Wednesday, 23 November 2016

"HÃY CẤT LÊN TIẾNG NÓI ..." (FB Huỳnh Duy Lộc)




.
Thomas Jefferson (trái), thủ bút của ông trong bản dự thảo Tuyên ngôn độc lập (trên) và nhà báo kỳ cựu Dan Rather (dưới)
.
Cách đây hơn 200 năm, 13 thuộc địa của Anh ở tân lục địa đã cùng cất lên tiếng nói chống bạo quyền qua Bản Tuyên ngôn độc lập do Thomas Jefferson chấp bút. Tác giả Fawn M. Brodie đã viết về việc soạn thảo bản tuyên ngôn độc lập bất hủ này:

“Ngày 11 tháng 6 năm 1776, Đại hội lục địa ở Philadelphia đã bầu ra 5 người để soạn thảo Bản Tuyên ngôn độc lập và điều khiến nhiều người ngạc nhiên là Thomas Jefferson, khi ấy mới 37 tuổi, là người có số phiếu cao nhất. Thomas Jefferson đã đề nghị John Adams chấp bút, nhưng ông đã từ chối. 46 năm sau, John Adams đã kể lại cuộc đối thoại khi ấy giữa ông và Thomas Jefferson:

“Jefferson hỏi tôi: “Tại sao anh không chịu viết? Anh phải là người chấp bút”.
Tôi đáp: “Tôi có đủ mọi lý do”.
Jefferson hỏi: “Anh có những lý do nào vậy?”
Tôi đáp: “Lý do thứ nhất: Anh là người ở Virginia và một người ở bang Virginia phải chủ trì việc soạn thảo Bản Tuyên ngôn độc lập. Lý do thứ hai: Nhiều người ghét tôi, nghi ngờ tôi và tôi cũng không được lòng mọi người. Anh là một người khác hẳn. Lý do thứ ba: Anh có thể viết hay hơn tôi gấp 10 lần”.
Jefferson nghe vậy liền nói: “Thôi được, nếu anh đã quyết định như vậy thì tôi sẽ gắng sức…” (Thomas Jefferson, An intimate history, Fawn M. Brodie, tr. 142-143)

Sử gia Samuel Eliot Morrison đã mô tả bầu không khí sôi động trong đó Bản Tuyên ngôn độc lập được soạn thảo:

“Tin tức về đạo luật ban hành ngày 22 tháng 12 năm 1775 cấm mọi giao thương và liên lạc với 13 thuộc địa đến Mỹ chỉ một thời gian ngắn sau ngày ra mắt cuốn sách mỏng có nhan đề ‘Common sense’ (Lương tri) của Thomas Paine, một người Anh theo giáo phái Quaker chỉ mới sống ở Bắc Mỹ một thời gian ngắn. Cuốn sách ‘Common sense’ của Paine đã làm cho cuộc tranh luận trở nên sôi nổi hơn bao giờ hết khi thuyết phục được những kẻ hoài nghi và củng cố thêm niềm tin của những kẻ đã bị thuyết phục. Những lý lẽ của ông chống lại việc tiếp tục cuộc chiến để phục vụ vua Anh và khuyến khích việc tuyên bố độc lập rất xác đáng và có sức thu hút mạnh mẽ. Muốn có tiền để mua vũ khí và đạn dược, phải tái lập giao thương với vùng Tây Ấn (West Indies) của Anh và những nước khác trên thế giới. Một cuộc chiến muốn thành công phải được tiến hành vì một mục tiêu lớn lao hơn. Sự hòa giải với mẫu quốc trên một nền tảng có thể chấp nhận được là điều không thể có được nữa, và nếu như có sự hòa giải, sẽ không có gì đảm bảo rằng Quốc hội Anh sẽ không ban hành những đạo luật mới xâm phạm những quyền tự do của 13 thuộc địa. Chỉ có sự độc lập hoàn toàn mới là sự đảm bảo duy nhất cho tự do của người Mỹ. Chỉ khi nào có độc lập, người Mỹ mới có thể nhận viện trợ của nước ngoài. Một nước Mỹ độc lập sẽ có thể giao thương với cả thế giới, chế tạo những gì mình thích và tách mình ra khỏi những cuộc tranh cãi với cựu lục địa. “Sự khao khát quyền lực tuyệt đối là chứng bệnh tự nhiên của chế độ quân chủ” và vua George III, vốn là một bạo chúa hà khắc, đã vi phạm “thỏa ước” giữa chính mình với dân chúng nên không còn bảo vệ quyền lợi của họ và do đó đã không còn có thể buộc họ phải vâng phục và trung thành với mình.

