Thursday, 17 November 2016

GIẢI PHẪU TRÒ CHƠI QUYỀN LỰC MỸ (Nguyễn Quang Duy)




Nguyễn Quang Dy
Viet Studies  17-11-2016

Sau hơn một tuần, những sai lầm và thất bại có tính hệ thống trong trò chơi quyền lực Mỹ (qua vở kịch tranh cử tổng thống) đã được giải phẫu, làm rõ. Nhưng cái giá phải trả thì chưa thể lường hết được. Tương lai của nước Mỹ (và cả thế giới) vẫn bất định như một ẩn số. Đối với một siêu cường, những sai lầm và thất bại này cũng “vô hạn” (infinite) như sự vô minh của con người (mà Einstein đã nói cách đây hơn một thế kỷ).

Sai lầm và thất bại trong trò chơi này (như “games of thrones”) không chỉ to lớn mà còn toàn diện. Không chỉ các chính khách và chiến lược gia, mà các nhà nghiên cứu và nhà báo cũng sai. Báo Newsweek tuần đó đã in sẵn một bài đưa tin bà Clinton thắng cử. Nhưng Donald Trump đã đánh bại cơ chế quyền lực (power structure) của đảng Dân Chủ (cũng như Cộng Hòa). Đến lúc họ phải cải tổ lại hệ thống (như đại tu một cỗ máy đã hỏng).

Số đông cử tri Mỹ ủng hộ Donald Trump vì họ phản kháng cơ chế quyền lực và hy vọng ông ấy sẽ thay đổi, nên họ sẵn sàng bỏ qua những khuyết tật của ông ấy. Vì vậy, ông Trump đã biến điều không thể thành có thể trong khi bà Clinton thất bại. Những người ủng hộ bà Clinton dù có than khóc vì thất vọng hay xuống đường biểu tình vì bức xúc thì đã quá muộn. Hệ quả phong trào Trumpism (cũng như Brexit) rất sâu rộng, khó lường, vì nó là chủ nghĩa dân tộc cả về kinh tế lẫn văn hóa (economic and white nationalism). 

Khủng hoảng cơ chế quyền lực

Trong tác phẩm “Tại sao Quốc gia Thất bại” (Why Nations Fail, Daron Acemoglu & James Robinson, Crown, 2013), tác giả lập luận rằng các thể chế quy nạp (inclusive) vững bền hơn, vì cởi mở và kiểm soát được quyền lực, nên không bị “bắt cóc” (hịjacked). Trước ngày bầu cử, Acemoglu đã vạch ra những lỗ hổng lớn của hệ thống. Thứ nhất, qua mấy thập niên toàn cầu hóa đa số dân Mỹ đã bị gạt ra lề (failure of omission). Thứ hai, khi khủng hoảng, chính quyền chỉ cứu các đại gia, chứ không để ý đến người dân (failure of commission). Thứ ba, trong quá trình tranh cử, đảng Cộng Hòa đã đầu hàng Donald Trump, đại diện cho phong trào bị đầu độc bởi thế lực “dân túy cánh hữu” (right-wing populist movement). (“American Democracy is Dying…”, Daron Acemoglu, Foreign Policy, November 7, 2016).

Do đó, những giá trị cốt lõi của nền dân chủ Mỹ đang bị thách thức, và nền móng của thể chế chính trị đang bị rạn nứt và đổ vỡ. Để cứu vãn nền dân chủ, không phải chỉ thông qua bầu cử, mà thực tế ngày Thứ Ba định mệnh (9/11) đã làm cho hố ngăn cách về giai cấp và văn hóa của xã hội Mỹ càng trầm trọng hơn. Nói cách khác, đó là “cuộc nổi dậy” của người dân Mỹ chống lại giới cầm quyền (establishment), và đòi thay đổi triệt để. Để thay đổi, họ không trông chờ vào cơ chế quyền lực (mainstream), mà dùng lá phiếu của mình bầu cho một người bên ngoài hệ thống (fringe) lên cầm quyền. Theo giáo sư Gary Hamel (“The Future of Management”, Harvard Business School Press, September 2007), mọi thay đổi triệt để cho tương lai đều bắt nguồn từ ngoại vi (“The future happens on the fringe”).

