Tuesday, 22 November 2016

VÌ TRUMP & BREXIT, TƯƠNG QUAN LỰC LƯỢNG THẾ GIỚI BỊ CHAO ĐẢO (RFI)




Đăng ngày 22-11-2016 

Thắng lợi của phe « Brexit » tại Anh quốc và chiến thắng của nhà tỷ phú Mỹ Donald Trump trong bầu cử tổng thống Mỹ đã đưa thế giới vào tình trạng bấp bênh. Tất cả các mối quan hệ song phương và đa phương, về kinh tế hay quốc phòng sẽ phải được xem xét lại theo một phương cách khác. Trên đây là nhận định của nhật báo kinh tế Pháp Les Echos ngày 18/11/2016, trong bài viết đề tựa « Trump và Brexit làm chao đảo mối tương quan lực lượng thế giới ».

Năm 2015 được đánh dấu bằng những cuộc tấn công khủng bố đẫm máu, kéo dài sang cả năm 2016. Những sự kiện đó làm nổi lên một loạt các câu hỏi : Ai bảo vệ ai, với giá nào ? Liệu chúng ta có thể đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo và chống lại quân khủng bố hay không ?

Bất ổn về an ninh đã làm gia tăng các rủi ro chính trị. Hơn bao giờ hết chủ nghĩa dân túy lên cao trên hầu như khắp địa cầu. Đi kèm theo đó là làn sóng bài người tị nạn và hiện tượng chối bỏ toàn cầu hóa đe dọa đến các thỏa thuận trao đổi tự do mậu dịch. Nhật báo kinh tế đặt ra 10 vấn đề địa chính trị được cho sẽ là những thách thức của thế giới trong năm 2017. RFI Việt ngữ giới thiệu một vài câu hỏi nổi bật nhất trong số 10 vấn đề trên.

Đệ tam thế chiến bùng nổ?
Tác giả bài viết, Jacques Hubert-Rodier, đặt câu hỏi : Liệu lãnh đạo các nước có rơi vào trạng thái « mộng du » như hồi trước khi xẩy ra Đệ Nhất Thế Chiến (1914-1918) để rồi dẫn đến Đệ Tam Thế Chiến trong năm 2017 ? Theo tác giả, dường như là không, cho dù Liên Hiệp Quốc, cũng như Hội Quốc Liên trong thời kỳ Đệ Nhất Thế Chiến, tỏ ra bất lực trong việc ngăn chặn các cuộc xung đột quân sự đang và sẽ còn làm chao đảo thế giới trong năm 2017.

Đương nhiên, hiếm khi nào, kể từ 70 năm qua, thế giới lại tạo ra cảm giác là đang ở bên bờ vực thẳm. Khái niệm về một cuộc chiến tranh thế giới chống khủng bố đã nở rộ, nhưng dường như thường được sử dụng để mọi người chấp nhận ý tưởng duy trì tình trạng khẩn cấp trong nhiều quốc gia phải hứng chịu những hành động khủng bố.

Để tố cáo những vụ khủng bố nhân danh tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo - Daech - tại Pháp, thủ tướng Manuel Valls nói : « Chúng ta đang ở trong tình trạng một dạng một thế chiến » chống khủng bố. Tổng thống Mỹ Barack Obama thì tỏ ra có lý khi khẳng định rằng các chiến binh của Daech không phải là một mối đe dọa đối với sự tồn tại của nước Mỹ, của châu Âu, mà đó chỉ là những kẻ thần kinh bệnh hoạn, một mối đe dọa lớn đối với người dân.

Hơn nữa, nếu như các căng thẳng trên thế giới lên cao, nhưng các cuộc chiến tranh giữa các nhà nước thù địch hiếm khi xảy ra và có tác động hạn chế. Điều này làm giảm nguy cơ tiềm tàng xẩy ra một cuộc chiến tranh thế giới giữa các cường quốc.

Tác giả điểm lại những điểm nóng hiện nay trên thế giới, như tại Syria, nơi đối đầu giữa một bên là Nga cùng với Iran, lực lượng Hezbollah Liban và bên kia là Hoa Kỳ cùng với các đồng minh châu Âu ; tại Yemen với căng thẳng leo thang giữa Ả Rập Xê Út và Iran ; tại châu Âu với cuộc khủng hoảng Ukraina.

