Wednesday, 23 November 2016

NGHĨ GÌ, THẤY GÌ QUA TÂM TƯ RỚM MÁU CỦA MỘT NỮ SINH 14 TUỔI Ở TRONG NƯỚC ? (Trần Phong Vũ)




Trần Phong Vũ
Posted by adminbasam on 20/11/2016

Những suy tư nhận được từ quốc nội

Rất tình cờ, vào những thời điểm khác nhau, từ trong nước một Giám Mục hồi hưu, một Hòa Thượng Phật Giáo, rồi một Tu Sĩ luống tuổi thuộc Dòng khổ tu đã chia sẻ với tôi những suy tư đồng quy về những chỉ dấu lạc quan trên đất nước ta hôm nay. Các bậc vị vọng tuy xuất thế nhưng hằng quan tâm tới vận mạng đất nước này dựa vào hiện tượng những khuôn mặt trẻ dấn thân ngày càng nhiều trong tiến trình làm thay đổi tình trạng đau thương, rách nát của quê hương.

Lớp trẻ được nói tới có thể là những người đã sẵn sàng chấp nhận mọi rủi ro khi công khai đối đầu với bạo quyền. Họ cũng là những trẻ thơ như cậu bé vừa qua lứa tuổi lên 10, học sinh xuất sắc thuộc hệ thống giáo dục của GS Phạm Toàn trong một lần dám lên tiếng giữa lòng thủ đô Hà Nội công khai phê phán tình trạng Giáo Dục xuống cấp thê thảm hiện nay. Cậu nói tới một nển giáo dục đã bao nhiêu lần thay đổi Bộ Trưởng nhưng chẳng đi tới đâu. Trong lúc cao hứng, cậu bé hứa nếu mai ngày được chọn làm Bộ Trưởng Giáo Dục cậu sẽ làm khác…

– Lần đầu vào khoảng giữa năm 2012 khi hình ảnh cô sinh viên 20 tuổi Nguyễn Phương Uyên xuất hiện trên các trang mạng xã hội với tin cô bị công an Sài gòn bắt vì chống phá chế độ.

Phương Uyên bị CA bắt năm 20 tuổi. Ảnh: internet

– Lần thứ hai khi tôi viết bài “Hiện tượng Lê Văn Thành” dựa vào clip video với tiêu đề “Phản động là gì? Ai mới thực sự là Phản động?” do chính người sinh viên 20 tuổi này thực hiện ở Hà Nội được phổ biến rộng rãi trên NET. Bài viết đăng trên tuần báo Viettide và nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân ở nam California, Hoa Kỳ mùa thu năm 2015.

Lê V Thành trong clip Phản động là gì? Tháng 6-2015

– Và lần này là trường hợp Nguyễn Bích Ngân, bé gái 14 tuổi đang học lớp 8 trường Trung Học Cơ Sở Hà Nội, tác giả bài thơ 'Xin đổi kiếp này' hiện đang trở thành cơn bão mạng trong nhiều ngày vừa qua.

Bích Ngân cùng ông ngoại. Ảnh: NVCC

Đây là bài thơ 5 khổ, mỗi khổ 4 câu:

XIN ĐỔI KIẾP NÀY

Nếu đổi được kiếp này tôi xin hóa thành cây,
Thử những nhát rìu rạch sâu da thịt.
Trong biển lửa bập bùng thử mình cháy khét,
Thử chịu khói độc tàn, thử sống kiên trung.

Nếu đổi được kiếp này, tôi xin hóa ruộng đồng,
Thử nếm vị thuốc sâu, thử sặc mùi hóa chất,
Thử chịu bão giông, thử sâu rày, khô khát,
Thử ngập mặn, triều cường, núi lửa, sóng thần dâng.

Nếu đổi được kiếp này, tôi xin hóa đại dương,
Thử dầu loang hắc nồng, mùi cá trôi hôi thối,
Đau vì kiệt tài nguyên, khổ vì không biết nói,
Thử biết gồng mình, thử quằn quại đứng lên.