Những cử tri ủng hộ Donald Trump đã gửi một thông điệp cho cơ chế quyền lực của đảng Dân Chủ luôn coi mình là “chuẩn mực về chính trị” (politically-correct liberal elites). Họ không có điều kiện phát biểu chính kiến của mình, vì lo sợ bị bịt miệng (fear of being shut down) hoặc không ai lắng nghe họ, nên họ phải chờ đến ngày bầu cử để phát biểu bằng lá phiếu. Có lẽ vì vậy mà hầu hết các kết quả thăm dò dư luận đều đoán sai.

Kết quả là cơ chế quyền lực đã bị thua, do đã xa rời cuộc sống của người dân Mỹ. Nó phản ánh không chỉ tâm trạng bức xúc, bất an, mà là thái độ phản kháng cơ chế quyền lực, vì khủng hoảng lòng tin. Ông Trump thắng vì đã bắt mạch đúng tâm trạng của người dân, và lợi dụng được làn sóng bất bình của họ bằng khẩu hiệu dân túy, tuy thô thiển nhưng hiệu quả. Như một tay chơi poker sành sỏi, ông Trump tuy phát biểu văng mạng, nhưng lại biết giấu kín bài, làm cho đối phương bất ngờ (trong khi bà Clinton để lộ thiên cơ).  

Hầu hết giới lãnh đạo đảng Dân Chủ (như Tổng thống Obama) đã ủng hộ bà Clinton, vì quyền lợi của họ gắn với nhau. Nhưng đáng tiếc là họ lại vô cảm trước những dấu hiệu bức xúc và bất bình của đa số cử tri bị thua thiệt, muốn thay đổi. Ngay Tổng thống Obama cũng đã xa rời họ, và gắn bó với giới quyền quý có tiếng tăm ở miền Đông (Ivy League East Coast cerebral elitist). Ông thích xuất hiện cùng những người nổi tiếng, đọc những bài diễn văn hùng biện. Một người hùng từng kêu gọi thay đổi, đã chiếm được Nhà Trắng như một người “nổi loạn”, nay lại coi thường những người “nổi loạn” cũng như ông.    

Trong bối cảnh đầy biến động đó, đảng Dân Chủ đã chọn một người không phù hợp, vì không được đa số dân chúng tin cậy. Theo hãng thông tấn AP, 92% người Mỹ tin rằng cách sử dụng email của bà Clinton là phạm pháp hoặc vô ý thức, trong khi chỉ có 6% cho bà không có lỗi. Bà Clinton chỉ được 37% người da trắng bỏ phiếu (kém xa ông Obama). Chỉ có 54% phụ nữ bỏ phiếu cho bà Clinton (trong khi 42% bỏ phiếu cho ông Trump). Tỉ lệ những người gốc Phi, Latino, và giới trẻ, bỏ phiếu cho bà cũng không cao.

Đa số dân chúng cho bà Clinton là ngạo mạn, tham lam quyền lực và không trung thực (có thái độ hai mặt). Vì vậy, giữa hai ứng cử viên cùng xấu, dư luận đánh giá bà Clinton xấu hơn. Để thắng cử, đáng lẽ bà Clinton phải dành nhiều thời gian để vận động lấy phiếu tại các bang như Wisconsin, Michigan và Pennsylvania, thì lại dành thời gian vận động quyên góp tiền tại Wall Street. Khi nhận ra sai lầm thì đã quá muộn. Một số sai lầm chiến lược trong 2 tuần cuối (do ngộ nhận) đã dẫn đến thất bại, làm cả thế giới choáng váng.

