Thursday 3 November 2016

TIN CẬP NHẬT THỨ NĂM 3/11/2016 (Lê Minh Nguyên)




Lê Minh Nguyên
POSTED BY CHUYENHOAVIETNAM  THÁNG MƯỜI MỘT 3, 2016

Tin Thế Giới

1. Chủ tịch Trung Quốc tố giác “âm mưu tạo phản” trong đảng Cộng Sản — Ông Tập Cận Bình lên án ‘bè phái’ và ‘thủ đoạn’ trong đảng
Chính quyền Trung Quốc bị lung lay vì những âm mưu chính trị, tham ô, lạm quyền, gian lận bầu cử. Trên đây là những lời cảnh cáo của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trước hàng trăm đảng viên cao cấp vào tuần trước, mới được tiết lộ hôm nay.
Báo đảng Nhân Dân Nhật Báo trong số ra ngày hôm nay, 03/11/2016, cho biết nội dung hai văn kiện liên quan đến hội nghị Ban Chấp Hành Trung Ương đảng Cộng Sản Trung Quốc hồi tuần trước và bình luận của lãnh đạo Tập Cận Bình.
Theo nhân vật số một của Trung Quốc, từ nay có thêm tước hiệu “hạch tâm” (hạt nhân), thì đảng Cộng Sản bị lung lay vì lòng tham không đáy của một “nhóm lãnh đạo bị tiền tài và quyền lực làm mê hoặc, giả vờ tôn trọng đường lối của đảng, thành lập phe nhóm phục vụ quyền lợi riêng tư và mưu toan chính trị”.
Chủ tịch Trung Quốc thừa nhận là các chiến dịch bài trừ tệ đoan trong nội bộ đảng Cộng Sản không mang lại kết quả : Tệ nạn gia đình trị, con ông cháu cha và gian lận bầu cử không chấm dứt, nạn lạm quyền, tham ô, vi phạm pháp luật và kỷ luật cũng gia tăng.
Theo Nhân Dân Nhật Báo, liều thuốc mới đối phó với tình trạng bất trị này là tăng cường các nguyên tắc nghiêm khắc kiểm soát đảng viên như: không tuyên bố, không phán tán tài liệu đi ngược lại chủ trương và đường lối chính thức.
Tuy nhiên, theo nhận định của AFP, chỉ đạo chống tham nhũng của chủ tịch Trung Quốc không áp đặt các biện pháp cụ thể như “kê khai tài sản” và “giám sát độc lập”. – RFI
***

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lên án nạn “bè phái”, “thủ đoạn” và “gian lận” trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao của đảng Cộng sản Trung Quốc và nói rằng có những vấn đề cấp bách cần phải giải quyết, truyền thông nhà nước Trung Quốc loan tin hôm thứ Tư.
Gần bốn năm nay, ông Tập đã phát động một chiến dịch chống tham nhũng ở quy mô chưa từng thấy trước đây. Ông nói nạn tham nhũng đe dọa đến sự sống còn của đảng Cộng sản. Chiến dịch bài trừ tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc đã loại trừ nhiều quan chức cấp cao trong đảng, trong chính quyền, quân đội và các doanh nghiệp nhà nước.
Tân Hoa Xã, hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc, trích lời ông Tập nói trong một bài phát biểu tại một cuộc họp:
“Đời sống chính trị trong đảng nhìn chung là tốt, nhưng cũng có những vấn đề nổi bật cần phải cấp bách giải quyết”.
Ông Tập nói những vấn đề này bao gồm sự thiếu niềm tin vào đảng, kỷ luật lỏng lẻo, gian lận và tham nhũng, “tôn thờ tiền bạc”, gia đình trị, và mua bán chức quyền.
Vẫn theo ông, “Đặc biệt, một thiểu số cán bộ cấp cao có biểu hiện tham vọng chính trị, thèm khát quyền lực, thiếu trung thực, bè phái và băng nhóm hình thức, tìm kiếm quyền lực và các âm mưu chính trị khác”.
Ông Tập so sánh “môi trường chính trị” của Trung Quốc với môi trường sinh thái. Ông nói một khi môi trường đã bị ô nhiễm thì phải “trả giá đắt để khắc phục”.
Cựu giám đốc an ninh đang bị tù, Chu Vĩnh Khang, và các quan chức cấp cao khác đã bị ông Tập dẫn chứng làm thí dụ về những vấn đề “kinh tế” và “chính trị” gây rắc rối cho đảng Cộng sản Trung Quốc.
Có những đồn đoán thường xuyên từ trong và ngoài nước, và từ các nguồn có liên hệ với giới lãnh đạo nói rằng chiến dịch diệt trừ tham nhũng của Chủ tịch Tập là nhằm triệt hạ những kẻ thù của ông, hơn là để làm sạch đảng. Nhưng ông Tập phủ nhận có đấu tranh quyền lực nội bộ, dưới bất kỳ hình thức nào.
Phạm vi của chiến dịch mở rộng đã tạo ra bất ổn và gây lo sợ cho một số đảng viên. Tuy nhiên nó cho thấy công chúng đã chán ngấy với nạn tham nhũng trong hệ thống công quyền.
Bài phát biểu của ông Tập đã được đưa ra cùng với hai văn kiện tại một cuộc họp quy tụ các lãnh đạo chủ chốt của đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tuần trước. Một văn kiện nói về kỷ luật đảng và văn kiện kia nói về điều mà Trung Quốc gọi là “giám sát nội bộ Đảng”, nhằm đảm bảo sự trong sạch của các đảng viên trong một hệ thống thiếu vắng một cơ quan chống tham nhũng độc lập mà Bắc Kinh cho là không cần thiết.
Tại cuộc họp, ông Tập đã được gọi là “lãnh đạo hạt nhân” của Đảng Cộng sản Trung Quốc, một danh hiệu đánh dấu một sự gia tăng quyền lực đáng kể của ông Tập trước một đại hội đảng quan trọng vào năm tới. Trong cuộc họp này, Ủy ban thường vụ mới, đỉnh cao quyền lực ở Trung Quốc, sẽ được lập ra.
Một quan chức cấp cao trong đảng, ông Đặng Mậu Thịnh(?), cho biết trong tuần này rằng phải có “sự linh hoạt” về giới hạn tuổi đối với các lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc, ám chỉ một sự thay đổi có thể có trong các quy định của đảng nhằm tạo điều kiện cho ông Tập linh hoạt thay đổi giữa các chức vụ.
Theo quy định về độ tuổi trước đây, cánh tay mặt chống tham nhũng của ông Tập là ông Vương Kỳ Sơn sẽ quá tuổi để bắt đầu một nhiệm kỳ mới trong Ban Thường vụ. – VOA

2. Hồng Kông: Hai tân dân biểu chống Bắc Kinh bị ra toà
Vì chủ trương Hồng Kông độc lập với Trung Quốc, hai nữ dân biểu Du Huệ Trinh (Yau Wai Ching) và Lương Tụng Hằng (Leung Chun Ying) sẽ phải mất ghế. Trên đây là lập luận của luật sư biện hộ cho phe chính quyền Hồng Kông tại phiên xử ngày 03/11/2016, trong bối cảnh người dân lo ngại Bắc Kinh can thiệp mạnh hơn vào nội tình bán đảo.
Vì Bắc Kinh đang gia tăng kiểm soát sinh hoạt chính trị Hồng Kông nên phong trào đòi độc lập sẽ lên cao, theo phản ứng nhân quả. Theo AFP, trong bối cảnh này, Toà Án Tối Cao tại Hồng Kông bắt đầu xét đơn của chính quyền Lương Chấn Anh xin tước quyền đại biểu lập pháp của hai nữ dân biểu từ chối tuyên thệ trung thành với Trung Quốc.
Tại toà, luật sư của chính quyền Hồng Kông trấn an là cho đến nay chính quyền Lương Chấn Anh chưa kêu gọi Bắc Kinh can thiệp và cũng chưa nhận được thông tin chính thức từ phía Trung Quốc.
Cách nay ba tuần, hai tân dân biểu Du Huệ Trinh và Lương Tụng Hằng tuyên thệ theo cách riêng, choàng trên người khẩu hiệu “Hồng Kông độc lập” để không bị trói buộc phải trung thành với Hoa lục. Lãnh đạo Hồng Kông Lương Chấn Anh đưa vụ việc lên Toà Án Tối Cao. Ông còn tuyên bố không loại trừ khả năng Trung Quốc can thiệp.
Theo báo chí Hồng Kông, cơ quan thường trực Quốc Hội Trung Quốc sẽ cho ý kiến vào thứ Hai tuần sau.
Chủ tịch nghị viện Hồng Kông, tuy thân Trung Quốc, nhưng bênh vực hai nữ dân biểu trẻ, muốn cho họ cơ hội thứ hai để tuyên thệ. Theo ông, đưa vấn đề ra toà án là “sai lầm và không cần thiết”.

