Tương Lai
07/11/2016
J.
Kerry vừa mời Đinh Thế Huynh đến Mỹ, vào dịp này, Ngoại trưởng Mỹ nói một câu
xanh rờn: “Người dân Việt Nam đang chứng kiến một cuộc cách mạng kinh tế
đáng chú ý. Họ đang thực thi một nỗ lực kinh tế tuyệt vời, một nỗ lực theo kiểu
tư bản”.
Ông ấy
đùa dai à? Đâu có. Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ, từng là ứng cử viên Tổng thống
Mỹ của Đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng, cũng từng là một cựu binh Mỹ
có mặt tại chiến trường Việt Nam, nói một cách nghiêm túc đấy chứ. Cũng chẳng
phải là ngẫu hứng nhất thời, mà là một nhận định có cân nhắc từ sự chiêm nghiệm
của một chính khách từng trải. Đâu phải là lần đầu tiên Ngoại trưởng Mỹ đưa ra
nhận định “động trời” đó trước mặt nhân vật được xem sẽ là “người thay thế”
(đương nhiên là dự kiến) cho “mitxtơ” Trọng. Thì chẳng phải trước đó, hôm 4/10,
khi thăm Brussels, Ngoại trưởng Mỹ đã nhắc lại ý tưởng về Hiệp định Đối tác
xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ “nâng các tiêu chuẩn” tại Việt Nam. Ông
nói: “Tôi vừa quay lại đó với Tổng thống Mỹ để loan báo việc mở Đại học
Fulbright, hoàn toàn tự do về học thuật và sẽ đào tạo thế hệ lãnh đạo kế tiếp của
Việt Nam tại một đất nước hoàn toàn tư bản ngày hôm nay, không phải cộng sản”!
Câu chuyện TPP này có một sức nặng đáng kể trong toàn bộ diễn biến mà rồi “hồi
sau mới rõ” đây.
Rành rọt
hơn, nhà chính khách lão luyện của nước Mỹ chẳng cần màu mè “ngoại giao, tế nhị”
gì sất mà nói huỵch toẹt ra một điều thoạt nghe có vẻ đột ngột nhưng xem ra lại
rất chi là thực tế: “Cộng sản là một lý thuyết kinh tế, và bạn không thấy một
chút hơi thở của chủ nghĩa cộng sản tại Việt Nam”.
Điều
đáng suy ngẫm là, Ngoại trưởng Mỹ nói điều này trong cuộc họp báo chung với
Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt
Nam. Chắc chắn J. Kerry biết rằng Đinh Thế Huynh là đương kim Chủ tịch Hội đồng
Lý luận Trung ương mà thông thường thì phải trao lại cho vị Ủy viên Bộ Chính trị
đứng đầu Ban Tuyên giáo Trung ương. Rồi mới đây thôi, cái “Hội đồng” này được
trao Huân chương Độc lập hạng Nhất nhân kỷ niệm 20 năm ngày thành lập, khẳng định
cái định hướng lý luận cho đường đi nước bước mà Đảng Cộng sản muốn áp đặt và
tìm mọi cách nhồi nhét vào đầu óc của cả một dân tộc mà Huynh đang người kiên định
nhất hứa hẹn sẽ thay Trọng. Cái định hướng đã dẫn đến sự tụt hậu thê thảm trong
suốt gần nửa thế kỷ qua. Cách dân gian gọi đây là Hội đồng lú lẫn Trung ương có
lẽ khởi nguồn từ đó.
Nói điều
này để lưu ý rằng ông Huynh là một người kiên định đến cùng với lý luận xây dựng
chủ nghĩa xã hội. Ông hít thở, tồn tại rồi tiến thân bằng thứ “lý luận” thuần
chủng này để rồi quyết liệt bảo vệ cho cái lý luận đã dìm cả dân tộc vào trong
vòng u tối lạc hậu suốt mấy thập kỷ qua như vừa nói. Vậy thì vì lẽ gì mà nhà
ngoại giao hàng đầu của Mỹ lại chọn thời điểm khá “nhạy cảm” này để tán dương về
“chủ nghĩa tư bản cuồng nhiệt ngay tại một quốc gia độc đảng độc
đoán”, theo nguyên văn lời ông “và không may là vẫn còn vi phạm nhân quyền
cùng nhiều thứ khác…”? Còn nhiều ẩn số trong chuyện này, nhưng trong bài viết
vội này chỉ hãy tạm khoanh lại một vùng nho nhỏ “vì lẽ gì” ấy.
