Minh Anh - RFI
Đăng ngày 19-11-2016
Đây
là tựa bài nhận định trên Le Figaro số ra ngày 18/11/2016. Tại thượng đỉnh châu
Á – Thái Bình Dương APEC đang diễn ra tại Lima, thủ đô Peru, chủ tịch Trung Quốc
Tập Cận Bình tận dụng cơ hội ông Trump bỏ rơi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình
Dương - TPP, vốn dĩ gạt Bắc Kinh ra khỏi cuộc chơi.
Cuối tuần này, Lima là nơi diễn ra cuộc chuyển giao
quyền lực mang tính biểu tượng, có tầm cỡ của thế kỷ XXI giữa đôi bờ Thái Bình
Dương. Đương nhiên, tại thượng đỉnh APEC lần này (quy tụ 21 quốc gia thành
viên, trong đó có Nga, Mỹ và Trung Quốc), chủ tịch Tập Cận Bình sẽ chào từ biệt
lần cuối ông Barack Obama, sau thắng lợi bất ngờ của ông Donald Trump.
Nhật báo ví cuộc gặp này như một biểu tượng ngắn gọn
cho mối tương quan lực lượng giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới đang tranh
giành ưu thế tại châu Á – Thái Bình Dương. Kể từ khi ông Trump đắc cử, cán cân
ưu thế nghiêng về phía đại cường Trung Quốc hồi sinh, nhắm vào thương mại để củng
cố vai trò bá quyền khu vực.
Do đó, tại Peru, Tập Cận Bình có thể sẽ tận hưởng niềm
vui chiến thắng đầu tiên. Tổng thống Obama sẽ phải thông báo chính thức với các
thành viên APEC việc khai tử Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, nạn nhân
đầu tiên dưới thời tổng thống Trump.
Việt
Nam lẻ loi
Thỏa thuận thương mại này, được chính quyền theo đảng
Dân Chủ thương lượng với 11 quốc gia trong khu vực – không có Trung Quốc –
chính là vũ khí kinh tế trong chính sách « xoay trục » sang châu Á của ông
Obama, với mục đích kềm chế ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc tại khu vực
chiến lược này. Được đúc kết sau các cuộc đàm phán quyết liệt, nhất là với Nhật
Bản, Việt Nam hay Singapore, hiệp ước này giờ trở thành « tờ giấy lộn », khi Quốc
Hội Mỹ quyết định từ bỏ việc phê chuẩn, sau thắng lợi của ứng viên tổng thống
thuộc đảng Cộng Hòa.
Le Figaro trích phân tích của ông Nguyễn Ngọc Trường,
chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến Lược và Phát Triển Quốc Tế, một tổ chức tư
vấn tại Hà Nội, Việt Nam, cho rằng : « TPP từng là vũ khí tốt nhất của
Obama để tái cân bằng tương quan lực lượng tại châu Á. Đó từng là phao cứu hộ để
đưa nền kinh tế Việt Nam ra khỏi quỹ đạo Trung Quốc. Nhờ vào TPP, Việt Nam đã
trở thành đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ ». Với Donald Trump, kể từ
giờ, Hà Nội lại lần nữa trở nên lẻ loi trước gã hàng xóm khổng lồ, mà tầm ảnh
hưởng thương mại và tài chính ngày càng lớn trông thấy ở Việt Nam.
Úc
chuyển hướng
Nỗi khiếp hãi về sự trống vắng và sự co cụm của Hoa
Kỳ tạo cho Bắc Kinh một cơ hội bằng vàng để dúi các quân cờ của mình. Tại Lima,
chủ tịch Tập sẽ cố gắng thúc đẩy dự án của chính ông về khu vực tự do mậu dịch
Châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP) bao gồm 21 thành viên của APEC, theo lời
thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Lý Bảo Đông (Li Baodong). Ngay cả các đồng
minh trung thành của Hoa Kỳ như Úc đang xem xét lại kế hoạch của họ và hiện
đang đặt cược vào việc xích lại gần với Trung Quốc.
Theo quan điểm của Canberra, thất bại của TPP cũng
« có thể bù đắp » bằng RCEP (Hiệp định Đối tác Toàn diện
Khu vực), một dự án thỏa thuận về tự do mậu dịch giữa ASEAN, Úc hay với
Trung Quốc, mà không có Hoa Kỳ. Giờ phải chờ xem liệu các thỏa thuận đó có đáp ứng
được các yêu cầu của các doanh nghiệp thuộc các nước phát triển hay không nhất
là trên phương diện gỡ bỏ các rào cản đối với đầu tư trong ngành dịch vụ.
Bắc Kinh hiện vẫn tỏ ra dè chừng, lo ngại trước những
lời đả kích mang tư tưởng bảo hộ của ông Trump, đe dọa áp thuế hải quan đến 45%
lên hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ. Sau cuộc trao đổi điện đàm giữa Tập Cận
Bình và chủ nhân tương lai của Nhà Trắng, báo chí chính thức tại Trung Quốc cho
thấy tình hình có vẻ dịu xuống và bất ngờ đưa ra những lời ca tụng nhà tỷ phú
New York.
Nhưng sự nghi kỵ vẫn tồn tại và các lãnh đạo Trung
Quốc lưu ý tổng thống Mỹ tương lai không nên có ý định tiến hành một cuộc chiến
thương mại, qua việc nhấn mạnh đến « sự lệ thuộc lẫn nhau » giữa
các cường quốc.
Ông Thái Sùng Tín (Joe Tsai), phó chủ tịch tập đoàn
Alibaba, chuyên buôn bán qua mạng cảnh báo : « Trung Quốc là một nguồn
vốn và là một đầu ra quan trọng cho xuất khẩu Hoa Kỳ. Mỗi năm, Trung Quốc giúp
cho thu nhập của Mỹ tăng 700 tỷ đô la. Nếu như ông là tổng thống, ông muốn tạo
công ăn việc làm mà lại không hiểu điều đó, thì ông sẽ gặp nhiều vấn đề ».
Nếu như những cảnh báo này vẫn chưa đủ, thì Bắc Kinh
còn sở hữu cả một kho « vũ khí trả đũa thương mại », sẵn sàng
được sử dụng, Le Figaro kết luận.
No comments:
Post a Comment