Saturday, 9 January 2016

HỒI KÝ : 26 NĂM LƯU ĐÀY DƯỚI CHẾ ĐỘ CỘNG SẢN (Thượng tọa Thích Thiện Minh)






*

Posted on February 16, 2013

PL 2550                                            
DL 2007

HỒI KÝ 26 NĂM LƯU ĐÀY DƯỚI CHẾ ĐỘ CỘNG SẢN VIỆT NAM
Thượng Tọa THÍCH THIỆN MINH

HỘI ÁI HỮU TÙ NHÂN CHÍNH TRỊ VÀ TÔN GIÁO VIỆT NAM 
Xuất bản lần thứ nhất 2007

*
*

MỤC LỤC

LỜI NÓI ĐẦU

CHƯƠNG I:
Sơ lược bản thân thời thơ ấu

CHƯƠNG II :
Biến cố 30.04.75, ngày Quốc Nạn làm động não kẻ tu hành
* SỰ PHỈ BÁNG, KHỦNG BỐ VÀ ĐÀN ÁP TÔN GIÁO CỦA CỘNG SẢN ĐỊA PHƯƠNG.

CHƯƠNG III :
Giúp đỡ các tổ chức chính trị bị quy kết là hoạt động chính trị và còn bị chụp mũ là người chủ mưu đứng đầu tổ chức
1. Khởi nguyên từ một sự trị bệnh cứu người đi dần đến việc hỗ trợ các tổ chức chính trị và liên can vào vụ án
2 . Bị bắt và bị điều tra đầu tiên tại cơ quan Bảo vệ Chính trị tỉnh Minh Hải
3. Trại giam huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Minh Hải nhà tù đầu tiên
4. Âm mưu giải cứu tù nhân tại trại giam huyện Vĩnh Lợi bị thất bại vì khinh xuất và thiếu kinh nghiệm

CHƯƠNG IV :
Nhà tù thứ 2 thuộc cơ quan cảnh sát hình sự Ty công an Minh Hải.
1. Cộng sản cài người làm “khổ nhục kế” để bám sát cho mục đích khai thác, điều tra.
2. Cuộc đấu khẩu nẩy lửa giữa tôi và tên đồ tể Phạm Minh Chánh Trưởng ban Chấp Pháp Ty công an tỉnh Minh Hải, người trực tiếp điều tra tôi trên 8 tháng.

CHƯƠNG V :
Nhà tù thứ 3 tại Cà Mau và bản án Sơ thẩm bị đình
1. Hoàn cảnh bi đát của gia đình và đứa em trai tên Nghĩa phải dang dở học hành
2. Trại giam Cà Mau và những chứng tích thương đau sau 30.04.75
3. Phúc tra cuối cùng với 2 ông Thiện & Ác, và Bản án sơ thẩm bị đình hoãn lần nhất và tiếp tục nhận cáo trạng để xét xử lần 2
4. Cuộc đấu khẩu với ông Nguyễn Ngọc Cơ Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Minh Hải
5. Sự di dời trại giam Cà Mau về trại giam mới tại Cây Gừa và ra tòa phúc thẩm
6. Từ trại giam Cây Gừa chuyển sang trại cải tạo cây Gừa
a/ Nghiệp từ kiếp trước (Túc trái) tiền hung hậu kiết
b/Âm mưu vượt ngục tại trại cải tạo Cây Gừa bị thất bại

CHƯƠNG VI :
Từ biệt giam trại cải tạo Cây Gừa Minh Hải
chuyển đến trại giam Xuân Phước miền trung Phú Khánh còn được gọi là “Thung lũng tử Thần”
1. Trên cùng chuyến xe 21 người lưu đày biệt xứ, tôi gặp người nữ tù chính trị tại tỉnh Bạc Liêu, chị Thái thị Kim Vân “ Một nữ anh hùng”
2. Kỷ niệm 2 đêm tạm nghỉ tại khu AH khám Chí Hòa Sài Gòn Trên đường di chuyển lưu đày (buổi đầu gặp Đại bàng, tưởng nguy cơ nhưng bình an vô sự )