Nếu đổi được kiếp này, tôi xin làm không khí,
Thử khói bụi ngày đêm, thử ngột ngạt trưa hè,
Thử không còn trong xanh vì lũ người ích kỷ,
Thử tiếng ồn đinh tai, thử cái chết cận kề.

Tôi làm gì đây? Khi vẫn kiếp con người!
Tôi nhận về bao nhiêu? Tôi lấy gì trả lại?
Tôi phá hoại những gì? Tôi đã từng hối cải?
Xin đổi được kiếp này…!
Trời đất có cho tôi???

Tác giả viết theo thể thơ tự do, mỗi câu có 8 đến 10 chữ, gồm 20 câu chia làm 5 khổ. Tiêu đề bải thơ: “Xin đổi kiếp này”. Cần để ý tới chữ “Nếu” được coi là “từ khóa” nơi câu đầu trong 4 khổ liên tiếp tác giả lập đi lập lại như một giả định để tỏ bày một ước muốn, một khát khao hóa kiếp: “Nếu đổi được kiếp này…”.

Tìm vào nội dung bài thơ, người đọc không khỏi sững sờ khi nhận ra tâm trạng chán chường tuyệt vọng của tác giả, một bé gái mới ở tuổi 14. Tâm trạng ấy đã bộc lộ không che giấu ngay từ tiêu đề bài thơ. Người đọc tự hỏi: “Kiếp này” là kiếp nào? Và ngay lập tức bật lên câu trả lời: Đấy là kiếp sống tối tăm, vô vọng, không lối thoát của 94 triệu đồng bào đang phải gục đầu gánh chịu trong suốt bảy chục năm qua dưới chế độ độc tài chuyên chính cộng sản. Kiếp sống ấy hẳn phải kinh khiếp như thế nào mới tác động đến tâm tư, trí nào của một bé gái ở tuổi ‘teen’, cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” vừa bước qua lớp 8 bậc Trung Học Cơ Sở. Nó khốn nạn, kinh hoàng đến nỗi trong phút giây, trí óc non nớt của cô thúc giục cô nài xin được giã biệt kiếp người đổi qua kiếp khác?

Cô bé trong môi trường gia đình & học đường

Trước khi phân tích để hiểu được trong muôn một tâm tư phức tạp của cô bé, chúng ta cần biết qua về hai môi trường đã ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống và tư duy của bé. Đó là gia đình và học đường.

Qua những tài liệu rất hạn chế có được trong tầm tay, chúng ta biết, ông ngoại của Nguyễn Bích Ngân –ông Lê Đức Mẫn- năm nay 76 tuổi, một trí thức được đào tạo dưới chế độ cộng sản từng là giảng viên tiếng Nga ở đại học Ngoại ngữ Hà Nội (nay là đại học Hà Nội) trong suốt 40 năm. Tài liệu không cho biết thêm, nhưng với một người ở lứa tuổi ngót 80 có trình độ giảng dạy Nga ngữ ở bậc đại học nhiều năm như thế, chúng ta phỏng đoán ông ngoại Bích Ngân có thể đã du học nhiều năm ở Liên Xô trước khi chiếc nôi của chủ nghĩa Mác-Xít này sụp đổ vào năm 1989/1990.

Chia sẻ với tác giả Nguyễn Thảo trên VietnamNet, Nguyễn Bích Ngân cho hay, em không làm thơ thường xuyên, tất cả đến nay chỉ trong vòng mươi bài, vì theo em, làm thơ phụ thuộc rất nhiều vào cảm xúc. Những bài thơ Bích Ngân viết cũng chỉ để giãi bày cảm xúc cá nhân và chỉ chia sẻ cho một mình ông ngoại, không ai khác, kể cả cô giáo dạy văn từ lớp 6 đến nay của bé –cô Nguyễn Quỳnh Nga.