Để trả
lời cho câu hỏi này, có lẽ cần biết thêm những ý kiến của J. Kerry: “Tôi đã
từng chiến đấu tại Việt Nam, chúng tôi được cho là đến để ngăn cản nơi này biến
thành cộng sản. Chúng ta mất hơn 58.000 sinh mạng để làm điều đó trong 10 năm,
cuộc chiến dài nhất lịch sử Hoa Kỳ. Và các bạn đoán được không? Cách chúng tôi
làm là mở cửa và bình thường hóa quan hệ, mà John McCain và tôi đã dẫn đầu cùng
nhau, dỡ bỏ cấm vận để có kinh doanh. Và nay không còn dấu vết của “chủ nghĩa cộng
sản”, theo nghĩa là một kế hoạch và lý thuyết kinh tế. Ở đó là chủ nghĩa tư bản
cuồng nhiệt…”. Rồi ông ta chẳng ngần ngại đưa ra nhận định chẳng mấy dễ chịu
cho ông Huynh, ông Trọng: “Cộng sản là một lý thuyết kinh tế, và bạn không
thấy một chút hơi thở của chủ nghĩa cộng sản tại Việt Nam”.
Ngoại
trưởng Mỹ không hề ngần ngại nói thẳng một sự thật mà sự tế nhị ngoại giao đôi
khi phải né tránh: “Bạn thấy chủ nghĩa độc đoán, một chính phủ độc đảng, và
dĩ nhiên đó không phải là lựa chọn của chúng tôi”. Tuy nhiên, người Mỹ
rất thực tế, họ không câu nệ với những khuôn thức chết cứng và những định kiến
chẳng mấy tác dụng, họ đã nhìn thấy “những thay đổi đang diễn ra”.
Do đâu? Vì cái gì? J. Kerry nói toạc ra không
chút màu mè: “Do lợi ích của những thỏa thuận thương mại”! Những thỏa thuận mà
Ngoại trưởng Mỹ gợi ra khi nói về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình
Dương (TPP) “chúng không đem lại cuộc đua xuống dưới, nếu được soạn thảo
đàng hoàng, mà đem lại cuộc đua lên đỉnh cao”. (BBC, 13.10.2016).
Vâng, lợi ích. Những lợi ích kinh tế có thể đo đếm, tính toán rất chi là cụ thể,
có thể quy ra tiền, đồng Việt Nam, đồng Đôla Mỹ, đồng Yên Nhật, đồng Bảng Anh
hay đồng Euro…!
“Đồng
tiền đi trước, mực thước theo sau”, đây là điều dễ thấy, dễ hiểu. Đại văn
hào Anh W. Shakespeare thì nói bóng bảy hơn “khi tiền đi trước, mọi cánh cửa
đều mở ra”! Thì cũng rứa.
Phàm
kim chi nhân, duy tiền nhi dĩ
Hết
tiền tiêu, tráng sĩ cũng nằm co!
Chẳng
dại khôn cũng chẳng thân sơ,
Có
hơi kẽm, tha hồ ngang ngửa!
Nhà
thơ Tú Xương đã lột trần cái tính “phổ biến” rất chi là “biện chứng”
mà ngài tiến sĩ xây dựng đảng chúa ghét cái sự thật trần trụi đáng lý phải che
đi cái “phàm kim chi nhân” đó: người đời nay, thường chỉ tiền mới có thể
…”.
Ông Tú
thời tao loạn buổi Tây sang thuở nhá nhem ấy của thời cuộc chắc chưa biết được
rằng các vị đạo cao đức trọng cỡ ông Trọng, ông Huynh chẳng thèm đoái hoài đến
chuyện tiền phàm tục ấy đâu? Họ chỉ biết có lý tưởng, chỉ quyết giữ cho được lập
trường quan điểm! Những chuyện tầm phào kiểu biệt thự Ciputra bán vội lấy tiền
đút gậm giường hay pho tượng vàng hư hư thật thật mà “tay phải gió” nọ tung hê
ra làm xấu hình ảnh của nhân vật đang sống thuần túy bằng lý luận, lại chẳng có
tham vọng quyền lực vì quyền lại đẻ ra tiền, thì đáng ra phải bịt mồm, phải huy
động Interpol xích tay đưa về tống giam chứ cứ để anh ta nhơn nhơn đưa tin tuyệt
mật nhằm trêu ngươi thế này thì chịu sao thấu hở trời!
Chao
ôi, chính cái chết tiệt này đây, cái mà các cụ ta xưa đã đúc kết:
Toán
lai thế sự kim năng ngữ
Thuyết
đáo nhân tình kiếm dục minh
Ngẫm
chuyện ở đời thì vàng (hay tiền) đều có tiếng nói cả đấy, còn tính đến chuyện
nhân tình thì lưỡi kiếm cứ những muốn loáng sáng cả lên.
