Saturday, 30 January 2016

VÌ SAO KHÁCH NƯỚC NGOÀI ĐẾN VIỆT NAM GIẢM MẠNH ? (Nguyễn Văn Mỹ, Hiệp Hội Lữ Hành Việt Nam)





Nguyễn Văn Mỹ,  Hiệp Hội Lữ Hành Việt Nam
Thứ Bảy, ngày 30/1/2016 - 04:25

(PL)- Du lịch Việt Nam sẽ không đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực nếu không chịu thay đổi.

TIN LIÊN QUAN

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam (VN) sụt giảm mạnh trong khi ở hầu hết các nước khác trong khu vực, lượng khách vẫn tăng cao.

Campuchia, Lào sẽ qua mặt VN

Theo Tổng cục Du lịch, lượng khách quốc tế đến VN trong năm 2015 đạt gần 8 triệu lượt người, chỉ tăng gần 0,9% so với năm 2014Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng sáu năm trở lại đây. Cụ thể năm 2010 tăng 35%, 2013 tăng 11%, 2012 tăng 14%, 2011 tăng 19% và 2014 tăng 4%.

Biểu đồ tăng trưởng du lịch inbound (khách nước ngoài vào VN) cho thấy đối tượng khách này đang tụt dốc thê thảm, chẳng khác nào xe đứt thắng!

Điều đáng nói là nhiều thị trường khách quan trọng của du lịch VN sụt giảm mạnh. Ví dụ khách Nga giảm 7,1%; khách Trung Quốc giảm 8,5%. Giảm mạnh nhất là khách Campuchia, giảm đến 43,8%. Chỉ có một số thị trường khách tăng tương đối khả quan như Hàn Quốc, Singapore, châu Phi.

Trong khi du lịch VN ảm đạm thì các nước ASEAN vẫn tăng trưởng tốt. Đơn cử Campuchia cán mốc 5 triệu lượt khách, tăng 11%; Lào gần 4,3 triệu, tăng 5%. Đặc biệt, Thái Lan dù trải qua vụ khủng bố gây chấn động ở Bangkok nhưng vẫn tăng đến hơn 20% với khoảng 30 triệu lượt khách. Nhật Bản tăng 47%, đạt 20 triệu lượt. Tính chung cả thế giới, dù gặp đủ thứ khó khăn vẫn tăng trưởng 4,4%.

Không chỉ vậy, vị trí đứng đầu nửa cuối của ASEAN về du lịch của VN đang bị Philippines hăm he vượt qua. Nếu không kịp chấn chỉnh và cải thiện tình hình, cứ đà này thì 3-4 năm nữa cả Campuchia, Lào, Myanmar cũng sẽ qua mặt VN về lượng khách.

Bởi xét về mặt hiệu quả đón khách du lịch trên dân số của ASEAN, VN hiện chỉ xếp trên Indonesia và Myanmar.

Du khách nước ngoài đến tham quan, mua sắm đồ lưu niệm tại TP Đà Nẵng. Ảnh: LÊ PHI

Thua toàn tập

Vậy đâu là lý do khiến khách nước ngoài vào VN gần như giậm chân tại chỗ? Các quan chức ngành du lịch cho rằng do kinh tế khó khăn, giá dầu sụt giảm. Nhưng khó khăn này là của cả thế giới, đâu riêng gì VN. Có người lại đổ lỗi do khách Trung Quốc và khách Nga giảm nhiều.

Trong buổi làm việc giữa đoàn Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội với Hiệp hội Du lịch TP.HCM mới đây, Tổng Cục trưởng Du lịch VN Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh: “Cản trở lớn nhất của du lịch VN là visa, visa và visa”.

Song giả sử VN miễn visa cho toàn thế giới thì lượng khách quốc tế đến VN cũng chưa thể sánh với Singapore (15 triệu) chứ đừng mơ bằng Thái Lan hay Malaysia. Mặt khác, visa đi Mỹ rất khó và đắt nhưng người Việt vẫn ùn ùn rồng rắn xếp hàng đăng ký sang du lịch nước này. Các nước Kyrgyzstan, Dominica, Ecuador, Panama… miễn visa cho hộ chiếu phổ thông VN nhưng thử hỏi có bao nhiêu người Việt du lịch đến đó?