3. Tổng thống Hàn Quốc có nguy cơ bị điều tra — Cựu trợ lý TT Hàn Quốc bị bắt để điều tra vụ bê bối chính trị
Tư pháp Hàn Quốc hôm nay 03/11/2016 cho biết tổng thống Park Geun-Hye, đang sa lầy trong vụ tai tiếng chính trị, rất có thể sẽ bị điều tra, trong khi người bạn “cố vấn” của bà đã bị câu lưu.
Trả lời hãng tin Yonhap, bộ trưởng Tư Pháp cho rằng “bản thân nữ tổng thống hiểu được tầm mức nghiêm trọng của vụ việc”. Và với vai trò chỉ huy cuộc điều tra, ông đang “nghiên cứu xem xét liệu có cần thiết và về mặt pháp lý có khả năng mở điều tra (về bà tổng thống) để xác định sự thật hay không”.
Theo Hiến pháp Hàn Quốc, một lãnh đạo còn đang tại nhiệm không thể nào là đối tượng điều tra hình sự, ngoại trừ vì tội nổi dậy hay phản quốc. Nhưng một số người cho rằng cơ quan công tố vẫn có thể tiến hành điều tra tổng thống, để chuẩn bị cho việc khởi tố, một khi nhiệm kỳ của bà Park kết thúc.
Tổng thống Hàn Quốc những ngày gần đây đang phải đối mặt với những chỉ trích mạnh mẽ của người dân, liên quan đến người bạn tâm phúc của bà, Choi Soon-Sil, 60 tuổi, bị cáo buộc gian lận, lạm dụng quyền thế và can dự vào công việc nội bộ chính phủ. Hiện bà Choi đang bị câu lưu.
Còn hơn một năm nữa là bà Park Geun-Hye hết nhiệm kỳ tổng thống. Nhưng vụ tai tiếng này đã làm cho uy tín của bà tụt giảm thê thảm. Trong nỗ lực vượt qua cuộc khủng hoảng này, tổng thống Hàn Quốc đã cho cải tổ nội các, sa thải thủ tướng và hai bộ trưởng cùng với một cộng tác viên, mở rộng chính phủ ra bên ngoài đảng cầm quyền. Tuy nhiên phe đối lập tố cáo đó chỉ là một đòn tung hỏa mù. – RFI

***
Các công tố viên Hàn Quốc vừa bắt giữ một cựu cố vấn của Tổng thống Park Geun-hye. Đây là một phần trong cuộc điều tra về vụ bê bối xoay quanh việc lợi dụng ảnh hưởng chính trị với Tổng thống Park.
Ông Ahn Jong-beom là thư ký phối hợp chính sách của bà Park trước khi ông và nhiều thành viên nội các khác được lệnh phải từ chức vào cuối tuần trước.
Ông Ahn đang bị điều tra về cáo buộc đã giúp bà Choi Soon-sil, một người bạn lâu năm của Tổng thống Hàn Quốc, thúc ép các công ty đóng góp tài chính cho các tổ chức phi lợi nhuận mà bà Choi thành lập và kiểm soát. Bà Choi bị cáo buộc đã sử dụng số tiền này cho lợi ích cá nhân.
Bà Choi bị bắt hôm thứ Tư sau ba ngày thẩm vấn.
Bà Choi bị cho là có ảnh hưởng lớn đối với Tổng thống Park, kể cả việc đưa ra các khuyến nghị về chính sách. Bà Park thừa nhận bà Choi đã biên tập một số bài phát biểu của bà và giúp đỡ bà trong các mối quan hệ với công chúng.
Truyền thông Hàn Quốc nghi ngờ là mặc dù không có vị trí trong chính phủ, bà Choi vẫn có thể có quyền truy cập các thông tin nhạy cảm.
Hôm thứ Tư, bà Park công bố quyết định bổ nhiệm nhiều bộ trưởng mới – kể cả tân thủ tướng – như một phần của cuộc cải tổ nội các quy mô để phản hồi lại những chỉ trích đang ngày càng tăng đối với bà.
Ông Kim Byong-joon, người được đề cử làm Thủ tướng, cho biết hôm thứ Năm rằng có thể bản thân Tổng thống Park cũng sẽ bị điều tra, mặc dù quy định của Hiến pháp bảo vệ các tổng thống tại vị khỏi các tội hình sự, ngoại trừ các tội nghiêm trọng như tội phản quốc hay phản loạn.
Ông Kim nói trong một cuộc họp báo: “Mọi người, kể cả tổng thống, đều bình đẳng trước pháp luật”. – VOA

4. Tổng thống Philippines mắng Mỹ về thỏa thuận bán vũ khí
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte chỉ trích việc Hoa Kỳ ngưng kế hoạch bán 26.000 súng trường cho Manila, gọi những người đứng đằng sau quyết định này là “đồ ngốc”, “khỉ gió”, đồng thời tỏ dấu cho thấy ông có thể quay sang mua vũ khí của Nga và Trung Quốc.
Việc ông Duterte chỉ trích cường quốc thuộc địa cũ là chuyện thường xuyên trong những bài diễn văn của ông và hôm 2/11 ông nói đã có lúc ông từng tin tưởng Washington nhưng rồi đã mất sự tôn trọng đối với đồng minh lớn nhất của Philippines.
Bộ Ngoại giao Mỹ ngưng bán các loại vũ khí tấn công cho cảnh sát Philippines sau khi các nhân viên thuộc văn phòng Thượng nghị sĩ Ben Cardin hôm thứ hai cho Reuters biết ông sẽ chống lại việc này.
Các phụ tá của Thượng nghị sĩ Cardin, một thành viên cao cấp của đảng Dân chủ trong Ủy Ngoại vụ Thượng viện, cho hay là ông Cardin không muốn Hoa Kỳ cung cấp vũ khí cho Philippines vì những quan ngại về vi phạm nhân quyền tại nước này trong cuộc chiến chống ma túy đẫm máu kéo dài 4 tháng của ông Duterte.
Trong một buổi nói chuyện được truyền hình, ông Duterte nói “Hãy nhìn các con khỉ gió này, chúng ta muốn mua 26.000 khẩu súng nhưng chúng không muốn bán. Đồ khốn kiếp, chúng ta có nhiều súng tự chế mà. Những tên Mỹ điên rồ này.”
Hơn 2.300 người thiệt mạng trong những cuộc hành quân của cảnh sát hay bởi những dân phòng trong khuôn khổ của nỗ lực bài trừ ma túy, vốn là tâm điểm chiến dịch tranh cử của ông Duterte.
Ông Duterte đã trút giận lên nước Mỹ vì đã nêu lên quan ngại về những vụ giết người không qua xét xử.
Ông nói “Đó là lý do tại sao tôi thô lỗ đối với họ vì họ thô lỗ đối với tôi.”
Theo những thủ tục tại Washington, Bộ Ngoại giao Mỹ phải thông báo cho Quốc hội về các thương vụ bán vũ khí quốc tế. Các phụ tá nói Bộ Ngoại giao đã được thông báo là Thượng nghị sĩ Cardin sẽ phản đối thỏa thuận bán vũ khí, nên khiến thương vụ bì đình trệ. – VOA