Ấy vậy
mà nay thì chính ông Ngoại trưởng Mỹ đang diện đối diện với đương kim Chủ tịch
Hội đồng Lú lẫn Trung ương, hơn nữa là “căng-đi-đát” làm “người thay thế”
lại đưa cái chuyện lợi ích thương mại ra để tháo gỡ cho tình thế nguy ngập đe dọa
sự an nguy của Đảng và sự tồn vong của cái chế độ của ông ta thì nó kịch tính đến
cỡ nào cơ chứ? Chả trách mà dạo nọ, trong một lần phổ biến Nghị quyết Trung
ương ông Trọng đã nghiêm túc dạy bảo: “Ðảng Cộng sản Trung Quốc trong cải
cách, mở cửa cũng luôn luôn khẳng định dứt khoát phải kiên trì vai trò lãnh đạo
của Ðảng Cộng sản, và trong những lần trao đổi với chúng ta, bạn thường nhấn mạnh
không để bị “Tây hóa”! Thế rồi báo chí chính thống cứ vậy mà phơi nguyên văn những
lời vàng ngọc của ông lên trước bàn dân thiên hạ.
Đi với
“Tây” quả thật không hợp với cái tạng của những người như ông Trọng, ông Huynh.
Cho nên, chuẩn bị cho chuyến đi gặp “Tây” này, Huynh đã bay sang diện kiến
thiên triều để khẳng định “chiến lược nhất quán, là lựa chọn chính trị của Việt
Nam và của Đảng Cộng sản Việt Nam” về sự gắn bó với Trung Quốc như Thời
báo Hoàn Cầu ngày 23.10. 2016 đưa tin! Thanh thiên bạch nhật
rõ ràng cho coi nhé, báo Tàu chơi đẹp đến thế là cùng chứ còn gì nữa!
Chúng
có nói đúng tim đen của ông Trọng, ông Huynh không thì e phải tìm hiểu thêm. Vì
ở đời, chuyện xoay trục, trở cờ là chuyện cơm bữa, mà ai biết đâu chuyện ma ăn
cỗ trong suốt cả một tuần trên đất Mỹ của ông Huynh, có khi phải kiên nhẫn chờ
“hồi sau sẽ rõ” như Bàng Thống sang sông hiến kế cho Tào về trận Xích
Bích trong Tam Quốc cũng chưa biết chừng. Ngặt một nỗi người “Tây” họ vốn thực
tế, thực dụng. Nên chi hãy cứ tạm khoanh vùng nội dung bài viết là vì cái lẽ đó
đã.
Ông J.
Kerry biết khá rõ cái “nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế
độ” của ông Trọng, ông Huynh mà Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4 của
các vị vừa hoảng hốt nêu lên. Và chắc là người Mỹ cũng đã hiểu khá rõ những tiếng
nói phản biện của những đầu óc thức thời, kể cả một số không ít những người
đang náu mình ngay trong chính bộ máy quyền lực, từng vạch rõ cái cơ chế
nội tại đang từng ngày từng giờ đẻ ra tệ tham nhũng, nhưng rồi những kẻ
“chống tham nhũng” lại ra sức bảo vệ chính cái cơ chế đó. Chẳng thế mà qua suốt
5 kỳ Đại hội Đảng với những Nghị quyết chống tham nhũng được vạch ra ngày càng
quyết liệt thì tham nhũng lại càng tăng lên, mức độ càng nghiêm trọng hơn và đối
tượng phải chống càng lên cao hơn. Cao chót vót!
Liều
thuốc đắng mà người Mỹ bốc cho ông Huynh xem ra khó nuốt hơn những thang thuốc
an thần đang được cấp phát miễn phí cho toàn đảng, toàn quân, toàn dân của các
ông. Đắng, vì đã phơi ra cái sự thật trần trụi mà các ông đang giấu giếm bằng
những ngôn từ sáo rỗng cũ mèm chỉ đủ ru ngủ cho những đầu óc mụ mẫm. Mà mụ mẫm
bởi phải tống vào cổ họng quá nhiều những liều thuốc hết “đát”. Thuốc phải đắng
mới dã được tật rồi sẽ phải nói kỹ, nhưng trước hết hãy sơ cứu ngay triệu chứng
có nguy cơ đột quỵ cái đã.