Phong trào hướng tới độc lập đã được cổ xúy bởi một hội nghị ở Virginia tập hợp các đại biểu đã lật đổ thống đốc Dunmore và hội đồng do mẫu quốc Anh lập ra. Khi gặp nhau tại Williamsburg vào đầu tháng 5 năm 1776, các đại biểu tham dự hội nghị rất phẫn nộ khi hay tin vua George III đã phái 12.000 lính đánh thuê người Đức sang Bắc Mỹ để đàn áp cuộc nổi dậy. Ngày 15 tháng 5, hội nghị Virginia giao cho các đại biểu nhiệm vụ tuyên bố “sự tự do và độc lập của các thuộc địa đã hiệp nhất” tại Đại hội lục địa (Continental Congress). Hội nghị cử ra một ủy ban dưới sự chủ trì của George Mason để soạn thảo một tuyên cáo về những quyền hạn và lên kế hoạch thành lập một quốc gia độc lập. George Mason khi ấy đã 57 tuổi, được coi là thủ lĩnh của các chính khách ở Virginia, vốn là người không ưa thích chính trị, nhưng khi được kêu gọi đã sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Ông đã đề xuất Đạo luật về quyền hạn của bang Virginia và hội nghị đã thong qua vào ngày 12 tháng 6 năm 1776, đạo luật có rất nhiều điểm tương đồng với những đạo luật sẽ được ban hành sau này ở Mỹ. Rồi ngày 29 tháng 6, hội nghị đã thông qua hiến pháp của quốc gia độc lập Virginia.

Tại Đại hội lục địa, John Adams ghi nhận:

“Từ khắp nơi và mỗi ngày, sự độc lập chảy tràn đến chân chúng tôi giống như một dòng thác”. Các đại biểu của bang Georgia xuất hiện với đầy đủ quyền hạn để bầu chọn sự độc lập. Bang South Carolina trục xuất thống đốc của Anh và bỏ phiếu ủng hộ độc lập. Những quyết định của bang Virginia được tuyên đọc tại Đại hội lục địa và ngày 7 tháng 6, Richard Henry Lee đề xuất một quyết nghị: “Hiệp chủng quốc thật sự và có quyền trở thành những quốc gia độc lập, không còn bị ràng buộc bởi sự trung thành với vua Anh và mọi liên hệ chính trị giữa Hiệp chủng quốc và nước Anh phải được xóa bỏ hoàn toàn…”

Việc thông qua quyết nghị này bị trì hoãn vì các đại biểu của New York, Pennsylvania, Delaware và South Carolina chưa chuấn bị sẵn sàng để bỏ phiếu. Thế là ngày 11 tháng 6, Đại hội lục địa chỉ định một tiểu ban gồm 5 người để chuẩn bị một bản tuyên ngôn độc lập: Thomas Jefferson, John Adams, Benjamin Franklin, Roger Sherman và Robert R. Livingston. Tiểu ban đã giao cho Thomas Jefferson việc phác thảo bản tuyên ngôn độc lập. Từ ngày Jefferson phác thảo tới ngày 28 tháng 6, khi tiểu ban đọc bản tường trình của mình trước Đại hội lục địa, có 3 người đã bỏ công sức chỉnh sửa bản dự thảo là John Adams, Benjamin Franklin và chính tác giả là Thomas Jefferson. Đại hội cũng chỉnh sửa một số điểm quan trọng trong một buổi thảo luận. Trong bản dự thảo của Jefferson có một đoạn công kích vua George III đã ngăn cấm những biện pháp hội đồng Virginia đã thực hiện để chống lại việc buôn bán nô lệ từ châu Phi, nhưng các đại biểu Virginia đã phản đối nên đoạn này bị xóa. Jefferson có thổ lộ: “Tôi chẳng dựa theo một cuốn sách hay một tập sách mỏng (pamphlet) nào khi soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập”, nhưng ai cũng thấy ông đã nhớ tới những nguyên lý và ngôn ngữ của John Locke trong cuốn tiểu luận “Second treatise of Government” (1690). Lý thuyết nền tảng của Bản Tuyên ngôn độc lập là lý thuyết về thỏa ước xã hội đã có trước biện minh cho sự tồn tại của chính quyền. Có những quyền hạn của con người mà không một chính quyền nào có thể tước đoạt và một khi nhà vua không còn tôn trọng những quyền hạn ấy và xác lập một chế độ cai trị bạo tàn, thỏa ước sẽ bị phá vỡ và các thần dân có quyền không tuân phục và không trung thành nữa.