5. Quân đội Iraq tiến sát vào thành phố Mosul
Quân đội Iraq đang tiến tới rất gần Mosul. Các cuộc giao tranh giữa quân đội với quân Nhà nước Hồi giáo diễn ra cách thành phố chưa tới một kilômét. Nhưng tại các thị trấn và làng xã ở tuyến đầu, nhiều cư dân nói họ vẫn rất sợ vì không có nơi nào an toàn cho họ một khi các phần tử cực đoan IS vẫn còn kiểm soát thủ phủ của tỉnh.
Các binh sĩ Iraq cho biết thường dân đang bị kẹt trong các vùng giao tranh, và quân đội đang chiến đấu với quân Nhà nước Hồi giáo trên các đường phố. Họ cho hay giao tranh có thể kéo dài và tình hình đang rất nguy hiểm cho tất cả mọi người:
“Chiến thuật đánh bom tự sát và đánh bom xe của ISIS rất nguy hiểm cho bất cứ ai, nhưng chúng tôi quyết giải phóng Mosul. Binh sĩ của chúng tôi đã được huấn luyện tốt.”
Những thị trấn và làng xã mà quân đội Iraq đã chiếm lại được nay chỉ còn là một cảnh tượng tan hoang, điêu tàn. Nhà cửa, hàng quán giờ là những đống đổ nát, vỏ đạn vương vãi trên đường phố. Không có nước, không có điện, nhưng một vài cư dân cũng quay trở lại để xem nhà cửa họ nay ra sao.
Bà Hasina Slyo Pritros, cư dân của một thị trấn vừa được quân đội Iraq tái chiếm, nói:
“Hai năm rồi chúng tôi chưa về nhà, về lại thành phố của chúng tôi. Chúng tôi quá ngán ngẩm với cảnh chạy nạn. Không phải chỉ có nhà cửa của chúng tôi bị phá hủy, mà cả thành phố bị phá hủy.”
Những chiếc xe cắm cờ trắng xuất hiện tại các trại lánh nạn, chở theo những người chạy nạn từ các vùng chiến sự. Tổ chức Di dân Quốc tế cho hay hơn 20.000 người đã thất tán kể từ khi chiến dịch tái chiếm Mosul bắt đầu cách đây hơn hai tuần. Họ e rằng có thể đến một triệu người nữa sẽ bị thất tán trong thời gian tới.
Mặc dù vậy, nhiều người chạy nạn nói rằng nếu phải trải qua chịu đựng và thống khổ để đánh đuổi ISIS thì họ chẳng còn chọn lựa nào khác hơn là đành cam chịu.
Tổ chức Ân xá Quốc tế hôm thứ Tư cho hay đã nhận được báo cáo nói rằng những người bị tố cáo là cảm tình viên của Nhà nước Hồi giáo đã bị miệt thị trước công chúng, bị tra tấn và đánh đập khi lực lượng dân quân Bộ tộc Sabawi tiến vào các làng xã ở phía nam thành phố Mosul. Bà Lynn Maalouf thuộc tổ chức Ân xá Quốc tế nói rằng “đây là một tình huống nguy hiểm, bởi vì như vậy những kẻ thực hiện các hành động bạo lực cho rằng họ có thể tha hồ vi phạm tội ác mà sẽ không bị trừng phạt.”
Các giới chức Iraq ước tính hơn một triệu người vẫn bị kẹt bên trong thành phố và ngày càng có nhiều quan ngại về số phận của những người dân thường còn kẹt lại. Hội đồng Tị nạn Na Uy cảnh báo rằng mạng sống của người dân “đang lâm nguy” vì giao tranh. ISIS đang tìm cách trà trộn trong dân chúng sau khi tàn quân Nhà nước Hồi giáo rút ra khỏi các làng xã ở ngoại ô thành phố. Nhiều hộ dân đã bị các phần tử cực đoan ISIS dùng bia đỡ đạn cho họ. VOA

6. Một phụ nữ dẫn đầu vụ kiện Anh Quốc về Brexit
Đằng sau phán quyết chấn động của Tòa Thượng thẩm ở London rằng Nghị viện Anh phải có quyền biểu quyết về việc liệu nước này có thể khởi động tiến trình rời khỏi Liên hiệp Âu châu (Brexit) là ba thẩm phán cao cấp.
Phán quyết hôm 3/11/2016 buộc chính phủ Anh do đảng Bảo thủ nắm không thể tự mình kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon để bắt đầu tiến trình đàm phán rời EU.
Nhưng vụ kiện chính phủ Anh lại đến từ lá đơn của một người dân, bà Gina Miller, doanh nhân 51 tuổi, sống tại London.
Cùng bà còn có người làm nghề uốn tóc gốc Tây Ban Nha, Deir Dos Santos cũng ký đơn kiện.
Họ được sự ủng hộ của nhóm vận động mang tên ‘Người dân Thách thức’ (People’s Challenge), do ông Grahame Pigney lập ra.
‘Chính phủ không được vi hiến’
Sinh ra ở Guyana nhưng lớn lên tại Anh, tốt nghiệp ngành quản trị và tiếp thị tại Đại học London, bà hiện đang làm nhà quản lý đầu tư tại công ty SCM Private do bà và chồng sáng lập mới hồi năm 2014.
Tự hào là người gốc Nam Mỹ, bà cũng đóng góp nhiều cho các hoạt động tự thiện ở Anh.
Đơn kiện của bà Gina Miller rất đơn giản, căn cứ vào việc hoạt động của chính phủ dự định làm có hợp hiến hay là không.
Theo lời bà Gina Miller giải thích với báo chí thì quá trình Anh Quốc rời EU “phải được bàn thảo trong Nghị viện, cả về nguyên nhân và hệ quả. Các dân biểu cần phải nghe cử tri của họ nói gì, và nếu sau đó, các dân biểu bỏ phiếu để kích hoạt Điều 50 thì nó sẽ thành luật.”
Phát biểu trước cửa Tòa Thượng thẩm ở London hôm thứ Năm, bà Gina Miller nói đây là vấn đề “mang tính thủ tục chứ không phải là chính trị”.
Bà cũng khuyên các bộ trưởng trong chính phủ Anh “nên khôn ngoan không thách thức phán quyết” vừa qua.
Thủ tướng Anh, bà Theresa May nói kết quả cuộc trưng cầu dân ý Brexit tháng 6/2016 và các quyền hiến định mà chính phủ đã được trao cho không cần đến việc biểu quyết của các dân biểu.
Tuy nhiên, những người vận động chống lại điều này mà bà Gina Miller là một nhân vật hàng đầu nói rằng làm vậy là vi hiến.
Họ cũng trích ngay Điều 50 Hiệp ước Lisbon nói rằng việc một quốc gia rút khỏi EU cần được thực hiện “đúng với các quy định hợp hiến của nước đó”.
Vấn đề là ở chỗ Anh Quốc không có một bản hiến pháp thành văn mà chỉ có các luật và điều lệ khác qua về thủ tục hiến pháp.
Bà May từng nói bà sẽ kích hoạt Điều 50 trước ngày cuối cùng của tháng 3/2017.
Nhưng nay, có thể thời hạn tháng 3/2017 sẽ không còn vững vì Quốc hội Anh phải thảo luận và bỏ phiếu, nếu chính phủ không thành công trong việc kiện phán quyết của tòa Thượng thẩm.
Chính phủ Anh sẽ kháng cáo phán quyết mới đây, và phiên xử tới dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 12.
Ngay lập tức đã có những ý kiến bình luận rằng khả năng Anh kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon vào cuối tháng 3/2017 để rời EU sau hai năm, vào mùa xuân năm 2019 là không khả thi.
Khi công dân kiện chính quyền
Luật Anh thừa nhận quyền của công dân hoặc người dân (không cần phải là công dân Anh) kiện chính phủ.
Chẳng hạn hồi 1999 có vụ kiện của một em gái, Heather Begbie (11 tuổi) kiện chính phủ vì xóa bỏ một chế độ học bổng công mà em vừa bắt đầu.
Kết quả là chính quyền phải chấp nhận để những ai đã vào học thì được hưởng học bổng này cho đến khi kết thúc.
Hồi 2008 có thêm một vụ kiện mang tính pháp lý và chính trị hơn.
Đó là vụ ông Stuart Wheeler kiện Thủ tướng Anh (Wheeler v Office of the Prime Minister) đã không cho mở trưng cầu dân ý để cử tri Anh có thể bỏ phiếu về Hiệp ước Lisbon. – BBC|
7. Pakistan rút 6 giới chức ngoại giao ở Ấn về nước — Ấn Độ đóng cửa 300 trường học ở Cachemire — Đụng tàu hỏa ở Pakistan, 21 người chết
Pakistan ngày 2/11 rút 6 giới chức ngoại giao từ đại sứ quán ở New Delhi về nước trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Ấn và Pakistan tại khu vực tranh chấp Kashmir, theo nguồn tin từ các quan chức.
Thêm vào đó, hai quan chức Pakistan cho biết phát hiện ra một ‘mạng lưới gián điệp của Ấn Độ’ làm việc tại đại sứ quán Ấn ở Islamabad và nhà chức trách đang chờ chuẩn thuận của Thủ tướng Nawaz Sharif để trục xuất một số nhà ngoại giao Ấn.
Tại New Delhi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn, Vikas Swarup, xác nhận 6 nhà ngoại giao Pakistan đã bay trở về Islamabad sau khi bị chính phủ triệu hồi. Ông nói với hãng tin AP rằng Pakistan chưa trục xuất bất kỳ ngoại giao Ấn Độ nào.
Tuần trước, Ấn Độ trục xuất nhà ngoại giao Pakistan Mahmood Akhtar sau khi câu lưu ông về tội làm gián điệp. Trong vòng vài giờ, Islamabad đã trả đũa bằng cách trục xuất nhà ngoại giao Ấn Sujeel Singh.
Tranh cãi ngoại giao xuất phát từ tình trạng bạo lực gia tăng ở Kashmir, một vùng núi mà cả hai nước đều nhận chủ quyền và chia thành các khu vực do Pakistan và Ấn Độ kiểm soát.
Gần đây, một số binh sĩ của cả hai bên đã thiệt mạng trong cuộc đụng độ dọc theo Lằn ranh Kiểm soát phân chia hai phần của Kashmir. – VOA

