.

Jeffrey Tucker là giám đốc phụ trách nội dung trang mạng fee.org. Ông là tác giả của 5 cuốn sách và hàng ngàn bài báo

Đã đăng trên Dân Luận.

Nguồn:
Castro Betrayed the Revolution




No comments:

Post a Comment

View My Stats