Saturday, 26 November 2016

NƯỚC MỸ KHÓ HIỂU (Ngô Nhân Dụng)




Ngô Nhân Dụng
November 25, 2016

Nước Mỹ rất khó hiểu. Trong tám năm qua, thế giới hai lần kinh ngạc trước kết quả bầu tổng thống ở Mỹ. Trước thế kỷ này, khó tưởng tượng một người da đen làm tổng thống Mỹ. Ấy thế mà năm 2008 ông Barack Obama đắc cử. Trước ngày 8 Tháng Mười Một năm nay, ít người ở Châu Mỹ, Châu Âu hay Châu Á tin ông Donald Trump sẽ đắc cử. Ngày hôm sau, ông Trump đã chuẩn bị vào Tòa Bạch Ốc.

Những bất ngờ (không đổ máu) như vậy chỉ xẩy ra trong chế độ dân chủ. Vì 150 triệu cử tri quyết định cho ai làm tổng thống, bằng từng lá phiếu của họ. Chính những con người vô danh này tạo bất ngờ.

Trước khi ông Obama đắc cử, dân Mỹ vẫn mang tiếng là kỳ thị người da đen, một tâm lý khó xóa bỏ dù luật lệ vẫn bảo vệ công bằng. Phải nói, nước nào cũng có những người nuôi đầu óc kỳ thị, rất đông. Thử hỏi một người Việt Nam trung bình nghĩ gì về người Việt gốc Hoa hay gốc Khmer? Ngay cả khi lý trí đã quyết định không kỳ thị chủng tộc, người ta vẫn chứa trong đầu óc một chút tị hiềm. Dù các đạo luật bảo vệ dân quyền đã được áp dụng từ hơn 50 năm, vẫn khó xóa sạch óc kỳ thị trong đầu nhiều người Mỹ. Sau khi ông Trump thắng, nhiều người Mỹ da trắng đã xuất hiện bầy tỏ tinh thần kỳ thị một cách công khai, không cần dè dặt. Những nhóm KKK và Da Trắng Trên Hết (White Supremacy) mới rầm rộ ăn mừng ông Trump lên ngôi tổng thống. Trên Facebook, một viên chức ở tiểu bang West Virginia gọi bà Michelle Obama là “con khỉ đột đi giầy cao gót,” tác giả câu đó đã bị cách chức. Nhưng sư thật là từ bẩy tám năm nay nhiều người Mỹ da trắng đã ví ông, bà Obama với khỉ đột – và truyền tai nhau trên các mạng xã hội. Trong một xã hội có những người như vậy mà ông Obama vẫn đắc cử, hai nhiệm kỳ liên tiếp! Người ngoại quốc phải thấy nước Mỹ rất khó hiểu!

Trường hợp ông Trump cũng khó hiểu, theo một cách khác. Đây lại là vấn đề đạo đức cá nhân chứ không phải chuyện mầu da. Thông thường, dân Mỹ rất sùng đạo. Những người ghét ngoại tình, chống phá thai, chống hôn nhân đồng tính, vân vân, mang thái độ rất quyết liệt. Trên vấn đề phá thai, ông Trump coi đó là việc của các tiểu bang. Ông vẫn hứa sẽ đề cử những thẩm phán muốn cấm phá thai, để lật ngược phán quyết cũ của Tối Cao Pháp Viện coi phá thai là một quyền của phụ nữ. Nhưng về chuyện hôn nhân đồng tính, ông lại nói rằng Tối Cao Pháp Viện đã xử rồi, khỏi cần bàn nữa. Năm 2000 hoặc 2004, ông George W. Bush mà nói năng lơ lửng như vậy thì chắc đã bị nhiều cử tri Cộng Hòa bỏ rơi!

Xưa nay trong các cuộc tranh cử tổng thống ở Mỹ người ta vẫn soi mói đời tư từng ứng cử viên, đặc biệt về đạo đức. Năm 1987, Nghị Sĩ Colorado Gary Hart dẫn đầu tất cả các ứng cử viên đảng Dân Chủ; khi có tin đồn về chuyện ngoại tình ông đã thách các nhà báo đi tìm chứng cớ. Có tờ báo đã kể rành rành vụ dan díu của ông với một bà tên Donna, Một tuần sau, ông Hart rút lui, không bao giờ tranh cử nữa. Thế mà năm nay, một người đã bị mươi phụ nữ tố cáo lạm dụng sàm sỡ, một người đã ly dị mấy lần, bà vợ chót đã từng chụp hình khỏa thân, ông ta vẫn đắc cử.