Khi ông
Huynh đi Mỹ thì cũng lúc ngân khố đang thê thảm réo gọi. Ngân sách phải trả
363.166 tỷ đồng (hơn 16 tỷ USD) nợ trái phiếu đến hạn thanh toán trong 2 năm
2015-2016, làm cách nào có tiền để cơ cấu lại số nợ này là một câu hỏi khó, quá
khó. “Phải phát hành trái phiếu quốc tế để đảo nợ vì quá cấp bách”, đấy
là lời giải thích của Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân
sách của Quốc hội về lý do của việc Chính phủ Việt Nam phát hành 3 tỷ USD trái
phiếu quốc tế. Chẳng những thế, “điều này chỉ thực hiện được trong năm
2015-2016 vì mức độ quá cấp bách. Nếu chúng ta chậm trễ, trong thời gian tới, dự
kiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) điều chỉnh tăng lãi suất đồng đô la, thì lãi
suất huy động vốn của Việt Nam trên trường quốc tế lại càng cao”, quan chức
nói trên than vãn!
Nhìn
vào các yếu tố lạm phát tiền và trái phiếu Chính phủ, rồi việc đang cân nhắc
cho phá sản một số ngân hàng, việc huy động 500 tấn vàng trong dân, tăng thuế
và phí, tăng giá xăng dầu điện nước, tăng đóng góp của cán bộ công nhân vào quỹ
Bảo hiểm Xã hội và Bảo hiểm Y tế vì đã có báo động về vỡ quỹ Bảo hiểm Xã hội và
Bảo hiểm Y tế…Tất cả những cái ấy đang đặt ra quá nhiều gay cấn. Thêm vào đó, đến
tháng 7 năm sau, năm 2017 sẽ không có chuyện vay ODA với giá rẻ đâu nhé. Phải
vay quốc tế với giá thương mại khoảng 4% đến 5% / năm. Rồi khi mà nguồn ngoại tệ
không còn được như năm 2015 thì việc Chính phủ phải đi vay để chi tiêu và đảo nợ
một năm trên 10 tỷ đô la sẽ kéo theo biến động của tỷ giá, điều này không thể
không gây rủi ro về tỷ giá cho danh mục nợ nước ngoài, v.v. Rõ ràng là, nếu
không bán được trái phiếu, chưa bán được một phần nợ xấu cho các đối tác thì viễn
ảnh vỡ nợ sẽ không còn xa! Ước gì ông trời ban cho một cơn bão, chứ đừng gây
lũ, để mây mù lấp đi cái viễn ảnh đáng sợ đó.
Có nhiều
nguyên nhân dẫn tới nguy ngập này sẽ được trình bày để thử lý giải về liều thuốc
đắng mà Ngoại trưởng Mỹ kê đơn. Nhưng trước hết hãy nói về cái hệ lụy trực tiếp
dễ thấy nhất chính là việc chi xài vô tội vạ tiền đóng thuế của dân, tiền vay
mượn từ nước ngoài của bộ máy cầm quyền khổng lồ. Bộ máy ấy mắc chứng nan y
tham nhũng đang di căn trong các cơ quan từ trung ương đến địa phương, xuống
các cơ sở của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể trong “hệ thống chính trị”
ăn theo. Hãy chỉ gợi ra một ví dụ cỏn con nhưng nóng hổi: Giám đốc Sở Lao động
- Thương binh Xã hội Hải Dương đã bổ nhiệm đến 44 cán bộ lãnh đạo, còn lại là 2
nhân viên của Sở trong số 46 biên chế. Cười chảy nước mắt là lời giải thích: “Tôi
bổ nhiệm lãnh đạo là vì nhân dân”. Quả là chuyện thật như đùa! Một hình ảnh
tiêu biểu về sự tùy tiện khủng khiếp của hệ thống quyền lực trong thể chế toàn
trị phản dân chủ mà ông Ngoại trưởng Mỹ đã gợi ra về “chủ nghĩa độc đoán, một
chính phủ độc đảng, và dĩ nhiên đó không phải là lựa chọn của chúng tôi”.
Chuyện
thật thì đúng 100%, nhưng đùa thì không còn nguyên nghĩa nữa đâu vì cái chuyện
bổ nhiệm ấy rất “đúng quy trình” của sự vận hành guồng máy bổ nhiệm mà cái chất
bôi trơn cỗ máy thì không “đùa” tí nào cả. Xin hãy đọc những lời này trên
báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh cách đây đã 10 năm, ngày
16.4.2006: “Chạy chức chạy quyền không chỉ ở cơ sở mà trên nữa. Chức thấp tiền
ít. Chức càng cao tiền càng lớn. Đã bỏ ra, có chức có quyền rồi thì người ta phải
thu về. Mà thu về thì phải có lãi. Càng lãi nhiều càng tốt. Mua quan bán chức,
chạy chức chạy quyền là một nguyên nhân làm tha hóa cán bộ”.