Bích Ngân thừa nhận, tính cách thể hiện ra bên ngoài của em có phần khép kín nhưng cũng có phần mạnh mẽ bên trong. Em nói: “Con thích nghe nhạc Hàn Quốc, và chỉ duy nhất nhóm Big Bang vì con luôn thích cái gì đó mãnh liệt, mạnh mẽ. Bản thân các anh trong nhóm Big Bang cũng là những người suy nghĩ có chiều sâu. Con thích cái cảm giác họ đem lại cho con.”

Ngoài thú nghe nhạc Big Bang, Ngân còn thích chụp ảnh và vẽ. Bích Ngân nói: “Vẽ thì con vẽ ra nháp là nhiều, chứ ít khi vẽ bức nào hoàn chỉnh. Chụp ảnh con chỉ chụp bằng điện thoại thôi. Con đặc biệt thích chụp dưới những bóng cây, chứ không phải cây có màu sắc, mà là khi con đứng dưới bóng cây chụp lên, chỉ có một nền trời xanh trắng và bóng cây màu đen, có cảm giác như những nét vẽ, trông rất sống động”.

Riêng bài thơ “Xin đổi kiếp này”, Bích Ngân chia sẻ, đó là sự tích góp của rất nhiều thứ. Từ những lời giảng dạy của cô giáo ở trường, tới những lần chia sẻ riêng tư với ông ngoại… từ đấy tích góp lại và đúc kết thành thơ. Tuy em không nói ra, nhưng qua những gì em tâm sự về khuynh hướng thích nghe âm nhạc Hàn Quốc, -đặc biệt chỉ nghe nhóm Big Bang vì nó đem lại cho em “cái gì đó mãnh liệt, mạnh mẽ”-, ta có thể suy đoán khi đắm hồn vào giòng nhạc Hàn, nhờ bản chất thích đọc sách lại gần gũi kho kiến thức quảng bác của ông ngoại, hẳn em cũng biết về lối sống tự do, khoáng đạt và sự vươn lên như phép lạ của một xứ sở từng có chung cảnh ngộ Việt Nam là lãnh thổ bị chia đôi. Và điều này phải chăng ít nhiều cũng tác động tới tư duy của bé khi viết bài thơ trên đây?

Riêng cái độc đáo của Bích Ngân về thú chụp cây cảnh, không phải cây có màu sắc mà chỉ thích “đứng dưới bóng cây chụp lên, chỉ có một nền trời xanh trắng và bóng cây màu đen, có cảm giác như những nét vẽ…” thì theo tôi cũng là một điều khá lạ thường. Sự kiện này cộng với lối sống khép kín “ít khi bộc lộ cảm xúc, nét mặt em lúc nào cũng buồn dù cô bé rất xinh xắn” như tiết lộ của cô giáo dạy văn, cũng giúp người đọc đoán hiểu được phần nào những ý tưởng phức tạp của cô bé chìm lắng bên trong bài thơ.

Trò chuyện với ông Lê Đức Mẫn, ông ngoại Bích Ngân và cũng là người đăng bài thơ của cháu lên Facebook cá nhân, ông cho biết ông là người rất gần gũi với cháu gái.
“Cháu cũng hay trao đổi với tôi, và có lẽ là người duy nhất trao đổi”. Ông cho hay.

Bích Ngân cũng cho biết, ông ngoại em là người quan tâm nhiều đến văn học. Hai ông cháu thường xuyên đi nghe những buổi bình luận văn học của các nhà thơ, nhà văn, sau đó về nhà hai ông cháu cùng nhau thảo luận sâu hơn. Nhận xét về cô cháu gái, ông Mẫn khẳng định: “Cháu tôi ít nói nhưng sống nhiều về nội tâm”.