Bầu cử tổng thống mà cũng đầy những chuyện bất ngờ, nước Mỹ khó hiểu thật!

Có lẽ nguyên nhân đầu tiên là khi người ta để cho dân chúng tự do bỏ phiếu, là chắc sẽ có những chuyện bất ngờ; không vụ này thì vụ khác. Chỉ chế độ dân chủ mới sản xuất ra những vụ bất ngờ như vậy. Các đảng độc tài chuyên chế thường sắp xếp trong nội bộ, quyết định ai sẽ làm chức vụ nào. Họ không thể chấp nhận để cho bọn dân đen “chưa giác ngộ quyền lợi” bỏ phiếu gây ra chuyện bất ngờ!

Phương pháp nghiên cứu dư luận cử tri, hoặc sở thích của người tiêu thụ, dù khoa học tới mấy cũng không đọc hết được tình ý con người! Các công ty thăm dò dân ý cũng sống bằng nghề nghiên cứu thị trường, họ muốn đoán trúng 100%, chứ không ai muốn “nghiên cứu giả” để bị mang tiếng, sẽ mất khách. Nhưng không một công ty nào đoán trước được máy iPhone (và các sản phẩm mô phỏng nó) sẽ thay đổi lối sống hàng ngày của hàng tỷ con người, trước khi ông Steve Jobs đánh cá nó sẽ thành công! Thời 40 năm trước, máy Walkman cũng là một sản phẩm thành công bất ngờ ngoài sức tưởng tượng. Hỏi các bạn trẻ 30 tuổi bây giờ chắc họ chẳng biết Walkman là cái mô tê nào, cũng không ai nhớ nó đã chết từ lúc nào. Nhưng trước đây 40 năm Walkman đã tràn ngập khắp địa cầu giống như các smart phone ngày nay!

Lá phiếu của người hàng trăm triệu cử tri cũng “bất trắc” giống như đồng tiền của khách tiêu thụ. Bất trắc, uncertain, là một từ kinh tế chuyên môn, hiểu theo nghĩa là khó đoán trước, không đẹp, không xấu. Hai ông Obama và Trump là những iPhone và Walkman trong thế giới chính trị.

Thị trường chính trị nước Mỹ khó tiên đoán, “bất trắc” hơn thị trường hàng tiêu thụ. Vì dân Mỹ không trực tiếp bàu tổng thống mà lại đi qua thể thức “cử tri đoàn” đầy ngõ ngách rắc rối, phức tạp. Ý dân đã khó biết trước, thủ tục bàu cử rắc rối càng làm cho kết quả càng khó đoán hơn. Năm nay, bà Clinton đạt số phiếu cao hơn ông Trump, hai triệu lá phiếu, nhưng vẫn chịu thua, vì thua số phiếu cử tri đoàn. Mỗi tiểu bang được chọn một số thành viên cử tri đoàn, nhiều hay ít không tùy theo số dân cao hay thấp. Chính những người này mới trực tiếp bầu tổng thống; đó là một rắc rối sẽ tạo cảnh bất ngờ. Vào thế kỷ 19, nhiều nơi còn giữ quyền cho nghị viện tiểu bang chọn cử tri đoàn, dân chúng không cần bỏ phiếu! Theo lối bây giờ, ai thắng đa số thì được trọn số phiếu của tiểu bang. Cho nên một ứng cử viên chỉ cần chiếm một lá phiếu cao hơn ở California, cũng được hưởng tất cả 55 phiếu “cử tri đoàn” của tiểu bang này; 55 phiếu đó lớn hơn một phần năm con số 270 phiếu cần thiết để đắc cử tổng thống.

Thể thức bỏ phiếu này không công bằng. Dân Wyoming, một tiểu bang thưa thớt, thì chỉ cần 200,000 người là có một lá phiếu cử tri đoàn; trong khi đó dân Florida, California vì đông đúc cho nên 700,000 người mới có một lá phiếu cử tri đoàn để bầu tổng thống!