Mà là lời
của ai? Của ông Nguyễn Đức Tâm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức
Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Thật là một ví dụ sống động cho nguyên lý bất
hủ mà Max Weber, nhà xã hội học thế kỷ XIX từng đưa ra: “quyền lực đẻ ra sở
hữu”. Chính vì thế mới có chuyện đua nhau chen bằng được vào cỗ máy nhà nước
với hơn 2,8 triệu công chức ăn lương từ ngân sách! Có tới 35% chi ngân sách là
để trả lương và hàng năm cần tới 40.000 tỷ để tăng lương cho bộ máy quá tải
này. Cũng nên có một so sánh để hiểu rõ hơn về những con số đó: nước Mỹ có dân
số nhiều gấp 3,5 lần, năng suất lao động cao gấp nhiều lần mà chỉ có 2,1 triệu
công chức!
Điều
đáng sợ hơn nữa là việc mở rộng quyền lực vô hạn độ lại là xu hướng mang tính
phổ biến rồi bằng mọi cách để giữ quyền lực đang là một đòi hỏi vừa thầm kín vừa
trắng trợn, bất chấp mọi thủ đoạn. Lừa mị, dối trá, bạo lực, trấn áp đều có thể
vận dụng tuỳ lúc, tuỳ nơi hoặc là đồng bộ cùng một thời điểm khi cần thiết.
Thanh toán lẫn nhau trong nội bộ giới cầm quyền lại là một tất yếu mạnh được yếu
thua nhằm duy trì quyền lực. Trong thể chế toàn trị phản dân chủ này thì nhân
dân chỉ còn là vật lót đường với tấm áo khoác mỹ miều “nhà nước của dân, do
dân và vì dân” khi cái nhà nước ấy là công cụ bảo vệ quyền và lợi của thế lực
cầm quyền. Quyền và lợi ấy chính là cái mẫu số chung của thế lực đương quyền.
Nếu
Hégel cho rằng “lợi ích thúc đẩy lịch sử các dân tộc và các cá
nhân” còn C. Mác thì khẳng định “tất cả cái gì mà con người đấu tranh để
giành lấy đều dính liền với lợi ích của họ” thì cái mẫu số chung lợi
ích này đang tạo nên diện mạo đất nước mà bộ sậu quyền lực của triều đại
ông Trọng đang cố duy trì. Cho nên, không chỉ ông J. Kerry “đang chứng kiến
một cuộc cách mạng kinh tế đáng chú ý. Họ đang thực thi một nỗ lực kinh tế tuyệt
vời, một nỗ lực theo kiểu tư bản”. Từ lâu, đã có khá nhiều bài viết lột trần
sự thật giấu giếm này. Không cần phải những đôi mắt tinh đời của những đầu óc
thức thời, chỉ cần những người biết quan sát những gì đang diễn ra trong quá
trình tích tụ tư bản của một bộ phận những người đang bằng mọi cách, với nhiều
con đường để nhanh chóng mở rộng sở hữu của họ, cũng đã thấy được cái “nỗ lực
tuyệt vời” đó.
Chỉ có
điều “cái nỗ lực theo kiểu tư bản” lại được chính những người đang
tạo mặt bằng để gầy dựng và phát triển cho cái “chủ nghĩa tư bản cuồng nhiệt”
mà ông J. Kerry nói đến ấy lại cố tình khoác lên nó cái nhãn hiệu bịp bợm của “nền
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Vì sao họ phải làm vậy? Vì
để bảo vệ chính họ!
Nói cụ
thể hơn, bảo vệ cái ghế quyền lực đang làm sinh sôi nảy nở sở hữu của họ
mỗi ngày mỗi phình to lên trên mặt bằng nghèo khổ của một xã hội bất
bình đẳng ngày càng phơi ra quá tàn nhẫn. Khi Đặng Tiểu Bình bên Tàu chủ trương
“hãy làm cho một bộ phận giàu lên trước” trong tiến trình cải cách mở cửa
nhằm xây dựng một chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thì thực
chất là nước Tàu của họ Đặng và nay là họ Tập đang xây dựng một chủ
nghĩa tư bản đặc sắc Trung Quốc. Đây là một chủ nghĩa tư bản hoang dã với một
quá trình tích tụ và tập trung tư bản rất tàn khốc, gây nên những hệ lụy khủng
khiếp mà sự phá huy môi trường là một trong những ví dụ tiêu biểu nhất. Đã có rất
nhiều những học giả tên tuổi của thế giới và của Trung Quốc chỉ ra thực trạng
này tưởng chẳng cần phải nói gì thêm với bài viết thô thiển này.
