Sunday, 6 November 2016

VÀI LỜI về TRUYỆN NGẮN của PHẠM TÍN AN NINH (Nguyễn Văn Thực)




Chủ Nhật, ngày 06 tháng 11 năm 2016

LTS: Đây là bài thuyết trình của Nguyễn Văn Thực trong ngày Văn Hoá & Thể Thao 29.10.2016, tổ chức ở Oslo, Na Uy. 

*
Trong bài thơ Thư Gửi Ban Mê Thuột, nhà thơ nữ Đặng Thị Quế Phượng hỏi người ở núi, hỏi núi, hỏi cỏ dại, hỏi hoa cà phê có thoát hồn những đêm trăng, rồi cuối cùng:

Tôi vẫn nhớ chỗ người yêu tôi ngủ
Trên đồi cao cỏ mọc rất thong dong
Tôi muốn hỏi những con đường đất đỏ
Ngõ lên trời chẳng biết có gần không?

Người yêu cũ ấy là ai?

Chắc chắn không phải là người yêu ”đồi thông hai mộ”. 

Thưa quý vị, cứ nhìn văn cảnh của khổ thơ, nhìn vào hoàn cảnh của nước mình, ta sẽ thấy người yêu ấy là một người lính, chết, chết trên những ngọn đồi trong những trận đánh ở Tây Nguyên mà Ban Mê Thuột là một thành phần; // và chết đã lâu, vì cuộc chiến đã tàn từ lâu “cỏ mọc rất thong dong”, nhưng những uất nghẹn vẫn còn đó, nơi người yêu của cô đã nằm xuống, và uất nghẹn vẫn còn đó nơi người còn ở lại, nên cô muốn hỏi những con đường đất đỏ, nhưng thực ra là muốn hỏi Trời về nỗi oan khiên mà đôi lứa yêu nhau phải chịu, nỗi oan khiên nơi đôi kẻ yêu nhau ấy cũng là nỗi oan ức đang phủ chụp lên con dân Miền Nam Xứ Việt.

Tôi muốn hỏi những con đường đất đỏ
Ngõ lên trời chẳng biết có gần không?

Khổ thơ bốn câu này tóm tắt được những chủ đề chính trong các truyện ngắn của PTAN. Đó là 
1. cuộc chiến, những người lính, những người yêu của lính, gia đình
2. sự thất trận và những hậu quả cho những người lính, người yêu của lính, cho gia đình.

Erich Maria Remarque, một tiểu thuyết gia Đức, nổi tiếng với hai cuốn Mặt Trận Miền Tây Vẫn Yên Tĩnh trong bối cảnh Đệ Nhất Thế chiến và cuốn Một Thời Để Yêu Một Thời Để Chết trong bối cảnh Đệ Nhị Thế Chiến, thường nói về những người lính trẻ đang sống mà đã như những người già, người đã chết, những người mà tình cảm bị vắt kiệt, ý chí bị lung lay. Ông viết: 

"Chúng tôi không còn trẻ nữa. Chúng tôi không còn muốn vũ bão xông vào thế giới này. Chúng tôi đang trốn chạy khỏi chính chúng tôi, khỏi cuộc đời của chính chúng tôi. Đã có lúc chúng tôi tuổi thanh xuân mười tám, đôi mươi, bắt đầu yêu lấy cuộc đời, yêu cái thế giới này; và bây giờ chúng tôi lại phải bắn nát thế giới ấy.”

Nó có cái mùi Trịnh Công Sơn. 

Cũng thế, Tom O’ Brien, đã từng tham chiến ở VN, là nhà văn Mỹ tiêu biểu viết về CTVN, đã viết về cuộc chiến VN như sau:

”Chẳng có gì rõ ràng. Tất cả như trong những con lốc xoáy. Luật lệ cũ không còn giá trị nữa, những niềm tin cũ không còn đúng nữa. Cái đúng lộn tùng phèo với cái sai.”

Nhưng các chiến sĩ QLVNCH lại có một lý tưởng rõ rệt: Bảo vệ Tự Do. Hay nói như những người lính trẻ: “Tụi tui chỉ mong hết giặc (những kẻ hăm he tước đoạt tự do) để về với con.”

PTAN hay nói chuyện đi lính là chuyện Xếp bút nghiên theo việc đao cung.

Theo việc đao cung cũng có nghĩa là máu, là nước mắt, là cái chết.

Xếp bút nghiên theo việc đao cung:  Bút nghiên & đao cung: Trí thức & Chiến sĩ hay Chiến sĩ & Trí thức. Hai yếu tính này trộn lẫn hài hoà nơi những người sĩ quan VNCH, trong phong cách sống, phong cách chiến đấu, trong đa số truyện ngắn của PTAN. Tôi xin nhấn mạnh là đa số vì PTAN còn viết về những đề tài khác nữa, với những nhân vật khác. Những sĩ quan ấy là những trí thức chẳng những thụ hưởng truyền thống trọng sĩ, đề cao người trượng phu-quân tử của Nho giáo: 

”Giàu sang không mê hoặc được, nghèo khó không dời đổi được, sức mạnh không khuất phục được.”

// mà còn thụ hưởng nền giáo dục Việt – Pháp. 

Nơi hai nền giáo dục này ngoài chuyện dạy kiến thức, học sinh còn được dạy đạo đức làm người thông qua các bài thơ, các chuyện kể trong khi dạy cho học trò hai ngôn ngữ này. 

Ở Việt Nam, chúng ta có chương trình dạy tiếng Việt qua hai cuốn Giáo Khoa Thư của Trần Trọng Kim, nằm trong chương trình giáo dục do Hoàng Xuân Hãn biên soạn, cho thời chính phủ Trần Trọng Kim. 