Tiểu ban 5 người đọc bản tường trình trước Đại hội lục địa và điều khoản chính của bản tuyên ngôn được thông qua ngày 2 tháng 7. Sau khi chỉnh sửa một vài câu chữ, bản tuyên ngôn được chính thức thông qua ngày 4 tháng 7 năm 1776. Ngày hôm sau, những bản in của Bản Tuyên ngôn độc lập được gởi cho các thuộc địa giờ đây đã trở thành những quốc gia độc lập và cho quân đội. Bản Tuyên ngôn độc lập được tuyên đọc từ trên bao lơn tòa nhà Independence Hall vào ngày 8 tháng 7 và ngày 19 tháng 7, Đại hội lục địa đã tiến hành nghi thức ký vào đó”. (The Oxford history of the American people, Samuel Eliot Morison, tr. 219, 220, 221)

Toàn văn Bản Tuyên ngôn độc lập của Mỹ: Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ

Kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ mới đây cho thấy nguy cơ tái xuất hiện của chủ nghĩa Tân phát xít ở xứ sở của Thomas Jefferson. Nhà báo Dan Rather đã kêu gọi người dân Mỹ cất lên tiếng nói chống chủ nghĩa cực đoan:

Thông điệp mạnh mẽ của nhà báo Dan Rather: Hãy cất lên tiếng nói, chống lại chủ nghĩa cực đoan
Người dịch: Ngọc Thu

Một thông điệp mạnh mẽ trên Facebook của nhà báo nổi tiếng Dan Rather, trong 4 tiếng qua đã thu hút gần 100.000 lượt like, hơn 55.000 lượt chia sẻ và hơn 3.600 lượt tham gia bình luận.

Dan Rather, 86 tuổi, là một trong những nhà báo huyền thoại nổi tiếng nhất trong lịch sử báo chí Mỹ. Với hơn 65 năm trong nghề báo, ông đã phỏng vấn hầu hết các nhân vật nổi tiếng trên thế giới và ở Mỹ, từ TT Eisenhower cho tới TT Bill Clinton, từ vụ bê bối Watergate dẫn đến sự từ chức của TT Richard Nixon, cho tới chiến trường Việt Nam, hầu như các sự kiện lớn ở Mỹ và trên thế giới đều có dấu ấn của ông.

Với 24 năm thực hiện chương trình CBS Evening News và 20 năm thực hiện chương trình 60 Minutes của đài CBS (một trong 5 đài lớn nhất ở Mỹ), Dan Rather là gương mặt quá quen thuộc của khán giả truyền hình Mỹ. Và đây là thông điệp của ông gửi đến mọi người:
____

Bây giờ là thời điểm mà không ai trong chúng ta có thể đủ sức để tiếp tục ngồi nhìn hoặc im lặng. Tất cả chúng ta phải đứng lên.

Lịch sử sẽ đòi hỏi quyền được biết bạn đang đứng về phía nào. Đây không phải là một câu hỏi về chính trị, đảng phái, hay thậm chí về chính sách. Đây là một câu hỏi về các nguyên tắc cơ bản của trải nghiệm đẹp đẽ của chúng ta trong một nền dân chủ đa nguyên được điều hành bởi luật pháp.

Khi tôi nhìn thấy những người theo chủ nghĩa Tân Phát Xít giơ tay chào một cách dọa nạt ở nơi công cộng, ngay tại thủ đô của đất nước chúng ta, tôi rùng mình kinh hãi. Khi thấy thái độ [của bọn ấy] nhận được lời trách yêu bằng công thức sáo ngữ của vị Tổng Thống đắc cử, con người được bọn cuồng tín ấy tâng bốc, nỗi phẫn nộ của tôi càng gia tăng. Và lúc nhận ra lời trách yêu kia được vài phần tử trong một thứ báo chí bạc nhược phù phép thành lời tố giác thì tôi không còn có thể kềm chế được nữa.

Tuyên ngôn Độc lập của chúng ta đã để lại cho chúng ta nguyên tắc nền tảng yêu thương: “Chúng ta khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng, mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng Đấng Tạo Hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu bất khả xâm phạm, trong đó có Quyền Sống, Quyền Được Tự Do và Quyền Mưu Cầu Hạnh Phúc“.