Thế nhưng, ít có khả năng là các đồng minh trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương lại hỗ trợ Ukraina chống lại Nga. Hơn nữa, tổng thống tân cử của Mỹ, Donald Trump, lại hứa hẹn sưởi ấm quan hệ Washington-Matxcơva. Từ Syria cho đến châu Âu, người ta có cảm giác là nước Mỹ của Donald Trump phó mặc cho Nga tự do hành động, chứ không phải là sẽ tiến hành chiến tranh chống lại Nga.

Căng thẳng tại Biển Đông, giữa Trung Quốc với các láng giềng, vẫn rất cao. Nhưng ngày nay, ít có khả năng Trung Quốc lao vào một cuộc phiêu lưu quân sự trên quy mô lớn. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thể nhìn thấy được nguy cơ bùng nổ xung đột tại đây.

Với Trump, kinh tế Mỹ khởi sắc ?
Theo Lucie Robequain, các kinh tế gia Mỹ đã tăng mức dự báo tăng trưởng, kể từ khi Donald Trump thắng cử. Họ dự báo tăng trưởng là 2,3% trong năm 2018, cao hơn dự báo đưa ra hồi tháng 10/2016 (2%), theo một cuộc thăm dò được « Wall Street Journal » đăng ngay sau cuộc bầu cử tổng thống.

Sự lạc quan này dựa trên hai lời hứa hẹn : Donald Trump sẽ giảm mạnh thuế và chi 1.000 tỷ đô la cho các công trình lớn. Chuyên gia Ajay Rajadhyaksha, thuộc ngân hàng Barclays, thẩm định : « Chúng tôi không mong đợi có một bước nhẩy vọt mạnh mẽ về tăng trưởng. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng nguy cơ suy thoái kinh tế đang lùi xa ».

Điều nghịch lý là việc chống đối các thỏa thuận tự do mậu dịch, mối đe dọa về một cuộc chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ cũng như việc giảm dòng người nhập cư dường như ít được chú ý đến trong kịch bản của các kinh tế gia. Thế nhưng, đây là những biện pháp mà tổng thống độc quyền quyết định – chứ không phải Quốc Hội lưỡng viện – và do vậy rất dễ được áp dụng. Cải cách thuế khóa và việc thực hiện các dự án lớn đòi hỏi phải có thời gian.

Chuyên gia Jan Hatzius, thuộc ngân hàng Goldman Sachs, lưu ý là hai chương trình nói trên phải mất toàn bộ cả năm tới thì mới được Quốc Hội lưỡng viện thông qua và sẽ không thể mang lại hiệu quả gì trước cuối năm 2017, thậm chí năm 2018. Vẫn theo chuyên gia này, thị trường đã có phản ứng hứng khởi quá mức. Chương trình của Donald Trump sẽ không được thực hiện một cách toàn bộ và không nên mong đợi gì nhiều trong ngắn hạn.

Thương mại : Tự do mậu dịch hết thời ?
Nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu vì lý do dân nhập cư, nước Mỹ bầu Donald Trump làm tổng thống, người vốn có những phát biểu chống đối mạnh mẽ các thỏa thuận thương mại, công luận châu Âu hừng hực chống lại chính sách thương mại của Ủy Ban Châu Âu… Trong những tháng gần đây, viễn cảnh tự do mậu dịch đột nhiên u ám. Đến mức mà một số người bi quan dự báo là tự do thương mại sẽ chấm dứt. Nói vậy là hơi vội vàng đấy.

Tuy nhiên, theo Richard Hiault, tác giả bài viết, nhiều lắm thì người ta có thể nêu ra khả năng tái sắp xếp cảnh quan, chứ không thể nói là tự do mậu dịch và toàn cầu hóa chấm dứt. Ông Donald Trum muốn đàm phán lại thỏa thuận tự do mậu dịch Bắc Mỹ (ALENA), vốn tồn tại từ 20 năm qua. Trước mắt, khả năng này ngày càng rõ nét. Canada và Mêhicô đã tuyên bố sẵn sàng thảo luận lại nội dung văn bản này.

