Sunday, 1 May 2016

CÂU CHUYỆN TUẪN TIẾT của TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG (Manh Kim)






Đối diện tôi là một ông già ốm yếu 75 tuổi nhưng còn rất minh mẫn. Nhắc lại chuyện cũ, ông nhớ như in từng chi tiết và thuật lại sống động mạch lạc như thể thời gian vẫn chưa làm hao mòn ký ức ông. Tôi đã ngồi với ông từ 10g30 sáng đến 3g chiều mà câu chuyện vẫn chưa dứt. Ông là Huỳnh Quang Nghĩa, cựu trung úy Chánh văn phòng của Chuẩn tướng Tư lệnh phó Quân đoàn IV Lê Văn Hưng, Quân lực VNCH. Trung úy Nghĩa là nhân chứng mục kích từ đầu đến đuôi cái chết của Tướng Hưng. Câu chuyện được kể dưới đây là những gì được ghi trong hồi ức cá nhân mà trung úy Nghĩa cho tôi xem, cùng những gì ông kể với tôi hôm ấy, 21-4-2016…

“Sau khi nghe tin Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng, Chuẩn tướng bảo tôi (Huỳnh Quang Nghĩa) gọi để nói chuyện với 16 Tiểu Khu Trưởng, yêu cầu ban hành thiết quân luật trên toàn lãnh thổ Quân đoàn IV. Vùng IV có vẻ chuẩn bị đối phó với tình hình hơn là chấp nhận treo cờ rũ. Khi nghe tin Sài Gòn thất thủ, dân chúng Cần Thơ bắt đầu mua nhanh bán vội để thu xếp về nhà. Khuôn mặt ai nấy đều lo âu. Xe lướt nhanh hơn, người đi bộ gần như chạy, đường phố giống như đang trốn chạy khỏi cơn giông lớn. Sau thông điệp đầu hàng của Tổng thống Minh, mọi liên lạc với Sài Gòn đều bị cắt đứt. Tuy vậy, cho đến trưa, tình hình Cần Thơ cũng như 16 tỉnh miền Tây vẫn yên tĩnh. Các tiểu khu vẫn còn liên lạc tốt với Bộ Tư Lệnh Quân đoàn.

13g, tôi trở vào Bộ Tư Lệnh, cách tư dinh Chuẩn tướng Hưng chừng 300 mét. Tôi thấy chiếc Falcon đen đưa bà Chuẩn tướng cùng hai con rời cổng dinh. Khuôn viên Bộ Tư Lệnh vắng ngắt đến nghẹt thở. Chuẩn tướng đứng nơi hiên tiền đình, nhìn mông lung ra khoảng sân phía trước. Tôi đứng bên trái ông, cách vài bước hơi chếch phía sau, hướng tầm mắt theo ông. Mới vào mùa hè mà cảnh vật như đã thu đông. Trời chiều ảm đạm, thê lương, từng mảng mưa bụi lạnh lẽo thả xuống tàng phượng vĩ nở đỏ ối giữa sân. Chuẩn tướng bất động. Tất cả mang đến cho tôi một cảm giác u buồn, tan tác. Bất chợt, ông quay lại hỏi tôi:
- Cô (bà phu nhân Chuẩn tướng) đi đâu?
- Thưa, cô đến nhà thờ xin rửa tội.

Thật sự mấy ngày nay tôi thấy có chuyện hơi lạ trong dinh. Tình hình nguy ngập như vậy mà người thợ may riêng không ngớt giải quyết mớ vải vóc mới tinh cho bà Chuẩn tướng cùng thân quyến. Bây giờ bà và các con lại đi lễ. Tôi không thể ngờ được rằng ông bà Chuẩn tướng đã âm thầm bàn bạc chuẩn bị cái chết cho toàn bộ gia đình và bà Chuẩn tướng cũng dọn mình bằng cung cách riêng của bà. Bà muốn khi từ giã cõi đời sẽ cùng con cái được đón nhận là con chiên của Chúa và bước vào áo quan trong bộ đồ mới tinh trong trắng. Vào buổi sáng ngay sau thông điệp của Tổng thống Minh, bà Chuẩn tướng gọi điện thoại sang văn phòng tôi, bảo tìm càng nhiều càng tốt thuốc Valium 5mg…

Đèn phòng vừa bật sáng, tôi giật mình ngó qua khung cửa sổ. Bóng tối đã nhợt nhờ ngoài sân. Phía cuối phòng, bà Chuẩn tướng và gia đình đã ngồi vào bàn ăn. Một người lính phục dịch đặt trên bàn Chuẩn tướng dĩa, muỗng và hai quả trứng gà ngâm trong ly nước sôi. Đó là buổi ăn tối của ông hôm nay. Đang miên man, tôi giựt mình khi điện thoại reo. Nhấc ống nghe, tôi vội chuyển cho Chuẩn tướng khi nhận ra giọng trầm trầm của Thiếu tướng Tư lệnh (Nguyễn Khoa Nam) đầu bên kia. Buông ống điện thoại, Chuẩn tướng thừ người bất động. Lần đầu tiên, tôi nhận rõ nét mệt mỏi tuyệt vọng trên gương mặt ông…

