Wednesday, 27 January 2016

BỆNH THÀNH TÍCH ĐANG KÉO GIÁO DỤC VIỆT NAM TUỘT DỐC (Đỗ Quyên - GDVN)





Đỗ Quyên  -  GDVN
26/01/16 06:38

(GDVN) - Bởi bệnh thành tích đã và đang ăn sâu trong suy nghĩ, hành động của mọi người. Muốn thay đổi điều này, cần phải có cuộc “thay máu” triệt để.


LTS: Muốn dẹp bỏ được căn bệnh thành tích phải tìm ra căn nguyên dẫn đến tình trạng ấy. Đó là việc đề ra chỉ tiêu thi đua quá cao, không phù hợp với khả năng thực tế có thể đạt được.

Trong bài viết này, cô giáo Đỗ Quyên “vạch trần” những nguyên nhân khiến nền giáo dục của Việt Nam tuột dốc thậm tệ.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Học sinh lớp 4,5 không viết nổi tên mình, học sinh lớp 7,8 đọc còn ê a, học sinh lớp 12 không thể giải nổi bài toán nhân chia đơn giản... Chuyện học là thế, chuyện hạnh kiểm thì sao?

Nhiều học sinh vô lễ với thầy cô, bạo hành bạn, nghỉ học không phép cả thời gian dài, quậy phá lớp học... không phải là chuyện hiếm ở các trường học hiện nay.

Cha mẹ các em biết, thầy cô giáo biết, ban giám hiệu biết và cán bộ cấp Phòng, cấp Sở Giáo dục cũng biết nhưng tất cả đều làm ngơ và giả vờ như không biết.

Hơn chục năm về trước thì tình trạng này không có, bởi khi đó, các trường học không phải “gồng mình” chạy chỉ tiêu.

Học sinh học lực yếu sau khi thầy cô đã nỗ lực kèm cặp nhưng vẫn không tiến bộ thì cuối năm đương nhiên phải ở lại lớp. Có lớp học ở lại cũng vài ba em. Những học sinh này do được học lại kiến thức cũ nên cuối năm cũng tiến bộ nhiều. 

Đối với những học sinh hư, vô lễ, quậy phá, bạo hành bạn... nhà trường cũng có nhiều biện pháp mạnh răn đe, hạ nhiều bậc hạnh kiểm, cao hơn là đuổi học, thông báo về địa phương quản lý.

Từ khi trường học khống chế bằng các chỉ tiêu để xếp loại trường, đánh giá giáo viên thì mọi chuyện đã đổi khác. Càng trường nào có danh hiệu trường chuẩn quốc gia, trường điểm...càng nhiều bệnh thành tích. Bởi các chỉ tiêu cũng vì thế cao hơn nhưng thực tế chất lượng học tập của học sinh vẫn thế.

Người ta thường nhìn vào tỉ lệ học sinh giỏi, học sinh đạt giải trong các phong trào học tập, các cuộc thi đua... để khẳng định “đẳng cấp’ từng trường.

Ban giám hiệu nào chẳng muốn trường mình được đánh giá “trường ngon” nên càng cố hết sức để đạt được chỉ tiêu bằng cách gây sức ép lên giáo viên. Các thầy cô giáo cũng vì bản thân mình nên dễ dàng thỏa hiệp mà không dám tỏ rõ quan điểm. 

Trường học thường chịu áp lực từ Phòng GD&ĐT, chỉ tiêu về các hoạt động giáo dục, về hạnh kiểm luôn được đưa ra ở mức ngất ngưởng.

Đã thế, Ban giám hiệu các trường chỉ biết tuân theo mà không ai dám có ý kiến. Cấp trên luôn có lý khi họ không trực tiếp dạy và giáo dục học sinh nhưng lại luôn đưa ra những giải pháp được xem là hiệu quả.

Họ không buộc giáo viên phải cho học sinh yếu kém lên lớp, họ chỉ yêu cầu thầy cô kèm cặp, phụ đạo để các em tiến bộ mà lờ đi việc có những học sinh dù đã áp dụng đủ các biện pháp nhưng sự nhận thức không tiến triển là bao.

Với học sinh vi phạm quá nhiều nội quy nhà trường, thậm chí đánh bạn gây thương tích, vì sợ chuyện bại lộ sẽ ảnh hưởng đến thanh danh của trường, nhà trường thường “giảm nhẹ” theo kiểu “Chuyện lớn hóa bé, chuyện nhỏ coi như không có gì”.

Hàng năm, các báo cáo từ cấp tổ gửi lên trường, từ trường gửi về Phòng và từ Phòng lên đến Sở đều là những con số đẹp mê hồn, 100% học sinh thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, 100% đạt về năng lực, 100% đạt về phẩm chất, 99% học sinh lên lớp thẳng hay 90% đạt hạnh kiểm Tốt, 10% đạt hạnh kiểm Khá...

Sau sự thống kê thường là những câu kết luận: Chúng ta đã đạt hoặc vượt chỉ tiêu đăng kí đầu năm.

Nguyên nhân giáo dục của chúng ta ngày càng tụt hậu thì có nhiều nhưng nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là căn bệnh thành tích, nó tồn tại như căn bệnh trầm kha khó có thuốc chữa.

Bởi bệnh thành tích đã và đang ăn sâu trong suy nghĩ, hành động của mọi người. Muốn thay đổi điều này, cần phải có cuộc “thay máu” triệt để, trước hết là các cấp lãnh đạo sau là các thầy cô giáo.

Đỗ Quyên





No comments:

Post a Comment

View My Stats