Vấn đề dạy đạo làm người cho các học sinh vẫn còn đậm nét qua thời Đ1CH, tuy thời Đ2CH có phần phai nhạt, bớt chú trọng đến giáo dục đạo đức làm người mà đặt nặng về giáo dục công dân. PTAN và thế hệ ông thụ hưởng nền giáo dục của hai chính phủ trước: Chính phủ Trần Trọng Kim và Ngô Đình Diệm. Những phẩm tính tốt đẹp: Yêu nước, Xả thân vì nước, Thương đồng bào, Dũng cảm coi cái chết nhẹ tựa lông (chim) hồng. Lòng trung thành, Tình bạn cao thượng: tận tuỵ với bạn mà trong quân đội gọi là huynh đệ chi binh, Không đánh kẻ ngã ngựa, những phẩm tính này hiện ra nhiều lần trong các truyện ngắn của PTAN, và tất cả đều có trong các câu tập viết, những bài học thuộc lòng, những bài đọc trong cả hai chương trình Việt-Pháp. 

Người ta không thể không hào hùng, hay ít là muốn hào hùng, khi đọc những bài thơ như bài La Mort du Loupe: Cái Chết của Chó Sói Cha của Alfred de Vigny. Sói cha chiến đấu dũng cảm để bảo vệ sói mẹ và hai sói con xinh đẹp của mình trước đám thợ săn súng ống, dao săn và bầy chó săn. Cuối cùng sói cha bị bắn, bị đâm chết, nhưng chết một cái chết kiêu bạc: Chết mà không thèm biết tại sao mình phải chết.

Người ta không thể không trở nên cao thượng hơn một chút khi học bài La nuit du mai: Đêm tháng năm của Alfred de Musset, đoạn con chim Bồ Nông: Le Pelican xé ruột ra cho đàn con mình ăn, dù Musset muốn dùng hình ảnh này để nói chuyện “rút ruột, nhả tơ” của các thi sĩ.

Những tác dụng như thế cũng có thể có được khi học sinh được dạy tìm hiểu các tác phẩm cổ văn Việt Nam. 

Một Chinh Phụ Ngâm: 

Chàng tuổi trẻ vốn giòng hào kiệt,
Xếp bút nghiên theo việc đao cung
Chí làm trai dặm nghìn da ngựa,
Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao.

(Da ngựa: Ý nói: Thây bọc trong da ngựa; Thái Sơn đây là núi Thái Sơn rất lớn; 
Hồng mao: tức  là lông chim hồng)

Một Nguyễn Công Trứ:

Trót đem thân thế hẹn tang bồng.
Xếp bút nghiên theo việc kiếm cung,
Hết hai chữ trung trinh báo quốc.
Một mình để vì dân vì nước.

Rồi các tác phẩm kim văn của các tác giả trong Tự Lực Văn Đoàn, vẫn còn đẫm màu đạo đức trách nhiệm, ví dụ, khi Khái Hưng đã viết về lời trối trăng của ông Tú Lãm cho Huy, con trai ông: “Hãy giữ lòng vui, giữ linh hồn trong sạch và đem hết nghị lực ra làm việc”.

Ngoài ra chúng ta còn biết thân phụ của PTAN, quý danh Phạm Tín Cường, là một thầy giáo dạy chương trình Pháp -Việt. 

Nhưng PTAN không làm công việc rao giảng đạo đức, tuyên truyền luân lý, mà anh chỉ làm công việc ghi lại những con người như thế, mà anh đã cùng sống, đã chiến đấu với nhau. 

Nhưng chỉ với chủ đề, hay thông điệp dù mang tính cao thượng, hào hùng đến mấy cũng không thể viết ra được những tác phẩm hay. Phải viết cho ra văn chương thì mới đi vào lòng người đọc được, hay nói như Frank Kafka: ”Viết truyện phải viết làm sao để truyện trở thành một lưỡi rìu đập vỡ được biển băng đông cứng trong ta.” Hay như Chinua Achebe: Khi chúng ta đọc truyện, chúng ta không những thấy, mà chúng ta còđau đớn theo nhân vật trong truyện” chứ không phải những truyện chỉ tạo được sự vui vẻ, thích thú đơn thuần như khi uống một ly côca mát lnh hay hút một điếu thuốc ngon, hay như khi đọc các loi truyện tạo cảm giác thoải mái mà người Anh gọi là  feel good novel.

Đặc tính văn chương chung các truyện của PTAN, là 
1- tác giả diễn tả rõ ràng, ngắn gọn mà đầy đủ các truyện vốn có nội dung phức tạp, rộng lớn.
2. tác giả không dùng nhiều những phân tích tâm lý dài dòng, hay suy nghĩ, nói dùm cho các nhân vật trong dòng chảy của truyện, mà anh dùng hành động để diễn tả tâm lý, diễn tả những diễn biến tâm tư. Một hành động thay cho trăm lời giải bày. Văn của PTAN là văn hành động. Đây cũng là lối văn đặc thù của Ernest Hemingway, nhà văn Mỹ, từng đoạt giải Nobel, và cũng từng là phóng viên chiến trường.  

Sau đây tôi xin điểm qua một số truyện có hai đặc tính chung trên và cũng có những nét văn chương đặc sắc riêng trong từng truyện:

1. Chúng ta bắt đầu với truyện Trên Chiến Trường Xưa:

Với truyện Trên Chiến Trường Xưa, PTAN đã làm cho nhiều độc giả đau đớn lẫn ngậm ngùi. Tác giả kể lại chuyến đi thăm lại chiến trường xưa Kontum 1972 mùa hè đỏ lửa nơi anh đã tham dự trận đánh kinh hoàng. PTAN mở đầu truyện: 
”Hơn ba mươi năm sau, cùng với bốn anh em trong đơn vị xưa, chúng tôi trở lại Kontum tìm thăm nơi an nghỉ của những đồng đội cũ. Trong những năm 72 và 73, đơn vị chúng tôi đã có hơn hai trăm anh em vĩnh viễn nằm lại nơi này để giữ vững miền địa đầu, cửa ngõ quan trọng nhất vào Tây Nguyên.”

Rồi anh kể về trận đánh hủy diệt đó. Từ tốn kể, khiêm tốn kể, hay nói cách khác không huyên hoang, thái độ của một người tham dự cuộc chiến bắt buộc phải chiến đấu để sống còn. 

Rồi kể về mối tình đơn sơ mà thủy chung giữa một nữ sinh, sau 75 là một người bán quán, với anh trung sĩ quèn trinh sát tên Bình.