Chuẩn tướng bảo tôi tập hợp toán lính gác để ông nói chuyện. Tiểu đội bảo vệ tư dinh Tư Lệnh Phó xếp thành hai hàng bên hông dinh chỗ khúc sân lối ra vào. Bằng giọng cảm động, chân tình, Chuẩn tướng cám ơn họ vẫn ở bên ông đến giờ phút này và bảo anh em ai muốn rời dinh cứ tùy ý… 10 phút sau Chuẩn tướng gọi tôi lên lầu. Tại đây, tôi thấy ngoài tôi và Thiếu tá Phương, còn hiện diện đông đủ binh sĩ từng phục dịch Chuẩn tướng và gia đình. Chuẩn tướng đứng nơi phòng ngủ, hai cánh tay ghì chặt đứa con gái ba tuổi để đầu cháu tựa vào má ông. Bà Chuẩn tướng đứng cạnh bên. Hai bàn tay măng non cháu bé hồn nhiên lùa trên tóc cha, làm lòa xòa vài lọn tóc rối trên trán Chuẩn tướng. Bức tranh bi thảm ấy khiến lòng tôi ngậm ngùi tê cứng. Bằng giọng tha thiết ân cần, Chuẩn tướng gởi lại bà cùng hai con cho chúng tôi. Ông quả quyết từ giờ cho đến sáng sẽ không có gì xảy ra, bảo chúng tôi cố gắng hộ tống bà Chuẩn tướng và hai đứa bé về Sài Gòn rạng sáng ngày mai 1-5. Trước đó, ông đã thuyết phục bà phải sống để nuôi con chứ không thể giết con bằng ý định tự sát cả gia đình như ban đầu.

Bất ngờ, ông quát bảo tất cả trở xuống dưới lầu, chỉ còn mình tôi và bà Chuẩn tướng. Lúc đó khoảng 8g30 tối 30-4. Bên trong phòng ngủ, khi nụ hôn vĩnh biệt của bà Chuẩn tướng vừa kịp đặt lên má chồng, ông vội đẩy bà ra phía ngoài và đóng nhanh cánh cửa. Lúc quay lại, còn thấy tôi trong phòng, ông thảng thốt: “Nghĩa! Mày đi ra!”. Vừa nói ông vừa nắm tay tôi lôi về phía cửa. Tôi bệu bạo: “Cho tôi ở lại cùng Chuẩn tướng…”.

Sự dứt khoát của nghiêm lệnh hàng ngày trong giây phút xúc động mãnh liệt làm giọng Chuẩn tướng lạc đi. Ông cố đẩy tôi ra cửa. Sự va chạm ngắn ngủi đầy bi thương ấy khiến tôi có cảm giác như thỏi nam châm đang cố rút khỏi thanh sắt. Ôi! Cái chết hoàn toàn được sắp đặt trước, lần đầu tiên trong đời tôi mới chứng kiến. Tôi chợt bật khóc và cùng bà Chuẩn tướng quỳ xuống trên nền cửa bên ngoài. Bên tai còn vọng nghe tiếng rít khô khốc của tiếng then cài. Mọi sự diễn ra không đầy một phút sau. Tiếng nổ chát chúa vang lên sau cánh cửa. Tôi hoảng hốt bật dậy và kêu lớn khi thấy ba bốn cái đầu đang nhớn nhác nhìn lên từ dưới chân cầu thang: “Con dao, lấy con dao cạy cửa mau!...”.

Người tài xế tên Giêng cầm con dao to nhọn vội vàng chạy lên. Mọi người ùa vào phòng. Tôi bàng hoàng khóc ngất. Tất cả cũng khóc và chạy đến chỗ giường ngủ của Chuẩn tướng. Ông nằm ngửa trên tấm nệm drap trắng, hai cánh tay buông ngang, khuy cổ và ngực áo bung ra, máu tươi nhuộm thắm ngực trái chiếc thun trắng bên trong. Có lẽ Chuẩn tướng đã ngồi ở thành giường, một tay cởi hai khuy áo trên, tay kia đưa nòng khẩu Colt 45 ấn vào tim…

Tôi còn nhớ lúc ông đảm nhiệm Tư lệnh Sư đoàn 21, một buổi chiều sau giờ nghỉ việc, tôi theo ông thả bộ và dừng lại nơi nhà nghỉ trong khuôn viên Bộ Tư Lệnh. Không biết đang nghĩ gì, ông cười cười quay lại nói với tôi: “Mày còn nhớ không, lúc ở Trung đoàn, tuy ở bất kỳ vùng hành quân nào, trước khi đi ngủ, Đồng hoặc mày đều gọi về Chương Thiện để tao nói chuyện với cô (bà phu nhân Chuẩn tướng). Ở mặt trận An Lộc cũng vậy, tối nào tao cũng gọi về Lai Khê nói chuyện với cổ”. Chuẩn tướng nói thêm: “Lúc đó (nếu An Lộc thất thủ), tao chợt nghĩ nếu tao bắn vào đầu chắc cô mày không dám nhìn mặt, nên tao đã quyết ý có gì thì sẽ bắn vào tim”.

