Saturday, 19 November 2016

KỊCH BẢN CHỈ MỚI BẮT ĐẦU (Lữ Giang)




Được đăng ngày Thứ sáu, 18 Tháng 11 2016 04:40

Sau khi đắc cử tổng thống, ngày 13/11/2016 ông Donald Trump vẫn còn lên Twitter "đối thoại" với báo New York Times, một tờ báo lớn nhất của Mỹ. Twitter là một mạng lưới xã hội ở đó mọi người có thể "líu lo", nhưng không được viết quá 140 chữ. Ông Trump viết :
"Wow, @nytimes đang mất hàng ngàn người đã ghi danh vì đưa tin rất nghèo nàn và rất không chính xác về ‘hiện tượng Trump’".

Ứng cử viên Donald Trump lúc đang vận động tranh cử - Ảnh minh họa

Hiện nay, Trump vẫn còn dùng Twitter để "đối thoại" hàng ngày, không đúng tư cách của một Tổng thống.

Trong lá thư gởi cho độc giả, ông Arthur Sulzberger, chủ nhiệm báo New York Times, đã nói:

"Chúng ta hãy dừng lại một chút để suy ngẫm về những chỉ dẫn nổi tiếng mà Adolph S. Ochs đã để lại cho chúng ta: cung cấp tin tức mà không hề sợ hãi hay thiên vị. Khi Donald Trump bắt đầu chuẩn bị cho chính quyền mới của ông ấy, những lời đó lại càng quan trọng hơn hết".

Adolph S. Ochs (1858 - 1935) là người sáng lập báo New York Times. Ông đã từng nói : Một mục tiêu thanh lịch và đầy cảm hứng - ''cung cấp các tin tức một cách vô tư, không sợ hãi hay thiên vị (without fear or favor), không phân biệt đảng phái, giáo phái, hay các lợi ích liên quan.

Xem ra ở Mỹ và trên thế giới chẳng ai sợ Trump cả, nhiều người còn coi ông chỉ một tên hề đang diễn kịch trên sân khấu.

Môt thảm kịch của Hoa Kỳ ?

Trong khi một số người reo hò điên cuồng khi nghe tin Donald Trump thắng cử, trong một bài dưới đầu đề "Một thảm kịch của Hoa Kỳ" (Amerian Tragedy) đăng trên tờ The New Yorker hôm 9/11/2016, bình luận gia David Remnick đã viết :

"Việc Donald Trump đắc cử Tổng thống không khác gì một bi kịch đối với nền cộng hòa Mỹ, một bi kịch đối với Hiến pháp Mỹ, và một sự chiến thắng đối với các quyền lực, tại trong nước và hải ngoại, của chủ nghĩa bản địa bài ngoại, chủ nghĩa chuyên chế, sự kỳ thị nữ giới, và phân biệt chủng tộc. Chiến thắng chấn động của Trump, việc ông leo lên ghế Tổng thống, là một sự kiện đáng thất vọng trong lịch sử nước Mỹ và nền dân chủ tự do".

Còn thế giới nghĩ gì về sự thắng cử của Donald Trump ? Trang nhà RFI của Pháp ngày 9/11/2016, dưới đầu đề "Trump đắc cử, thế giới trở nên vô định" đã viết như sau :

"Nếu như việc cử tri Anh Quốc bỏ phiếu thuận cho Brexit đã là một trận động đất đối với Liên Hiệp Châu Âu, thì việc nhà tỷ phú Donald Trump đắc cử tổng thống là một trận động đất chính trị còn dữ dội hơn đối với toàn cầu, vì nó đưa Hoa Kỳ và cả thế giới vào một thời kỳ vô định".

Kể từ khi Donald Trump thắng cử đến nay, những bài viết như thế này tràn ngập trên báo chí Mỹ và thế giới. Trong khi đó, các cuộc biểu tình nổi lên khắp nơi trên nước Mỹ với những khẩu hiệu như "Not my President !", "Trump makes America hate", "Impeach Trump", "Donald Trump’s a piece of s**** ; he is not my President"… Đây là chuyện chưa từng xảy ra trên đất Mỹ sau các cuộc bầu cử tổng thống.

Các cuộc biểu tình nổi lên khắp nơi trên nước Mỹ với những khẩu hiệu như "Not my President !" - Ảnh minh họa

Bản tin của AP ngày 12/11/2016 đã đặt vấn đề : Trong chuyến công du cuối cùng, Obama phải tìm cách giải thích về Trump như thế nào ?