CHƯƠNG VII :
Nhân chứng sống nơi “thung lũng tử thần”.
1. Đời sống tinh thần và vật chất của người tù tại trại Xuân Phước.
2. Vượt ngục lần 2 tại nhà tù Xuân Phước nhằm cướp trại giải thoát tù nhân bị thất bại
– Bài thơ “TU TÙ ” làm trong kỷ luật
– Bài thơ “ Đời Đạo Vẹn Toàn”của Ông Huỳnh Quang Tiên kính tặng.
– Thơ tự cảm “ Đêm trăng nơi biệt giam”
– Nhạc tựa đề “Chiếc áo nâu” Nguyễn Hồng Phúc Bạc Liêu thân tặng.
3. Nhớ công sinh thành nhân mùa Vu Lan báo hiếu
– Bài thơ “Mùa Đông nhớ mẹ”.
4. Cuộc hội ngộ đủ màu sắc tôn giáo nơi phòng biệt giam của nhà tù Xuân Phước.
– Thi họa kỷ niệm của quý linh mục và tôi trong biệt giam
– Bài thơ của Linh Mục Nguyễn Luân tặng tôi trước khi qua đời
– Cụ Phan Đức Trọng Đạo Cao Đài 40 năm tù của 2 chế độ
5. Đứa em trai tên Huỳnh Hữu Nhiều thực hiện lời trăn trối cuối cùng của mẹ.

CHƯƠNG VIII :
Chuyến viễn hành di chuyển từ Miền Trung tỉnh Phú Khánh về trại giam Z30A Xuân Lộc Đồng Nai.
1. Một chuyện nhỏ nhưng làm xúc động chúng tôi trên đường di chuyển về Nam
2. Phân trại 1 của trại giam Z30A Xuân Lộc Đồng Nai
3. Những bọn cai đầu dài và những hung thần tại nhà tù Z30 A.
4. Một sự dối trá trắng trợn của Ban giám thị trại giam Xuân Lộc.
– Bài thơ núi Chứa Chan tại Xuân Lộc.
5. Những cuộc tiếp xúc với bác sĩ Nguyễn Đan Quế và một kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời tù.

CHƯƠNG IX :
Tiếp xúc với phái đoàn Liên Hiệp Quốc phụ trách về tôn giáo tại trại giam Xuân Lộc.
1. Ra khỏi khu giam riêng sau 6 năm bị cấm cố. Tôi tiếp tục bị cưỡng bức lao động khổ sai.
2. Những yêu sách của tù chính trị và tôn giáo tại trại Xuân Lộc.
3. Một vài kinh nghiệm và những mẫu chuyện đáng nhớ trong tù.
– Một vài kinh nghiệm trao đổi với các cụ Lão thành Cộng Sản trong tù
– Câu chuyện thương tâm đáng nhớ
4. Hồi ức một nỗi oan không thể giải bày tại nhà tù Xuân Lộc và nỗi đau buồn về hoàn cảnh người em tên Nhiều.
5. “Ăngten”, một tên được gọi chung cho những tên tù đã bị cộng sản trại giam mua chuộc, xỏ mũi làm tay sai.
6. Chính sách “Dĩ tù trị tù”tại trại giam Xuân Lộc
7. Những chuyện lạ nhưng có thật trong nhà tù cộng sản

CHƯƠNG X :
Sơ tâm cách mạng của những người tù chính trị Việt Nam, gồm có 4 dạng : (Mỗi dạng gồm có Trường kỳ và Giai đoạn)
A1. Dạng đấu tranh vì tinh thần quốc gia dân tộc
A2. Dạng đấu tranh vì hận thù
A3. Dạng đấu tranh vì quyền lợi
A4. Dạng đấu tranh vì xu hướng phong trào