Bà Clinton cũng dựa quá nhiều vào các ngôi sao Hollywood, phản ánh ngộ nhận của đảng Dân Chủ về công bằng xã hội, không ăn nhập với mối quan tâm của những người lao động da trắng, trong lúc họ đang bức xúc với giới cầm quyền và nhà giàu. Nhận xét của bà Clinton tại sự kiện gây quỹ do Barbra Streisand và mấy ngôi sao chủ trì tại Wall Street là một ví dụ điển hình, khi bà đã ngạo mạn gọi những người ủng hộ ông Trump là “a basket of deplorables”. Ông Joel Benenson, cố vấn chiến lược của bà Clinton đã than phiền là so với ông Sanders, bà Clinton không có tầm nhìn và thiếu thông điệp cần thiết.   

Chính sách vẫn còn là ẩn số

Chính sách đối ngoại của Donald Trump vẫn là một ẩn số. Có thể ông Trump đang điều chỉnh quan điểm khác với các tuyên bố tranh cử (backing away from campaign position). Thường các tuyên bố đó không phải là chỗ dựa tin cậy để hoạch định chính sách. Nhưng mọi đồn đoán hiện nay là hơi vội vàng, bởi vì không ai (kể cả ông Trump) thực sự biết chính sách đối ngoại của chính quyền mới nên thế nào. Như một tay chơi poker lão luyện, ông Trump luôn giữ kín bài, làm cho đối phương đánh giá sai và bất ngờ. Trong binh pháp, bất ngờ là một yếu tố quyết định, khi ẩn số trở thành biến số. Đó vừa là lợi thế, vừa là cái bẫy.   

Theo James Fallows, có nhiều bằng chứng nhất quán cho thấy Trung Quốc “đang tăng cường đàn áp, đóng cửa, hành xử không giống 30 năm qua” (China's Great Leap Backward”, James Fallows, Atlantic, December 2016). Chính quyền Obama vốn lo ngại về một nước Trung Quốc suy yếu và bị đe dọa, hơn là một nước Trung Quốc thành công đang trỗi dậy. Quan điểm này dựa trên chủ trương lôi kéo Trung Quốc bằng “Constructive Engagement”. Họ tin rằng giúp Trung Quốc trở nên giàu có thì các bên sẽ có lợi hơn là để Trung Quốc nghèo khó. Nhưng chủ trương Constructive Engagement đã đi quá xa, biến Trung Quốc thành một “Frankeinstein”,  không cải cách và mở cửa như họ mong đợi, mà còn bắt nạt các nước yếu hơn tại khu vực, và thách thức vai trò của Mỹ. Vì vậy, ông Trump có thể làm khác với ông Obama. Nhưng chưa ai biết suy nghĩ thực sự của Donald Trump về Trung Quốc, và vai trò của Tổng thống như thế nào, bởi vì ông Trump vốn là tay chơi poker khó đoán. 

Tuy nhiên, trong một bài đăng trên Foreign Policy, Alexander Gray và Peter Navarro (cố vấn của ông Trump) đã mô tả tầm nhìn của Donald Trump đối với khu vực như chiến lược “Hòa bình trên Thế mạnh” (Peace Through Strength) của Tổng thống Ronald Reagan trước đây. Tầm nhìn này dựa trên mấy thành tố chính gồm sự có mặt quân sự mạnh mẽ của Mỹ tại Thái Bình Dương, sự ủng hộ mạnh mẽ Đài Loan như một điểm sáng về dân chủ (“beacon of democracy”) và các liên minh của Mỹ là “nền tảng cho ổn định khu vực” (bedrocks of stability in the region). Để đạt được các mục tiêu đó, các cố vấn khuyến nghị ông Trump phải tăng cường lực lượng hải quân mạnh để đối phó với hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Sự có mặt quân sự của Mỹ ở Châu Á-TBD là thiết yếu để cổ vũ cho các giá trị dân chủ của Mỹ, làm cơ sở cốt lõi để duy trì ổn định khu vực. Họ cũng khẳng định cam kết của ông Trump đối với các đồng minh của Mỹ là “không có gì bàn cãi” (unquestionable).