Phe bên kia thắng.

Mồ của những chiến hữu của tác giả bị mất dấu, mắt tăm.

Và cuối truyện:
”Sáng hôm sau, chị chủ quán, bạn gái anh Bình, mời chúng tôi ăn sáng rồi tiễn chúng tôi ra đầu cầu Dakbla. Chị đứng yên lặng không nói một lời gì. Nhìn những giọt nước mắt chảy dài trên má chị; trong lòng chúng tôi có lẽ ai nấy cũng đang giữ riêng một nỗi ngậm ngùi. Nhìn dòng sông Dakbla chảy ngược qua cầu, tôi có cảm giác như lòng mình cũng đang chảy ngược về những nơi nào đó, những chiến trường xưa, mà mãi mãi vẫn còn in bóng dáng hào hùng của bao nhiêu bè bạn, anh em - những người đồng đội cũ. Tất cả đã từng có một thời sống rất đáng sống.”

Huy Cận trong bài Tràng giang:

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song,

Guillaum Appolinaire trong bài Cầu Mirabeau:

Tình yêu ra đi như giòng nước chảy
Qua đi qua đi tháng ngày
Thời gian qua đi,
Tình yêu chẳng trở lại
Dưới cầu Mirabeau sông Seine vẫn trôi.

 (L'amour s'en va comme cette eau courante…
   Passent les jours et passent les semaines
            Ni temps passé
       Ni les amours reviennent
Sous le pont Mirabeau coule la Seine) 

Nghĩa là cũng như Huy Cận: trôi xuôi, buông xuôi. // Dòng sông Dakbla của PTAN không chảy xuôi mà ”chảy ngược qua cầu.”, chảy ngược để về với ”bao nhiêu bè bạn, anh em - những người đồng đội cũ.” Cái nhìn đầy linh hiển và cũng rất nhà binh. 

Và ngoài ra, truyện này có đủ hai phẩm tính mà tôi nêu ở trên.

2. Về truyện Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân.

Phạm Tín An Ninh viết truyện này theo lời kể của một nhân chứng, một người vợ lính về cuộc di tản kinh hoàng trên đường số 7 từ Pleiku xuống Tuy Hoà giữa tháng 3-1975 trong kế hoạch triệt thoái Cao Nguyên, con đường này đã được ký giả chiến trường Phạm Huấn mệnh danh là một “hành lang máu”.

Nhân vật chính xuất thân một cô gái xinh đẹp đất thần kinh, gia đình rời về Nha Trang, lấy chồng lính chiến năm 1968. Nhà chồng khá giả, mấy  năm sau sinh đứa con trai đầu lòng tại Pleiku, đặt tên Cao Nguyên, hai năm sau đó lại sinh con gái đặt tên Thùy Dương để nhớ Nha Trang nơi hai người đã có nhiều kỷ niệm đẹp.

Giữa tháng 3-1975, Pleiku, Kontum được lệnh di tản giữa mùa xuân, chị và chồng bồng bế con cái theo đoàn xe về Tuy Hoà qua đường tỉnh lộ 7, tới Hậu Bổn bị Việt Cộng pháo kích bao vây rất ngặt, máy bay QLVNCH lại ném bom nhầm khiến nhiều người chết oan. Di chuyển tới Phú Túc thì bị địch tấn công dữ dội, đoàn xe bất động, mọi người bỏ xe đi bộ về Củng Sơn. Người chồng lấy võng và áo giáp làm gùi cõng con trai 4 tuổi sau lưng trong khi vợ bồng con gái. Cộng sản pháo kích dữ dội, mạnh ai nấy chạy. Lệnh thượng cấp từ trên trời ban xuống: “đạp lên mà đi”.

Người chồng lưng cõng con, tay cầm súng điều động binh sĩ chiến đấu. Khi ấy, ngày 19. 3. 1975, chị vợ lạc chồng và con là Lê Cao Nguyên đang nằm trên lưng anh. Chị ta cùng con gái Thùy Dương về được Nha Trang, khi ấy đã bị địch chiếm đóng.

Hơn một tuần sau chị nhờ cậu em chở xe Honda lên đường số 7, vào hỏi thăm các trại tù tìm chồng con nhưng biệt vô âm tín, chị gặp anh đại  đội phó được biết chồng chị bị thương nhưng cố lết đưa Lê Cao Nguyên đến nơi có dân cư. Chị bèn thuê năm người Thượng đi tìm chồng tại nơi hai người còn gặp nhau lần cuối nhưng cũng chẳng thấy tăm hơi gì; chỉ thấy toàn những cảnh tượng hoang tàn ngổn ngang: xe cộ bị đốt cháy, những bộ xương người vương vãi đó đây, những nấm mộ bị lấp vội bên đường, cả một vùng xông mùi tử khí…

Rồi sau đó hàng năm tới ngày 19-3 chị cùng con gái Thuỳ Dương trở lại Phú Bổn tìm đến chân đồi nơi hai người còn gặp nhau lần cuối để thắp hương tưởng niệm chồng con đã mất tại nơi đây.

Mười năm sau, tháng 5-1985, chị vượt biên được tầu Na Uy vớt vào định cư tại xứ sở này.

Hai mươi năm sau Thùy Dương lấy chồng ở Na Uy. Chị đưa con về Nha Trang thăm gia đình, rồi thuê xe trở lại Cao Nguyên vào giữ mùa xuân và đến nơi trước đây chị còn gặp chồng và Lê Cao Nguyên lần chót. Lần này có bà  giúp việc hồi xưa cùng đi theo. Nơi đây không còn dấu tích gì của chiến tranh. Chị thuê nhà trọ cho cả nhà. Hôm sau ra chợ mua gà để làm thịt cúng chồng con, chị gặp một anh bán gà người Thượng tên Tlang. Anh ta nói tiếng Việt không rành // và đặc biệt có vết sẹo hình đầu hổ trên cánh tay như con trai Lê Cao Nguyên ngày xưa bị thương nhẹ trong một trận pháo kích. Chị còn ngạc nhiên hơn khi thấy trên hai vành tai của anh ta cũng có hai lổ nhỏ như Lê Cao Nguyên. Chị bèn gọi bà người làm lại hỏi cho chắc ăn, và bà bảo anh người Thượng chắc chắn là Lê Cao Nguyên.