***
Tại Ấn Độ, nhà chức trách vùng Cachemire đã ra lệnh đóng cửa vô thời hạn vài trăm trường học, nhằm bảo vệ các em học sinh khỏi các đợt không kích của quân đội Pakistan vào vùng biên giới này.
Trước đó chỉ trong hai ngày, các đợt ném bom đã khiến 14 thường dân thiệt mạng, trong đó có hai em nhỏ. Islamabad và Delhi đã tố cáo lẫn nhau về các trận không kích tại khu vực đang tranh chấp.
Từ New Delhi, thông tín viên RFI Sébastien Farcis tường thuật:
“Sáng thứ Tư, học sinh của gần 300 trường học dọc theo biên giới với Pakistan đã buộc phải ở nhà để tránh các đợt không kích ngày càng nhiều. Nhưng không có gì chắc chắn là việc đóng cửa trường học vô thời hạn sẽ bảo vệ được các em. Hôm thứ Ba, một em nhỏ đã thiệt mạng khi đạn súng cối bắn trúng vào bếp nhà em.
Khoảng 18.000 người đã buộc phải rời khỏi các làng ở vùng biên giới từ một tháng nay, kể từ khi quân đội Pakistan bắt đầu các đợt không kích.
Quân đội Pakistan tấn công để phản ứng lại các chiến dịch đột kích, mà Ấn Độ tiến hành hồi cuối tháng Chín nhằm phá hủy các thiết bị, mà Ấn Độ coi là của khủng bố Pakistan ở Cachemire.
Có vẻ như giáo dục là một trong những nạn nhân chính của đợt căng thẳng mới tại khu vực này, vì một phần các trường học của Ấn Độ ở Cachemire đã bị đóng cửa từ 4 tháng nay, theo lời kêu gọi của phe ly khai. Khoảng 25 trường học đã bị thiêu hủy, nhưng nhà chức trách vẫn chưa xác định được những kẻ tấn công”. – RFI

***
Hai tàu hỏa đã va vào nhau hôm thứ Năm tại thành phố cảng Karachi của Pakistan, giết chết ít nhất 21 người.
Một giới chức của Bệnh viện Jinnah Karachi cho biết là ngoài ra, có tới 50 người bị thương trong tai nạn đã được đưa vào bệnh viện.
Một công nhân cho hãng tin AFP biết một tàu hỏa đang trờ tới đã đâm vào một xe lửa đang đỗ tại nhà ga.
“Bất ngờ một xe lửa khác chạy tới với tốc độ nhanh và lao vào tàu đang đậu ở bến”.
Ông Ajab Gul kể rằng những cột bụi khói bốc lên, và sau đó là những tiếng hét thất thanh. Những người kẹt bên trong 2 đoàn tàu lâm nạn la hét và khóc”.
Các bản tin cho thấy các nhân viên cứu hộ đang cố vượt qua những đống đổ nát để tiếp cận với hành khách bị mắc kẹt trong các toa tàu.
Một số nạn nhân nằm trên giường bệnh mô tả nỗi kinh hoàng khi tàu Zakaria Express đến từ thành phố Multan đâm vào một tàu đông nghẹt khách đang đỗ tại nhà ga.
Nhà chức trách cho biết một cuộc điều tra sơ khởi cho thấy nhân viên đường sắt đã vô ý bật đèn tín hiệu màu xanh cho con tàu.
Truyền thông địa phương cho biết tất cả các tàu đến và đi từ Karachi đều đã được lệnh ngưng hoạt động.
Hồi tháng 9, có ít nhất 4 người thiệt mạng và gần 100 người khác bị thương khi một đoàn tàu chở hàng đâm vào một tàu chở khách ở gần Multan. – VOA

Tin Hoa Kỳ

8. Thủ tướng Campuchia ủng hộ ông Trump — TT Obama: Cử tri Mỹ chỉ có một chọn lựa đúng đắn — TS Tạ Văn Tài: ‘Bầu cử Tổng thống năm nay rất đáng theo dõi’
Hôm thứ Năm, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết ông muốn ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tuần tới. Lý do, theo ông Hun Sen, là vì ông Trump sẽ làm giảm căng thẳng với Nga và có lợi cho hòa bình thế giới.
Ông Hun Sen là một nhân vật quyền lực đã cai trị Campuchia trong ba thập niên qua. Ông đã nhiều lần phản ứng giận dữ khi Hoa Kỳ bày tỏ quan ngại về tình trạng nhân quyền và nạn tham nhũng ở Campuchia.
Gần đây nhất, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và Liên Hiệp Quốc đã bày tỏ lo ngại về căng thẳng gia tăng giữa chính phủ Hun Sen và phe đối lập trong thời gian dẫn đến cuộc tổng tuyển cử năm 2018.
“Tôi thực sự muốn ông Trump giành chiến thắng”, ông Hun Sen nói trong một bài phát biểu trước hàng ngàn cảnh sát tại một buổi lễ tại học viện cảnh sát.
“Nếu ông Trump thắng, thế giới sẽ thay đổi và có thể là tình huống tốt vì ông Trump là một doanh nhân nên ông không muốn có chiến tranh… có thể có tình bạn giữa ông Trump và ông Putin”, ông Hun Sen nói.
Ông Putin từng ca ngợi ông Trump là người “có tài”, trong khi ứng cử viên của đảng Cộng hòa nói ông chủ của điện Kremlin là nhà lãnh đạo tài ba hơn so với Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Đối thủ bên đảng Dân chủ của ông Trump là bà Hillary Clinton cáo buộc ông Trump là quá nồng nhiệt với ông Putin và đặt nghi vấn về lợi ích kinh doanh của ông Trump tại Nga.
Ông Hun Sen đã gặp bà Clinton nhiều lần, kể cả hai lần bà tới thăm Campuchia trong vai trò Ngoại trưởng Mỹ. Nay ông chỉ trích ứng cử viên của đảng Dân chủ, nói rằng chính bà Clinton đã khuyên ông Obama tiến hành các cuộc tấn công ở Syria.
Thủ tướng Campuchia nói mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Nga có thể xấu đi nếu bà Hillary đắc cử vào thứ Ba tuần tới.
Campuchia từng được Liên Xô hỗ trợ trong một thập niên sau khi phe Khmer Đỏ được Trung Quốc hậu thuẫn bị các lực lượng Việt Nam lật đổ khỏi vị thế cầm quyền vào đầu năm 1979.
Hai nước gần đây đã cải thiện quan hệ khi Nga tìm cách tái xây dựng các quan hệ với các nước Đông Nam Á. – VOA

***
Vận động cho bà Hillary Clinton, người được Đảng Dân chủ của ông đề cử và từng nắm chức Ngoại trưởng dưới quyền ông, Tổng thống Barack Obama gọi đối thủ của bà, ông Donald Trump là “một kẻ mị dân, lừa đảo”, không có cá tính để có thể trở thành Tổng thống. Ông Obama còn chỉ trích Giám đốc Cơ quan Điều tra Liên Bang Hoa Kỳ James Comey là lại lôi ra vấn đề liên quan tới các email của bà Clinton, như một cố gắng nhằm ảnh hưởng tới cuộc bầu cử. Về phần ông, ứng cử viên Đảng Cộng hoà Donald Trump thề sẽ huỷ bỏ hệ thống chăm sóc sức khoẻ gọi là Obamacare, ngay sau khi ông trở thành tổng thống.
Phát biểu tại Đại học North Carolina ở Chapel Hill, ông Obama thừa nhận nỗi bực dọc của người Mỹ và tính chất xấu xa của chiến dịch vận động bầu cử Tổng thống hiện nay. Nhà lãnh đạo Mỹ nói tiếp:
“Biết vậy nhưng tôi muốn gạt sang một bên tất cả những sự ồn ào trong chốc lát, để tập trung vào sự chọn lựa mà quý vị sẽ phải làm trong cuộc bầu cử năm nay.”
Ông Obama nói với cử tri rằng nếu họ suy nghĩ một cách mạch lạc, thì sự chọn lựa ấy chỉ có thể là bà Clinton. Ông miêu tả ông Trump là một doanh gia có những hoạt động mờ ám, không có tinh thần trắc ẩn đối với những người Mỹ thuộc thành phần thua thiệt, và rằng ông Trump không có đủ kinh nghiệm và năng lực để có thể lãnh đạo một đất nước dân chủ. Tổng thống Obama nói:
“Chúng ta không thể nào có một Tổng thống từng đề nghị Hoa Kỳ nên áp dụng các biện pháp tra tấn, đề nghị chúng ta nên cấm cửa cả một tôn giáo, không cho những tín đồ của tôn giáo ấy nhập cảnh. Chúng ta xứng đáng có một vị Tổng Tư lệnh Quân đội không miệt thị tù binh chiến tranh, hay tấn công một bà mẹ của một quân nhân đã vì nước hy sinh, hoặc có những lời lẽ xúc phạm tới các binh sĩ của chúng ta.”
Tổng thống Obama còn chỉ trích Đảng Cộng hoà, là đảng đang kiểm soát cả lưỡng viện Quốc hội:
“Họ đã không hợp tác với tôi khi tôi lên nắm quyền, ngay cả khi chúng tôi tìm những phương cách để người dân không bị mất việc, hay ngăn chặn suy thoái kinh tế. Dù kiểm soát cả Thượng viện lẫn Hạ viện, các thành viên Đảng Cộng hoà vẫn chật vậtkhông thông qua những đề xuất của chính họ. Họ còn liên tục tìm cách cản trở, gây bế tắc, và đe doạ đình chỉ các hoạt động của chính phủ, sẵn sàng phá hoại nền kinh tế, nếu họ không làm được theo ý muốn. Đó không phải là cách vận hành của một nền dân chủ. Đó không phải là điều mà cha mẹ các bạn đã chỉ bảo các bạn.”
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho kênh truyền hình “Now This”, Tổng thống Obama còn chỉ trích Giám đốc FBI James Comey về loan báo của ông cho biết Cơ quan Điều tra Liên bang Hoa Kỳ sẽ xem xét hàng ngàn email mới tìm thấy trong máy tính cá nhân của một phụ tá hàng đầu của bà Hillary Clinton. Ông nói:
“Tôi không tin rằng theo lẽ thường khi các cuộc điều tra đang được tiến hành, chúng ta có thể dựa trên những lời nói xấu úp mở, chúng ta không hành động dựa trên những thông tin không đầy đủ, chúng ta không hoạt động dựa trên những thông tin rò rỉ.”
Về phần mình, ông Trump mạnh mẽ đả kích ông Obama và hứa nếu đắc cử, ông sẽ gỡ bỏ các chương trình do Tổng thống Obama để lại:
“Chúng ta không cần thêm một nhiệm kỳ Tổng thống của ông Obama nữa. Đó là điều cuối cùng chúng ta cần tới, không những vậy mà lần này, sẽ còn tệ hại hơn thế nữa. Nếu xảy ra thì điều đó có nghĩa là sẽ vẫn còn Nhà nước Hồi giáo, sưu cao thuế nặng, chương trình chăm sóc sức khoẻ tệ hại, nước Mỹ sẽ không có biên giới… mà không có biên giới thì chúng ta sẽ không có quốc gia.”
Ông Trump đi vận động ở bang Florida hôm thứ Tư 2/11. Đây là tiểu bang mà ông Trump thừa nhận sẽ phải thắng thì mới có cơ may trở thành Tổng thống. – VOA