Theo Peter Navarro (nhận xét trong bài đăng trên Foreign Policy), “những đối tác của Mỹ như Japan, South Korea, India, Myanmar, và Vietnam, tiếp tục muốn có quan hệ gắn bó hơn với Washington về nhiều lĩnh vực”… và nhấn mạnh “lần này tái cân bằng sẽ được triển khai thực sự ”.  Sẽ là thiếu khôn ngoan và phản tác dụng (counterproductive) nếu Trung Quốc coi nhẹ những phát biểu của ông Trump trong tranh cử. Ông Trump có thể đàm phán tổng thể với Trung Quốc (Grand bargain) về cả kinh tế lẫn chiến lược.  

Về nhân sự chủ chốt, có tin ông Reince Priebus được cử làm Chánh Văn phỏng Nhà Trắng (White House Chief of Staff), và ông Steve Bannon được cử làm Chiến lược gia chính (Chief Strategist). Đó là hai vị trí quan trọng nhất, gần gũi nhất Tổng thống. Những vị trí khác mới chỉ là dự kiến. Nhìn vào thành phần và cách bố trí nhân sự của Nhà Trắng và nội các, người ta có thể hình dung được chiều hướng chính sách. Vì vậy, một số người bắt đầu lo ngại về một ê kíp “thiếu kinh nghiệm” (inexperience).  Tuy nhiên, có lẽ còn quá sớm để đánh giá chính quyền Donald Trump, vì thiên hạ đã từng đánh giá sai ông ấy.   

Chủ nghĩa “dân túy cực hữu” (right-wing populism) có thể được coi như “virus Zika” trong chính trị. Toàn cầu hóa và chủ nghĩa độc tài là hai yếu tố then chốt của một vấn đề. Một số biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc là thiếu dân chủ và có xu hướng phát xít. Toàn cầu hóa và gia tăng  thịnh vượng đã làm thay đổi các giá trị và thái độ của tầng lớp tinh hoa ở thành phố, làm thay đổi cách nói năng và ứng xử của họ một cách vô thức, kích hoạt các xu hướng độc tài của một bộ phận dân chúng theo chủ nghĩa dân tộc. Theo Francis Fukuyama, nước Mỹ (và có lẽ cả thế giới) đang bước vào một thời kỳ “dân tộc chủ nghĩa theo dân túy” (Populist Nationalism) có nguy cơ dẫn đến “chủ nghĩa dân tộc nổi giận” (Angry Nationalism), có thể so sánh với bối cảnh dẫn đến sự sụp đổ Bức tường Berlin (năm 1989).

Bài học muộn màng

Tại nước Mỹ, nếu Donald Trump không thực hiện lời hứa khi tranh cử, ông có thể làm thất vọng và mất lòng những người ủng hộ đã giúp ông giành chính quyền, và họ có thể bỏ ông sau 4 năm nếu mất lòng tin. Mọi tổng thống đều muốn cầm quyền 8 năm. Nếu ông cố thực hiện lời hứa, thì có thể làm chia rẽ đất nước và đánh mất sứ mệnh của một Tổng thống Mỹ phải đoàn kết quốc gia. Đây là một nghịch lý của ông Trump, dù theo cách nào cũng khó vẹn toàn. Vì vậy, chỉ còn có cách thứ ba là tạo ra một “vùng xám” để dung hòa cả hai phía, và chọn một đội hình tốt để điều hành đất nước, với sự linh hoạt dựa trên thỏa thuận. Nếu họ thất bại, ông Trump có thể thay người khác, như một “dealer” quyền biến.  
  
Với thế giới, luôn có một phương án hấp dẫn là Mỹ chơi ván cờ “G2” với Nga (thỏa thuận chia vùng ảnh hưởng tại Châu Âu) và với Trung Quốc (thỏa thuận chia vùng ảnh hưởng tại Châu Á-TBD). Từ năm 1972, ông Nixon và Kissinger đã chơi bài này (ký Shanghai Communique) để liên minh trên thực tế (de facto) với Trung Quốc, chống lại Liên Xô. Vì ván cờ nước lớn, nên Mỹ đã hy sinh Nam Việt Nam (năm 1975). Nay Bắc Kinh rất muốn chơi ván cờ “G2” với  Washington tại khu vực Châu Á-TBD (nhất là tại Biển Đông), nhưng Washington đã cưỡng lại phương án đó, và theo đuổi chính sách “chuyển trục” (hay rebalance) mà ông Obama và bà Clinton là đồng tác giả. Còn bây giờ, liệu Donald Trump có chơi ván cờ “G2” với Trung Quốc (giữa hai “nước lớn”) hay không, còn là câu hỏi để ngỏ.    