Tờ USA Today lại công bố một tài liệu cho thấy trước khi được bầu làm tổng thống, Donald Trump có trên 4.095 vụ kiện (lawsuites), 1.863 vụ liên quan đến các sòng bài, 622 vụ về bất động sản, 190 vụ về thuế, 150 vụ khai phá sản (bankruptcy)… Các công ty của ông cũng phải đối phó với 75 vụ kiện về lừa đảo, không trả tiền, tranh chấp hợp đồng, phân biệt giới tính… Chúng tôi sẽ nói về các vụ kiện này trong một bài khác.

Với một số lượng vụ kiện khổng lồ như vậy, chúng ta có thể thấy Trump đã kinh doanh bằng tiểu xảo và đang trở thành một tổng thống có nhiều vụ tranh tụng vô tiền khoáng hậu. Nên nhớ, các vụ kiện xảy ra trước ngày nhận chức tổng thống đều không được đặc quyền tài phán.

Trong cuộc vận động tranh cử vừa qua, chúng ta cũng nhận thấy ông đã xử dụng rất nhiều tiểu xảo. Phải chăng ông nghĩ rằng khi lãnh đạo chính quyền ông cũng có dùng tiểu xảo để thành công như khi kinh doanh ?

Nước Mỹ rồi sẽ ra sao ?

Trong bài "Donald Trump là người quyền lực nhất trên thế giới - đây là 2 kịch bản để xem ông ta theo cách nào" đăng trên tạp chí Business Insider, bình luận gia Mathias Döpfner đã đưa ra hai kịch bản mà Donald Trump sẽ chọn khi lãnh đạo nước Mỹ và thế giới. Chúng tôi xin tóm lược như sau.

Kịch bản lạc quan nhất :
Mọi thứ sẽ tốt hơn với những gì mọi người tưởng tượng. Tổng thống Trump sẽ tôn trọng các cộng sự ở văn phòng của mình. Ông sẽ tận dụng tối đa nguồn nhân lực, vật lực sẵn có, kinh nghiệm của các cố vấn tài năng và sự nhạy bén của những người ủng hộ mình.

Kinh tế Mỹ sẽ khởi sắc, chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ trở nên cứng rắn nhưng lại không thể đoán định, các mối quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương vẫn sẽ giữ được duy trì. Quan trọng hơn cả, Mỹ vẫn sẽ là cường quốc khiến tất cả phải dè chừng và tôn trọng.

Kịch bản tồi tệ hơn :
Với tính cách có phần tự mãn và đề cao cái tôi bản thân, Donald Trump sẽ bỏ ngoài tai những gì mà ông cho là trái ý mình. Nhưng nguy cơ lớn nhất phải kể đến là việc Donald Trump sẽ không quá quan tâm đến các quy định pháp luật. Những quyết sách sẽ được ông đưa ra dựa trên cảm tính trước tiên, rồi sau đó mới đến quyền và luật pháp.

Ông ta sẽ coi việc lãnh đạo đất nước như lãnh đạo doanh nghiệp của ông ta. Vì không biết gì về tình hình quốc tế, ông ta sẽ mắc kẹt trong các vấn đề lớn như cuộc chiến chống IS, các vấn đề địa chính trị của Nga, Trung Quốc, cuộc khủng hoảng nợ, sự yếu kém và hỗn loạn của Liên minh châu Âu, v.v.

Có chiều hướng cho thấy ông ta sẽ đi theo kịch bản thứ hai. Một thí dự cụ thể : mặc dầu đã được nhắc nhở và khuyến cáo rất nhiều lần, nhưng bệnh thì chửa được chứ tật thì không. Trong cuộc phỏng vấn của CBS vào sáng Chúa Nhật 13/11/2016, vì không có ý niệm gì về luật pháp, ông đã phang ngay :

"Những gì chúng ta đang làm, như bắt những tội phạm và những người có hồ sơ tội phạm, những người tham gia băng đảng, buôn bán ma túy tại những nơi mà họ hoạt động, có lẽ hai triệu - có thể thậm chí ba triệu - là sẽ tống cổ chúng ra khỏi lành thổ hoặc sẽ bắt giam chúng. Được như vậy, chúng sẽ bị tống cổ ra khỏi nước, vì sự hiện diện của chúng trong quốc gia này là bất hợp pháp".