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP – mà chính quyền Obama ký kết, sẽ phải đợi. Barack Obama đã đình chỉ quy trình xin Quốc hội phê chuẩn. Donald Trump sẽ từ bỏ hiệp định này như ông ta đã từng tuyên bố. Dự án thỏa thuận quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương (TTIP) với Liên Hiệp Châu Âu chắc chắn sẽ không được nhắc tới trong vài năm.
Nếu như Hoa Kỳ kém hào hứng ký kết các thỏa thuận thương mại, thì các khu vực địa lý khác lại không tính tới việc từ bỏ những dự án này. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do Trung Quốc dẫn đầu, có thể thay thế TPP. Liên Hiệp Châu Âu không có ý định từ bỏ các thỏa thuận thương mại đã ký (với Nhật Bản, với thị trường Mercosur, Úc, Ấn Độ…).
Với các dây chuyền sản xuất được triển khai từ 15 năm nay, với cuộc cách mạng công nghệ trong lĩnh vực kinh tế số, kinh tế thế giới không thể quay trở lại thời kỳ cũ. Tự do trao đổi mậu dịch không thể biến mất, nhưng phải được điều chỉnh phù hợp để giảm bớt chênh lệnh giầu nghèo do chính nó tạo ra. Đây là quan điểm của G20 và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế.

« Phải chăng NATO có nguy cơ bị khai tử ? »
Yves Bourdillon bi quan nhận định sau 67 năm tồn tại, chưa bao giờ sinh mệnh của NATO lại hiểm nghèo như hiện nay. Hoa Kỳ dưới thời ông Donald Trump tuyên bố không muốn can dự nhiều vào khối Liên Minh này. Tổng thống vừa đắc cử phản đối điều khoản số 5 – điểm trọng yếu trong hiến chương của khối, theo đó một cuộc tấn công nhắm vào bất kỳ nước nào trong số 28 thành viên của khối cũng được xem như là chống lại cả khối. Washington cho rằng châu Âu nên nâng mức chi cho quốc phòng, vốn dĩ đã xuống dưới mức 2% của GDP để đổi lấy sự bảo trợ vững chắc từ Hoa Kỳ. Và mối ngờ vực đã nảy sinh.

Ngay chính bản thân NATO cũng không mấy đồng thuận. Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên quan trọng của khối trấn thủ sườn đông nam chơi theo một nhịp riêng. Các nước đến đến từ khối Vacxava cũ trước đây như Hungary hay Bulgari lại quay về với Nga. Rồi đến Pháp cũng sẽ khập khiễng nếu như chủ tịch đảng cực hữu Marine Le Pen thắng cử.

Do đó, khối NATO, vốn từng đánh bại Liên Xô cũ sẽ phải chứng tỏ có đủ can đảm và sự thống nhất. Ít ra là khối này chiếm đến 52% chi tiêu quốc phòng thế giới.

Tập Cận Bình : Một Mao Trạch Đông « bis » ?
Thông tín viên báo Les Echos tại Bắc Kinh, Frédéric Schaeffer quan ngại về một đất nước Trung Quốc ngày càng lớn mạnh dưới thời Tập Cận Bình, đặt câu hỏi : « Phải chăng Tập Cận Bình đang củng cố quyền hành của ông? ». Hiện ông được xem là một lãnh đạo quyền lực nhất kể từ thời Đặng Tiểu Bình và người khởi xướng chiến dịch chống tham nhũng nghiêm khắc nhất từ sau Mao Trạch Đông.

Bên trong hậu trường, ông Tập đang chuẩn bị cho đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XIX, phải diễn ra vào cuối năm 2017 và cho phép ông Tập tiếp tục nắm quyền lãnh đạo thêm 5 năm nữa. Tác giả bài viết trích phân tích của nhà nghiên cứu Alice Ekman thuộc Viện Quan hệ Quốc Tế Pháp IFRI cho rằng : « (…) Chiến dịch chống tham nhũng thường được sử dụng như là một công cụ để thanh trừng nội bộ mỗi lần sắp đến kỳ đại hội hay có bổ nhiệm lãnh đạo mới. Câu hỏi đặt ra là chiến dịch chống tham nhũng hiện nay sẽ đi đến đâu và tầm mức của chiến dịch này đang dần tạo ra một cảm giác lo sợ ngay trong lòng đảng cộng sản, quân đội, các doanh nghiệp nhà nước và chức năng nhà nước nói chung ».