Bà chủ nhà tử tế đã nhờ người công an khu vực làm thông ngôn và đưa tới tận nhà cha mẹ anh Tlang, sau một thời gian vặn hỏi bà chủ cho biết hồi tháng 3-1975, nơi đây diễn ra trận chiến ác liệt. Một ông lính rằn ri bị thương lưng cõng đứa trẻ cố lết vào dưới nhà sàn rồi gục chết. Vợ chồng bà đã chôn ông lính dưới một gốc cây gần đây rồi nuôi dưỡng đứa trẻ lên bốn tuổi nay là Tlang… Đứa trẻ ấy chính là Cao Nguyên nay đã một vợ hai con, vợ là người Thượng.

Sau mấy chục năm xa cách chị đã tìm lại được đứa con nhưng trớ trêu thay, nó đã trở thành người Thượng, là người của núi rừng với cái tên định mệnh Cao Nguyên mà vợ chồng chị đã đặt cho nó hồi mới sinh. Tlang từ chối trở về đồng bằng vì đã là người của núi rừng. Chị cũng không thể bắt Cao Nguyên và vợ con phải rời khỏi núi rừng, nơi đã cưu mang nó. // Và cũng từ bỏ ý định cải táng chồng ”Bởi anh phải nằm ở đây, bên cạnh đứa con trai và hai đứa cháu nội của anh, mặc dù bây giờ tất cả đã trở thành người Thượng và chắc không biết gì về anh. Và có lẽ anh cũng muốn nằm lại với bao nhiêu đồng đội, một thời cùng anh vào sinh ra tử, mà linh hồn đang còn phảng phất ở quanh đây.

Rồi

Người vợ nói:
Tôi rời khỏi Cheo Reo, chạy ngược về cầu sông Ba theo tỉnh lộ 7 ngày xưa, mang theo trong lòng  nỗi đau đứt ruột. Đang giữa mùa xuân nhưng cả bầu trời nhuộm mầu ảm đạm. Nhìn núi rừng hai bên đường, trong ràn rụa nước mắt, tôi mơ hồ như cây lá không còn nữa, mà tất cả đều mang hình dáng của những bộ xương người nối tiếp nhau trùng điệp. Tai tôi nghe trăm ngàn tiếng khóc quyện vào trong gió. Không biết đó là tiếng khóc của người hay tiếng khóc của cây.”
(Tóm dựa theo Trọng Đạt)

Nhận xét:

Truyện này có được 2 đặc tính chính tôi vừa nêu ở trên. Riêng cái đoạn tôi vừa trích thì đầy tính văn chương vì nó thực sự làm xúc động. // 

Rồi còn một cái kết cục thật bất ngờ: Người vợ, từ Na Uy, sau khi đã gian khổ bao năm mới tìm lại được mộ chồng, lại muốn để xác chồng ở lại với núi rừng, với Đất Nước mà anh đã vì nó mà bỏ mình. Cả đứa con cũng ở lại với núi rừng, nói rộng ra: Đất Nước, đã trở thành quê hương thân yêu của nó, của gia đình nó. Chứ không phải như cái luận điệu của một số người: ”Xin lỗi anh, xin lỗi chị, nếu không có CS chiếm Miền Nam làm sao anh/chị qua được xứ Na Uy này.” Hành động này mà PTAN đưa vào phần kết này có giá trị gấp ngàn lần những lời hô hào: ”Yêu tổ quốc, yêu đồng bào”, hay như Du Tử Lê: ”Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển (về với quê hương)”.

3. Về truyện Tiểu Thơ

Truyện viết gọn lại như sau:
Ba chú học trò “đang vừa rà thắng xe đạp trước rạp Tân Tân, Nha Trang để vào xem phim “Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ” thì bị một chiếc Vélo Solex húc từ đằng sau tới. Cả ba thằng ngã xuống đất. Riêng tôi còn bị cái xe của thằng bạn đè lên bụng đau muốn nín thở. Mới loi ngoi bò dậy, chưa kịp phủi bụi trên áo quần thì nghe tiếng quát tháo:
-Ê! bộ ba “chàng ngự lâm pháo thủ” mù cả hả. Dừng ngựa mà chẳng coi chừng phía đàng sau! Đáng đời!

Đó là một cô gái, tuổi ô mai, tóc còn thắt bím, ngồi trên Vélo, vòng tay trước ngực, trề môi, rồi trợn đôi mắt to như hai cái đèn “ô tô”: 
 - Số còn hên đó. Cái vélo không bị hư gì. Tiểu thơ tha cho đó. Lần sau liệu hồn!
 Nói xong cô bé nguýt một cái rồi rồ ga chạy mất tiêu.

Câu chuyện tình bắt đầu như thế. 

Tưởng đường tình như thế là xong. Nhưng không, trong một dịp xách cà táp “theo ông chú thầu khoán hầu học nghề kinh doanh thì tôi gặp lại tiểu thơ.  Tình cờ gặp lại tiểu thơ nơi bàn ăn dành cho con cái: - Chào tiểu thơ, chàng ngự lâm pháo thủ bị xe tông... ngã ngựa có được phép ngồi đây không ạ?

- À, hữu duyên thiên lý năng tương ngộ! Vous cứ tự nhiên.

Vậy mà cái cuộc trùng phùng khá bất ngờ này lại đưa đẩy tôi đến một nấc thang danh vọng: làm gia sư cho cô bé. Kèm tiếng Việt.

Cô bé vừa từ trường Tây ở Đà Lạt chuyển xuống lớp đệ ngũ trường Nữ trung Học Nha Trang, đọc thơ Chinh Phụ Ngâm và Cung Oán Ngâm Khúc mà không hiểu.

Dạy cả cuốn Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng.

Cô bé cũng thuộc dòng Tôn Nữ: Tôn Nữ Giáng Vân. Nhưng tôi vẫn thích gọi cô bé là Tiểu Thơ, cái tên mà nàng đã tự xưng khi đụng chàng trước rạp Tân Tân.

