Sunday 13 November 2016

MỸ CHỐNG LẠI THẾ GIỚI ? TRUMP & TRẬT TỰ TOÀN CẦU MỚI (Francis Fukuyama - Financial Times)




Francis Fukuyama  -  Financial Times
Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Posted on 14/11/2016

Chiến thắng đầy bất ngờ trong cuộc bầu cử vừa qua của Donald Trump trước Hillary Clinton đánh dấu một bước ngoặt không chỉ với nền chính trị Mỹ, mà còn với toàn bộ trật tự thế giới. Chúng ta có vẻ sắp bước vào một kỷ nguyên mới của chủ nghĩa dân tộc dân túy, trong đó trật tự tự do vốn chiếm thế áp đảo được xây dựng từ những năm 1950 sẽ bị tấn công bởi những nhóm đa số dân chủ giận dữ và mạnh mẽ. Nguy cơ rơi vào một thế giới của các loại chủ nghĩa dân tộc đều giận dữ và cạnh tranh lẫn nhau là rất lớn, và nếu xảy ra thì điều này sẽ đánh dấu một thời điểm quan trọng tương tự sự sụp đổ của Bức tường Berlin năm 1989.

Cách thức chiến thắng của Trump đã cho thấy cơ sở xã hội của phong trào mà ông huy động. Nhìn vào bản đồ bầu cử ta thấy sự ủng hộ dành cho Clinton tập trung về mặt địa lý ở các thành phố duyên hải, trong khi những vùng nông thôn và thị trấn nhỏ của Mỹ thì bỏ phiếu dày đặc cho Trump. Những thay đổi đáng ngạc nhiên nhất là việc ông lật được tình thế ở Pennsylvania, Michigan và Wisconsin, ba tiểu bang công nghiệp miền Bắc vốn trung thành với Đảng Dân chủ trong các kỳ bầu cử gần đây đến mức Clinton còn không bận tâm đến việc vận động ở Wisconsin. Ông thắng cử bằng cách lấy lòng giới công nhân trong các nghiệp đoàn bị ảnh hưởng bởi quá trình phi công nghiệp hóa, hứa hẹn “làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” bằng cách khôi phục những công việc sản xuất đã mất của họ.

Chúng ta đã thấy câu chuyện này trước đây. Đây là câu chuyện của Brexit, nơi các lá phiếu ủng hộ rời EU cũng tập trung ở khu vực nông thôn và các thị trấn và thành phố nhỏ bên ngoài London. Nó cũng đúng ở Pháp, nơi các cử tri thuộc tầng lớp lao động có thế hệ cha mẹ và ông bà từng bỏ phiếu cho Đảng Cộng sản hoặc Đảng Xã hội nay lại đang bỏ phiếu cho Đảng Mặt trận Quốc gia của Marine Le Pen.

Nhưng chủ nghĩa dân tộc dân túy là một hiện tượng rộng hơn thế rất nhiều. Vladimir Putin vẫn không được các cử tri có học vấn cao hơn ở các thành phố lớn như St. Petersburg và Moskva ủng hộ, nhưng lại có một cơ sở ủng hộ rất lớn ở những vùng còn lại của đất nước. Điều này cũng đúng với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan, người có một cơ sở ủng hộ nhiệt tình trong tầng lớp hạ trung lưu bảo thủ của đất nước, hoặc với Thủ tướng Hungary Viktor Orbán, người được ủng hộ ở mọi nơi trừ Budapest.

Giai tầng xã hội của mỗi người, ngày nay được định nghĩa bởi mức độ giáo dục của người đó, có vẻ đã trở thành đường đứt gãy xã hội quan trọng nhất trong rất nhiều nước công nghiệp hóa và thị trường mới nổi. Đến lượt mình, điều này được thúc đẩy trực tiếp bởi toàn cầu hóa và sự phát triển của công nghệ, vốn được tạo điều kiện bởi trật tự thế giới tự do chủ yếu do Mỹ tạo ra kể từ năm 1945.