***
Ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa Donald Trump và Đảng Dân chủ Hillary Clinton đang công kích nhau trong những ngày cuối của chiến dịch vận động tranh cử trước kỳ bầu cử chính thức vào thứ Ba tuần tới.
Trước những “đòn” tấn công lẫn nhau từ hai ứng cử viên, Tiến sĩ Tạ Văn Tài, nguyên giảng viên trường Luật thuộc Đại học Havard – Hoa Kỳ, và là người theo dõi rất sát cuộc bầu cử Tổng thống năm nay, nhận định nhìn vào khía cạnh tích cực thì chính cuộc bầu cử có sự “sát phạt” nhau như vậy chứng tỏ sự tự do tối đa của nước Mỹ.
Ông nói thêm: “Cái bộ máy bầu cử phức tạp như vậy đó, thì không có ai ăn gian được một cách gọi là thay đổi toàn diện được cái kết quả sau cùng. Cùng lắm có chỗ bầu sai hay đóng cái phòng trụ sở thùng phiếu ở khu da đen chẳng hạn như họ đã làm trước đây. Những cái đó thì chỉ có hiệu lực nhỏ nhoi thôi. Cuộc bầu cử này là cuộc bầu cử gián tiếp, bầu xét cả mỗi tiểu bang, ra kết quả người nào mà hơn phiếu quần chúng popular vote thì mới thu được toàn thể electoral vote của tiểu bang đó. Nó gián tiếp nhưng nó rất dân chủ.”
Theo Tiến sĩ Tài, cá tính của bà Hillary kín đáo, che dấu những toan tính, vì cả cuộc đời bà phải tranh đấu chống lại những sự đàm tiếu, cho nên bà có sự dè dặt. Hơn nữa, vì là phụ nữ nên bà Hillary không ăn nói kiểu bình dân như ông Bush – có thể dùng một ly bia, ngồi nói chuyện phiếm với người dân. Mặc dù vậy, ưu điểm của bà Clinton là người có khả năng, nhiều năm làm những việc mà có thể chuẩn bị cho chức vụ tổng thống.
Ông nói: “8 năm làm first lady (đệ nhất phu nhân), bà ấy là người quan sát rất gần với cả công việc của một người tổng thống, là chồng bà ấy. Bà thông minh và đã có khả năng trong nhiều năm rồi, trước đó nữa. 8 năm làm nghị sĩ, 4 năm làm ngoại trưởng, bao nhiêu kinh nghiệm như vậy, quốc tế biết đến như vậy thì khi bà ngồi vào bàn thương thảo với các quốc trưởng thế giới rất dễ dàng. Một người đàn bà làm tổng thống có khuynh hướng tạo ra hòa bình dễ hơn.”
Tuy nhiên, vụ bê bối email cá nhân của bà Clinton đã khiến bà trở thành một người không đáng tin cậy trong mắt cử tri và thu hẹp khoảng cách giữa bà và ông Trump trong cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc.
Thông báo của Giám đốc FBI James Comey mở lại cuộc điều tra các email của bà Clinton đã tạo cho ông Trump động lực mới trên con đường vận động tranh cử. Các cuộc thăm dò mới nhất mà đối tượng là những cử tri hội đủ điều kiện đi bầu, cho thấy cuộc chạy đua giữa bà Clinton và ông Trump quá sít sao để có thể xác quyết ai thắng ai thua, trong khi các đối tượng còn cân nhắc nên trao lá phiếu của mình cho ai, với hai sự lựa chọn khác, là ứng cử viên có lập trường tự do Gary Johnson và ứng cử viên của Đảng Xanh Jill Stein.
Trước hàng loạt khuyết điểm dễ dàng nhận thấy, Tiến sĩ Tạ Văn Tài nhận định về tính “mị dân” trong những lời nói của ông Trump: “Ưu điểm chỉ có mỗi một cái là cái cách ông ấy nói giọng tin tưởng cho nên người Mỹ họ thấy rằng có vẻ như là theo ông ấy thì có thể thắng được. Kiểu người Mỹ nông nổi, mà phần nhiều cử tri rất là nông nổi, cứ tin lời nói thánh nói tướng lên là tự nhiên sẽ khắc thắng. Nhưng mà thực tế nó khác. Những người tin tưởng vào các giải pháp của ông Trump là chính họ thiếu thực tế.”
Về phía ông Trump, lợi thế lớn nhất của ông là một doanh nhân và có người hy vọng rằng những thành công trên thương trường sẽ góp phần giúp ông thành công trên chính trường. Với khẩu hiệu “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại”, ông Trump khiến nhiều cử tri tin rằng ông sẽ mang công ăn việc làm từ các nước châu Á về cho người Mỹ. Ngoài ra, một số người gốc Việt, tại bang “chiến trường” Florida chẳng hạn, đã tỏ ý ủng hộ ông Trump với suy nghĩ sẽ bầu cho người nào có tư tưởng mạnh về quốc phòng và ngoại giao để có thể giải quyết vấn đề Biển Đông.
Với cục diện của cuộc bầu cử như hiện nay, khi các ứng cử viên liên tục công kích chuyện đời tư các nhân của nhau, Tiến sĩ Tài cho rằng cuộc bầu cử năm nay rất “hay ho”, rất đáng theo dõi, và cũng dân chủ như các cuộc bầu cử trước đây. Ví dụ như cuộc bầu cử năm 2008, là cuộc bầu cử không ai ngờ tới khi có một Tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, sau nhiều năm người da đen bị đàn áp. Cũng như vậy, trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016 này, lần đầu tiên một phụ nữ ra tranh cử và việc này chính là một điểm son trong nền dân chủ Mỹ. – VOA