Gia sư mà sợ học trò, khi yêu ai mà chả sợ, nên chàng tôi chỉ dám tỏ tình bằng thơ. Thơ như sau:
“Ngày tháng trôi dần theo nhớ thương
I như duyên nợ đã vấn vương
Nên tình mây nước cùng trăng gíó
Hẹn ở ngày mai một nẻo đường
YÊU vầng trăng sáng in cành lá
Và khúc nhạc lòng dâng đến hương
Ân ái giờ đây là mơ ước
Ngỡ một tâm tình một vấn vương

- Bài thơ không có tựa. 

- Thì Vân cứ ghép tất cả các mẫu tự đầu ở mỗi câu lại, sẽ thấy cái tựa liền. 

Cô bé đỏ mặt, vất mảnh giấy có bài thơ xuống đất:
- Không thèm chơi với thầy nữa.

“Hai năm sau, tôi rời Nha Trang vào Sài Gòn học tiếp. Tôi  buồn và tiếc nuối vì phải chia tay với cô học trò nhỏ nhưng có đôi mắt thật to của mình...

Năm năm sau, khi cô bé đã trở thành người lớn và quên “ông Thầy” thích  đọc thơ tình cho cô học trò thì cũng là lúc tôi hát khúc Biệt Kinh Kỳ, xếp bút nghiên theo việc kiếm cung.“

Trận đánh này tới trận đánh khác.

Rồi tình cờ tại phi trường Pleiku bụi đỏ, gặp lại tiểu thơ. Nàng làm chiêu đãi viên hàng không Nàng đẹp như một nàng tiên. Trong chớp nhoáng, tôi được biết là nàng đã có chồng. Anh ta là một phi công phản lực F5, thuộc đơn vị Biên Hòa.“ Phi công hào hoa.

Cuối cùng thì miền Nam cũng thất thủ. Đám tụi tôi được người “anh em” chiến thắng mời vô trại cải tạo để được hưởng “chính sách khoan hồng của kách mệnh”!

Tám năm lưu đày từ nam ra bắc... Tôi lại nhớ đến Tiểu Thơ, đến đôi mắt tròn xoe của cô bé, và nhớ tới cái hạnh phúc làm “gia sư” của tôi hơn là những năm lính.

Ra tù, được ông anh bà con cho tôi làm tài xế phụ kiêm lơ xe cho chiếc xe đò nhỏ của ông chạy đường Nha Trang – Tuy Hòa. Xe chạy bằng than và khách hầu hết là mấy bà đi buôn chuyến.

Một hôm tôi đang lui cui đứng trên mui, thì một bà khách kêu tôi nhấc hộ đôi thúng của bà lên. Bà lấy hết sức đưa từng chiếc thúng lên, nhưng rồi lại bị sà xuống. Trong đôi thúng là những thỏi đường màu đen khá nặng. Tôi phải dùng một cây móc sắt đưa xuống, bảo bà móc vào để tôi kéo lên. Khi lấy sức kéo đôi thúng lên tôi bất ngờ gặp đôi mắt thật to và tròn xoe. Đôi mắt nhìn tôi tựa hồ như xoáy vào lòng tôi nhát dao đau buốt. Tôi nhảy xuống xe, nắm chặt đôi vai gầy còm của bà khách:
- Là em, là Tiểu Thơ đây à?
Nàng nhìn tôi, rồi nước mắt đầm đìa.
- Tiểu Thơ, à quên... Vân, làm sao mà em lại ra đến nỗi này.
Nàng cúi xuống im lặng, không nói một lời nào.

Ra đến Tuy Hòa, tôi gánh hộ nàng gánh đường giao cho một cái quán trong chợ, Tôi được biết về hoàn cảnh nàng:
Gia đình nàng tan nát: chồng bị tử trận chết. Cha cũng chết và đang ở cùng con gái trong một căn nhà tôn nhỏ của thương phế binh hồi trước.

Tôi tính chuyện vượt biên. 

Tôi kể chuyện Tiểu Thơ cho vợ tôi nghe. Bây giờ tôi thương cô như một người em gái. Vợ tôi tốt bụng, thương mẹ con cô cũng như hoàn cảnh của chính mình, sẵn sàng cùng tôi giúp mẹ con nàng đi cùng chuyến vượt biên, do chính tôi tổ chức.

Một tuần trước khi ra đi, tôi vào Nha Trang tìm đến nhà nàng. Căn nhà khóa kín cửa. Tôi chờ đến tối mà chẳng thấy mẹ con cô trở về. Trời thương, chuyến vượt biên cũng đến được bến bờ, nhờ một chiếc tàu chở dầu của Na Uy vớt trên biển.

Mùa hè năm 1989, vợ chồng tôi đưa hai cô con gái sang Mỹ học, nhân tiện ghé thăm và chia buồn gia đình ông anh họ… Anh chị vừa có thằng con trai bị chết đuối.

Sáng hôm sau, anh chị đưa tôi đến nghĩa trang thăm mộ cháu rồi chở chúng tôi đến một ngôi chùa Sư Nữ ở gần đó, để bàn việc làm lễ cầu siêu cho cháu. Anh cho biết  Sư Bà trụ trì cũng quê ở Nha Trang.
Trong lúc hàn huyên, sư Bà bảo thật là tội nghiệp: có vài cô đã gặp bao nhiêu nghịch cảnh thương tâm trên biển Đông, chồng chết con chết, chỉ còn lại một mình. Ban đầu Bà đưa về chùa cưu mang, rồi sau đó các cô xin được xuống tóc qui y luôn. Sư Bà mời chúng tôi ở lại dùng cơm chay cùng với Bà, nhân tiện bà giới thiệu với mấy ni cô gốc Nha Trang cho biết, bởi tôi cũng là một phật tử thuần thành.
Ngồi dọc theo chiếc bàn dài, gồm các ni cô và một vài phật tử. Sư Bà giới thiệu chúng tôi là đồng hương, những phật tử đến từ tận Bắc Âu. Tôi vừa đứng lên chấp hai tay trước ngực, bỗng bất ngờ bắt gặp đôi mắt thật to, tròn xoe của một ni cô ngồi ở phía cuối bàn. Ni cô cũng vừa nhìn tôi rồi cúi xuống. Đôi mắt đó với tôi có một cái gì thần giao cách cảm. Đúng. Trên thế gian này chỉ có Tiểu Thơ mới có đôi mắt ấy mà thôi.

