Friday 13 May 2016

SADIQ KHAN & DONALD TRUMP (Lê Phan)





Lê Mạnh Hùng
Wednesday, May 11, 2016 1:38:33 PM

Sự kiện chính trị đáng chú ý nhất trên thế giới trong mấy tuần vừa qua không phải là việc ông Donald Trump xuất hiện như là ứng cử viên tổng thống chính thức hầu như chắc chắn của đảng Cộng Hòa tại Mỹ mà là việc ông Sadiq Khan, một người Hồi Giáo, con một ông lái xe bus được bầu làm đô trưởng thành phố Luân Đôn.

Ông Trump còn chưa thắng một cuộc bầu cử chính thức nào hết, nhưng ông Khan thì đã đè bẹp đối thủ Zac Goldsmith của đảng Bảo Thủ để lên cai trị một trong những thành phố danh tiếng nhất của thế giới, một đô thị sống động nơi mà người có thể nghe được hầu như tất cả mọi ngôn ngữ của thế giới. Chiến thắng của ông là một chiến thắng chống lại những sự bôi nhọ, nhằm gắn liền ông với những kẻ khủng bố cực đoan Hồi Giáo. Ông Khan là đại diện cho sự cởi mở chống lại chủ trương cô lập, hội nhập chống lại cách ly, cơ hội cho mọi người chống lại phân biệt chủng tộc và giới tính. Nói một cách khác, ông là một “anti-Trump.”

Mặc dầu hiện tượng Trump, thế giới của thế kỷ 21 sẽ là một thế giới uốn nắn bởi những con người như ông Khan tại những thành phố năng động và đa dạng chứ không phải bởi những người kỳ thị, “America First,” muốn xây một bức tường để ngăn chặn thế giới bên ngoài.

Cần chú ý là nếu ông Trump thắng cử, với lệnh cấm những người Hồi Giáo đi vào nước Mỹ, ông Khan sẽ không được phép đặt chân lên lãnh thổ Hoa Kỳ. Nó sẽ làm cho nước Mỹ trở thành một trò hề trong con mắt của thế giới vốn đã chấn động vì sự nổi lên của ông Trump trong đảng Cộng Hòa.

Nhưng chiến thắng của ông Khan là quan trọng vì nó đã phản bác lại những lời tố cáo tại nhiều môi trường ở Mỹ rằng Châu Âu đang bị rơi vào tay những người Hồi Giáo cuồng tín chủ trương Jihad. Nó cũng lật ra cho thấy sự ám ảnh với khủng bố đã làm người ta không để ý đến những thành công trong việc hội nhập của hàng triệu người Hồi Giáo tại Châu Âu. Một trong bảy người con của một gia đình di dân từ Pakistan, ông Khan lớn lên trong một khu chung cư cho người nghèo của chính phủ để sau đó trở thành một luật sư chuyên về nhân quyền và một bộ trưởng trong chính phủ Lao Động. Ông nhận được trên 1.3 triệu lá phiếu trong cuộc bầu cử đô trưởng Luân Đôn, một số phiếu ủy nhiệm vượt qua bất kỳ một nhà chính trị nào trong lịch sử nước Anh.

Cuộc bầu cử này có tính quan trọng bởi vì những tiếng nói có hiệu quả nhất chống lại khủng bố Hồi Giáo phải đến từ cộng đồng Hồi Giáo và ông Khan là người đã sẵn sàng lên tiếng trong việc này. Sau vụ tấn công khủng bố tại Paris năm ngoái, ông đã tuyên bố rằng người Hồi Giáo có một vai trò đặc biệt trong việc chống lại khủng bố, “không phải vì chúng ta có trách nhiệm nhiều hơn mà bởi vì chúng ta co thể hữu hiệu hơn trong việc đối phó với khủng bố so với những người khác.”

Ông Khan cũng tìm cách liên kết với cộng đồng người Do Thái tại Anh, phản đối mạnh mẽ chiều hướng tiệm tiến chống Do Thái trong đảng Lao Động mà đã dẫn đến việc ông Ken Livingstone, một cựu đô trưởng Luân Đôn bị tạm trục xuất ra khỏi đảng vào tháng trước.

Như nhà báo George Eaton nhận xét trong tạp chí The New Statesman, “Khan sẽ là một nhân vật có tầm quan trọng quốc tế. Việc ông được bầu lên là một sự bác bỏ những kẻ cực đoan mọi loại từ Donald Trump cho đến Abu Bakh al-Baghdadi vốn vẫn khẳng định rằng các tôn giáo không thể nào sống chung hòa bình với nhau được.”

Trên tất cả, sự nổi lên của ông Trump là sản phẩm của những e sợ và giận dữ trong lòng xã hội Mỹ. Trong vòng mấy tuần lễ qua, một sinh viên trường UC Berkeley đã bị an ninh dẫn độ ra khỏi một chuyến bay của Southwest Airlines vì ông bị những người chung quanh nghe được là nói điện thoại bằng tiếng Arab; tương tự một nhà kinh tế người Ý thuộc một trường đại học Ivy League không may có một bộ da hơi ngăm đen cũng bị đuổi ra khỏi một chuyến bay của công ty American Airlines vì ông bị người ngồi cạnh nghi ngờ khi viết những phương trình toán học xuống một mảnh giấy. Ông Trump, như Norm Ornstein một nhà chính trị học, diễn tả, là “con người bất an nhất và tự kỷ nhất của nước Mỹ” vì vậy đã trở thành đại biểu cho nước Mỹ lo sợ này, vốn thấy những cơ nguy từ tất cả mọi nơi (kể cả một nhà kinh tế người Ý).

Khi ông Trump tuyên bố “America First sẽ là chủ đề chính và chi phối trong chính quyền của tôi,” thế giới có thể cảm thấy một nước Mỹ giận dữ và lo sợ đang gồng mình lên. Và nó gởi lại cho ta những lời tuyên bố tương tự của ông Vladimir Putin trước khi ông can thiệp vào Goergia và Ukraine.

Ngược lại sự nổi lên của ông Khan là một chiến thắng chống lại những e sợ tạo ra bởi vụ 9/11, một phản bác đối với Osama bin Laden, tổ chức Quốc Gia Hồi Giáo ISIS, những kẻ cực đoan đủ loại cũng như những chính trị gia như ông Trump tìm cách chơi là bài “Hồi Giáo là cơ nguy.” Ông Khan biện luận rằng hội nhập thêm nữa là một chuyện cần thiết vì “quá nhiều người Hồi Giáo Anh lớn lên mà hầu như không hề quen biết một người nào có một bối cảnh khác.”

Sigmund Freund viết: “Chúng ta không thể nào bỏ qua mức độ mà văn minh được xây dựng trên việc kiềm chế các bản năng.” Ông Donald Trump viết “Tôi đã học được việc nghe và tin tưởng vào bản năng. Nó là một trong những cố vấn đáng giá nhất của tôi.” Thật là tương phản.

Trên phương diện này, chiến thắng của Sadiq Khan là một sự trấn an cho thấy rằng việc tiến tới một thế giới hội nhập và đa dạng vẫn còn mạnh so với tinh thần cô lập và phân rẻ của Trump.




No comments:

Post a Comment

View My Stats