Tin Việt Nam

9. Bộ trưởng TN&MT kêu gọi quốc hội ngăn phát triển kinh tế xâm hại môi trường
Từ thảm họa cá chết tới hạn hán và lũ lụt, môi trường Việt Nam đã hết ngưỡng chịu đựng.
Đó là lời giải trình tại quốc hội của bộ trưởng Tài Nguyên và Môi Trường Trần Hồng Hà tại phiên họp quốc hội hôm 2/11 được truyền hình trên VTV1:
“Sau hàng loạt sự cố, chúng ta nhận thấy môi trường đã đến ngưỡng không thể chịu thêm được nữa.”
Những vụ cá chết hàng loạt trên biển miền Trung và các sông hồ ở các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cũng như các trận lụt lớn gần đây đều được cho là có liên hệ tới sự tập trung vào phát triển kinh tế mà không chú trọng đúng mức đến vấn đề bảo vệ môi trường.
Theo bộ trưởng Hà, ngay sau sự cố môi trường biển miền Trung chính phủ đã tiến hành rà soát toàn bộ nguồn thải trong quá trình phát triển kinh tế trước đây. Nhưng gần đây ông công nhận rằng chính phủ đã xử lý chậm chạp trước thảm họa cá chết do tập đoàn Formosa xả thải độc gây nên.
Những vụ cá chết hàng loạt gần đây trên các hồ ở Hà Nội, nhất là trên Hồ Tây, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự “không thể chịu đựng hơn được nữa” của môi trường thiên nhiên trong sự phát triển ồ ạt về công nghiệp cũng như quá trình đô thị hóa nhanh chóng.
Giám đốc Trung tâm Nghiên Cứu Môi Trường và Cộng Đồng Nguyễn Ngọc Lý nhận xét với VOA Việt Ngữ:
“Trong sự phát triển nhanh về công nghiệp và về đô thị hóa hiện nay, nó đã đẩy đi quá nhanh mà việc bảo vệ môi trường đang rất bị hạn chế không theo kịp với sự phát triển đó. Và cũng như các nước, nó sẽ phải đi theo một lộ trình khá là vất vả.”
Người đứng đầu bộ TN&MT cũng đã nhận định tại quốc hội hôm 2/11 rằng “lâu nay môi trường đi sau phát triển” và kêu gọi cho việc chú trọng vào đầu tư cho môi trường ngay từ đầu:
“Trước đây môi trường thường đi sau các hoạt động phát triển – phát triển trước làm sạch sau – thì hiện nay vấn đề môi trường cần phải đi trước và đi ngay vào trong quá trình đó. Trước đây chúng ta bảo vệ môi trường trong phát triển nhưng bây giờ môi trường phải nằm ngay trong từng dự án đầu tư, trong chiến lược và quy hoạch.”
Ông Hà nói với các đại biểu quốc hội rằng bộ “đã kết thúc thanh tra 137 cơ sở, từ hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp cho đến các ngành xả thải nhiều như khai thác khoáng sản, giấy, dệt, nhuộm.” Dựa theo những dữ liệu đó, bộ trưởng kêu gọi có các biện pháp quyết liệt và nghiêm túc trong việc thực hiện luật môi trường.
Nhận xét về vấn đề thực thi luật, chuyên gia môi trường Lý nói:
“Những cơ chế hoặc những luật hiện nay ra chưa đủ mạnh để có thể kiểm soát được các ô nhiễm thải xuống sông, hồ hoặc các thủy vực khác nhau. Và khi anh không kiểm soát được ô nhiễm, thì ô nhiễm rất là lớn, thì nó có thể tạo ra hàng loạt các vấn đề như hiện nay chúng ta thấy.”
Nhiều chuyên gia cho rằng sự hủy hoại về môi trường là cái giá mà Việt Nam đang phải trả cho sự phát triển quá nhanh và thiếu kiểm soát.
Để giải quyết vấn nạn môi trường đang đến mức báo động, bộ trưởng Hà cho quốc hội biết sắp tới bộ sẽ “đề xuất sửa luật Môi Trường, sửa luật Đầu Tư và doanh nghiệp trong đánh giá tác động môi trường, giám sát chặt chẽ chất lượng môi trường.” Ông Hà kêu gọi chấm dứt sử dụng công nghệ lạc hậu và Việt Nam phải hướng tới xu hướng của thế giới là phát triển 1 nền kinh tế xanh và nền kinh tế carbon thấp.
10. Tổng bí thư VN nằm trong danh sách ‘kẻ thù tự do báo chí’
Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng bị tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) liệt vào danh sách những kẻ thù của tự do báo chí trên thế giới.
Nhân ngày Quốc tế Chấm dứt Tội ác Chống lại Báo giới (2/11), tổ chức RSF đã đưa ra danh sách 35 nhân vật bị cho là kẻ thù của báo chí. Danh sách này gồm có các nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo tôn giáo, các tổ chức tội phạm… chuyên kiểm duyệt, tra tấn, bỏ tù hoặc giết chết những người làm báo.
Ngoài Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, danh sách còn có tên nhân vật đang gây chú ý khác là Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Racip Tayyip Erdogan, người đang thực hiện một chiến dịch thanh trừng nhắm vào những người bị cáo buộc là có dính líu vào âm mưu bất thành để lật đổ ông hồi tháng 7. RSF nói ông Erdogan đã bắt giam hơn 200 nhà báo và hiện còn 125 người vẫn còn ngồi tù. Ngoài ra, danh sách của RSF còn có tên của Lãnh tụ Kim Yong Un của Bắc Triều Tiên.
Trong khi đó, tổ chức Ân Xá Quốc Tế hôm 28/10 cũng ra thông báo kêu gọi quốc tế lên tiếng bảo vệ 3 nhà hoạt động Việt Nam đang bị khủng bố tinh thần, đe dọa đến tính mạng và đang đối diện với nguy cơ bị bỏ tù.

3 người được Ân Xá Quốc Tế quan tâm là Linh mục Đặng Hữu Nam, nhà báo-blogger Paulus Lê Sơn và nhà hoạt động Nguyễn Văn Tráng.
Linh mục Đặng Hữu Nam cho VOA biết rằng từ lâu “nhất cử nhất động” của ông đều bị theo dõi, kể cả khi tham gia các hoạt động cứu trợ lũ lụt:
“Thậm chí kể cả việc tôi đi cứu trợ thôi, sau khi tôi về, người ta đến nói với những gia đình mà tôi đã đến và nói rằng họ theo dõi tôi sát sao từng giây phút. Mấy giờ tôi đến? Mấy giờ thì tôi đi đâu? Mấy giờ thì ai đưa đi chỗ đâu, chỗ đâu… Họ không chỉ nói như vậy để cho thấy là họ theo dõi tôi, mà còn để uy hiếp tinh thần của những người mà tôi đến nhà họ và có công việc với họ”.
Linh mục Đặng Hữu Nam là người đã dẫn hàng ngàn giáo dân đi biểu tình để phản đối công ty Formosa của Đài Loan, bị quy lỗi đã gây ô nhiễm môi trường ở vùng biển miền Trung trong thời gian qua. Paulus Lê Sơn là một nhà báo độc lập, blogger Công Giáo từng bị tù vì lên tiếng đòi công lý và công bằng cho người dân. Nguyễn Văn Tráng là thành viên Hội Anh em Dân chủ đã nhiều lần lên tiếng về các vấn đề môi trường, dân chủ tại Việt Nam. Nguyễn Văn Tráng đã bị giam hơn 10 ngày khi tham gia biểu tình chống Formosa hồi tháng 5.
Linh mục Nam cho biết gần đây ông liên tục nhận được những cú điện thoại, tin nhắn dọa giết, nhất là sau khi ông cùng giáo dân lên tiếng về vụ Formosa. Ông nói:
“Họ chửi bới thô tục với tôi, dùng những lời lẽ vô cùng thô tục mà đối với chúng tôi là một tu sĩ hay với người có niềm tin thì chúng tôi không thể nói và nghe được những danh từ như vậy. Thứ hai là xúc phạm đến danh dự, uy tín của tôi nữa. Điều nguy hiểm là xúc phạm niềm tin của tôi và uy hiếp đoạt mạng của tôi bằng cách tuyên bố nào là axit, nào là súng đạn, bom mìn… Cảnh báo trước, tuyên bố trước là ra đường sẽ bị dàn dựng gây tai nạn như cho xe đeo biển giả hay xe không biển số gây tai nạn”.
Ân Xá Quốc Tế nêu quan ngại về nguy cơ 3 nhà hoạt động có thể bị bắt và bị buộc tội “tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo Điều 88 của Bộ Luật Hình sự. Người bị buộc tội này có thể đối diện với mức án tù từ 3 đến 20 năm.
Tổ chức nhân quyền cũng kêu gọi người dân hãy lên tiếng bằng cách viết kiến nghị gửi cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Công an Tô Lâm và các cơ quan chức năng khác để yêu cầu chính quyền chấm dứt đàn áp, tấn công và đe dọa các nhà hoạt động, đồng thời đảm bảo quyền tự do lên tiếng một cách ôn hòa trong tinh thần thượng tôn luật pháp.
Việt Nam thường xuyên bị quốc tế lên án về những hạn chế đối với quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, nhưng chính quyền tại Hà Nội luôn khẳng định không có ai bị bắt, giam giữ vì thể hiện các quyền căn bản của mình, mà các cơ quan chức năng chỉ bắt giữ những người vi phạm pháp luật mà thôi. – VOA