Khi nói về một trật tự thế giới tự do, chúng ta nói về hệ thống thương mại và đầu tư quốc tế dựa trên luật lệ đã thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu trong những năm gần đây. Đây là hệ thống cho phép iPhone được lắp ráp ở Trung Quốc và chuyển đến khách hàng ở Mỹ hoặc châu Âu trong tuần trước Giáng sinh. Nó cũng tạo điều kiện cho hàng triệu người di cư từ các nước nghèo hơn sang các nước giàu hơn, nơi họ có thể tìm được những cơ hội lớn hơn cho mình và con cái. Hệ thống này đã vận hành như được quảng cáo: từ năm 1970 đến cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ năm 2008, sản lượng hàng hóa và dịch vụ toàn cầu đã tăng gấp bốn lần, đưa hàng triệu người thoát cảnh đói nghèo, không chỉ ở Trung Quốc và Ấn Độ mà còn ở châu Mỹ Latinh và châu Phi hạ Sahara.

Nhưng như mọi người đau đớn nhận ra hiện nay, những lợi ích của hệ thống này không chảy xuống toàn bộ dân số. Các tầng lớp lao động ở thế giới phát triển mất việc làm khi các công ty thuê ngoài và nâng cao tính hiệu quả để phản ứng lại một thị trường toàn cầu cạnh tranh một cách tàn nhẫn.

Cuộc khủng hoảng cho vay dưới chuẩn ở Mỹ năm 2008 và cuộc khủng hoảng đồng euro ở châu Âu mấy năm sau đó đã làm trầm trọng thêm câu chuyện dài kỳ này. Trong cả hai trường hợp, các hệ thống được thiết kế bởi giới tinh hoa – tự do hóa thị trường tài chính ở Hoa Kỳ, và các chính sách châu Âu như đồng euro và hệ thống di cư nội địa Schengen – đã đột ngột sụp đổ khi phải đối mặt với những cú sốc bên ngoài. Cái giá của những thất bại này một lần nữa đặt nhiều gánh nặng lên giới công nhân bình thường hơn lên giới tinh hoa. Do đó, câu hỏi thực sự không phải là tại sao chủ nghĩa dân túy lại nổi lên vào năm 2016, mà là tại sao mất quá lâu để nó thể hiện ra bên ngoài như vậy.

Ở Mỹ, có một thất bại chính trị là hệ thống không đại diện đầy đủ cho tầng lớp lao động truyền thống. Đảng Cộng hòa bị chi phối bởi những doanh nghiệp Mỹ và các đồng minh vốn được hưởng lợi hậu hĩnh từ toàn cầu hóa, trong khi Đảng Dân chủ ngày càng trở thành đảng của chính trị bản sắc: một liên minh của phụ nữ, người Mỹ gốc Phi, người Mỹ gốc Tây Ban Nha, các nhà môi trường chủ nghĩa, và cộng đồng LGBT, mà mất tập trung vào các vấn đề kinh tế.

Thất bại của cánh tả Mỹ trong việc đại diện cho tầng lớp lao động được phản ánh trong những thất bại tương tự trên khắp châu Âu. Nền dân chủ xã hội châu Âu đã chấp nhận toàn cầu hóa cách đây vài thập niên, dưới hình thức chủ nghĩa trung dung kiểu Tony Blair hoặc hình thức chủ nghĩa cải cách tân tự do mà các nhà dân chủ xã hội dưới thời Gerhard Schröder thiết kế trong những năm 2000.

Nhưng thất bại rộng hơn của cánh tả cũng chính là thất bại trong giai đoạn trước năm 1914 và Thế chiến I khi, mượn cách dùng từ của triết gia người Anh gốc Séc Ernest Gellner, một lá thư gửi đến hộp thư “giai cấp” bị gửi nhầm đến hộp thư “dân tộc.” Dân tộc gần như luôn hơn hẳn giai cấp vì nó có khả năng khai thác một nguồn bản sắc đầy sức mạnh, đó là mong muốn được gắn kết với một cộng đồng văn hóa hữu cơ. Sự mong mỏi về bản sắc này đang nổi lên dưới hình thức phong trào alt-right ở Mỹ, một tập hợp các nhóm từng bị ruồng bỏ vốn tán thành chủ nghĩa dân tộc da trắng dưới hình thức này hay hình thức khác. Nhưng ngay cả khi không có những phần tử cực đoan này thì nhiều công dân Mỹ bình thường cũng bắt đầu tự hỏi tại sao cộng đồng của họ đầy rẫy người nhập cư, và ai đã cho phép một hệ thống ngôn ngữ “đúng đắn về mặt chính trị” mà qua đó người ta thậm chí còn không thể phàn nàn về vấn đề này. Đây là lý do tại sao Donald Trump cũng nhận được một lượng lớn phiếu bầu từ các cử tri có giáo dục hơn và khá giả hơn, những người không phải nạn nhân của toàn cầu hóa nhưng vẫn cảm thấy đất nước đang bị tước đoạt khỏi họ. Không cần phải nói, động lực này cũng nằm dưới lá phiếu Brexit.