CHƯƠNG XI :
Những ân công nhớ mãi trong thời gian tù đày và những tiếp xúc ghi nhận được từ các tổ chức hải ngoại bị cầm tù tại Việt Nam
1. Những cuộc tiếp xúc với các Tổ chức Hải ngoại bị câu lưu tại Việt Nam
2. Những nguyện vọng chính đáng và thiết thực của tù nhân chính trị trong nhà tù cộng sản hiện nay.
3. Danh sách 60 người tù chính trị và tôn giáo còn lại tại trại Xuân Lộc, thuộc phân trại 3 trong những ngày cuối tôi được trả tự do
4. Lời tâm tình của vài thường phạm gặp nhau trong xà lim kỷ luật

CHƯƠNG XII :
Kết Lụân

CHƯƠNG XIII :
Hình ảnh và Phụ Lục

*
*
PHẬT LỊCH 2550

LỜI NÓI ĐẦU

Sau 26 năm lưu đày biệt xứ với 2 bản án chung thân của người tù trải qua hơn một phần tư thế kỷ, tôi trở về từ cõi chết được bình an, trong sự chào đón hân hoan vui mừng của mọi người thân ruột thịt cốt nhục gia đình của quý chư Tôn Đức Pháp quyến. Đặc biệt các Tổ chức Nhân quyền LHQ, Hội Ân xá Quốc tế, Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam tại Hải ngoại, Phòng Thông tin Phật Giáo Quốc tế tại Paris, các Đài Truyền thông Quốc tế loan tải phổ biến tin vui. Nhiều đồng bào Phật Tử xa gần trong và ngoài nước, đã gửi điện thư, điện thoại, đến đất Bạc nơi mái tranh nghèo tôi đang tạm trú, chúc mừng thăm hỏi, tặng quà vật, tịnh tài để tôi điều trị bệnh và hỗ trợ buổi ban đầu lúc mới ra khỏi nhà tù. Trong khi bao người đồng tù khác, án phạt tù ít hơn chẳng may họ không thể chịu đựng nổi những năm tháng lâu dài bị lưu đày nghiệt ngã, nhục hình trong chốn lao tù CS, nên đành gửi nắm xương tàn nơi đất lạnh mồ hoang, hay đã bỏ xác chốn thung lũng tử thần của cảnh rừng sâu núi thẳm, hoặc nằm rải rác đâu đó trong các nhà tù hẻo lánh xa xôi mà gót chân tôi đã từng in dấu. Máu, mồ hôi của tôi cùng các anh em đồng tù đã đổ thật nhiều tại những nơi tôi đã kinh qua, để ngày hôm nay những mảnh đất cằn cỗi hoang sơ được thay thế bởi những con đường thẳng tắp thênh thang, có vườn hoa cây cảnh trông đẹp mắt, những hàng cây to xinh tươi cao vút, những hàng xoài cành cây nặng oằn trĩu quả và những ao rộng mông mênh. Những khu nhà khang trang sạch đẹp với những phòng ốc sang trọng có đầy đủ tiện nghi cho những tên giám thị uy quyền ngồi nghênh ngang yến ẩm. Những nhà kho rộng lớn tích trữ lương thực,thưc phẩm do chính sức lao động của người tù làm ra, dựng nên những cơ sở vật chất quy mô, thu đạt được biết bao nguồn lợi, tất cả những thành quả nói trên cũng nhờ bởi “Công tù”. Chắc chắn nơi ấy có biết bao tù nhân Chính trị kể cả tù thường phạm giờ nầy đang an giấc nghìn thu. Viết đến đây tôi còn nhớ vài câu thơ của HòaThượng Thích Liễu Minh nguyên Ủy viên Công cán Viện Hóa Đạo GHPGVNTN đã diễn tả:

Máu ai đổ xuống đất nầy
Để cho Dân tộc đêm ngày nở hoa
Thân ai ấp ủ sơn hà ..
Anh linh chứng chiếu khúc ca thái bình ..!