Viên đạn oan nghiệt đã xuyên chính xác qua tim. Đứa con trai đầu lòng Lê Uy Hải khi đó vừa tròn sáu tuổi nhặt đầu đạn đưa mọi người xem, rồi mím môi, khép năm ngón tay giữ chặt. Nhìn cử chỉ ấy, tôi nghĩ tuổi thơ ngây dại của cháu đã trôi qua mất kể từ buổi tối hôm ấy rồi. Trước đó một tiếng, một anh trai và một em gái ba tuổi còn đùa giỡn trên tấm nệm cao su đặt dưới nền gạch cạnh phòng cha, hai đứa bé không hề hay biết lát nữa đây vành khăn tang trắng sẽ phủ lên tuổi ấu thơ hồn nhiên của chúng… Với tôi, âm hưởng Tướng Hưng vẫn vang vọng lại hồn tôi rõ ràng từng lời, nhức nhối như từng vết dao đâm: “Nghĩa, tùy mày. Tao đã quyết định cuộc đời của tao! Chuẩn tướng, Thiếu tá hay Trung úy không là gì cả, cái quan trọng là có sống nhục được hay không!”

………..

Trung úy Huỳnh Quang Nghĩa cho tôi biết thêm, đám tang Tướng Hưng được tổ chức theo nghi lễ quân đội VNCH, và chiều ngày 1-5, ông được mang về mảnh đất quê nhà Cái Răng để chôn vội. Đó là mảnh đất chứ không phải khu nhà riêng của Tướng Hưng và là tài sản còn lại duy nhất của Tướng Hưng. Trong suốt cuộc đời binh nghiệp hiển hách kể từ khi gia nhập quân lực VNCH năm 1955 đến khi chết, Tướng Hưng chưa từng có căn nhà riêng nào. Sau 1975, mảnh đất có mộ Tướng Hưng rơi vào tay một thiếu tá “thắng trận”. Khoảng trước năm 2000, ngôi mộ bị sụp lún, gia đình Tướng Hưng được báo cho biết. Bà Hưng từ Mỹ âm thầm về cải táng và mang tro cốt chồng theo.

Tôi cũng gặp cô con gái của Tướng Hưng, chị Lê Ánh Tuyết, con của người vợ đầu (bà Nguyễn Xuân Mai). Chị Tuyết (sinh năm 1954) hiện tá túc nghèo khổ cùng bà mẹ già 85 tuổi trong một căn nhà ở Gò Vấp mà chủ nhà không lấy tiền thuê. Cụ bà đã lẫn, không còn biết và nhớ gì. Do mẹ chị Tuyết và Tướng Hưng sớm ly dị nên ký ức chị Tuyết về cha mình không nhiều, chỉ nhớ rằng cha luôn chu cấp đều đặn cho mẹ con chị.

Quanh câu chuyện Tướng Hưng, Trung úy Huỳnh Quang Nghĩa có nhờ tôi cải chính giùm ông một ngộ nhận nhỏ. Khi chết, trong mình Tướng Hưng có hai chiếc quẹt Zippo. Một chiếc được bà Hưng lấy làm kỷ vật; chiếc kia do ông Nghĩa giữ. Năm 1998, ông Nghĩa tặng cái Zippo ấy cho ông anh rể thứ ba được bảo lãnh đi Pháp. Ông Nghĩa còn giữ thêm cái gạt tàn. Đó là cái gạt tàn của Sư đoàn 21 do Tiểu đoàn 21 tiếp vận làm từ vỏ đạn 155 ly, có đính phù hiệu Quân đoàn IV và phù hiệu Sư đoàn 21, để trên bàn làm việc của Tướng Hưng. Khi ông Nghĩa đi “học tập cải tạo”, cha của ông, vì sợ, nên đục bỏ hai miếng đồng phù hiệu Quân đoàn IV và Sư đoàn 21. Khoảng năm 1998 hoặc 1999, khi ông anh rể thứ tư từ Mỹ về thăm, ông Nghĩa lại tặng di vật ấy. Trở về Mỹ, bác này trao cái gạt tàn cho một viện bảo tàng Quân lực VNCH ở California, nhưng không rõ vì lý do gì, cái gạt tàn lại được ghi là di vật của Tướng Nguyễn Khoa Nam.

MK
25-4-2016
(tức 19-3 Âm lịch, ngày giỗ Chuẩn tướng Lê Văn Hưng)
…..

Ảnh: 5 new photos

- Tướng Lê Văn Hưng
- Trung úy Huỳnh Quang Nghĩa thời trẻ và hiện tại
- Chị Ánh Tuyết và mẹ






No comments:

Post a Comment

View My Stats