Vậy đâu sẽ là những hệ quả cụ thể từ chiến thắng của Trump đối với hệ thống quốc tế?

Trái với những người chỉ trích ông, Trump có một lập trường nhất quán và thấu đáo: ông là một nhà dân tộc chủ nghĩa về chính sách kinh tế, và đối với hệ thống chính trị toàn cầu. Ông đã tuyên bố rõ ràng rằng ông sẽ tìm cách đàm phán lại những hiệp định thương mại hiện có như NAFTA và có lẽ cả WTO, và nếu không đạt được những gì mình muốn thì ông sẵn sàng nghĩ đến việc rút khỏi chúng. Và ông đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với các nhà lãnh đạo “mạnh” (chuyên quyền) như Putin của Nga, người dù sao cũng đạt được kết quả thông qua hành động quyết đoán. Vì vậy ông cũng ít hứng thú với những đồng minh truyền thống của Mỹ như các đồng minh trong NATO, hoặc Nhật Bản và Hàn Quốc, các nước mà ông cáo buộc là ngồi không hưởng lợi trên sức mạnh của Mỹ. Điều này cho thấy sự ủng hộ của Mỹ dành cho các nước này cũng sẽ phụ thuộc vào việc đàm phán lại các thỏa thuận chia sẻ chi phí hiện hành.

Khó mà hạ thấp được sự nguy hiểm của những lập trường này đối với cả nền kinh tế toàn cầu lẫn hệ thống an ninh toàn cầu. Thế giới ngày nay tràn ngập chủ nghĩa dân tộc kinh tế. Trong lịch sử, chế độ thương mại và đầu tư mở phụ thuộc vào sức mạnh bá quyền của Mỹ nếu muốn tồn tại. Nếu Mỹ bắt đầu đơn phương hành động để thay đổi những điều khoản hợp đồng thì nhiều chủ thể quyền lực trên thế giới sẽ sẵn sàng trả đũa, và gây ra một vòng xoáy kinh tế đi xuống gợi lại những năm 1930.

Sự nguy hiểm đối với hệ thống an ninh quốc tế cũng lớn không kém. Nga và Trung Quốc đã nổi lên trong những thập niên qua như những cường quốc chuyên chế hàng đầu, và cả hai đều có tham vọng lãnh thổ. Lập trường của Trump về Nga đặc biệt đáng lo ngại: ông chưa bao giờ nói lời nào phê bình Putin, và từng có ý cho rằng việc Putin sáp nhập Crimea có lẽ là hợp lý. Với sự thiếu hiểu biết nói chung về hầu hết các khía cạnh của chính sách đối ngoại, quan điểm riêng biệt nhất quán của Trump về Nga cho thấy Putin có ảnh hưởng ngầm nào đó đối với ông, có lẽ dưới hình thức những khoản nợ từ các chủ nợ người Nga vốn giúp duy trì đế chế kinh doanh của ông. Những nạn nhân đầu tiên của bất kỳ nỗ lực kiểu Trump nào nhằm “quan hệ tốt hơn” với Nga sẽ là Ukraine và Gruzia, hai nước dựa vào sự hỗ trợ của Mỹ để duy trì sự độc lập của mình trong vai trò những nền dân chủ đang đấu tranh để tồn tại.

Nói rộng hơn, nhiệm kỳ tổng thống của Trump sẽ báo hiệu sự kết thúc của một kỷ nguyên trong đó Mỹ là hiện thân của dân chủ đối với người dân sống dưới những chính quyền chuyên chế suy đồi trên thế giới. Ảnh hưởng của Mỹ luôn dựa vào “sức mạnh mềm” nhiều hơn dựa vào các cuộc triển khai sức mạnh cứng sai lầm như cuộc xâm lược Iraq. Lựa chọn của nước Mỹ hôm thứ Ba vừa rồi thể hiện một sự chuyển dịch từ phe quốc tế chủ nghĩa tự do sang phe dân tộc chủ nghĩa dân túy. Không phải ngẫu nhiên mà Trump được Nigel Farage của Đảng Độc lập Anh Quốc (UKIP) ở Anh ủng hộ mạnh mẽ, và một trong những người đầu tiên chúc mừng ông là Marine Le Pen của Đảng Mặt trận Quốc gia Pháp.