11. Thế nào là 18 ‘suy thoái’ và 9 ‘tự diễn biến’?
Lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam vừa đưa con số cụ thể các dạng tư duy và hành vi mà ban lãnh đạo hiện nay cho là ‘suy thoái’ về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống và biểu hiện của ‘tự suy thoái’ và ‘tự diễn biến’ trong nội bộ.
Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 30/10, sau Hội nghị Trung ương 4 mô tả ba nhóm định nghĩa, mỗi nhóm gồm đúng chín điều.
Báo chí Việt Nam hôm 02/11/2016 trích văn bản này nói tổng cộng có 27 “biểu hiện suy thoái” nhưng không giải thích vì sao mỗi nhóm lại gồm đúng 9 định nghĩa mà không phải là ít hơn hoặc nhiều hơn.
Nhóm đầu tiên ghi rõ là “Chín biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị”, nhấn mạnh đến tư duy ý thức hệ.
Điều đầu tiên là “Phai nhạt lý tưởng cách mạng; dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh.”
Tiếp sau là “Xa rời tôn chỉ, mục đích của Đảng; không kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; phụ hoạ theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái.”
Sau đó là 7 điều khác, gồm cả “lười học tập chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh”, và “làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân”…
Các thói xấu trong dân gian như “nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng” cũng được đưa vào nhóm này.
Điều đáng chú ý là “nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu” cũng trở thành một mục cần né tránh, cảnh giác.
Trong dư luận Việt Nam nhiều năm qua có ý kiến một số lãnh đạo Đảng Cộng sản, Chính quyền sau khi về hưu thì phát biểu “gần dân” hơn và phê phán bộ máy mạnh hơn.
Nay hành vi này bị cho là một dạng “suy thoái”.
Và có vẻ như Trung ương Đảng CSVN nhắc nhở cả các quan chức đương quyền khi đưa vào mục suy thoái số 8 nói về “tham vọng chức quyền”, và số 9 nói về “tư duy nhiệm kỳ”.
“Tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo…” cũng được đặt vào mục này.
Nhiều báo Việt Nam đã đăng tải về các trường hợp “cả họ làm quan” như ở Hà Giang hoặc đưa con cái, thân quyến vào các chức vụ của chính quyền và bộ máy kinh tế.
Trong 9 điều về “suy thoái về đạo đức, lối sống” thì “tham ô, tham nhũng” chỉ đứng số 7, gần cuối, thấp hơn nhiều so với các mục nói về đạo đức thuần tuý như “cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi” (số 1), hoặc “gây mất đoàn kết nội bộ” (số 2).
Một số vấn đề dân sinh và tệ nạn xã hội như “đánh bạc, rượu chè bê tha, mê tín dị đoan” được cho vào điểm số 9, nằm cuối cùng trong hạng mục suy thoái lối sống.
Sau 18 điều đã nêu thì đến 9 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ của chính Đảng Cộng sản Việt Nam.
Khác với thời chiến tranh, có vẻ như hiện nay lo ngại ‘tự vỡ’ trong Đảng này lớn hơn các mối lo về đối lập chính trị hoặc kẻ thù bên ngoài.
Chẳng hạn “Móc nối, cấu kết với các thế lực thù địch, phản động…truyền bá tư tưởng, quan điểm đối lập; vận động, tổ chức, tập hợp lực lượng để chống phá Đảng và Nhà nước”, mà theo các điều luật khác thì thuộc tội phản quốc, lại chỉ đứng số 6.
Mục này thấp hơn hẳn so với các điều trừu tượng như “phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh” (số 1) và “phủ nhận nền dân chủ xã hội chủ nghĩa” (số 2).
Vận động và tổ chức chống Đảng cũng không quan trọng về hạng mục bằng việc “sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng” (số 4).

‘Giành lại lòng tin’
Ngay từ giữa tháng 10/2016, báo chí chính thống ở Việt Nam đã nhất loạt đăng tải nhiều ý kiến trong giới quan chức nói về nhu cầu phải chống lại các biểu hiện “tự suy thoái” và “tự diễn biến” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra.
Mục tiêu chung là để “giành lại lòng tin của người dân” đối với Đảng Cộng sản và hệ thống chính trị.
Chẳng hạn, trước Hội nghị Trung ương 4, ông Phạm Xuân Hằng, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phải có những giải pháp cụ thể, thiết thực để tạo lòng tin trong nhân dân, để dân thấy Đảng nói và đang làm”.
Ông hối thúc “Phải quyết liệt, quyết liệt hơn nữa”, theo trang VOV hôm 15/10.
Còn tạp chí Tuyên giáo của Đảng CSVN thì kêu gọi chủ động phòng và chống ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’ trong bộ máy chính trị hiện hành.
Hiện chưa có nhiều đánh giá quốc tế về phong trào này tại Việt Nam nhưng một số điểm nêu ra ở trên trùng hợp với mục tiêu của công cuộc ‘Đả hổ diệt ruồi’ mà lãnh đạo Tập Cận Bình tung ra mấy năm qua ở Trung Quốc.
Theo học giả Cheng Li từ Viện Brookings thì chiến dịch chống tham nhũng và trừng phạt các quan chức có mục tiêu phục hồi niềm tin trong dân về tính chính danh cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (to restore public confidence in the Communist Party’s mandate to rule).
Còn học giả phương Tây, ông Jonathan Fenby viết trên trang BBC lại cho rằng ông Tập Cận Bình chống tham nhũng còn vì mục tiêu kinh tế: phá tính độc quyền kiên cố của các nhóm lợi ích (entrenched vested interests) để thu hồi tiền bạc bị thất thoát và tái định hướng nguồn lực và tài chính quốc gia. – BBC

12. 12 người chết vì lũ ở Miền Trung
Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế làm 4  người chết, một người mất tích, 15  người khác bị thương, khoảng gần 19.000 nhà bị ngập lụt tính cho đến sáng hôm nay.
Báo cáo từ Chi Cục Phòng Chống Thiên Tai khu vực miền Trung và Tây Nguyên cho biết như vừa nêu. Trong khi đó báo cáo ở Bình Định, Phú Yên nói lũ lớn trong hai ngày qua ở khu vực này làm 7 người chết và mất  tích.
Tình hình lũ lụt tại khắp các tỉnh miền Trung được cảnh báo là khá phức tạp với nguy cơ xảy ra lũ lớn hoặc lũ quét.
Tin cho hay khu vực nam Trung Bộ cũng bị ngập trong mưa lũ; thủy điện sông Ba Hạ ở Phú yên tăng lưu lượng xả lũ lên 10.400 mét khối một  giây.
Nước trên các con sông Nam Trung Bộ , Tây Nguyên đang dâng cao cùng lúc với biện pháp xả lũ được nói nhằm điều tiết nước từ các đập thủy điện trong khu vực khiến nhiều địa phương bị ngập nặng hơn và bị chia cắt bởi nước lũ.
Cũng liên quan tình hình thời tiết là tin áp thấp nhiệt đới hình thành trên Biển Đông.
Tin phát đi  chiều nay cho biết vị trí áp thấp nhiệt đới cách đảo Trường Sa Lớn của quần đảo Trường Sa khoảng 250 kilômét về phía đông nam, sức gió mạnh nhất là cấp 6  giật cấp 7, cấp 8.
Theo dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đời sẽ di chuyển  theo hướng Tây Tây Bắc, tiến về phía đảo Phú Quý của Bình Thuận  với sức gió mạnh cấp 6.
Hiện tại thì biển động mạnh quanh quần đảo Trường Sa, vủng ngoài khơ các tỉnh Ninh Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu có gió giật cấp 7 cấp 8 , nguy cơ rủi ro thiên tai được đánh giá ở cấp 3. – RFA

