Saturday, 30 January 2016

CON ĐƯỜNG BUÔN LỤA (Nguyễn Đạt Thịnh)





Nguyễn Đạt Thịnh
(VienDongDaily.Com - 27/01/2016)

Trong chuyến công du nhiều quốc gia Trung Đông, chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình đang nỗ lực thực hiện chiến lược "Con Đường Buôn Lụa" -con đường do người Tầu khai phá từ thời thượng cổ, và đã giúp Trung Quốc bành trướng thương vụ từ Á sang Âu và Phi châu.

Dĩ nhiên lụa là món hàng chính được chuyên chở trên trục đường dài vài ngàn dậm đó, nhưng qua “Con Đường Buôn Lụa”, Trung Quốc cũng còn phổ biến nhiều thứ khác, mang tính chất văn hóa, tín ngưỡng, phong tục, tập quán ...; những quốc gia đón nhận sản phẩm bán, và không bán, của Trung Quốc là Ấn, Persia, Âu Châu, Phi Châu và khối Ả Rập.

Bên cạnh vô số nhược điểm, người Hoa vẫn có một ưu điểm quý giá là tính cần mẫn; từ năm, sáu ngàn năm trước, họ đã lao lực trồng dâu, nuôi tằm, kéo tơ rồi dệt ra những giải lụa mịn màng mà người nước nào cũng thích. Trong lúc vế cầu trên cán cân thương mại thúc bách đòi hỏi, vế cung nỗ lực sản xuất, thì doanh nhân Trung Quốc cũng làm tròn vai trò đem sản phẩm của người Tầu, bán sang Pháp, sang Nga, sang Ma Rốc, ... và hàng trăm thị trường khác.

Sau vài chục thế kỷ, năm nay, tính cần mẫn của người Hoa lại tạo ra nhu cầu xuất cảng; số lượng sản phẩm made in China -do vài trăm triệu công nhân ngày ngày cần cù tạo ra- nhiều đến mức tạo khủng hoảng kinh tế cho Trung Quốc, nếu việc xuất cảng bị đình trệ trong một thời gian ngắn -một vài tháng.
Hôm 19 tháng Giêng 2016, ông Tập đến Riyadh -thủ đô Saudi Arabia- và ký với quốc vương Saudi King Salman một loạt những thỏa thuận kinh tế, trong đó có kế hoạch Trung Cộng giúp Saudi xây dựng một lò điện nguyên tử.

Nữ phát ngôn viên tòa đại sứ Trung Cộng tại Saudi Arabia -bà Fu Lihua- công bố, “2 nước ký với nhau 14 thỏa ước;” Saudi cần bán dầu, Trung Cộng cần bán sản phẩm, chỉ riêng 2 nhu cầu này cũng đủ tạo tình tương lân giữa 2 nước.

Tập Cận Bình tuyên bố, "cuộc công du thân hữu của tôi tạo được nhiều thành quả, và tăng cường mức độ trao đổi giữa đôi bên lên mức độ cao hơn.

Hãng thông tấn Arab News trích lời tuyên bố của một viên chức Trung Cộng nói, “Nằm trên lộ trình Con Đường Buôn Lụa, Saudi đang trở thành một điểm nối quan trọng giữa Trung Quốc và thị trường Trung Đông.”

Tại Saudi Arabia, họ Tập còn diện kiến Abdul Latif bin Kashid al-Zayani, chủ tịch Hội Đồng Liên Hiệp các quốc gia vùng Vịnh GCC, và al-Zayani tuyên bố ông sẽ thúc đẩy một thị trường tự do giữa Trung Cộng và các quốc gia thành viên GCC.

Ngoài ra ông Tập còn tham dự lễ khánh thành nhà máy lọc dầu Yasref, vốn $10 tỉ, Trung Cộng góp 37.5% cổ phần.

Sau Saudi Arabia, Tập Cận Bình ghé thăm Ai Cập, dự lễ kỷ niệm 60 năm tương quan ngoại giao giữa 2 nước, và ký với chính quyền Ai Cập thỏa ước 5 năm thúc đầy tương quan. Tập còn mời tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh G20 tổ chức tại Hàng Châu vào tháng 9 sắp tới.
Cũng tại Ai Cập, Tập hứa giúp người Palestine $7.5 triệu, và giúp $35 triệu cho khối 5 quốc gia Trung Đông Syria, Jordan, Lebanon, Libya và Yemen. Ông còn công bố những chương trình trợ giúp việc bành trướng tiện nghi của vùng Trung Đông với ngân khoản $55 tỉ.

