Friday 29 January 2016

NỀN KINH TẾ TỰ HỦY DIỆT CỦA PUTIN (Vladislav Inozemtsev - Washingtonpost)





Vladislav Inozemtsev  -   Washingtonpost
Phạm Nguyên Trường dịch
23-1-2016

Hơn một năm một chút sau “Ngày thứ ba đen tối”, khi đồng Rub mất giá đến 25% trong một ngày, tình trạng kinh tế của Nga vẫn không ổn định. Trong 12 tháng qua, GDP giảm 3,9%. Thấp hơn so với dự đoán của nhiều nhà phân tích cách đây một năm, và chính phủ đã giữ được lạm phát dưới 13%. Nhưng những lời hứa trước đó của chính quyền rằng kinh tế sẽ phục hồi vào quý III năm 2015 đã không trở thành hiện thực, những dự đoán sau đó rằng kinh tế sẽ phục hồi vào cuối năm cũng không xảy ra.



Các thiết chế tài chính quốc tế và Bộ kinh tế Nga hiện nay đều đồng ý rằng kinh tế sẽ không phát triển vào năm 2016, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) khẳng định rằng tháng 12 sẽ suy giảm 0,6%, trong khi tuần vừa rồi chính quyền Nga nói rằng suy giảm khoảng 0,8%. Tuy nhiên, mọi người đều đồng ý rằng năm 2017 kinh tế sẽ phát triển. Nếu đúng như thế thì có thể nói rằng đây là giai đoạn suy thoái bình thường, nguyên nhân là do giá dầu giảm và những biện biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu kinh tế vẫn không tăng trưởng?

Tôi có thể khẳng định rằng tình hình kinh tế Nga thậm chí còn xấu hơn cả năm 2009. Thu nhập thực tế sau thuế giảm đáng kể, lương danh nghĩa – tính theo giá USD hiện nay – thấp hơn năm 2005. Lượng hàng hóa bán lẻ giảm hơn 2 lần so với năm 2009. Ngân sách liên bang, tính bằng USD, ở mức năm 2006. So với năm 2014, giá căn hộ mới ở Moskva giảm 16%, nếu tính bằng đồng Rub, còn tính bằng USD thì giảm tới hơn một nửa. Tiền thuê văn phòng ở Moskva và St. Petersburg giảm trở lại mức của năm 2002. Kinh tế Nga rơi vào hoàn cảnh khó khăn, vì giá dầu giảm và áp lực ngày càng tăng của bộ máy quản lí hành chính quan liêu, đấy là chưa nói tới chính sách đối ngoại hoang tưởng của đất nước.

Xem xét nền Nga từ đầu những năm 2000, có thể thấy hai giai đoạn khác hẳn nhau. Giai đoạn đầu từ năm 2000 đến năm2007. Lúc đó kinh tế đã tăng khoảng 7% một năm, chỉ số chứng khoán RTS tăng vọt và thu nhập trung bình tăng hơn ba lần. Thuế khóa giảm và hợp tác quốc tế gia tăng. Nước Nga đã vươn lên.

Sau đó là giai đoạn hai, bây giờ có thể được gọi là giai đoạn bế tắc. Từ năm 2008 đến 2015, tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm gần bằng không; dòng vốn chuyển ra nước ngoài gia tăng; các nhà đầu tư nước ngoài bị đẩy ra rìa; môi trường kinh doanh xấu đi; nhiều loại thuế mới được áp dụng hoặc gia tăng thuế suất. Chi phí quân sự tăng gấp đôi khi tổng thống Vladimir Putin tung ra những chiến dịch quân sự ở Gruzia, Ukraina và Syria, và dường như ông ta đã chuyển toàn bộ mối quan tâm của mình từ kinh tế sang lĩnh vực địa chính trị.

Giai đoạn hai này thường được mô tả gồm hai cuộc khủng hoảng và một giai đoạn phục hồi, nhưng nên coi nó là một giai đoạn dài không hề có tăng trưởng. Như thủ tướng Dmitry Medvedev đã thừa nhận, Nga đã rơi vào cuộc khủng hoảng mới trong khi chưa thoát ra khỏi khủng hoảng cũ. Nhìn theo cách này, giai đoạn tăng trưởng và giai đoạn bế tắc dường như bổ sung cho nhau, mỗi giai đoạn kéo dài tám hoặc chín năm. Và vì nền kinh tế Nga hiện nay hoàn toàn phụ thuộc vào chính trị, và chính trị trở thành phi tự do hơn, cho nên hi vọng phục hồi là rất nhỏ, ngay cả khi các biện pháp cấm vận bị rỡ bỏ và giá dầu trở lại mức bình thường.

Trước đây Nga đã từng trải qua mấy cuộc khủng hoảng, nhưng trong năm 1998 và năm 2008 không có nhiều công ty nước ngoài hủy bỏ các khoản đầu tư của họ như hiện nay. Với “những biện pháp trừng phạt” chống lại Liên minh châu Âu, căng thẳng với Thổ Nhĩ Kì và tuyên bố rằng luật pháp hay thay đổi của Nga có giá trị hơn các điều ước quốc tế, chính phủ đã làm nàn lòng các nhà nhà đầu tư trong nước và quốc tế, làm cho họ không còn muốn đầu tư nữa. Năm vừa qua, hơn 20 tập đoàn phương Tây, trong đó có Opel, Adobe Systems và Stockmann, đã chấm dứt hoạt động ở Nga; khoảng 30 cơ sở sản xuất do người nước ngoài làm chủ đã đóng cửa. Số người di cư khỏi Nga tăng từ 35.000 người mỗi năm trong giai đoạn 2008-2010 lên hơn 400.000 người - theo ước tính sơ bộ - trong năm 2015. Tôi không thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy tất cả những xu hướng này có thể thay đổi.

Nếu những điều trình bày bên trên là đúng và nếu trong năm 2016 kinh tế Nga tiếp tục teo lại, như đã từng xảy ra trong năm 2015, thì có nhiều khả năng là chúng ta sẽ không phải chứng kiến một cuộc khủng hoảng nữa mà được chứng kiến sự khởi đầu của giai đoạn suy thoái kéo dài – tương tự như những sự kiện diễn ra ở Venezuela trong nửa sau của những năm 2000. Nếu như thế, giai đoạn bế tắc không phát triển lên thành giai đoạn phục hồi mà sẽ chuyển thành cú rơi tự do có thể kéo dài trong nhiều năm – kéo tiếp vào nhiệm kì thứ tư (hoặc thứ năm, tùy cách tính) của Putin, bắt đầu vào năm 2018.

Nguyên nhân chính là vì trong những năm 1990 và đầu những năm 2000, Nga – dù hỗn loạn đến đâu – vẫn là đất nước của hi vọng. Điều kiện năng động và đang được cải thiện ở trong nước đã hấp dẫn các nhà đầu tư. Sau năm 2012, tình hình đã thay đổi hẳn. Hiện nay Nga là lãnh địa của ảo tưởng.

Trong 2016, tôi khuyên tất cả những người quan tâm tới tình hình kinh tế của Nga nên thận trọng. Nếu tăng trưởng không phục hồi, điều đó có thể có nghĩa là đất nước đã bước vào giai đoạn tự hủy diệt về kinh tế, đấy có thể trở thành giai đoạn thứ ba của triều đại Putin.

Vladislav Inozemtsev là cộng tác viên khách mời của Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (Center for Strategic and International Studies) ở Washington và là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu hậu công nghiệp ở Moskva.

Nguồn: Washingtonpost






No comments:

Post a Comment

View My Stats