05.11.2016
Thảm họa
môi trường biển chưa từng thấy trước nay tại Việt Nam do Formosa gây ra hồi
tháng 4 khiến người ta nhắc nhớ thảm họa môi trường biển lớn nhất lịch sử Mỹ
trong vụ tràn dầu của công ty BP cách đây 6 năm.
Cả hai
cùng là khủng hoảng do con người gây ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế, sức
khỏe, đời sống của nhiều thế hệ và tương lai môi trường.
Tuy
nhiên, có những khác biệt rất rõ nét về cách giải quyết giữa hai vụ việc, dẫn đến
những kết cục khác nhau.
Một nhà
hoạt động pháp lý từng tích cực hỗ trợ vô số ngư dân gốc Việt tại các bang
duyên hải bị ảnh hưởng trong vụ tràn dầu BP tại Mỹ năm 2010 phân tích những điểm
khác biệt này để nêu lên những cách xử lý Việt Nam nên học hỏi, áp dụng vào sự
cố Formosa.
Ngoài
việc giúp đỡ pháp lý cho hàng trăm người Mỹ gốc Việt trong thảm họa môi trường
BP, luật sư Phan Quốc Cường còn tham gia vận động chính sách và điều trần tại
Quốc hội, kêu gọi bảo vệ quyền lợi cho các nạn nhân bị thiệt hại.
Trong
cuộc trao đổi với Tạp chí Thanh niên VOA, vị luật sư trẻ dấn thân vì cộng đồng
nhìn lại vụ tràn dầu BP để chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp trong nước
nhân thảm họa Formosa.
LS Quốc Cường: Chúng ta có thể thấy
rằng, thứ nhất, phản ứng của chính quyền rất khác biệt. Sau vụ tràn dầu tại
Louisiana, chính phủ Mỹ ngay lập tức cho lực lượng cứu hộ tham gia. Hai, ba
tháng sau, họ vận động hàng trăm ngàn người tham gia vào lực lượng cứu hộ, làm
sạch môi trường. Thông tin báo chí, tự do báo chí giúp người dân cả nước biết
rõ về những diễn biến mới nhất. Còn tại Việt Nam, báo chí cấm đả động tới hoặc
bị bưng bít. Một số bài tường thuật nêu lên một số ý kiến về luật pháp hoặc bảo
vệ người dân đòi thiệt hại thì ngay lập tức bị áp lực lấy xuống. Cần hiểu rõ vụ
tràn dầu ở Louisiana là một sự bất cẩn và tắc trách. Hệ thống họ sử dụng bất
thình lình không hoạt động đúng mới xảy ra sự cố này. Hoàn toàn không có sự biết
rõ của chính phủ hay dự tính của công ty đổ chất độc ra biển. Hai cách cư xử rất
khác nhau vì hệ thống tư pháp và cách hành xử của chính phủ hai nước cũng rất
khác nhau. Một bên có luật bảo vệ môi trường rất nghiêm ngặt. Còn một bên biết
rõ hoặc cố tình để cho công ty đó xả thẳng chất độc ra biển. Đó chính là hành
vi mang tính hình sự. Một hành vi bất cẩn bên Mỹ cũng đã khiến cho hãng dầu BP
chịu trách nhiệm về hình sự lẫn dân sự, phải bồi thường cho chính phủ rồi chịu
trách nhiệm trực tiếp với mỗi người dân, doanh nghiệp trên khắp 5 tiểu bang bị ảnh
hưởng và trên toàn nước Mỹ. Nếu so sánh, thật sự sự cố tình vi phạm của Formosa
và sự hợp tác của chính phủ Việt Nam lớn hơn rất nhiều so với lỗi của BP.
Trà Mi: Trở
lại vụ BP 6 năm trước, lúc đó chính phủ Mỹ có vụ kiện riêng và những người dân
bị ảnh hưởng có những vụ kiện riêng, thưa luật sư?
LS Quốc Cường: Đúng vậy. Bộ Tư pháp
Hoa Kỳ chính thức khởi đơn kiện BP. Song song đó, họ cũng truy tố hãng BP ra
tòa về trách nhiệm hình sự. Sau đó, BP phải gấp rút chi ra hàng chục tỷ đô la bồi
thường cho các cấp từ thành phố, thị xã, tiểu bang cho đến liên bang. Rất nhiều
cơ quan chính phủ Hoa Kỳ đã kiện BP. Cho đến thời điểm này, 6 năm sau, vẫn còn
một số vụ chưa giải quyết xong.
Trà Mi: Đó
là tổng cộng chi phí họ phải tiêu tốn 54 tỷ đôla ?
LS Quốc Cường: Mình nghĩ số đó sẽ
tiếp tục tăng vì tới hôm nay quá trình kiện tụng vẫn tiếp diễn, và dĩ nhiên, thảm
họa vẫn còn hậu quả kéo dài. Ngoài ra, còn chi phí mà họ phải làm sạch dầu
trong mấy chục dặm biển cũng rất tốn kém.