Tôi bước ra khỏi cổng chùa. Chùa nằm trên một khu đất bằng phẳng, nhưng sao tôi có cảm giác như mình đang lơ lửng bước xuống chân đồi. Tôi hình dung đến Ngọc vừa chia tay “chú tiểu” Lan lần cuối cùng ở chùa Long Giáng trong Hồn Bươm Mơ Tiên của nhà văn Khái Hưng, mà ngày xưa Tiểu Thơ đã bắt tôi phải kể đi kể lại bao nhiêu lần.”

Nhận xét:

Truyện này có được hai phẩm tính trên: Tài tóm lược và tài dùng hành động để diễn tả tâm tình:
- Chuyện chàng Ninh gánh gánh đường cho tiểu thơ. Một hành động chỉ làm được bởi chàng trai thương quá người yêu ơi!

- Đôi mắt to tròn của Tiểu Thơ được tác giả gieo nhiều lần vào trong bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương ấy, đôi mắt ấy cứ chập chờn suốt trong truyện. Làm nao lòng chàng lúc thanh xuân đất nước thịnh trị, não lòng khi nước mất nhà tan rồi lưu lạc quê người nương tựa chốn thiền lâm. Tôi đếm được mười lần đôi mắt ấy trong truyện.

- Trong câu kết “Tôi từ giã Sư Bà, trong lúc mắt nhìn quanh như muốn tìm kiếm một điều gì. Nhưng tất cả chỉ có im lặng, ngoài tiếng chuông chùa ngân nga như chẳng bao giờ muốn tan đi trong không gian bao la vô tận.” Tiếng chuông như chẳng muốn tan đi trong không gian hay nỗi nhớ thương của 2 người tình chung Ninh và Vân sẽ chẳng bao giờ dứt trên cõi đời này? Dùng tiếng chuông để diễn tả nỗi nhớ nhung, tiếc xót.

- Ngoài ra giọng văn dí dóm tuổi học trò, chuyển sang bi thương từ ngày mất nước vào tay Việt Cộng, rồi ngày tái ngộ ở Mỹ nước mắt chảy ngược về tim.


4. Về truyện Ở Cuối Hai Con Đường

Truyện viết gọn lại:
“Những năm “cải tạo” ở miền Bắc, tôi được chuyển đi khá nhiều trại, cuối cùng là trại 6 Nghĩa Lộ, gặp được một “đồng chí cán bộ quản giáo” đến tiếp nhận, một sĩ quan mang quân hàm thượng úy đi vào lán chỉ còn một cánh tay. Môt nửa cánh tay kia chỉ là tay áo bằng kaki Nam Định, buông thõng xuống và phất phơ qua lại theo nhịp đi của anh. Không khí trở nên ngột ngạt…

Nhưng bất ngờ, người cán bộ quản giáo đến trước chúng tôi, miệng nở nụ cười. Nhìn khuôn mặt hiền lành, và ánh mắt thật thà, chúng tôi cũng bớt lo âu.

Bằng một giọng đặc sệt Nghệ Tĩnh, anh quản giáo giới thiệu tên mình: Nguyễn Văn Thà, rồi “báo cáo” một số nội quy, yêu cầu của trại. Anh đưa cho anh đội trưởng một tập vở học trò, phát cho anh em mỗi người một tờ giấy để làm bản “lý lịch trích ngang”.

Tôi đang ngồi hý hoáy viết cái bản kê khai lý lịch ba đời với bao nhiêu thứ “tội” dưới biển trên trời - bỗng nghe tiếng anh quản giáo hỏi:
- Trong này có anh nào thuộc Sư 23?

Tôi im lặng giây lát rồi lên tiếng:
- Thưa cán bộ, có tôi ạ.

-  Anh ở trung đoàn mấy?

- Trung Đoàn 44

- Vậy anh có tham dự trận đánh Trung Nghĩa ở Kontum đầu mùa hè 1972?

- Vâng, có ạ.

Anh quản giáo đưa cánh tay bị mất một nửa, chỉ còn cái tay áo đong đưa, lên :
- Tôi bị mất cánh tay này trong trận đó…. Tôi ở trung đoàn xe tăng thuộc Sư 320.

Trận ấy đơn vị tôi thua nặng. Cả một tiểu đoàn tăng của tôi còn có hai chiếc. Chiếc T54 của tôi bị bắn cháy. Tôi thoát được ra ngoài, nhưng bị các anh bắt làm tù binh…  Tôi bị thương nặng lắm…”

Vào một dịp tết, ngồi chung với tù, anh tâm sự thêm:
“Lần bị thương năm 1972 ở Kontum đó, tôi nghĩ là tôi đã chết. Vết thương quá nặng, lại phải nằm trong rừng rậm một mình, không có thức ăn, nước uống. Trong lúc tuyệt vọng nhất, tôi bất ngờ được một đơn vị của Sư 23 các anh phát giác. Các anh băng bó vết thương, cho tôi ăn uống, tận tình săn sóc tôi như một người đồng ngũ. Các anh luân phiên khiêng tôi ra khỏi khu rừng rậm, gọi máy bay tản thương đến đưa tôi về bệnh viện. Trời tối, máy bay chưa xuống được, đảo mấy vòng thì vị trí bị lộ. Các anh bị pháo, may mà không có ai bị thương. Các anh lại phải vội vàng di chuyển đi nơi khác. Cả khu rừng chỉ có một khe đá là nơi trú ẩn an toàn, các anh lại dành cho tôi. Tôi được hai anh y tá săn sóc suốt cả đêm. Người chỉ huy hôm ấy là một anh rất trẻ, mang quân hàm trung úy, mấy lần ôn tồn hỏi thăm tôi và khuyên tôi cố gắng để được đưa về quân y viện chữa trị. Anh còn cho tôi nửa bao thuốc lá còn lại của anh, bảo tôi hút thuốc để quên bớt cơn đau của vết thương. Sáng sớm hôm sau, tôi được máy bay tản thương đưa tôi về quân y viện Pleiku. Ở đây, mặc dù tôi phải nằm riêng, nhưng được bác sĩ các anh chăm sóc tận tình.”