Khi tôi được trả tự do thì trong nhà tù vẫn còn nhiều anh em đang ngày đêm sống trong cảnh khốn khổ cơ hàn, bị đọa đày trong gông cùm xiềng xích, có người gần đến tuổi 90, có kẻ đang mắc bệnh tâm thần và có người bị cảnh mù lòa ở trên 20 năm tù nhưng chưa được phóng xá. Mọi người đang khát vọng và mỏi mòn mong chờ niềm tin của ánh sáng tự do. Xác quyết rằng những anh em đồng cảnh ngộ với tôi đang còn ở lại trong tù, họ được quyền hưởng tự do. Ắt hẳn ngày ấy, một ngày vui không còn xa xôi nữa… Các anh em nhiều năm dài đã daĩ nắng dầm mưa, gian khổ nhọc nhằn nhưng hầu hết chưa chồn chân mỏi gối, không dao động, giảm sút nghị lực, không một chút sờn lòng. Nhiều người vẫn giữ vững tinh thần bất khuất hiên ngang, ngày đêm nung nấu ý chí và hun đúc ngọn lửa nhiệt huyết đấu tranh cho công cuộc cứu quốc tại quê nhà. Trong số ấy có nhiều người tù lương thức của các tôn giáo miệt mài, kham nhẫn không chùn bước trước những gian nguy thử thách, luôn một lòng chung lưng đâu cật kiên quyết đấu tranh cho tự do dân chủ nhân quyền và tự do tôn giáo tại VN.

Ngày vào tù các em tôi còn thơ ấu, lúc quay về các em nay đã trưởng thành, tất cả đều có gia thất. Ngôi chùa cổ “Vĩnh Bình”, một thời tôi từng là tọa chủ nay đã trở thành một trường Trung học đồ sộ với tên “Lê văn Đẩu”, tên riêng của một anh du kích đã từng gài mìn, phá cầu, phá lộ, phá trường v.v… Khu nghĩa trang bên hông chùa dành cho bá tánh chôn cất đã bị chính quyền địa phương đào bới san phẳng tạo dựng nên phố chợ xã Châu Hưng, đất ruộng để Chư tăng tự túc tu hành được xây cất những căn nhà khá thoáng đẹp cho các giáo viên và hiệu trưởng. Ngôi chính điện nơi thờ Tam thế Phật và Đức Thích Ca Mâu Ni đã bị đập phá hòan toàn, nay chỉ còn trơ lại ấn tích khu nền cũ với những viên gạch lát màu đỏ nâu được nung bằng đất nhuyễn trông dáng vẻ u buồn như chờ đợi hình bóng chủ nhân về. Một vài tu sĩ xuất gia là môn đệ của tôi, sau khi ra tù đã bị chính quyền o ép sách nhiễu không cho tiếp tục ở chùa nên họ đã hoàn tục lập gia đình.