Trong năm qua, một liên minh quốc tế dân túy-dân tộc chủ nghĩa mới đã xuất hiện, qua đó các nhóm có cùng tư tưởng chia sẻ thông tin và sự hỗ trợ nhau xuyên biên giới. Nước Nga của Putin là một trong những người đóng góp nhiệt tình nhất cho lý tưởng này, không phải vì Nga quan tâm đến bản sắc dân tộc của các dân tộc khác, mà đơn giản chỉ để gây rối loạn. Cuộc chiến tranh thông tin mà Nga tiến hành thông qua việc tấn công vào thư điện tử của Ủy ban Quốc gia Dân chủ đã có tác động xói mòn vô cùng lớn đối với các thể chế Mỹ, và chúng ta có thể cho rằng điều này sẽ còn tiếp diễn.

Vẫn còn nhiều bất ổn lớn nữa đối với nước Mỹ mới này. Mặc dù về bản chất là một nhà dân tộc chủ nghĩa nhất quán, Trump cũng mang chất toan tính kinh doanh rất đậm. Ông sẽ làm gì khi phát hiện ra các nước khác sẽ không đàm phán lại các hiệp ước thương mại hoặc những dàn xếp đồng minh hiện có theo những điều khoản của mình? Ông sẽ chấp nhận thỏa thuận tốt nhất mà ông có thể đạt được, hay chỉ đơn giản là bỏ đi? Hiện đã có rất nhiều thảo luận về sự nguy hiểm của ngón tay ông trên nút bấm hạt nhân, nhưng tôi có cảm giác về bản chất ông giống một người theo chủ nghĩa biệt lập hơn là một người nóng lòng sử dụng lực lượng quân sự trên thế giới. Khi đối mặt với thực tế phải đối phó với cuộc nội chiến Syria, có thể rốt cuộc ông sẽ nhặt một trang trong cuốn sổ tay chính sách của Obama và chỉ đơn giản là tiếp tục đứng ngoài cuộc chơi.

Đây là lúc mà tính cách cá nhân sẽ đóng vai trò. Giống như nhiều người Mỹ khác, tôi thấy khó nghĩ ra được một nhân cách nào ít phù hợp để làm lãnh đạo thế giới tự do hơn Trump. Điều này xuất phát một phần từ những lập trường chính sách thực chất của ông, cũng như từ sự phù phiếm đến cực đoan và sự nhạy cảm của ông đối với thái độ xem thường của người khác. Tuần trước, khi đứng trên sân khấu cùng những người được trao Huân chương Danh dự, ông buột miệng nói mình quá dũng cảm, “dũng cảm về mặt tài chính.” Ông đã khẳng định ông muốn trả đũa mọi đối thủ và những người chỉ trích mình. Khi đối mặt với các nhà lãnh đạo thế giới khác xem thường ông, ông sẽ phản ứng như một ông trùm mafia bị thách thức, hay như một doanh nhân đậm chất thực dụng kinh doanh?

Ngày nay, thách thức lớn nhất đối với nền dân chủ tự do không hẳn đến từ các cường quốc chuyên chế công khai như Trung Quốc, mà đến từ bên trong. Ở Mỹ, Anh, châu Âu, và một loạt các nước khác, phần dân chủ của hệ thống chính trị đang nổi dậy chống lại phần tự do, và đe dọa sử dụng tính chính danh rõ ràng của nó để phá bỏ những quy tắc vốn ràng buộc hành vi, làm mỏ neo cho một thế giới mở và khoan dung. Giới tinh hoa tự do tạo ra hệ thống cần lắng nghe những tiếng nói giận dữ ngoài cổng và nghĩ về công bằng xã hội và bản sắc như những vấn đề quan trọng nhất mà họ cần giải quyết. Không cách này thì cách khác, chúng ta sẽ lâm vào một giai đoạn khó khăn trong vài năm tới.

Francis Fukuyama là nghiên cứu viên cao cấp tại Đại học Stanford và giám đốc Trung tâm Dân chủ, Phát triển, và Pháp quyền tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli. Cuốn sách mới nhất của ông là Political Order and Political Decay: From the Industrial Revolution to the Globalization of Democracy (Farrar, Straus and Giroux, 2014).

Nguồn: 
Francis Fukuyama, “US against the world? Trump’s America and the new global order,” Financial Times, 11/11/2016.

*




No comments:

Post a Comment

View My Stats