Điều
duy nhất cần nói vài dòng chính là những nhà lãnh đạo đương nhiệm của Việt Nam,
đúng hơn, một bộ phận trên chóp bu bộ máy quyền lực đang cố đi theo con đường của
những “người đồng chí cùng chung ý thức hệ” này. Hơn nữa, đây cũng
là “chiến lược nhất quán, là lựa chọn chính trị của Việt Nam và của Đảng
Cộng sản Việt Nam” như ông Huynh vừa tuyên bố trong chuyến diện kiến “thiên
triều” trước khi sang Mỹ theo lời mời của J. Kerry. Đại họa của dân tộc nằm
chính chỗ này đây.
Cái “chủ
nghĩa tư bản cuồng nhiệt” mà J. Kerry nói được nhìn thấy trước tiên là sự “cuồng
nhiệt” của những nhà “tư bản đỏ”. Đó là sự cuồng nhiệt của tiến
trình cướp đoạt đất đai với những thủ đoạn “đền bù giải tỏa” trong sự
câu kết giữa bộ máy cầm quyền với những nhóm lợi ích tạo thành một thế lực
mafia tự tung tự tác. Chẳng thế mà người ta kiên định lập trường về việc đất đại
là sở hữu toàn dân. Chỉ cần một điều này cũng cho thấy rõ về thực chất, cái gọi
là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một nền kinh tế thị
trường méo mó với những tật bệnh do nó gây ra. Mà oái oăm cũng ở chính ở đây.
Để có sự
hội nhập thuận lợi với kinh tế thế giới, nhất là khi mà Việt Nam đã, đang và sẽ
ký kết nhiều Hiệp định Thương mại ở quy mô và tầm mức thế giới, người ta đang
phải sùi bọp mép van nài các đối tác quan trọng hãy chính thức công nhận Việt
Nam có một nền kinh tế thị trường đầy đủ. Thì, cùng với việc van
nài đó là sự ngoa ngoắt kết tội “suy thoái”, “chống đối chế độ”,
“tự diễn biến, tự chuyển hóa” cho những ai chỉ nói về nền kinh tế thị
trường đầy đủ đó mà không nói đến sự méo mó và biến dạng bởi cái đuôi “định
hướng xã hội chủ nghĩa” hết sức mơ hồ, ngớ ngẩn trong “sự lựa chọn chính
trị” nói trên!
Gọi
đúng tên sự vật thì đó chính là sự bế tắc về lý luận, sự mù lòa về thực tiễn.
Chẳng thế sao, khi “sáng tạo” ra một loại tật bệnh mới với tên gọi là “tự diễn
biến”, “tự chuyển hóa” để quy tội các đảng viên không làm theo Nghị
quyết của ông Trọng ban ra, thì liệu các ngài có biết rằng các ngài đang phỉ nhổ
vào những khái niệm sơ đẳng về “biện chứng” mà tiến sĩ xây dựng Đảng
Nguyễn Phú Trọng thích rao giảng. Thậm chí ngài còn sang tận Tây bán cầu để
thuyết pháp khiến bà Tổng thống Braxin phát hoảng cấm không cho chuyên cơ của Tổng
Bí thư hạ cánh xuống sân bay Guarulhos, một sự kiện chưa có tiền lệ trong hành
xử ngoại giao quốc tế.
Thì chẳng
phải thế sao khi Học viện Chính trị Quốc gia đưa vào Giáo trình giảng dạy một
trích dẫn to đùng câu của Lenin: “Logic biện chứng đòi hỏi phải xét sự vật
trong sự phát triển, trong sự tự vận động…trong sự biến đổi của nó”! Và chắc
là ông Trọng, ông Huynh Chủ tịch Hội Đồng Lý luận Trung ương, vì dồn hết sức lực
và thời gian cho cuộc chiến sinh tử về cái ghế quyền lực nên quên chưa đọc Biện
chứng của tự nhiên của Ph. Angghen, cho dù còn quá nhiều tranh cãi vể
nội dung tác phẩm này nhưng không thể không lưu ý luận điểm sau “Vận động là
sự tự thân vận động của vật chất, được tạo nên từ sự tác động lẫn nhau của
chính các thành tố nội tại trong cấu trúc vật chất…”.Tác giả sách
này còn nói rõ “vận động phải được hiểu theo nghĩa chung nhất tức là một quá
trình bao trùm từ sự thay đổi đơn giản đến thay đổi tư duy”.Chính vì
thế mà Angghen khẳng định: “Không thể tưởng tượng được vật chất mà không có
vận động”*. Mà vận động là tự thân vận động, không có vận động thì cũng
không có phát triển. Chỉ cần có chút kiến thức a, b, c về quá trình biến đổi của
sự vật trong sụ chuyển biến về lượng đến sự chuyển đối về chất để cái mới ra đời
là đã có thể thấy khái niệm “tự biến đổi” “tự chuyển hóa” bị xem là biểu hiện của
sự “suy thoái đạo đức”, “phai nhạt lý tưởng” ngớ ngẩn đến cỡ nào.