Phải chăng ông Tập Cận Bình muốn củng cố quyền lực của ông đến mức không chỉ định người kế nhiệm nhân kỳ đại hội sắp tới và đang thách thức quy tắc ngầm muốn rằng chủ tịch Trung Quốc không làm quá hai nhiệm kỳ ? Đó chính là tin đồn đang lan truyền tại Bắc Kinh hiện nay.

Vương quốc Hồi giáo : Đầu có thể mất, nhưng chân rết sẽ còn
Liên quan đến cuộc chiến chống khủng bố, liệu thế giới có triệt tiêu được tổ chức Nhà nước Hồi giáo hay không ? Les Echos tỏ ra không mấy chắc chắn. Một mặt, nhật báo hy vọng các chiến dịch tái chiếm Mossoul (Irak) và Raqqa (Syria) sẽ sớm kết thúc vào cuối năm 206, trễ nhất là sau thời điểm tổng thống tân cử Mỹ tuyên thệ nhậm chức. Phóng viên Yves Bourdillon lưu ý là một sự cạnh tranh giữa ba liên minh chống thánh chiến cũng có thể làm hỏng các chiến dịch.

Nhưng có một điều chắc chắn là dù mất những thành trì đó, Daech có thể sẽ bị mất đi thanh thế nhưng vẫn chưa phải đến hồi cáo chung cho tổ chức khủng bố này. Hệ tư tưởng và những người nối tiếp tại phương Tây vẫn sẽ sống sót. Bởi vì những kẻ khủng bố đang hoạt động tại châu Âu đều được sinh ra và lớn lên tại đây. Họ chẳng cần trung tâm huấn luyện hay chờ lệnh của ai từ Syria để tiếp tục các cuộc tấn công tại châu Âu.

Brexit : « Hard » hay là « Soft » ?
Cuối cùng là hồ sơ Brexit. Theo thông tín viên nhật báo tại Luân Đôn, Vincent Collen, tuy cương quyết không tiết lộ chiến lược đàm phán vì cho rằng một sự minh bạch như thế có thể làm tổn hại đến lợi ích quốc gia, nhưng các đường hướng chỉ đạo do thủ tướng Theresa May đưa ra có vẻ như là Luân Đôn đang chuẩn bị cho một « hard Brexit ». Một sự đoạn tuyệt dứt khoát và rõ ràng với Liên Hiệp Châu Âu.

Thủ tướng Anh trên thực tế đã vạch ra bốn đường đỏ bao gồm « 3 không – 1 có » cho mối quan hệ Anh Quốc – Liên Âu hậu Brexit. Đó là : Không tự do lưu thông cho người lao động, Không đóng góp bắt buộc vào ngân sách Liên Âu, Không chịu sự giám sát của Tòa Tư Pháp Châu Âu và cuối cùng là tự do quy định các mối quan hệ thương mại với phần còn lại trên thế giới.

Để có thể đáp ứng được 4 điều kiện đó, Anh Quốc bắt buộc sẽ phải rời khỏi khu vực thị trường chung châu Âu. Nước Anh sẽ không thể là thành viên của Không Gian Kinh Tế Châu Âu như Na Uy hiện nay, cũng như là trong liên minh hàng rào thuế quan như Thổ Nhĩ Kỳ, theo như giải thích của ông Michael Gasiorek, chuyên gia về chính sách thương mại, đại học Sussex.

Theo vị chuyên gia này, « Giả như đường hướng này vẫn được duy trì, cả Anh và Liên Hiệp Châu Âu đều bị thua thiệt ». Do đó, cả hai phía sẽ « được kêu gọi » đi đến một « thỏa hiệp »… và như vậy, Brexit có thể sẽ « soft » hơn điều mọi người đang nghi ngại như hiện nay.






No comments:

Post a Comment

View My Stats