Tuesday, 1 November 2016

NGƯỜI LÁI XE BOM (Nguyễn Đạt Thịnh)




Nguyễn Đạt Thịnh
(VienDongDaily.Com - 31/10/2016)

Đạo quân chỉ gồm có vài trăm anh cảm tử lái xe bom cũng đã đủ để tạo được những tàn phá làm nghiêng cán cân quân sự trên chiến trường Iraq, gây khiếp đảm tinh thần và tổn thất nhân mạng cho quân chính phủ; trong lúc lực lượng chống chánh phủ chỉ mất một tên khủng bố, tình nguyện chết để tạo ra loại thành quả mà một lực lượng quân sự hàng trăm lần lớn hơn, võ trang hàng chục lần mạnh hơn cũng không làm được. Đó là chuyện xảy ra bên Iraq.

Nhưng dĩ nhiên Iraq không độc quyền sử dụng xe bom; Hoa Kỳ cũng có xe bom. Chiếc xe bom Hoa Kỳ gây tàn phá lớn nhất là xe của anh Timothy James McVeigh, 33 tuổi. Anh lái chiếc truck chứa vài tấn thuốc nổ đến đậu gần tòa nhà liên bang Alfred P. Murrah, tại thị xã Oklahoma, thủ đô tiểu bang Oklahoma rồi điều khiển cho bom nổ tung, phá tan tòa nhà và giết chết 168 người, trong số đó có 19 đứa bé chưa quá 6 tuổi.

Ra tòa, lãnh án tử hình, anh thản nhiên nói với truyền thông trong một cuộc phỏng vấn là, “Nếu giết người vô tội là phải xuống hỏa ngục, tôi sẽ xuống đó để gặp vô số phi công quân sự; họ cũng giết nhiều người vô tội để thắng trận.”

Timothy James McVeigh và tòa nhà liên bang bị anh đánh bom.

Vụ phá hoại của McVeigh tuy rất lớn, nhưng vẫn chưa lớn bằng vụ lái xe bom vào phá vỡ cuộc bầu cử tổng thống đang diễn ra tại Hoa Kỳ. Hôm thứ Sáu, 10 tháng 28, 2016, Giám Đốc FBI James Comey thông báo cho một số thành viên Quốc Hội Mỹ biết là ông ta vừa khám phá ra nhiều emails mà bà Hillary Clinton gửi và nhận qua hệ thống điện thư tư (thiếu bảo mật). Khám phá này khiến ông quyết định xin án lệnh tòa để tái điều tra việc bà Hillary sử dụng hệ thống điện thư tư.

Ba tháng trước -tháng Bảy 2016- chính Comey tuyên bố là FBI đã hoàn thành cuộc điều tra về việc bà Hillary sử dụng hệ thống email tư, thiếu bảo mật, và nhận xét là, dù việc Hillary làm có đáng trách, nhưng không đủ nghiêm trọng để truy tố bà ra trước tòa.

Ông cò Comey giải thích lý do khiến ông mở lại một hồ sơ mà chính ông tuyên bố đã giải quyết là: ông tìm được “yếu tố mới.” Yếu tố đó là Anthony Weiner, một cựu dân biểu liên bang đại diện cho Quận 9 New York trong suốt 7 nhiệm kỳ -từ 1999 đến 2011- với thành tích không lần nào đắc cử dưới 59% tổng số phiếu.

Có tài nhưng lại có tật -tật sexting- và tật lớn hơn tài nên Weiner mất chức, mất cả vợ. Sexting là gửi hình ảnh hay lời lẽ thô tục qua cell phone cho một người khác; việc làm này có thể bị truy tố hình sự, nhất là trong những trường hợp có liên hệ đến trẻ vị thành niên. Nhiều người mắc “bệnh” sexting nặng đến mức không bỏ được, dù phải trả giá rất đắt, điển hình là Weiner.

Yếu tố tạo ra liên hệ giữa cựu dân biểu Weiner với ứng cử viên Hillary Clinton là cô Huma Abedin, người phụ tá thân tín của Hillary; Abedin là người vợ đã ly dị cựu dân biểu Weiner. Cò Comey nói ông ta tìm ra là cái computer Weiner dùng để sexting với một thiếu nữ vị thành niên, trong cái computer đó có lẫn email riêng của bà Hillary.

James Comey

Anthony Weiner

Huma Abedin

Cô Abedin nói trong thời gian chung sống với ông chồng cũ, cô có xài chung cái laptop với Weiner. 

Ứng cử viên Donald Trump nói, “Tôi không nói “cảm ơn Weiner,”” cái ơn đã tái tạo sinh khí cho nỗ lực tranh cử của ông.