Hệ thống bỏ phiếu “cách bức” ở Mỹ khiến cho nhiều khi một số nhỏ cử tri nho nhỏ ở một tiểu bang nào đó, có thể bỏ những lá phiếu quyết định ai sẽ làm tổng thống! Thí dụ, năm 2000 ông Al Gore đạt được hàng triệu phiếu cao hơn ông George W. Bush trên toàn quốc, nhưng lại thua 500 phiếu tại Florida, thế là hụt luôn cái ghế tổng thống. Có thể nói 500 cử tri nào đó tại Florida đã quyết định kết quả cuộc tranh cử. Năm đó ông Gore thua tại tiểu bang Tennessee, nơi đã bầu ông làm đại biểu quốc hội, ở hạ viện rồi thượng viện, từ năm 1977 cho đến khi ông lên làm phó tổng thống, năm 1993. Nếu ông Gore dành nhiều thời giờ hơn đi vận động tại “quê nhà” và thắng ở Tennessee, dù chỉ hơn trăm lá phiếu, thì ông vẫn có hơn 270 phiếu cử tri đoàn để đắc cử, dù chịu thua 500 phiếu ở Florida! Năm nay cũng vậy, bà Clinton thất cử chủ yếu vì thua – và thua sát nút – ở ba tiểu bang đã bầu cho ông Obama hai kỳ bầu cử trước, là Pennsylvania, Wisconsin, và Michigan. (Đảng Xanh đang vận động đòi kiểm phiếu lại ở những tiểu bang này vì nghi máy computer bị trộm lẻn vào phá rối).

Mỗi ứng cử viên chỉ cần một số cử tri ủng hộ tập trung trong một tiểu bang, là có hy vọng lãnh tất cả các phiếu cử tri đoàn thuộc quyền tiểu bang đó. Số người đó có thể nhỏ, nhưng chênh lệch một chút cũng đủ thay đổi cục diện. Muốn hiểu những bất ngờ khi bầu tổng thống Mỹ, phải tìm hiểu những “nhóm cử tri quyết định” kể trên là ai. Họ thuộc thành phần nào trong xã hội? Họ sống ở những nơi nào? Tại sao họ ủng hộ ứng cử viên đó?

Vì số phiếu được cộng lại cho từng tiểu bang, từng quận, từng thùng phiếu một, cho nên sau cuộc bầu cử ai cũng biết xu hướng các cử tri sống ở đó. Phải nhìn vào bản đồ nước Mỹ, từng tiểu bang, từng quận (county), có khi từng khu phố một, coi đa số dân ở đó bỏ phiếu cho ai. Trong thành phần cử tri ghi danh tại mỗi đơn vị, ai cũng biết có bao nhiêu người da trắng hay da đen, đàn ông hay đàn bà, làm thầy hay làm thợ, có tốt nghiệp đại học hay không, vân vân.

Sau khi nhìn vào các bảng tổng kết đó rồi, thì biết được ông Obama thắng, bà Clinton thua vì ông đã thu hút được nhiều người trẻ tuổi hơn, nhiều người da đen hơn. Ông Trump thì vượt trên ông Romney vì lôi cuốn thêm được nhiều người da trắng thuộc giới lao động, và không tốt nghiệp đại học. Họ chia sẻ với ông những quan niệm về chủng tộc, về di dân, về kinh tế toàn cầu hóa, ông đã nói lớn lên đúng những điều họ đang bất mãn. Chỉ cần ông hứa hẹn “Làm cho Nước Mỹ vĩ đại như xưa!” là đủ cho họ bỏ qua những lời nói tục tằn hay thói quen sàm sỡ của ông đối với phụ nữ. Ông Romney đứng đắn, chững chạc, hiểu biết và đầy kinh nghiệm, nhưng thiếu sức lôi cuốn đó. Ngược lại, bà Clinton không thu hút được đám cử tri đang nổi giận trên, vì bà nói những chính sách trừu tượng khó hiểu mà không biết chửi thề! Bà lại để mất rất nhiều người đã ủng hộ ông Obama trong kỳ bầu cử trước. Trong mấy tuần cuối cuộc tranh cử, bà không lo đi củng cố các “thành trì” cũ đã từng ủng hộ ông Obama hai lần (vì nghĩ mình đã ăn chắc) mà lo đi giúp các ứng cử viên quốc hội cùng đảng, lại còn tính ve vãn mời chào các cử tri thành trì của đảng Cộng Hòa nữa!