Trao đổi với Nguyễn Thảo, cô Nguyễn Quỳnh Nga, giáo viên chủ nhiệm và cũng là giáo viên môn văn lớp 8A1 của Bích Ngân cho hay, cô bé rất khá về văn và có nhiều năng khiếu về môn này. Cô nói: “Điểm phẩy môn văn các năm của em đều từ khoảng 8,5 trở lên và trong lớp chỉ có 1, 2 em đạt được thành tích này. Tôi dạy môn văn từ lớp 6. Ngay từ đầu tôi đã phát hiện ra năng khiếu đặc biệt của Ngân ở môn văn. Em có một giọng văn rất cá tính, rất khác biệt. Tính cách của em cũng rất khác thường so với những đứa trẻ cùng trang lứa. Ngân là một học sinh kín đáo, trầm tĩnh, rất ít khi bộc lộ cảm xúc, nét mặt em lúc nào cũng buồn mặc dù cô bé rất xinh xắn”

Cô Nga cho biết cũng có một vài lần trao đổi với mẹ em về tính cách của em khi sinh hoạt trong lớp thì mẹ em cho biết “ở nhà cháu cũng như vậy”. Ở lớp học, theo nhận xét của cô Nga thì Ngân rất ít khi nô đùa nghịch ngợm với bạn bè, mà chỉ ngồi im một chỗ trong giờ ra chơi, lấy sách ra đọc hoặc làm gì đó tại chỗ. 

Tài liệu không cho biết về gia cảnh Bích ngân. Nhưng giữa những hàng chữ của tác giả Nguyễn Thảo trên VietnamNet, cho người đọc một vài mấu chốt để suy đoán tác giả bài thơ “Xin đổi kiếp này” có một tuổi thơ được coi là an bình hạnh phúc bên cạnh một người mẹ hiền, một ông ngoại trí thức, và hẳn cũng được sống trong một gia đình sung túc chẳng kém ai. Câu hỏi đặt ra là tại sao, do nguyên nhân sâu xa nào khiến cô bé lại sớm có những suy nghĩ bi quan, già trước tuổi như thế?

Nghĩ gì, thấy gì qua nội dung bài thơ?

Đắm hồn vào những suy tư trăn trở, sâu lắng gói ghém trong từng câu thơ khô khốc của Bích Ngân, người đọc nghĩ gì và thấy gì?
Công việc này không dễ!

Trong bốn khổ đầu, với điều kiện đặt ra là “Nếu đổi được kiếp này…” tác giả muốn được từ bỏ kiếp sống của con người hiện tại để hóa thân thành CÂY, thành RUỘNG ĐỒNG, thành ĐẠI DƯƠNG, thành KHÔNG KHÍ.

* Được hóa kiếp thành cây cô sẽ trực tiếp trải nghiệm nỗi đau căng xé khi đón nhận những nhát rìu hung hãn bổ xuống thịt da, ngửi thấy mùi khét lẹt như những trận cháy rừng khốc liệt. Từ đấy sẽ có cơ hội tự mình cảm nhận trực tiếp cái độc ác, tàn bạo của con người, đồng thời có dịp thử nghiệm sự khác biệt giữa… phản bội và kiên trung.

* Được hóa thân thành ruộng đồng, cô sẽ có cơ hội tự mình thách đố với những tai ương do con người và thiên nhiên giáng xuống.

* Được từ giã kiếp người ô nhục để biến thành đại dương mênh mông, cô sẽ tự mình cảm nghiệm được cơn uất nghẹn của biển khơi vì phải câm lặng không nói nên lời trước thảm nạn môi trường biển khiến cá chết hàng loạt, làm băng hoại, hôi thối nước biển, và tài nguyên thiên nhiên dưới đáy sâu bị úa tàn, cạn kiệt!… Trong tình huống thê lương đau đớn ấy, là biển cô bé muốn một lần gồng mình đứng dậy!

* Bỏ lại kiếp người để trở thành không khí, cô sẽ có dịp tự do đụng chạm tới cái ngột ngạt của những trưa hè, những bụi bậm ngày đêm và… với lối sống vị kỷ, quy ngã của con người khiến những mảng xanh của cây cỏ, mây trời bỗng dưng biến mất… cuối cùng chỉ còn lại những tiếng động khô khốc của tai ương và chết chóc!

* Đến khổ kết thúc bài thơ, vì ước muốn thay đổi vận kiếp không thành, cô tự hỏi: “Tôi biết làm gì đây? Khi vẫn là con người?”