Bà Clinton đòi Comey nhanh chóng công bố những cái email “yếu tố mới” đó, vì ngày bầu cử mùng 8 tháng 11 đã quá kề cận, một bản “án treo” như vậy sẽ gây ra nhiều thiệt thòi cho bà. Nhiều chính khách và cơ quan truyền thông cũng chỉ trích thái độ của Comey là mang ý đồ chính trị, tạo ảnh hưởng cho cuộc bầu cử.

Nguyên tổng trưởng tư pháp Attorney General Eric Holder ký vào lá thư chung gửi cò Comey, trong đó có đoạn viết, “Đa số những người ký thư này đã có cơ hội làm việc với ông, và kính nể ông; nhưng việc ông vừa làm -công khai tuyên bố tiếp tục điều tra một hồ sơ đã khép lại, vào thời điểm chỉ còn cách ngày bầu cử có 11 ngày- quả là một sự kiện chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử Hoa Kỳ; việc làm đó làm chúng tôi ngạc nhiên và ngỡ ngàng.”

Luật sư Richard Painter, người đặc trách về đạo đức chính trị trong chính phủ Cộng Hòa của Tổng Thống George W. Bush, cũng viết thư khiếu nại về hành động của cò Comey là thiếu đạo đức, đem chính trị vào tổ chức cảnh sát, vốn phải “phi chính trị”; trong lúc Nghị Sĩ trưởng khối thiểu số Dân Chủ Thượng Viện Harry Reid viết thư cho Comey, nêu lên góc cạnh “ông cò phá luật”. Red còn viết, “Ngày đó chính tôi lãnh đạo phong trào đấu tranh đòi Thượng Viện thông qua quyết định của Tổng Thống Barack Obama chỉ định anh làm giám đốc FBI; giờ này tôi đang hối hận là tôi đã sai lầm trong nhận định về anh.”

Ứng cử viên Donald Trump reo mừng, “Vụ này lớn hơn Watergate,” trong lúc biện lý Peter Zeidenberg, nhận định, “Tin do FBI tung ra tạo hoang mang trong quần chúng mà không minh bạch nói thẳng ra là bà Clinton phạm tội gì. Điểm độc của cái tin này là thời điểm quá cận ngày bầu cử. Không ai biết tại sao họ mở lại một hồ sơ đã đóng, cũng không ai biết giá trị của những cái email FBI mới tìm ra.”

Nguyên Bộ Trưởng Tư Pháp Alberto Gonzales, cũng trong chính phủ Cộng Hòa George W. Bush nhận định, “Đôi khi cảnh sát công bố sẽ điều tra về một người nào đó, rồi bỏ qua, vì thấy không có gì đáng điều tra; nhưng chỉ riêng lời tuyên bố sẽ điều tra cũng đủ gây ảnh hưởng tai hại cho cuộc đời người bị hăm sẽ điều tra.”  Nói cách khác, Comey tìm cách gây ảnh hưởng cho cuộc bầu cử 8 tháng 11, 2016. Sau ngày đó, có thể ông sẽ tuyên bố, “FBI đã nghiên cứu giá trị của những điện văn còn lẫn trong computer của Weiner, và thấy không có gì quan trọng.”

Bình luận gia tên tuổi Paul Krugman, viết, “Comey tìm cách đảo ngược cuộc bầu cử; câu chuyện chỉ vắn tắt như vậy thôi.” Mạng Politicus USA đòi Tổng Thống Obama cất chức Comey vào ngày 9 tháng 11, 2016 -một ngày sau ngày bầu cử- vì “giám đốc FBI Comey đã vi phạm đặc tính thiêng liêng của cảnh sát là không làm chính trị. Việc Comey làm chính trị đã quá rõ, và sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng.”

Comey là đảng viên Cộng Hòa, được Obama tin tưởng là một nhân sĩ đứng đắn; giờ này ông tổng thống sắp mãn nhiệm chỉ còn có nước lập lại câu nói của Nghị Sĩ Harry Reid, “Ngày đó chính tôi chỉ định anh làm giám đốc FBI; giờ này tôi đang hối hận là tôi đã sai lầm trong nhận định về tư cách của anh.”

Câu hỏi cần đặt ra là, “Người lái xe bom Comey có tan xác như những anh Iraq lái xe bom không? Có xuống hỏa ngục gặp người lái xe bom Timothy James McVeigh không? Hay ông sẽ cùng chung hưởng vinh hoa, phú quý với tân tổng thống Donald Trump?”

Sáng thứ Hai 31 tháng Mười, 2016, AOL.com Editors loan tin chỉ trong hai ngày mới rồi điểm của Trump đã lại leo thang trở lên và có hy vọng tranh đua với Hillary; đang từ 49%, điểm ủng hộ Hillary tụt xuống còn 47.6%, trong lúc Trump từ 41.4% lên 43.3%. Còn người Mỹ nào dám khoe là cảnh sát Mỹ đứng ngoài chính trị đảng phái nữa không?






No comments:

Post a Comment

View My Stats