Đây là việc ông không thể làm được, vì luật nào cho phép ông bắt và tống xuất và tống xuất đi đâu, quốc gia nào sẽ nhận những thành phần tệ đoan đó ? Thống kê cho biết số người nhập cư trái phép có tiền sử phạm tội ở Mỹ là khoảng 820.000 người. Ông Trump lấy con số 2 hay 3 triệu ở đâu ra ?

Ông Paul D. Ryan phải vội chửa cháy :

"Đó không phải là mục tiêu của chúng tôi.Chúng tôi không có kế hoạch thành lập một lực lượng trục xuất. Donald Trump không có kế hoạch đó. Tôi nghĩ chúng ta phải làm cho mọi người cảm thấy thoải mái...".

Còn Ông Garcetti, Thị trưởng Los Angeles nói thẳng :

"Nếu trong ngày đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống mà chúng tôi nhận thấy có sự thù nghịch đối với người dân, đối với thành phố chúng tôi, gây tệ hại đối với nền kinh tế và sự an ninh của chúng tôi, chúng tôi sẽ lên tiếng và có hành động thích ứng".

Đọc kế hoạch 100 ngày của ông ta, chúng tôi cảm tưởng như ông ta đang làm Tổng thống Bolsa, ở đó chẳng có luật pháp gì, chỉ có nón cối và nói miệng tao là luật. Ai nói hay làm khác ta hoặc có thể tranh giành chỗ đứng của ta đều là tay sai cộng sản hay đặc công cộng sản nằm vùng. Donald Trump đang muốn lãnh đạo nước Mỹ giống như thế.

Nước Mỹ có những chính sách, những chiến lược hay chiến thuật căn bản, có khi ngắn hạn, có khi dài hạn… Nếu mỗi người lên làm tổng thống muốn làm gì thì làm, nước Mỹ đã sụp đổ từ lâu rồi. Nhưng nước Mỹ hiện nay được các chuyên gia điều khiển, nên ông Trump không thể phá đổ nó được. Không có gì phải lo.

Hành tinh này cần được cứu rỗi

Chúng tôi xin đăng lại dưới đây một số đoạn chính trong lá thư mà tờ New York Times, số phát hành ngày 16/11/2016, đã gợi ý chúng ta phải làm gì.

"Chúng ta có thể hy vọng ông sẽ rũ bỏ hình ảnh trong suốt quá trình tranh cử để lột xác thành lãnh đạo của cả một đất nước. Chúng ta phải hy vọng nhưng cũng không thể bỏ qua - sẵn sàng hỗ trợ ông, nhưng không thể phủi tay cho qua những lời nói và hành động đáng xấu hổ của ông, những lời hứa mà ông có thể không giữ, những lời bịa đặt mà ông dựng lên và nhắc đi nhắc lại để giành thắng lợi trong cuộc bầu cử này.
Đây là một bối cảnh khá lạ lẫm và sẽ gây phiền muộn cho người dân nước Mỹ - khi vừa phải thừa nhận những mối hiểm họa từ việc Tổng thống của mình là một người hành động nóng vội và thiếu kinh nghiệm, lại vừa phải tôn trọng ông với tư cách một người lãnh đạo. Nhưng chúng ta không thể đầu hàng nỗi sợ hay chán chường. Có quá nhiều điều cần phải làm.
Hành tinh này cần được cứu rỗi. Trái đất đang lâm nguy vì biến đổi khí hậu, dù những người phủ nhận điều đó có nói thế nào đi chăng nữa…".

Tờ báo kết luận :

"Những dòng cuối cùng trong thư này xin được nhường lời cho bà Clinton, lời nhắn gửi của bà tới những cử tri trẻ tuổi ủng hộ bà và những giá trị mà bà đại diện :
"Thất bại này thật đau đớn, nhưng xin các bạn đừng bao giờ đánh mất niềm tin vào việc phải chiến đấu đến cùng vì lẽ phải. Chúng tôi cần các bạn để tiếp tục đấu tranh, ngay lúc này, và trong suốt cuộc đời các bạn".

Kịch bản trên đây chỉ mới bắt đầu. Que sera sera ! Việc gì phải đến rồi sẽ đến.

Ngày 17/11/2016
Lữ Giang




No comments:

Post a Comment

View My Stats