Như vậy, visa chỉ là một trong rất nhiều nguyên nhân cản trở khách nước ngoài vào VN.

Hỏi ý kiến bỏ túi nhiều du khách, cả nội địa và quốc tế, chúng tôi nhận thấy có ba lý do ngán ngại nhất khi du lịch VN. Thứ nhất an ninh xã hội chưa tốt với nạn ăn xin, bán hàng rong chèo kéo, móc túi, cướp giật, “chặt chém” và trấn lột. Tiếp theo là vệ sinh môi trường và vệ sinh thực phẩm. Thứ ba là giao thông hỗn loạn, kẹt xe, ách tắc, trạm thu phí dày đặc, nguy cơ tai nạn, mất quá nhiều thời gian ngồi trên xe.

Có thể bổ sung thêm là tinh thần và thái độ phục vụ du khách chưa tốt, chưa chuyên nghiệp. Dịch vụ du lịch định giá tùy tiện, thường cao hơn nhiều nước. Sản phẩm du lịch trùng lắp, nghèo nàn… Có thể nói là chúng ta thua toàn tập.

Nếu không khắc phục những khiếm khuyết trên và có những giải pháp đồng bộ, đúng hướng, kịp thời thì du lịch VN sẽ tiếp tục tụt dốc không thắng. Vấn đề quan trọng nhất là phải bắt đầu từ con người, trước hết là từ nhận thức của tư lệnh ngành. Sau đó mới đến sự liên kết và phối hợp đồng bộ giữa các ngành và toàn xã hội.

Không phát triển du lịch giá rẻ
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, nói năm vừa qua do nhiều yếu tố đã làm sụt giảm đột ngột khách từ thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó thị trường Nga cũng giảm sút do có nhiều biến động từ trong nước.
Tuy nhiên, từ tháng 7 năm ngoái đến bây giờ tình hình đã khả quan hơn nhiều. Cụ thể, tháng 1-2016, khách quốc tế lần đầu tiên đạt trên 800.000 và tăng 5,8% so với tháng 12-2015. Đó là một dấu hiệu tốt.
"Tôi lưu ý Thái Lan vừa rồi tăng trưởng chủ yếu là thị trường Trung Quốc, bởi vì họ áp dụng các chính sách giảm giá rất sâu. Chúng ta không chủ trương phát triển một ngành du lịch giá rẻ mà phải duy trì chất lượng dịch vụ thay vì giảm giá. Dĩ nhiên hiện tại ngành du lịch phải cố gắng nhưng nếu không có sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, chính quyền các cấp thì du lịch không thể nâng cao được"- ông Tuấn nói.
Giá sản phẩm du lịch VN cao
Tại lễ tổng kết tình hình du lịch 2015 trên địa bàn TP.HCM mới đây, đại diện Công ty Du lịch Vietravel cho hay khi trao đổi với các đối tác thì được biết nguyên nhân khiến khách quốc tế không đến là do sản phẩm du lịch VN không có gì mới trong khi giá lại cao hơn các nước. Điều này dẫn đến du lịch VN không thể cạnh tranh nổi với Malaysia, Myanmar…
Ông Lại Minh Duy, đại diện Hiệp hội Du lịch TP.HCM, cũng thừa nhận trong khu vực ASEAN, giá sản phẩm du lịch của VN cao hơn so với nhiều nước.
Thường xuyên nói cảm ơn, xin lỗi
Ngày 29-1, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL TP Đà Nẵng, cho biết đã ban hành bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch bằng hình ảnh minh họa sinh động.
Bộ quy tắc ứng xử khuyến cáo du khách, người dân TP nên và không nên làm việc gì đối với hoạt động du lịch trên địa bàn. Chẳng hạn ăn mặc lịch sự, đặc biệt là ở những nơi tôn nghiêm; xếp hàng khi sử dụng các dịch vụ công cộng; luôn chào nhau bằng nụ cười, thường xuyên nói cảm ơn, xin lỗi; không đeo bám, chèo kéo du khách; không khạc nhổ, vứt rác nơi công cộng...
V.THỊNH -TÚ UYÊN-LÊ PHI
NGUYỄN VĂN MỸ, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam





No comments:

Post a Comment

View My Stats