Khi trở về quê, tôi bỡ ngỡ giữa môi trường xung quanh xa lạ, vì bao cảnh vật đổi thay. Tôi có đến thăm ngôi chùa cũ làng xưa, nhưng ngôi chùa không còn nữa. Con hẻm đi vào chùa dân chúng xây cất nhà cửa san sát hai bên đường. Bản thân là nhà tu nhưng khi về không có chùa để ở, không có miếng đất cắm dùi. Chính quyền địa phương nhiều lần thúc ép tôi phải đăng ký hộ khẩu chính thức tại gia đình để tục hóa bản thân tôi. Tôi đến thăm viếng quý Phật tử xa gần thì kẻ còn người mất, nhiều người đã qua đời, các cụ còn sống hầu hết trên tuổi 70. Các cháu bé ngày xưa kề cận, quấn quít tung tăng lên chùa lạy Phật, đọc kinh nay đã thành bậc mẹ cha, tay bế tay bồng. Những huynh đệ xuất gia, từng là Pháp lữ, là đồng hành thiện tri thức, bao năm cùng tôi sách tấn tu hành nhiều người nay đã bỏ cuộc, vì nghiệp chướng, vì kém phúc thiếu duyên, vì túc trái túc khiên. Đặc biệt có người còn đắm say mùi lợi danh cảnh phù vân hư ảo, cho nên mãi lận đận ngụp lặn trong vòng danh cương lợi tỏa. Trong số đó có những kẻ là bậc Tôn túc một thời tôi vô cùng khâm kính nhưng nay họ theo gió phất cờ dựa dẫm sức mạnh hung bạo, hiểm ác của thế quyền đam mê thế pháp … Khiến nhiều lúc tôi đắn đo suy nghĩ không biết quý ngài có phải là những Cán binh CS đã được Đảng huấn luyện đào tạo cài cắm vào tôn giáo hoạt động từ lâu cho Đảng CS hay không ? Hoặc là vì quá sợ hãi, thiếu nghị lực, yếu đuối về tinh thần nên quý Ngài không thể đương đầu đối phó với những tình huống khó khăn. Phải chăng quý Ngài đã bị đe dọa, bách hại nên phải nương theo và chỉ có con đường “Nắng bề nào che bề nấy”, hoặc bản thân quý vị có những yếu điểm đã bị CS nắm tẩy nên đành cúi mình tuân phục để được an thân. Tôi rất ngạc nhiên, bởi quý Ngài đã nhiều năm tu hành theo chủ nghĩa từ bi mà nay lại giác ngộ chủ nghĩa Mác Lê nhanh quá cũng là điều quái lạ! Thật vô cùng đáng tiếc! Tôi cũng không thể nào quên những lời phân biện sâu sa một cách rõ ràng của quý Ngài truyền giảng mỗi khi có tín đồ phật tử đến làm lễ Quy y Tam bảo rằng : “Quy y Tăng, không quy y tổn hữu ác đảng kia mà !”

Những ngày về Bạc Liêu tôi có nhận xét: số ít Tăng Ni cũ vẫn gìn giữ thanh quy, nghiêm trì luật tạng, trọn vẹn nếp sống tu hành, hoằng pháp lợi sinh, tiếp Tăng độ chúng, nhưng còn lại chỉ có một hai vị mặc dầu có lòng từ bi mẫn thế. Ngược lại, họ kém bản lĩnh, thiếu trí lực dũng mảnh chỉ duy trì rất hạn hẹp trong cửa cổng của ngôi chùa vì luôn bị sự kìm hãm, chèn ép, lấn át của Phật giáo do nhà nước thành lập, trực tiếp dưới sự điều hành của tôn giáo vận, của MTTQ. Nói cho đúng hơn là của Đảng “đây là 1 hiệp hội Phật giáo đang làm Chính trị, nhưng lúc nào cũng lên tiếng quy kết, chụp mũ GHPGVNTN làm Chính trị”. Ngoài ra có khá nhiều Tăng chúng xuất gia sau này tại tỉnh nhà tôi chưa quen và tương lai ắt sẽ quen. Những bạn học của tôi trước đây cùng trường ngoài xã hội chẳng có mấy người thành công hiển đạt, phần đông chỉ sống cảnh an phận thủ thường. Người Mẹ hiền kính yêu nhất đời tôi đã ra người thiên cổ, ngôi mộ song thân được chôn cất cạnh bên nhà như truyền hơi ấm tinh anh, như nhắc nhủ phải vẹn tròn 2 chữ “ tình thương” và huấn hối 4 chữ “Cốt nhục thâm tình” cho các cháu con huân tập. Cuộc sống các em tôi chỉ tạm qua ngày đoạn tháng trong cảnh thanh bần, nhưng may mắn tất cả đều bình an thật là “Tái thế tương phùng,” trong ngày trùng phùng sum hợp đã là hạnh phúc lắm rồi! Tôi không mong cầu điều gì thêm nữa! hạnh phúc chỉ là sự thoả đáng tùy theo tâm trạng, hoàn cảnh trong từng giai đoạn mà mỗi người có mỗi quan niệm khác nhau, về phương diện “nhân chi thường tình” trong tình cảm gia đình. Là người xuất gia tu học, tôi yêu cầu nhà cầm quyền hoàn trả lại tài sản và ngôi chùa để tôi có nơi trang nghiêm thanh tịnh tu hành phù hợp hoàn cảnh và hạnh nguyện của kẻ xuất gia. Tôi chỉ đòi hỏi một cách công bằng cái gì của tôi xin hoàn trả lại cho tôi.