Trước ngày bỏ phiếu, các cuộc nghiên cứu thấy ông Trump dẫn trước bà Clinton 30% trong đám cử tri da trắng và không tốt nghiệp đại học. Nhưng lúc phỏng vấn người dân sau khi họ đã bầu rồi, mới thấy ông Trump vượt trên bà Clinton đến 40% (ông được 70% bà được 30%). Con số 10% thêm đó đã quyết định kết quả ở nhiều tiểu bang. Có yếu tố bí mật nào khiến con số tăng vọt lên như vậy?

Một điều bí mật cần tìm hiểu là tại sao năm nay số người bỏ phiếu cho ông Trump ở nhiều tiểu bang vượt lên, cao hơn ông Romney bốn năm trước? Chính những cử tri Cộng Hòa này đã quyết định kết quả cuộc bầu cử năm 2016 vì bốn năm trước họ bỏ rơi ông Romney mà năm nay lại chọn ông Trump!

Tuần báo Economist đã thử tìm hiểu thêm về nỗi bí mật trên. Trong mấy kỳ bầu tổng thống Mỹ gần đây, tờ báo ở Anh nhưng số độc giả Mỹ đông nhất, có năm ủng hộ ông Bush, có lúc chọn ông Obama; có thể tin tính khách quan của họ. Và tờ báo kết luận rằng năm nay một số cử tri đã dồn số phiếu đáng kể cho ông Trump, khiến ông qua mặt ông Romney, là những người “sức khỏe hơi kém.”

Báo Economist dùng thống kê đã có sẵn về các chỉ số sức khỏe, tính cho từng quận (county) ở nước Mỹ. Những chỉ số sức khỏe kém này gồm có tuổi thọ trung bình, tỉ số người bị tiểu đường, người uống rượu nhiều, và không tập thể dục thường xuyên. Họ tìm ra rằng ở những vùng sức khỏe kém thì dân dồn phiếu cho ông Trump hơn hẳn tỉ số phiếu đã bầu cho ông Romney. Sau khi đã loại trừ ảnh hưởng của mầu da, tuổi tác, là di dân hay sinh ở Mỹ, giới tính nam nữ, trình độ học vấn, có gia đình, có việc làm hay không, thì người ta thấy các chỉ số sức khỏe thấp có thể giải thích 43% lý do tại sao ông Trump vượt ông Romney trong số phiếu bầu. Trong khi đó, hiện tượng những người da trắng không tốt nghiệp đại học (viết tắt TrKgĐH) chỉ giải thích được có 41% sự khác biệt mà thôi.

Báo Economist tìm đến hai đơn vị bầu cử ở Quận Knox và Quận Jefferson tiểu bang Ohio, nơi ông Obama đã thắng trước đây hai lần mà năm nay ông Trump chiếm lại. Hai quận cách nhau 100 miles, 160 cây số.

Dân hai quận này đa số là người da trắng không tốt nghiệp đại học (TrKgĐH), ở Knox họ chiếm 82%, nhiều hơn Jefferson, 79%. Tại Knox, năm nay ông Trump đạt được số phiếu cao hơn ông Romney năm 2012, chênh lệch đến 14% tổng số phiếu bầu. Tại Jefferson, số phiếu bỏ cho ông Trump năm nay càng vượt ông Romney lần trước, cao hơn tới 30% tổng số phiếu bầu. Hai quận cùng đa số là dân TrKgĐH (bốn phần năm dân số), tại sao cử tri quận Knox lại chạy tới với ông Trump nhiều hơn hẳn ông Romney như vậy?