Những sự thật này có thể là hiển nhiên mà không phải là tự sao chép. Mỗi thế hệ phải làm mới những lời thề. Quốc gia này được thành lập như là một cực đối chọi với sự thất thường của một vị vua độc đoán. Chúng ta thiết lập các tổ chức như tự do báo chí và một hệ thống tòa án độc lập để bảo vệ các quyền mong manh của chúng ta. Chúng ta đã sống sót qua những cơn co thắt đẫm máu của một cuộc Nội Chiến và Phong trào các Quyền Dân sự để mở rộng hơn về các quyền này cho nhiều công dân của chúng ta. Nhưng hướng con tàu của chúng ta đi không phải luôn là hướng tiến bộ. Chúng ta đã giam cầm những người Mỹ gốc Nhật, truy nã những phần tử có cảm tình với cộng sản thời McCarthy, và nhiều hơn nữa. Tôi cảm thấy cơn thủy triều của sự giật lùi một lần nữa đang dâng lên dưới chân tôi. Nhưng tôi có ý định vẫn tiếp tục đứng.

Trong những lần chuyển đổi nhiệm kỳ tổng thống bình thường của chúng ta giữa một chính quyền mới với một chính quyền cũ của các đảng phái chính trị khác nhau, có một số bực dọc nhất định từ một phía và sự hả hê từ phía bên kia. Và báo chí thường đứng trên lập trường, rằng, chính quyền mới ít nhất xứng đáng để có một cơ hội bắt đầu – một thời kỳ trăng mật. Nhưng lần này không phải là lần bình thường. Đây không phải về chính sách thuế, chăm sóc sức khỏe, hoặc giáo dục – mặc dù tất cả những chính sách này và các chính sách khác đều rất quan trọng. Đây là sự phân biệt chủng tộc, sự cố chấp, sự đe dọa và nỗi ám ảnh về tham nhũng.

Nhưng khi tôi đứng vững tôi không tuyệt vọng, bởi vì tôi tin rằng đa số người Mỹ cùng đứng chung với tôi. Với tất cả những dân biểu, nghị sĩ trong Quốc hội của hai đảng chính trị, với tất cả những nhà báo trong giới báo chí, các nhà lãnh đạo tôn giáo và dân sự trên toàn quốc, tiếng nói của quý vị phải được lắng nghe. Tôi hy vọng Tổng thống mới đắc cử có thể học hỏi để thắng được tình thế này và nhìn thấy được những hiểm họa đang sôi sục. Nếu ông ta nói và làm một cách quyết liệt, bằng cả hành động, chúng ta cần sẵn sàng để đón nhận tiếng nói của ông ta. Tuy nhiên, quả tình tôi lo ngại cái cách ông ta tuyển lựa các cố vấn và thành phần nội các lại gợi ra một hướng khác.

Tôi muốn nói với tất cả các bạn, chúng ta hãy cảnh giác. Ông Martin Luther King, Jr. vĩ đại của chúng ta biết rằng, cho dù là thiểu số, ông cũng có sức mạnh đáng kể trong cuộc chiến chống lại chế độ độc tài. Hãy nắm tay diễu hành tiến về phía trước, hãy cất cao tiếng nói của bạn, cao hơn tiếng nói của sự tự mãn, có thể chuyển dịch được núi. Và trong trường hợp này, tôi tin rằng đa số mọi người muốn nhìn thấy đất nước này tiếp tục trong sự khoan dung và tự do. Nhưng đất nước sẽ đòi hỏi mọi người cất lên tiếng nói. Tham gia vào các chính quyền dân cử của các bạn. Hãy gọi điện thoại thật nhiều vào các phòng tin hoặc các mạng lưới truyền hình nếu bạn cảm thấy họ đang rơi vào sự bình thường của chủ nghĩa cực đoan. Hãy cống hiến thời gian và tiền bạc cho những mục đích mà chúng ta sẽ chiến đấu để bảo vệ quyền tự do của chúng ta.

Chúng ta là một quốc gia vĩ đại. Chúng ta đã sống sót khi trải qua bao nhiêu thử thách trong quá khứ. Chúng ta có thể và sẽ phải làm như vậy một lần nữa. Nhưng chúng ta không thể sợ khi cất lên tiếng nói và hành động để bảo đảm tương lai mà chúng ta mong muốn cho con cháu chúng ta.



No comments:

Post a Comment

View My Stats