Nhờ vậy mà nhân vật Thà còn sống và được trao trả tù binh đợt cuối cùng năm 1973, sau khi có hiệp định Ba Lê.

Nguyễn Văn Thà cố trả ơn như sau:
“Anh thường nói:
- Tôi rất đau lòng khi thấy các anh phải nghe những lời thô lỗ. Tôi biết các anh đều là những người có trình độ văn hóa và ai cũng đã từng chỉ huy.

Một buổi chiều cuối đông, mưa phùn rả rích, sương mù giăng kín cả thung lũng trại tù, đám tù chúng tôi ngồi co ro trong lán, cố nhai từng hạt bắp cứng như viên sỏi, nhìn ra cánh đồng phía trước, thấp thoáng một người mang áo tơi (loại áo mưa kết bằng lá cây) chạy lúp xúp từ chỗ này đến chỗ khác, cho đến khi trời tối. 

Đêm đó, như thường lệ, anh Thà xuống sinh hoạt với anh em bên bếp lửa. Anh bảo nhỏ anh đội trưởng:
- Tôi để một giỏ cá đằng sau lán. Trước giờ ngủ, anh ra mang vào, chia cho mấy anh bị bệnh kiết lỵ đang mất sức để các anh bồi dưỡng. Nhớ giữ kín, đừng để trên biết. Bây giờ anh em mới hiểu, người mà chiều nay, đặt lờ bắt cá ngoài đồng ruộng chính là quản giáo Thà. Ai cũng cảm động. 

Biết là anh em tù bị đói triền miên, nhất là sau mùa đông dài, một buổi sáng đầu mùa xuân, quản giáo Thà đưa cả đội 50 người tù lên một đồi trồng toàn sắn của một hợp tác xã nào đó, canh chừng cho chỉ cách cho tù đào trộm sắn mà thân sắn vẫn còn nguyên; đào mấy cái bếp “Hoàng Cầm” để luộc sắn mà không ai phát hiện có khói.

Dường như đó là cái ngày duy nhất mà 50 người tù chúng tôi được no - dù chỉ là no sắn.

Vào một dịp Tết, cầm giấy nghỉ phép trong tay, nhưng anh không về nhà, mà ở lại với anh em. Số tiền lương vừa lãnh được, anh mua mấy bánh thuốc lào, vài ký kẹo lạc, biếu anh em ăn tết. 

Nhưng:
Một buổi sáng sớm, khi sương mù còn vương trên thung lũng trại tù, một người đạp chiếc xe đạp vội vã rời ban chỉ huy trại…. Một vài anh em nhận ra anh Thà và báo cho mọi người. Cả một đội năm mươi người tù vừa mới thức dậy, còn ngái ngủ, chạy ùa ra sân, vẫy tay gọi. Anh Thà không nhìn lại, đưa cánh tay chỉ còn một nửa lên vẫy vẫy, rồi biến dạng trước cổng trại.

Tôi vượt biên và định cư ở Na Uy. Tình cờ gặp được cô Đoan, vốn là con một ông đại sứ của chính quyền HN tại Liên Sô, đã bỏ đảng, cũng đang tị nạn từ Đông Đức và lấy chồng người Na Uy. Nhân dịp cô Đoan trở về Việt Nam thăm gia đình ở Hà Nội, làm tôi nghĩ đến anh quản giáo Nguyễn Văn Thà thuở trước, và nhờ tìm kiếm với mảnh giấy chỉ vỏn vẹn vài chữ: “ông Nguyễn Văn Thà, gốc Nghệ Tĩnh, khoảng năm 1979 là thượng úy, làm quản giáo trại tù cải tạo số 6 Nghĩa Lộ, Hoàng Liên Sơn”. Cô cũng cho biết là cô có ông chú họ hiện làm việc tại bộ quốc phòng. Cô sẽ nhờ ông ta tìm giùm. 

Nhưng không kiếm được, dù có vào Nghệ Tĩnh kiếm. Cuối cùng cô phải thuê mấy tờ báo địa phương đăng lời nhắn tin, trong đó có ghi số điện thoại của tôi. Với rất ít hy vọng.

Cuối cùng tôi cũng gặp lại được không phải ông Thà, nhưng gặp 2 đứa con, một gái, một trai, của ông Thà, trước tiên qua điện thoại, khi thằng con trai của ông bị gặp chuyện rắc rối với chính quyền Ba Lan. Hoá ra, qua lời của cô con gái, ông Thà có đọc được mẩu tin nhắn đó:
“Cháu đang trốn ở nhà một người bạn, nhưng cô ta không dám chứa cháu lâu. Cháu không biết phải làm sao, thì bất ngờ nhớ đến lá thư của ba cháu gởi cho cháu cách nay vài tháng. Ba bảo cháu trong trường hợp rất cần thiết mới gọi cho bác.“

Và được biết ông Thà đang bị bệnh nặng. 

Không gặp được lại nhau, nhưng nhân vật tôi đã có dịp đền ơn đáp nghĩa: Một ông bạn Ba Lan trước tị nạn ở Na Uy, sau về làm lớn trong ngành cảnh sát, can thiệp và giúp đỡ hai đứa con của Nguyễn Văn Thà: bảo lãnh đứa con trai ra khỏi tù, kiếm công ăn việc làm và còn nhận làm con nuôi.

Lời cuối của NVThà qua lá thư:

”Chỉ có cái tình con người với nhau mới thực sự quí giá và tồn tại mãi với thời gian. Những chế độ này, chủ nghĩa nọ, cuối cùng cũng chỉ là những đám mây đen bay trên đầu. Đôi khi che ta được chút nắng, nhưng nhiều lúc đã trút bao cơn mưa lũ xuống để làm khốn khổ cả nhân gian...”