Trạm chót chuyến đi của Tập Cận Bình khai phá “con đường buôn lụa” là Iran; tại đây ông hội kiến với tổng thống Hassan Rouhani, với lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei, và với chủ tịch Quốc Hội Ali Larijani.

Với những giới chức này, họ Tập đề nghị nhiều cộng tác rộng lớn trên các bình diện năng lượng, giao tiếp, kỹ nghệ và kinh tài. Đại diện 2 nước ký bản memorandum of understanding (MoU-Bản Ghi Nhớ) để thường xuyên tăng cường cộng tác khai triển Con Đường Buôn Lụa trên cả 2 mặt thủy lộ và xa lộ.

Quan sát viên quốc tế đánh giá tầm quan trọng của kế hoạch Con Đường Buôn Lụa cũng to lớn ngang ngửa với kế hoạch Marshall của Mỹ trợ giúp nền kinh tế Âu Châu sau Thế Chiến Thứ Nhì; một tương đồng khác là mục đích chính trị của ngoại trưởng Mỹ George Marshall, tạo dựng phồn thịnh kinh tế tại Âu Châu để loại ảnh hưởng của Nga ra khỏi các quốc gia Tây Âu, và mục đích chính trị của Tập -tạo dựng ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc trên vùng Trung Đông, với khối tín đồ Hồi Giáo, một nửa đang chống Mỹ trong một cuộc chiến tranh vô cùng tàn bạo.

Giáo sư Friedrich Wu, thuộc viện đại học S Rajaratnam School of International Studies tại Singapore, nhận định, “Con Đường Buôn Lụa là chính sách bành trướng của Trung Quốc được 2 triều đình nhà Hán và nhà Thang sử dụng để bành trướng Đế Quốc Trung Quốc; Trung Cộng đang trở lại con đường bành trướng đó.”

Tân Hoa Xã trong bản tin phổ biến ngày 1/14/2016 viết, “Trong năm 2015, ngân hàng China Exim Bank (The Export-Import Bank of China) đã tài trợ trên 1,000 dự án kinh tế của 49 quốc gia nằm trên Con Đường Buôn Lụa với ngân khoản 80 tỉ mỹ kim.

Phát ngôn viên Dai Peng của China Exim Bank nói với phóng viên Tân Hoa Xã, “Những dự án chúng tôi tài trợ không chỉ giúp bành trướng nền kinh tế địa phương, mà còn tạo ra một thị trường liên kết Á Phi.”
Hôm 19 tháng Giêng 2016, thủ tướng Tiệp Khắc Bohuslav Sobotka tuyên bố ông chủ trương tham dự Con Đường Buôn Lụa gồm đường bộ, đường rầy, và đường thủy nối liền Trung Quốc với Trung Đông.

Con Đường Buôn Lụa là một nhu cầu kinh tế và chính trị của Trung Cộng; quan sát thế hoàn toàn bị động của Nga trước những biện pháp trừng phạt kinh tế do Hoa Kỳ quyết định, người Tầu hiểu là vai trò "xưởng sản xuất quốc tế" họ đang nắm giữ, còn khiến họ bị động hơn nữa, nếu Hoa Kỳ cũng lại sử dụng lợi khí "khối tiêu thụ ngừng mua hàng."

Giả thuyết 3 tháng, hoặc 6 tháng không xuất cảng được, chắc chắn sẽ đưa nền kinh tế sản xuất của Trung Cộng đến chỗ sụp đổ, và chủ trương của tổ chức Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương -TPP- cũng tạo tác dụng tăng cường sản xuất cho các quốc gia hội viên, để Đông Nam Á chia xẻ nguồn lợi xuất cảng, đang do Trung Cộng chiếm gần trọn vẹn.

Con Đường Buôn Lụa là lối thoát duy nhất, giúp Trung Cộng tạo ra một thị trường tiêu thụ riêng cho sản phẩm của họ.

Điểm phức tạp là CĐBL không chỉ chuyên nhất đưa sản phẩm kỹ nghệ, và tiểu công nghệ Trung Hoa vào Trung Đông thôi, nó đã đưa vũ khí Trung Cộng vào đó, và nó còn đưa ảnh hưởng chính trị vào nữa.

Chưa bị ảnh hưởng chính trị của Trung Cộng mà người Ả Rập đã chống Mỹ, thì CĐBL không giúp giải quyết cuộc chiến chống IS của Mỹ, mà chỉ làm chiến tranh trầm trọng hơn thôi.




No comments:

Post a Comment

View My Stats