Trà Mi: Trong
vụ đó, ông đã can thiệp và hỗ trợ cho những thành phần nào và các vụ kiện đó
thành quả ra sao?
LS Quốc Cường: Sự tham gia của mình
trong hai vai trò, trong hai thời gian khác nhau. Thứ nhất, một-hai tuần sau vụ
nổ giàn khoan Deepwater Horizon ngày 20/4, khoảng đầu tháng 5, BPSOS, một tổ chức
của người Mỹ gốc Việt, cử mình trong tư cách một luật sư cộng đồng xuống dưới
đó giám sát tình hình. Rất đông cộng đồng Việt Nam ở các làng duyên hải trên khắp
các tiểu bang từ Texas, Louisiana, Mississippi, Florida, tới Alabama. Ở 5 tiểu
bang này, số ngư phủ Việt tại các làng duyên hải lên tới hàng chục ngàn người.
Chúng tôi, một tổ chức cộng đồng, có tổ chức những nỗ lực trực tiếp kéo dài từ
tháng 6 đến hơn 1,5 năm về sau. Mình đưa phẩm vật thiện nguyện từ khắp nơi về,
đưa các kế toán viên về đó giúp bà con tiến hành việc bảo vệ quyền lợi về pháp
lý và tài chính. Mình cũng giúp đưa những chuyến thực phẩm cứu trợ bằng cách hợp
tác với các cơ quan chính phủ Mỹ và các tổ chức thiện nguyện Mỹ, đưa các phái
đoàn y bác sĩ về đó giúp bà con. Mình cũng vận động chính sách tại các cấp Thống
đốc và dân cử địa phương. Mình cũng tổ chức các phái đoàn của người Mỹ gốc Việt
lên tận Washington DC để điều trần tại Quốc hội Mỹ về quyền lợi và cuộc sống của
người dân đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng thế nào. Sau này, khi tôi ra hành nghề
tư nhân, trong tư cách luật sư tư nhân, mình đại diện cho bà con và các doanh
nghiệp nhỏ bị thiệt hại để đòi bồi thường. Tới lúc này, phần lớn bà con ngư phủ
mà tôi đại diện đã được bồi thường qua nhiều đợt, bây giờ vào giai đoạn cuối.
Trà Mi: Trong
vụ Formosa ở Việt Nam, chính phủ đã nhận 500 triệu đôla bồi thường, chưa nói đến
phí tổn dọn dẹp, phục hồi bao nhiêu, chưa kể đến bao nhiêu người bị thiệt hại
đã bị trả đơn kiện. Trong lúc này, những nạn nhân bị ảnh hưởng đó có thể làm
gì?
LS Quốc Cường: Chính quyền Việt Nam
vội vã tiến hành dàn xếp, thỏa thuận ngầm với Formosa để khỏa lấp vụ này. Một
chính phủ được tạo ra để phục vụ dân, nhưng khi họ không hiểu hoặc quay mặt với
quyền lợi của tập thể nhân dân, thì chính người dân phải đứng lên đòi công lý
cho mình. Họ, các luật sư trong nước và người Việt khắp nơi trên thế giới cần
phải tạo sự đồng nhất, hỗ trợ cho nhau để đòi quyền lợi cho các nạn nhân trực
tiếp, không để chính phủ quyết định mọi chuyện mà bỏ rơi đi quyền lợi của dân.
Họ phải sử dụng hệ thống tư pháp hiện tại, dù hệ thống đó không phải là độc lập.
Đây là cơ hội để giới luật sư trẻ trong nước và thế hệ trẻ, vì quyền lợi người
dân, đứng lên mở ra một mặt trận về pháp lý, truyền thông. Những người dân bé
nhỏ với một hệ thống công lý và tư pháp không màng đến quyền lợi của họ trước một
tập đoàn kinh doanh đa quốc như Formosa với sức mạnh kinh tế và quyền lực chính
trị cùng với nền truyền thông bị kiểm duyệt bởi chính phủ và đảng, dân chỉ còn
cách dựa vào nhau tạo ra sức mạnh và tiếng nói cho quyền lợi của mình.
Trà Mi: Trở
lại vụ BP, lúc thảm họa xảy ra có các tập đoàn luật sư và giới chuyên môn tới
giúp khảo sát thiệt hại ra sao?
LS Quốc Cường: Đã có rất nhiều
phái đoàn luật sư thiện nguyện, Mỹ có, Việt có. Riêng tổ chức chúng tôi đã tổ
chức trên 20 buổi hội thảo pháp lý miễn phí để các luật sư tham gia cùng nghiên
cứu các luật lệ liên quan đến thảm họa này và cung cấp thông tin, giúp người
dân hiểu rõ quyền của họ ra sao. Khi họ hiểu được quyền và cách đòi quyền lợi
cho mình thì sự tự tin của họ cũng tăng lên kèm theo sự tin tưởng. Những buổi hội
thảo pháp lý đó cộng với các phương tiện truyền thông độc lập, với vận động
chính phủ. Bên này, chính phủ đáp ứng nhanh chóng trước áp lực quần chúng. Còn
bên Việt Nam, đòi hỏi bà con phải can đảm và kiên nhẫn, phải dám chấp nhận sự
trừng phạt, cô lập, hay đàn áp của chính phủ.