Với Việt Nam, trong 8 năm dưới chính quyền Obama, Hà Nội đã không tranh thủ thời cơ trở thành đối tác chiến lược với Washington như một nước cờ thế (hedging / gambit) để cân bằng quan hệ với Trung Quốc. Đáng lẽ điều này phải được thực hiện khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Washington (7/2013) hoặc khi TBT Nguyễn Phú Trọng thăm (7/2015) tuy lúc đó cũng đã hơi muộn. Quan hệ đối tác chiến lược cần thời gian để triển khai mới có ý nghĩa. Sau vài năm khi đối tác chiến lược đã thành “chuyện đã rồi” (fait accompli) thì khó đảo ngược. Việt Nam sẽ ở vị trí thuận lợi là đồng minh của Mỹ tại Biển Đông (cũng như Philippines hoặc có thể thay thế). Nhưng Hà Nội đã quá sợ Trung Quốc (như một ám ảnh tâm thần) nên tiếp tục nhắm mắt đu dây theo điệu nhảy “slow waltz” (nên thiếu tầm nhìn), do đó đã để lỡ cơ hội vào đúng lúc cần thiết, trước khi thời thế thay đổi xấu hơn.    

Bây giờ, khi Donald Trump đã thắng, TPP đã hết cơ hội, và chủ trương xoay trục có thể thay đổi, thì mọi mong muốn hay cố gắng của Hà Nội là quá muộn (too little too late), vì trò chơi đã kết thúc. Trò chơi mới sẽ khó hơn và nguy hiểm hơn, với cái giá phải trả cũng lớn hơn, tại Biển Đông cũng như trong cải cách kinh tế và chính trị, để khắc phục một thể chế đang bị phân liệt (dysfunctional system). Trong bối cảnh đó, vai trò của Nhật ở Đông Á bỗng trở nên quan trọng hơn nữa, cho một cơ cấu quyền lực mới ở khu vực.
Nhưng đó cũng là một câu hỏi vẫn còn để ngỏ.


Tham Khảo
1. “When and Why Nationalism Beats Globalism”, Jonathan Haidt, American Interest, July 10, 2016.
2. “American Democracy Is Dying and This Election Isn’t Enough to Fix It”, Daron Acemoglu, Foreign Policy, November 7, 2016
3. “Democrats have no one to blame but themselves for Trump’s success”, S.E. Cupp, New York Daily News, November 9, 2016
4.  “What So Many People Dont Get about the US Working Class”, Joan Williams, Harvard Business Review, November 10, 2016
5. “Power and Order in the South China Sea”, Patrick Cronin, Center for New American Century, November 10, 2016
6. “The Democrats Screwed Up”, Frank Bruni, New York Times, November 11, 2016
7. “Hillary Clintons Celebrity Feminism Was a Failure”, Sarah Jones, the New Republic, November 11, 2016
8.  “No one has a clue what kind of President Donald Trump will be”, Dan Balz, Washington Post, November 12, 2016
9. “A series of strategic mistakes likely sealed Clinton’s fate”, Abby Phillip, John Wagner, Anne Gearan, Washington Post, November 12, 2016
10.  “Obama Lobbies against Obliteration by Trump”, Maureen Dowd, New York Times, November 12, 2016
11.  “Will Trump Strike a Grand Bargain With China”, Melissa Chan, Zha Dạojiong, Andrew Nathan, David Schlesinger, Paul Haenle, Foreign Policy, November 14, 2014
13.  “China’s Great Leap Backward”, James Fallows, Atlantic, December 2016


NQD. 16/11/2016

Tác giả gửi co viet-studies ngày 16-11-16




No comments:

Post a Comment

View My Stats