Tuesday, 22 November 2016

THỜI QUAN CHỦ (Chu Văn Sơn)





(nghĩ thêm đôi điều)
CHU VĂN SƠN

Nữ giáo viên bị điều đi tiếp khách theo lệnh của quan huyện. Bị khách sàm sỡ, họ bức xúc phải tố cáo ra công luận. Khi công luận lên tiếng mạnh mẽ vạch mặt đám huyện quan, thì bỗng dưng họ lại rút tất lại lời tố cáo.

Khó hiểu ư? Không. Ai cũng hiểu họ bị ép. Ép phải tiếp. Ép phải chiều. Ép phải rút. Không thể cưỡng.

Thế lực nào ép? Thế lực nhạy cảm liên quan đến đời tư của họ chăng? Có thể. Sếp trực tiếp của họ chăng? Có thể. Đám quan huyện sở tại chăng? Có thể. Nhưng, đằng sau tất cả những thứ đó, sức ép xuất phát từ một thế lực sâu xa hơn: thời thế. Thời thế nào? Thời Quan chủ. Tôi viết lầm chăng? Không lầm: THỜI QUAN CHỦ.

Chẳng phải thế sao? Chẳng phải chúng ta đang sống ở cái thời được gọi là "quá độ" sao? Sau khi đánh đổ nền Quân chủ (dù vua lúc ấy chỉ còn là bù nhìn trong phận nước thuộc địa), chính quyền mới cũng bắt tay vào xây dựng nền Dân chủ. Xác định thời này là "quá độ", nghĩa là vẫn xây chưa xong. Mà chưa xong, thì đương nhiên, làm gì đã có nền Dân chủ. Cái ta đang có/đang là chính là cái hình thái quá độ đó, và chỉ có thể gọi nó là: nền Quan chủ. Ông chủ của thời buổi này là quan lại. Họ được gọi ngược là đầy tớ của dân. Thật nực cười. Đầy tớ phục vụ dân mẫn cán thế nào, tận tụy thế nào? Chúng ta biết rồi. Đầy tớ nghèo... rớt mồng tơi thế nào, dân thì giàu... nứt đố đổ vách thế nào? Chúng ta biết rồi. Đầy tớ đáng... xót thương cỡ nào, dân thì đáng... kiếp mức nào? Chúng ta biết rồi... Ai mới là ông chủ, ai mới là đầy tớ? Có cần phải viện dẫn toàn bộ đời sống này không, hay chỉ qua cái vụ tiếp khách được xem là nhiệm vụ chính trị đó thôi cũng đủ rõ? Có phải đây chỉ là việc làm sai trái của một bộ phận đầy tớ thoái hoá biến chất không? Biến chất hay bản chất đây, khi mà các loại việc tương tự đó được xếp đàng hoàng vào mục "nhiệm vụ chính trị" và khi chúng được hành chính hoá bằng công văn giấy tờ!

Nét phổ biến của Thời quan chủ là hành dân. Cơ chế hành chính được thực thi trên thực tế thường là "hành là chính". Nó khiến dân luôn phải sợ quan. Còn để tiến thân trở thành quan trong thời Quan chủ thì gần như toàn bộ cái gọi bằng nỗ lực phấn đấu thực ra là hầu sếp. Nịnh trên nạt dưới thành phẩm hạnh chính. Sếp cho chức, lập tức thành quan. Thành quan mới có quyền. Có quyền mới có lợi, có lộc. Có đại lộc. Đây là con đường làm giàu ngắn nhất và vung vinh nhất. Nên: dân giàu thì nước mạnh, còn quan giàu thì nước yếu. Đâu có gì khó hiểu.

Một đặc điểm của Thời Quan Chủ là: trọng quan bỉ sĩ. Coi trọng quan chức, khinh rẻ trí thức. Trí thức hoặc là vật trang sức có kỳ hạn, hoặc là trái chanh, hoặc là tôi đòi. Hình ảnh các nữ giáo viên phải hầu rượu các quan chẳng phải là một biểu tượng sao! Đám quan lại bao giờ cũng tìm cách hạ uy thế trí thức, vô hiệu hoá trí thức, tước hết sức mạnh của trí thức để dễ bề cai trị. Nó chỉ yêu một loại trí thức duy nhất: trí thức tha hoá – tức trí thức đã bị/được quan liêu hoá. Cho nên quan liêu hoá trí thức là một tất yếu của thời Quan chủ. Và, ta mới thấy, chưa bao giờ trí thức sính làm quan như bây giờ. Nếu Xêvetlana (giải Nobel 2015) khẳng định "Chiến tranh có khuôn mặt phi phụ nữ", thì cũng có thể khẳng định: Thời quan chủ có khuôn mặt phi trí thức!

Trong hệ thống Quan chủ, nếu chỉ lấy cách xử lý vụ việc hoặc che chắn thôi để chỉnh đốn đầy tớ thì vô vọng. Đơn giản vì, càng "chỉnh", nó càng "đốn"! Phải xử từ gốc.

Văn kiện gọi đây là thời Quá độ (đúng là quá độ rồi). Nhà thơ Nguyễn Duy gọi là thời loang lổ (quá độ thì tất loang lổ rồi). Còn bạn, nếu bạn đang được phục dịch hầu hạ ân cần bởi những đấng đầy tớ chăm chỉ, hẳn bạn sẽ không cho đây là thời Quan chủ đâu nhỉ?

Hưng Yên, 16.11.2016






No comments:

Post a Comment

View My Stats