Nhận xét: 
1 - Một truyện đầy kịch tính, có thể dựng thành một phim vừa hấp dẫn vừa đủ liều lượng đau thương lẫn nhân ái để làm rung động lòng người, có đủ đặc tính số 1 tôi nêu lên trên kia.

2 - Hành động diễn tả tâm tình trong truyện, nếu quý vị để ý, sẽ thấy có nhiều. Nhưng có một hành động diễn tả rất hay về lòng vừa biết ơn vừa chất chứa yêu thương của anh quản giáo Thà: 
”Một buổi chiều cuối đông, mưa phùn rả rích, sương mù giăng kín cả thung lũng trại tù, đám tù chúng tôi ngồi co ro trong lán, cố nhai từng hạt bắp cứng như viên sỏi, nhìn ra cánh đồng phía trước, thấp thoáng một người mang áo tơi (loại áo mưa kết bằng lá cây) chạy lúp xúp từ chỗ này đến chỗ khác, cho đến khi trời tối.” 

Quý vị để ý hành động này và đặc biệt động từ ”lúp xúp“ trong câu ”Chạy lúp xúp từ chỗ này đến chỗ khác, cho đến khi trời tối.” Tôi đã từng thấy những bà mẹ quê chạy lúp xúp dưới trời mưa từ trong nhà ra giàn rau thơm hái lá quế, cọng ngò, rồi quên, rồi lại chạy lúp xúp ra bên hồi nhà ngắt thêm lá hành, trái ớt, rồi lại lúp xúp chạy ra sau nhà nhổ vài tép sả để nêm nồi canh chua, xoong cá bà nấu, bà um cho chồng, cho con mà bà yêu thương. Bằng động từ ”lúp xúp” này tác giả nói lên được lòng biết ơn pha lẫn yêu thuơng mà anh Thà dành cho những người lính VNCH mà đồng ngũ của họ đã đối xử nhân đạo với anh, khi anh ngã ngựa.

Một Số Thông Tin

Anh PTAN còn nhiều chuyện ngắn đặc sắc nữa như truyện Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân, Ba Dòng Nước Mắt, Những Điều Mơ Ước, Chuyện Người Bạn Học, vv in trong 4 tập truyện ngắn: 

- Ở Cuối Hai Con Đường
- Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân
- Vẫn Còn Vương Tơ (viết chung với thầy cũ Võ DoãnNhẫn)
- Sau Cuộc Biển Dâu sẽ in trong tháng 11/ 2016.

Tuy anh – xin trích -  ”chỉ tập tành viết lách linh tinh từ những năm cuối bậc trung học. Chính thức viết khi ra hải ngoại.”

Riêng cuốn
- Ở Cuối Hai Con Đường: in tới lần thứ 5, tổng số bản in 5.000 cuốn (hiện còn 400 cuốn ở Úc + 200 cuốn ở Mỹ)
- Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân: in 3 lần, tổng số bản in là 3.000 cuốn (hiện còn 380 cuốn ở Úc + 200 cuốn ở Mỹ)
Phần lớn sách của hai cuốn 1 và 2 đã được tặng cho các Hội Cứu Trợ Thương Phế Binh VNCH tại Hoa Kỳ và Úc Châu tổ chức bán gây quỹ giúp các anh TPB/VNCH sống khốn khổ ở quê nhà, với số tiền thu được khoảng 68 000 USD, ngoài ra còn góp quỹ trùng tu Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà 5 000 Úc kim, và tặng quỹ xây Tượng Đài Thuyền Nhân tại Brisbane (Úc châu): khoảng 2 000 Úc kim.

Nhận xét tổng quát:

Số lượng người đọc trên mạng, chỉ riêng với trang Việt Nam Thư Quán, thì mỗi truyện tới nay có từ 4000 tới 20 000 lượt đọc với 5 hoặc 4 sao. Riêng truyện Ở Cuối Hai Con Đường có tới 21 947 lượt đọc với 4 sao rưỡi. 

Những con số lượt đọc và sao đánh giá chứng tỏ truyện của PTAN đã đi vào lòng người, hay diễn dịch theo nhà văn Frank Kafka dẫn trên kia: truyện của anh đã trở thành một lưỡi rìu đập vỡ được biển băng đông cứng trong ta. Hay diễn dịch theo như nhà văn Chinua Achebe: Khi chúng ta đọc truyện của PTAN, chúng ta không những thấy, mà chúng ta còđau đớn theo nhân vật trong truyện. 

Hay nói cách khác anh đã tạo ra được văn chương tính rất cao cho truyện của anh. 

Kết:

PTAN, đúng như câu đối một nhà thơ tặng anh vào dịp Tết Nguyên Đán năm ngoái:

Lính chiến áo xanh nguyền giữ nước
Tuổi già bút trận vẫn xung phong

Cảm ơn anh PTAN đã cho chúng ta nhiều chuyện hay.
Cũng cảm ơn quý vị đã lắng nghe bài thuyết trình không hay gì lắm của Thà này.  


Phạm Tín An Ninh - đôi dòng tiểu sử

- tuổi Quí Mùi (1943)
- sinh tại một làng quê nghèo thuộc tỉnh Khánh Hòa - Lớn lên và đi học ở Nha Trang và Saigon,
- đi lính năm 1965
- phục vụ tại một đơn vị tác chiến gần 10 năm
- sau 4/75 ở tù qua nhiều trại Nam và Bắc Việt (Thân phụ cũng bị tù và chết trong tù tháng 6/1976)
- vượt biển đến định cư tại Na Uy tháng 8/1984
- làm việc trong ngành bưu điện, về hưu từ tháng 1/2008
- tập tành viết lách linh tinh từ những năm cuối bậc trung học. Chính thức viết khi ra hải ngoại .

Tác phẩm:
1/- Ở Cuối Hai Con Đường (xb 2008)
2/- Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân (2011)
3/- Vẫn Còn Vương Tơ (2013) (viết chung với ông thầy dạy Triết cũ, nhà văn Võ Doãn Nhẫn)
4/- Sau Cuộc Biển Dâu (đang in 2016)

-------------------------------










No comments:

Post a Comment

View My Stats