Trà Mi: Các
tổ chức luật sư thiện nguyện bên Việt Nam, dù họ muốn giúp đỡ, nhưng khả năng hạn
hẹp, không đủ kinh phí cũng là một trở ngại. Luật sư nghĩ sao?
LS Quốc Cường: Do đó cần sự ủng hộ
của cộng đồng quốc tế, nhất là cộng đồng người Việt ở hải ngoại, giúp họ vượt
qua trở ngại này. Ví dụ, các luật sư ngoài nước liên kết với các luật sư trong
nước, cung cấp tài liệu pháp lý liên quan. Cũng có thể tạo ra những đợt gây quỹ.
Nếu truyền thông trong nước cô lập, thì hôm nay chúng ta có Facebook và
internet khuyếch trương tiếng nói của các xã hội dân sự đang đại diện cho bà
con.
Trà Mi:
Trong vụ BP, khi khảo sát, thống kê thiệt
hại có biết bao nhiêu nạn nhân mà lực lượng thiện nguyện thì có giới hạn, làm
thế nào xoay sở?
LS Quốc Cường: Mình thường xuyên
theo dõi các cuộc điều tra do chính phủ và các ủy ban độc lập họ tiến hành. Lúc
đó có rất nhiều cơ quan chính phủ, hành pháp, họ tiến hành điều tra độc lập,
song song với nhau. Bên lập pháp cũng có những ủy ban độc lập do Quốc hội lập
ra. Về phía tư nhân, cũng có rất nhiều tổ chức thiện nguyện trong xã hội dân sự
họ tham gia điều tra. Thậm chí các tờ báo lớn có khả năng, họ cũng tiến hành
các cuộc điều tra riêng của họ. Cho nên, về thông tin, rất rõ ràng. Ngoài ra
còn có nhiều cơ quan, hội nhóm bảo vệ môi trường tham gia. Khi các cuộc điều
tra khảo sát kết thúc với kết quả rõ ràng, chính phủ mới có dữ kiện đầy đủ để
minh bạch với quần chúng số tiền đòi bồi thường và trừng phạt là bao nhiêu. Khi
chính phủ chấp nhận số tiền đó rồi, cũng không thể cấm đoán người dân theo đuổi
những vụ kiện riêng của họ. Ở Việt Nam, cá chết trắng các tỉnh duyên hải, ngư
dân không có việc làm, mà họ còn nói không đủ bằng chứng thiệt hại thì mình
không hiểu đâu là bằng chứng về tư cách đạo đức, về trách nhiệm phục vụ công lý
và phục vụ quyền lợi nhân dân. Hy vọng ngày càng có nhiều người nhận thức được
sự thật chua chát đó mà hành động, khiến chính phủ phải thay đổi tích cực. Mọi
thảm họa hay thử thách đi kèm với cơ hội, cơ hội tạo nội lực sức mạnh, cơ hội hội
tụ xung quanh những người có năng lực, gầy dựng lại với nhau tạo tiếng nói đòi
công lý. Cho nên, trong thời gian tới, đáp án không nằm nơi chính quyền Việt
Nam. Sự thay đổi phải đến từ xã hội dân sự. Các tổ chức luật sư đoàn cần lên tiếng.
Chúng ta cần thấy sự phát triển ngày càng mạnh của xã hội dân sự, nhất là trong
vụ Formosa. Sự ủng hộ của người Việt khắp nơi và của các luật sư đoàn quốc tế
cũng hết sức quan trọng, mang lại những ủng hộ tinh thần, vật chất cần thiết
cho các luật sư trong nước.
Trà Mi: Nếu
người dân Việt Nam kiện Formosa tại Việt Nam không thành, họ có thể kiện ở Đài
Loan, quê nhà Formosa, hay kiện ra tòa quốc tế chăng?
LS Quốc Cường: Cũng cần giới luật
sư Đài Loan tư vấn xem có thể tiến hành kiện tại Đài Loan hay không. Cũng có một
số tòa án quốc tế giải quyết các vấn đề tranh chấp về thiệt hại kinh tế, tuy
nhiên, cần sự hợp tác và ý thức của chính phủ Việt Nam vì phần lớn các tranh chấp
môi trường ở quốc tế là giữa các chính phủ với nhau.
Trà Mi: Chân thành cảm ơn luật sư Phan Quốc
Cường về những thông tin vừa chia sẻ.
-------------
Liên quan
17/10/2016
No comments:
Post a Comment