Một yếu tố mà báo Economist tìm thấy, liên hệ đến kết quả trên, là sức khỏe của người dân ở hai quận khác nhau. Tờ báo thấy dân Quận Knox sức khỏe khá hơn, ít người bị tiểu đường hơn (chênh lệch 8%); ít người uống rượu hơn (30%), và thường xuyên tập thể dục nhiều hơn (21%). Sau khi đã loại bỏ những khác biệt về lợi tức, gia đình, tôn giáo, giới tính, vân vân, báo Economist nhận thấy sự khác biệt về sức khỏe có thể giải thích tới hơn một phần ba sự chênh lệch giữa hai quận khi họ đi bầu cho ông Trump nhiều hơn so với ông Romney năm 2012. Bốn năm trước, những người đó thấy ông Romney không lôi cuốn họ như ông Trump năm nay, một sức hấp dẫn biểu lộ qua con người của ông, ngôn ngữ ông dùng, và các khẩu hiệu táo bạo không liên quan đến thực tế mà ông hô hào.

Một cuộc nghiên cứu năm ngoái của Giáo Sư Angus Deaton, giải Nobel Kinh tế học, đã cho biết là tỉ lệ người chết (death rate) trong lớp người da trắng không tốt nghiệp đại học ở tuổi trung niên đã tăng lên kể từ năm 1990. Nghiện rượu, dùng ma túy, tự tử là những nguyên nhân quan trọng. Trong cùng thời gian đó, trong số những người da màu thì tỷ lệ tử vong lại giảm.

Báo Economist dùng mô hình dựa trên các chỉ số sức khỏe để thử tính kết quả bàu cử vừa qua. Họ thấy nếu dân Michigan bớt bị tiểu đường (7%) thì có thể số phiếu bỏ cho ông Trump đã giảm bớt, đủ cho bà Clinton thắng. Nếu dân Pennsylvania tập thể dục thường xuyên hơn (8%), dân Wisconsin bớt uống rượu hơn (5%) thì cũng vậy!

Tại ba tiểu bang trên, cũng như ở Florida, North Carolina, chỉ cần một số cử tri chịu khó đi bầu đông hơn là có thể làm lệch cán cân, quyết định ai sẽ lấy trọn số phiếu cử tri đoàn của cả tiểu bang.

Nhiều người ngoại quốc và người Mỹ sẽ bảo rằng phương pháp bầu qua cử tri đoàn là không công bằng, là không dân chủ. Những người thất cử như ông Al Gore năm 2000 và bà Clinton năm nay lại chiếm được hàng triệu lá phiếu của dân nhiều hơn người đắc cử! nhưng đó là “luật chơi” ở nước Mỹ đã được đặt ra từ hơn 200 năm rồi. Từ 200 năm vẫn có người lên tiếng đòi thay đổi luật chơi để thể hiện đúng quy tắc “mỗi người dân một lá phiếu.” Chắc trong 100, 200 năm nữa vẫn có nhiều người Mỹ kêu gọi điều đó; vì việc sửa hiến pháp nước Mỹ rất khó!

Thế giới đã hai lần ngạc nhiên về các cuộc bầu cử tổng thống nước Mỹ, mà chắc trong tương lai sẽ còn nhiều ngạc nhiên nữa nếu thủ tục bầu cử không thay đổi. Đối với các ứng cử viên thì có thể nói cuộc chơi vẫn công bằng. Vì trước khi giao đấu ai cũng biết luật chơi nó như thế rồi, ứng cử viên nào cũng phải theo bấy nhiêu luật, không thiên vị ai. Những luật lệ cũ kỹ từ 200 năm, nếu có những điều “vô lý” thì cũng giống như luật chơi đá banh vậy hay chơi bóng chuyển vậy. Có nhiều điều hoàn toàn cưỡng ép! Tại sao lại cấm các cầu thủ bóng tròn không được đi trước trái banh khi tới “vùng cấm địa?” Tại sao mỗi bên chơi bóng chuyền chỉ được giao banh cho nhau ba lần mà không phải năm lần? Có phải là làm mất tự do của người ta không? Nhưng luật chơi nó như thế đấy. Cứ theo luật mà chơi, vẫn có thể tranh tài cao thấp được!

Các ứng cử viên tổng thống ở nước nào cũng vậy, phải coi luật giao đấu ra sao mà quyết định chiến thuật giành lấy phiếu của dân. Mỗi nước có thể đặt ra luật lệ khác nhau. Đã biết luật nó như thế rồi thì cứ vận động tranh cử trong khuôn khổ đó!



No comments:

Post a Comment

View My Stats