13. Dân oan Thủ Thiêm quyết đòi công lý đến cùng
Hơn 60 hộ dân thuộc Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm biểu tình trước Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng và Quốc hội, vào hôm 28 tháng 10. Vì sao họ phải từ Sài Gòn ra Hà Nội biểu tình và kết quả của cuộc biểu tình ôn hòa này như thế nào?
Cưỡng chế không đúng pháp luật
Giống như bao đối tượng thuộc các dự án quy hoạch đô thị không được đền bù thỏa đáng khắp mọi tỉnh, thành ở Việt Nam, hàng ngàn hộ dân thuộc Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm buộc phải nhận số tiền đền bù ít ỏi chỉ bằng 5% giá trị bất động sản thực tế theo Nghị định 22/1993-Luật Đất đai để di dời.
Trong khi đó, 63 hộ dân tại 5 khu phố, trong phạm vi các phường An Khánh, Bình An và Bình Khánh lại vẫn bị cưỡng chế dù nằm ngoài khu vực quy hoạch. Chị Phạm Thị Vinh, một cư dân ở đây, nói với Đài Á Châu Tự Do đã nhận được thông báo cưỡng chế đến lần thứ 5:
“Nhà tôi ở Khu phố 1, phường Bình An, không nằm trong ranh quy hoạch. Nhưng chính quyền Quận 2 không có phương án bồi thường cho dân, chỉ thông báo cưỡng chế, vì nằm ngoài ranh nên không có ngân sách bồi thường. Tôi phải đi đòi công lý, qua thành phố khiếu nại suốt năm dài, không làm ăn được gì. Cuối cùng họ cho xây dựng công trình.”
Kể từ khi Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 367/TTg hồi đầu tháng 6 năm 1996 cho đến nay, đời sống của nhiều người dân ở Thủ Thiêm bỗng dưng trở nên khó khăn. Suốt 2 thập niên qua, họ không thể an tâm làm ăn sinh sống, họ không thể sửa sang, xây cất nhà cửa và họ phải sống trong điều kiện vô cùng tệ hại.
“Chuyện đương nhiên là không cho xây cất, sửa chữa gì hết. Nhưng điều quan trọng do dự án cứ tiến hành xây dựng khiến cho bị ngập nước, không có điện nước nên đời sống người dân gặp nhiều khó khăn trở ngại. Cứ đào hố đủ thứ nên khu vực hoàn toàn bị ngập lụt thường xuyên.”
“Đường cống thoát nước bít luôn. Bây giờ bế hết hết mấy đường cống luôn. Vì thế mà nước không thoát được. Chỉ khi nào trời khô ráo thì nước tự rút vào lòng đất chứ không thoát được”.
Chia sẻ với RFA, những người dân ở Thủ Thiêm này cho biết họ đi khiếu nại khắp các cơ quan công quyền trong 20 năm qua, nào là cấp phường, Quận 2, Sở Tài nguyên Môi trường, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng những tờ đơn của họ không bao giờ được giải quyết.
Vào ngày mùng 10 tháng 6 năm 2016, Báo VNEpress Online đăng tải thông tin Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố, ông Nguyễn Thanh Phong có cuộc đối thoại với 63 hộ dân về các phản ảnh bất cập trong thu hồi và giải phóng mặt bằng, không đúng quy định pháp luật của dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Tại buổi đối thoại, Phó giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, ông Trương Trung Kiên lập luận bản đồ quy hoạch mà người dân trưng dẫn không đúng theo diện tích của dự án hiện tại. Và kết thúc buổi đối thoại, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng có sự khác biệt giữa các hộ dân với cơ quan chức năng liên quan đến tài liệu và chứng cứ của dự án; đồng thời yêu cầu Ủy ban Nhân dân Quận 2 nhanh chóng giải quyết khiếu nại của các hộ dân Thủ Thiêm.
Tố cáo sai phạm, tham nhũng
Tuy nhiên, cuộc sống bất ổn định của họ vẫn cứ trôi qua trong tuyệt vọng khi tiến độ xây dựng dự án ngày càng gia tăng cũng như lệnh cưỡng chế ngày càng dồn dập. Và các hộ dân đi đến quyết định làm đơn tố cáo chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh sai phạm, tham nhũng trong Dự án Khu đô thị mới Thủ thiêm hồi giữa tháng 9 năm 2016, dựa theo căn cứ các văn bản ban hành liên quan từ năm 1996 cho đến năm 2002, bao gồm: Quyết định 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 18-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, Quyết định số 13585/KTS-QH của Kiến Trúc sư trưởng Thành phố Hồ Chí Minh; Quyết định số 1997/QĐ-UBND và Quyết định số 65/2002/QĐ-UB của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Vì chờ đợi từ phía chính quyền thành phố trong mỏi mòn, hơn 60 hộ dân Thủ Thiêm ra Hà Nội những ngày cuối tháng 10 để khiếu kiện. Ông Cao Thăng Ca cho Ban Việt ngữ Đài RFA biết thông tin chi tiết diễn ra trong chuyến đi này:
“Sau khi dân oan Thủ Thiêm ra Văn phòng Tiếp công dân thì như thường lệ, người ta chuyên phủ đầu dân, người ta hù dọa thế này thế kia để dân nản lòng mà đi về.”
Quyết đòi công lý đến cùng
Do sự bức xúc dâng đến đỉnh điểm nên nhóm dân oan Thủ Thiêm vào hôm 28 tháng 10 giăng biểu ngữ biểu tình trước các văn phòng Chính phủ, Quốc hội và Thủ tướng. Những dân oan Thủ Thiêm tham gia biểu tình ngày hôm đó kể lại họ được đưa lên xe và chở về Văn phòng Tiếp Công dân ở Số1-Ngô Thì Nhậm. Tại đây, Trong buổi làm việc với sự hiện diện của Ban Tiếp công dân Trung ương và Văn phòng Chính phủ cùng Tổ công tác Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã lập biên bản với 5 đại diện của 63 hộ dân Thủ Thiêm:
“Các hộ dân nhất định không chịu đối thoại. Lúc đó, Chính phủ lập biên bản để giao cho Chính phủ giải quyết. Hồ sơ này đã có biên bản và có thông báo rồi. Theo đó, việc khiếu nại của dân Thủ Thiêm sẽ được Chính phủ phối hợp với các bộ, ngành để lập đoàn kiểm tra liên ngành cho việc kiểm tra đơn tố cáo của người dân.”
Thông tin mới nhất chúng tôi ghi nhận được đoàn người của hơn 60 hộ dân Thủ Thiêm đã trở về nhà với hy vọng những nỗi oan ức của họ được giải quyết nhanh chóng để họ có thể an cư lạc nghiệp cùng lời khẳng định “Người dân bây giờ, còn một số chúng tôi kiên trì quyết chiến tới cùng, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng cho đến khi nào phải đòi, tìm được công lý thì mới thôi.” – RFA

14. Lo ngại về nhà máy xin đổ chất thải xuống biển Bình Thuận
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận hôm 3/11 nói nếu cho phép một công ty nhiệt điện ở tỉnh đổ chất thải xuống biển, việc này sẽ ảnh hưởng đến môi trường.
Theo báo chí Việt Nam, mới đây, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Điện lực Vĩnh Tân 1 đã xin phép nhà chức trách đổ chất thải từ việc nạo vét luồng lạch xuống biển.
Hồ sơ xin phép nói lượng chất thải từ quá trình nạo vét luồng hàng hải, vũng quay tàu, khu nước trước bến phục vụ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 sẽ lên đến hơn 1,5 triệu mét khối. Công ty đề xuất được đổ chất thải ra biển. Địa điểm đổ cách đất liền khoảng 3 hải lý (5,5 kilomet) và khá gần với Khu bảo tồn biển Hòn Cau, một trong 16 khu bảo tồn biển của Việt Nam.
Tin cho hay sau khi thẩm định hồ sơ, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận nói việc đổ thải với khối lượng lớn xuống biển “sẽ ảnh hưởng đến môi trường Khu bảo tồn sinh thái biển Hòn Cau cũng như hoạt động hàng hải tuyến ven biển từ Quảng Bình đến Bình Thuận”.
Báo Giao thông viết: “Những tác động của việc đổ thải đối với Khu bảo tồn biển Hòn Cau là có thể xảy ra nên Sở TN&MT đề nghị không thực hiện chôn dưới biển mà tìm phương án khác…”
Ông Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, phân tích với VOA về các yếu tố gây ô nhiễm liên quan đến nhà máy nhiệt điện:
“Vận chuyển than và chất thải của nhiệt điện ra thì trong đó có các loại ô nhiễm là lưu huỳnh, sun-phua, chì, rồi cadmium. Những cái đó là độc hại. Nếu lâu ngày sẽ ngấm xuống, sẽ tồn lưu trong bùn của các luồng lạch. Về mặt đổ chất nạo vét bùn thải các luồng lạch ra biển, theo tôi biết, về mặt luật pháp nhà nước có quy định rất rõ ràng. Ví dụ, không được đổ trong vòng 6 hải lý. Trước đây là trong vòng 12 hải lý, 3-4 cây số là không được phép. Đổ ra biển như vậy tất nhiên cũng ảnh hưởng đến hệ sinh thái, và phải đổ ra xa nó khuếch tán được lâu. Nói chung, hóa chất độc hại thì không được đổ ra biển, theo tôi là như thế”.
Theo các nguồn chính thống, khu bảo tồn biển Hòn Cau – có diện tích 12.500 ha – là nơi có hệ sinh thái biển phong phú. Điểm đặc biệt của Hòn Cau là quần thể san hô nguyên thủy dài hơn 2 kilomet với gần 234 loại san hô.
Một số nhà khoa học cảnh báo việc đổ thải với số lượng lớn cách đất liền chỉ 3 hải lý sẽ gây chết san hô, các loại thủy sinh khác sẽ bị diệt vong. Hệ quả là Khu bảo tồn Hòn Cau – được thành lập từ năm 2008 – có thể bị xoá sổ.
Hồi trung tuần tháng 9, ông Nguyễn Hữu Quý, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Bình Thuận, nhận định với báo chí rằng do ô nhiễm từ các nhà máy nhiệt điện ở Vĩnh Tân và các dự án khác, việc khu bảo tồn Hòn Cau bị xóa sổ “chỉ còn là vấn đề thời gian”.
Cùng thời gian đó, báo chí dẫn lời ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận, cho biết “Nước thải ở các nhà máy nhiệt điện thường thải ra với nhiệt độ cao, điều này cũng đồng nghĩa những rạn san hô và các loài thủy sinh sẽ bị tác động trực tiếp, đe dọa sự sống còn”. – VOA








No comments:

Post a Comment

View My Stats