Hôm nay ngồi ghi lại tập “Hồi ký 26 năm lưu đày” này, tôi thành kính dâng lên hương hồn Cha mẹ, các bậc Ân sư Thầy tổ đã dầy công dạy dỗ giáo huấn tôi nên người. Tôi xin kính cẩn niệm ơn, Chư Thánh Tử Đạo, các bậc Tổ sư, các vị tiền bối hữu công, các vị anh hùng liệt sĩ đã hy hiến đời mình cho sự nghiệp dựng nước, giữ nước và bảo vệ tín ngưỡng dân tộc; những anh linh của các tù nhân Chính trị đã vĩnh viễn ra đi vào lòng đất mẹ không trở lại quê nhà, không còn dịp chứng kiến khúc khải ca đón mừng ngày Quốc thắng. Bên cạnh đó, tôi cũng thành tâm tưởng niệm cho những ai đã ra đi tìm tự do chẳng may chết trên biển cả và chia sẻ những nỗi đau thương với gia đình đã có người thân nằm xuống vì thảm họa Cộng sản tại quê hương nầy. Tôi xin bày tỏ lòng tri ân cộng đồng thế giới, Liên Hiệp Quốc và các tổ chức Nhân quyền Quốc tế, Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, ông Abdelfattah Amor Báo cáo viên của LHQ Đặc nhiệm về “Bất bao dung Tôn giáo” cùng phái đoàn đã đến tận nhà tù thăm viếng tiếp xúc với tôi vào ngày 24.10.98 tại trại giam Xuân Lộc, Đồng Nai. Cảm ơn Chính phủ và Quốc hội Hoa Kỳ, Liên hiệp Châu Âu, Hội Ân Xá Quốc tế Luân Đôn, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Ủy Ban Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, Ủy ban Bảo vệ quyền làm người Việt Nam tại Hải Ngoại, các Đài truyền thông Quốc tế, Đài Á Châu Tự Do, Đài Quê Hương … trong nhiều năm qua đã liên tục vận động, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa và lên tiếng mạnh mẽ can thiệp trực tiếp cho việc trả tự do cho tôi và những tù nhân lương thức khác.Tôi trân trọng cảm tạ tất cả những thịnh tình quý báu của các ân nhân đã giúp đỡ về tinh thần hay vật chất cho gia đình cũng như bản thân tôi từ khi còn trong lao ngục hoặc hộ giúp tịnh tài để tôi điều trị bệnh trong những ngày đầu được trả tự do.

Tôi đặt bút ghi tập Hồi Ký nầy cách đây chỉ trong vòng 3 tháng trong khi phải lo nhiều công tác Phật sự. Từ ngày ra tù đến nay thắm thoát đã gần kề 1 năm. Mùa Xuân Ât Dậu sắp mãn chu kỳ để trả lại những chuỗi ngày chuyển tiếp cho năm Bính Tuất đứng lên điều khiển bộ máy thời gian. “Bức tranh vân cẩu trong cung oán ngâm khúc” cho thấy sự “ biến đổi khôn lường của cuộc đời”. Năm Bính-Tuất cũng là điềm báo trước “Tuất Hợi phục sinh, con chó trung thành sẽ quay về tìm chủ”.

Nhân dịp xuân về tôi xin chân thành kính chúc quý Chư Tôn Đức Pháp quyến, Quý Phật tử, Quý tôn giáo bạn, Quý Ân công thân hữu, quý đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước một năm mới An vui, lợi lạc và phúc lộc kiêm toàn.

Đầu Xuân Bính Tuất 2006
THÍCH THIỆN MINH





*
*

Download tại đây :



*
*

1      2      3      4






No comments:

Post a Comment

View My Stats