Vậy
thì, nếu theo Angghen, “tất cả những gì cố định đều biến thành mây khói, và
tất cả những gì người ta cho là tồn tại vĩnh cửu thì nay đã trở thành nhất thời…”
thì những ai muốn khỏi bị quy tội là suy thoái và chống Đảng, chống chế độ tất
phải trở thành một xác chết, đóng băng bộ não để bất động về tư duy vì không được
tự vận động để tự diễn biến, tự chuyển hóa, một tất yếu để tồn tại và phát triển
của một cơ thể sống.
Chính sự
bế tắc về lý luận, bấn loạn về tư duy mà Nghị quyết Trung ương 4 vừa được ông
Trọng ký ban hành đã liệt vào tội “phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng
của Đảng và dân tộc” những ai đang “phản bác, phủ nhận nền dân chủ xã hội
chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đòi thực hiện thể chế “tam quyền
phân lập”, phát triển “xã hội dân sự”. Phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng
xã hội chủ nghĩa, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai…”. Nội dung này quả
là một minh chứng sống động cho sự tắc tị trong tình thế tiến thoái lưỡng nan của
ông Trọng và bộ sậu của ông. Không hiểu rồi ông Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, người
vừa được bầu vào Ủy ban Pháp luật của Liên Hiệp Quốc mà báo
chí nhà nước đang hân hoan đưa tin, sẽ trả lời với bạn bè quốc tế thế nào khi
nói về “tam quyền phân lập, xã hội dân sự đi liền với kinh tế thị trường”,
ba nhân tố tạo nên nền tảng của một xã hội văn minh đang bị xem là cấm kỵ ở Việt
Nam như cái Nghị quyết kia đã phơi ra?
Phải
chăng từ tất cả những chuyện oái oăm của đất nước đang phơi bày trước thế giới
mà nhà chính khách đầy kinh nghiệm với bề dày từng trải đã nói về những “nỗ
lực theo kiểu tư bản”… “tại một đất nước hoàn toàn tư bản ngày hôm nay,
không phải cộng sản” nhằm khẳng định rằng “Cộng sản là một lý thuyết
kinh tế, và bạn không thấy một chút hơi thở của chủ nghĩa cộng sản tại Việt Nam”.
Thôi
thì hãy cứ xem như ý kiến của Ngoại trưởng Mỹ là một cảm nhận, hơn nữa, một gợi
ý. Để gì? Để những người trong cuộc thử nghiêm túc nhìn nhận và tỉnh táo phân
tích cái thực trạng của đất nước Việt Nam hôm nay.
Nói là
“nghiêm túc” và “tỉnh táo” vì cần nhớ đến cái phương châm của Bộ trưởng Tuyên
truyền Đức Quốc xã Joseph Goebbels: “Một lời dối trá nếu được lặp
đi lặp lại đủ mức thì nó sẽ trở thành sự thật” đã và đang được
“vận dụng sáng tạo” tại nước này trong suốt nhiều thập kỷ qua. Trong
một nghiên cứu gần đây Vì sao xã hội dễ bị lừa gạt bởi những lời dối
trá của Tom Stafford,bằng một thử nghiệm về “điều
nghe được là thật hay giả” cho thấy kết quả: “những điều dối trá sẽ được
đánh giá ngày càng cao điểm hơn trên thang điểm từ 1 tới 6, và nhiều khả năng
được đánh giá là ‘thật’ nếu được lặp lại đủ lâu”. Vậy là, “Những điều dù
là sự thật hay nguỵ tạo, là phổ biến hay ít phổ biến, cũng trở nên dễ tin hơn nếu
chúng được lặp đi lặp lại nhiều lần”.