Vẫn là con người để phải tiếp tục sống kiếp sống cũ, nhận chẳng bao nhiêu nhưng nợ nần thì quá tải! Được nghe nhiều từ cô giáo, từ ông ngoại, Bích Ngân không thể không nhớ tới một thống kê trong nước cho hay về các khoản nợ công to lớn như thế nào do đảng và nhà nước tạo ra mà sau này con cháu phải gánh chịu. Nó chỉ có tăng chứ không giảm!  Chắc hẳn cô đã đọc được đâu đó bản tin chính thức cho hay mỗi đứa trẻ vừa sinh ta trên đất nước Việt Nam hôm nay đã phải mang một món nợ khoảng hơn 30 triệu đồng, tương đương với 1500 US$! Một món nợ trên trời rơi xuống, chúng không hề vay mà mai ngày sẽ phải trả! Về điều này, hẳn rằng cô bé cũng đã đọc những câu “Mỗi đứa trẻ sinh ra đã gánh nợ nần ông cha để lại – Di sản mai sau lấy gỉ để cháu con trang trải? – Đứng trước năm châu không phải cúi đầu!” trong bài thơ “Đất nước mình lạ quá phải không anh?” của cô giáo Trần Thị Lam mấy tháng trước, một bài thơ cũng đã từng làm rung rinh các trang mạng xã hội trong và ngoài nước một thời.

Từ đấy, trong chỗ sâu thẳm của một con người thuần lương “nhân chi sơ tính bản thiện”, cô bé mang mặc cảm là kẻ phá hoại do những ý nghĩ nổi loạn đang dồn nén trong tim, và cũng từ đấy cô nghĩ tới chuyện ăn năn, hối cải mà chẳng biết tại sao!

Tuy vậy, cô bé Bích Ngân vẫn chưa nguôi niềm khát khao mãnh liệt cho dù đau đớn, là được thoát kiếp người/thú để sống một cuộc sống khác, một cuộc sống không phải là người/thú trên đất nước hôm nay. Cô bé mơ ước một cuộc sống bay bổng, tư do như không khí, bát ngát như đại dương, đơn sơ chơn chất như ruộng đồng, êm đềm dịu ngọt như màu xanh cây cỏ. Vì thế cô vẫn tiếp tục nài xin được thoát khỏi kiếp người… nhưng chẳng hiểu ông Trời có thuận cho không?

Nói như nhà thơ Bùi Chát thuở anh vừa chớm bước vào tuổi 20, đây quả là những vần thơ dằn vặt, trăn trở, đau đớn! Bùi Chát nói về thơ của anh và bạn bè thế hệ anh như thế. Nhưng nó không khác những gì trong tâm thức người đọc bài thơ “Xin đổi kiếp này” của cô bé Bích Ngân hôm nay. Bây giờ, giữa những ngày cộng đồng những người Việt tị nạn cộng sản ở Mỹ đang cùng với người dân địa phương chuẩn bị đón mừng Lễ Tạ Ơn.

Một tuần trước Lễ Tạ Ơn 2016
_______________
Vài giòng về Bùi Chát: Anh tốt nghiệp ngành Văn học, khoa Ngữ văn – Báo chí, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Sàigòn năm 2001 ở tuổi 22. Từ đó sống ở Sàigòn, tự biến mình thành một nghệ sĩ tự do và hoạt động xuất bản độc lập (theo ngôn ngữ trong nước lâu nay là xuất bản “chui”).
Sau khi tốt nghiệp đại học, cùng với mấy người bạn thơ là Lý Đợi, Khúc Duy và Nguyễn Quán, Bùi Chát thành lập nhóm Mở Miệng. Anh là thành viên trụ cột của nhóm, và cũng là người đề xướng các khái niệm “thơ rác”, “thơ nghĩa địa”, “thơ vỉa hè”. Ngoài ra, anh còn là người sáng lập nhà xuất bản “Giấy Vụn” –chuyên in ấn và phát hành tác phẩm của các nhà thơ đối kháng dưới hình thức photocopy, vượt qua sự kiểm duyệt của nhà nước cộng sản.





No comments:

Post a Comment

View My Stats