Vậy
thì, thử nghĩ xem, chưa cần tính đến những lớp tập huấn quy mô của những phong
trào “học tập, noi gương” tiêu tốn của ngân sách bao nhiêu nghìn tỷ đồng, và
cũng khoan hãy kể về hệ thống truyền thông đại chúng rải mạng khắp cả nước, hãy
chỉ nói riêng về tần suất của những thông tin được phát ra từ cái loa phường,
loa xóm, loa “đội” móc trên cột điện, treo trên thân cây mà từ mờ sáng đến tận
đêm khuya cứ đều đặn mở hết công suất để rót vào tai mọi người những thông tin,
những lời rao giảng “từ trên đưa xuống” hay từ “cấp ủy chỉ thị”,
thì rồi điều gì sẽ xảy ra?
Cho
nên, theo thiển ý của người đang viết bài này, cái mà ông J. Kerry cảm nhận “bạn
không thấy một chút hơi thở của chủ nghĩa cộng sản tại Việt Nam” phải chăng
nên được hiểu rằng, những cái mà các vị trong Hội đồng Lý luận Trung ương, do
ông Nguyễn Phú Trọng từng là Chủ tịch và nay là ông Đinh Thế Huynh, khách mời của
J. Kerry, nói về “chủ nghĩa xã hội” (mà gần đây ít nhắc đến chủ
nghĩa cộng sản) chỉ là một hoang tưởng về ảo ảnh của
một thực thể “tiên thiên bất túc” mà họ “khạc chẳng ra cho,
nuốt chẳng vào” đó thôi.
Nuốt
chẳng vào vì
trong thâm tâm, họ chẳng tin gì vào cái đó. Họ chỉ mượn nó như kiểu Tú Bà “mượn
màu son phấn đánh lừa con đen” mà thôi. Còn khạc chẳng ra vì
họ hiểu rằng, nếu không mượn tạm cái hào quang quá khứ từng là điểm tựa để trấn
an một bộ phận rộng lớn cư dân nông thôn vốn là “đội quân chủ lực của cách mạng
và kháng chiến” nay đang phải sống quá chật vật với chính cái thành quả của
xương máu mình đã đổ ra, thì làm sao họ có thể ngồi yên trên cái ghế quyền lực
đang lung lay. Sự bất an xã hội đang ngày càng trầm trọng không chỉ là hệ lụy
trực tiếp của cuộc chiến tranh kéo quá dài trước đây, mà còn là kết quả trực tiếp
của việc ngoan cố duy trì quá lâu, cho dù là chắp vá, cái mô hình Xô Viết đã sụp
đổ đang được gọi là chủ nghĩa Mác-Lenin kia.
Cho dù
“Màu hồ đã mất đi rồi, Bao nhiêu vốn liếng đi đời nhà ma” thì vẫn cứ phải
duy trì một ảo ảnh từng có sức huyễn hoặc của cái giả được bùa
phép thành cái thật trong một “xã hội dễ bị lừa gạt bởi những
lời dối trá”. Tuy nhiên, vấn đề của vấn đề lại nằm ở chỗ
cái ảo ảnh của sự hoang tưởng này đang được duy trì và khuếch đại lên bởi một
thế lực có thật ở sát nách. Thế lực ấy đang bằng mọi thủ đoạn hà hơi, tiếp sức
cho cái thực thể “tiên thiên bất túc” nhưng lại rất cần cho việc duy trì
một vị thế đia-chính trị chiến lược đã được buộc chặt vào cái thòng lọng
16 chữ vàng oan nghiệt.
Để làm
gì”? Để đẩy tới quyết sách bành trướng của siêu cường hung đồ đang mưu toan độc
chiếm Biển Đông với tham vọng ngông cuồng của quái vật Frankenstein thế kỷ XXI.
Cái chủ nghĩa tư bản đặc sắc Trung Quốc thể hiện rất rõ ở quy luật vận hành
kinh tế tư bản rất quyết liệt bằng tính toàn trị của thể chế chính trị phản dân
chủ của Tập đang tích tụ trong nó nhiều ẩn số đang dần dần hé lộ ra mà e rằng sự
cái “chủ nghĩa tư bản cuồng nhiệt” ở Việt Nam muốn theo đóm ăn tàn cũng
phải chuẩn bị cho mình những đột biến bất ngờ.
Phải
chăng vì thế mà có chuyện J. Kerry mời Đinh Thế Huynh?
Ngày
6.11.2016
T.
L.
__________
* C.
Mác và Ph. Ăngghen, Toàn tập. Tập 20. Hà Nội: Chính trị Quốc gia -
Sự Thật. 1994, tr. 520.
Tác giả
gửi BVN.
Được
đăng bởi bauxitevn vào lúc 08:06
No comments:
Post a Comment