Thursday, 28 January 2016

KINH TẾ VIỆT NAM & ÔNG NGUYỄN TẤN DŨNG (Kính Hòa & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA)





Kính Hòa & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
2016-01-27

Đại hội Đảng Cộng Sản Việt Nam Khóa 12 sẽ kết thúc ngày 28 này sau khi vừa bầu ra Ban chấp hành Trung ương mới với các cơ chế tối cao ở trên như Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư và Tổng bí thư đảng. Trong mấy tháng liền, việc chuẩn bị và tiến hành Đại hội đã gây chú ý vỉ yếu tố nhân sự lãnh đạo. Trong số bốn người lãnh đạo cao cấp nhất có vai trò của Thủ tướng, tập trung vào khả năng, lập trường và thành tích của ông Nguyễn Tấn Dũng sau hai nhiệm kỳ cầm đầu Hội đồng Chính phủ.

Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về thành tích đó qua phần phân tích sau đây của chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Kính Hòa: Xin kính chào ông Nghĩa. Được biết ông không mấy theo dõi diễn biến hậu trường của việc tổ chức Đại hội đảng vừa qua tại Hà Nội. Nhưng Đại hội năm nay lại có nhiều khác biệt so với trước đây vì một yếu tố nhân sự là ông Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị đứng hàng thứ ba sau Tổng Bí thư và Chủ tịch nước, sẽ ra đi hay ở lại vối trách nhiệm cao hơn. Những đồn đại dồn dập và đầy mâu thuẫn trong mấy tuần liền cho thấy là có tranh đoạt quyền lực trong nội bộ về thành tích của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sau 10 năm cầm đầu Hội đồng Chính phủ. Thưa ông Nghĩa, dù ông không thích nêu ý kiến về chọn lựa nhân sự của Đại hội đảng, Diễn đàn Kinh tế vẫn muốn hỏi ông một câu về kinh tế, là kinh tế Việt Nam ra sao khi có hoặc khi không có ông Nguyễn Tấn Dũng trong vị trí lãnh đạo?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi sẽ làm một số thính giả và độc giả của chúng ta thất vọng vì lạc đề nói chuyện Đài Loan trước khi trả lời câu hỏi của anh Kính Hòa!
Đi trước Việt Nam hai chục năm theo chiến lược phát triển kinh tế thị trường dưới chế độ độc đảng khá độc tài và lại nằm dưới tầm đạn của Trung Quốc mà tôi sẽ gọi là Trung Cộng cho chính xác, Đài Loan là một phép lạ kinh tế đích thực, với nhiều thành tựu về phẩm chất xã hội, tổ chức và kỹ thuật rất đáng theo dõi để học hỏi. Dù an ninh là một ưu tiên sinh tử, Đài Loan cũng tự chuyển hóa từ chế độ độc đảng có tinh thần xã hội chủ nghĩa của ông Tưởng Kinh Quốc qua chế độ dân chủ và đúng 20 năm trước, lần đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa mà người Tầu được trực tiếp đi bầu theo thể thức phổ thông đầu phiếu để chọn lựa người lãnh đạo là Tổng thống. Năm đó là 1996 và Trung Cộng đã bắn hỏa tiễn qua đầu dân Đài Loan để uy hiếp.
Nhưng việc dân chủ hóa vẫn thành và sau bốn năm cầm quyền của Tổng thống Lý Đăng Huy thuộc Trung Hoa Quốc Dân Đảng từ lục địa lưu vong qua vào năm 1949, năm 2000 người dân đã bầu lên Tổng thống Trần Thủy Biển thuộc đảng đối lập là đảng Dân chủ Tiến bộ, hay Dân Tiến. Qua hai nhiệm kỳ Dân Tiến, Đài Loạn lại có Tổng thống thuộc Quốc Dân Đảng là ông Mã Anh Cửu. Mươi ngày trước, người dân Đài Loan lại đi bầu Tổng thống và Quốc hội, lần này đảng Dân Tiến trở lại cầm quyền sau 10 năm đối lập, với bà Thái Anh Văn sẽ là Tổng thống và một cơ chế Lập pháp do đảng Dân Tiến chiếm đa số áp đảo.

Kính Hòa: Xin cảm tạ ông Nghĩa đã rất ngắn gọn trình bày về hoàn cảnh Đài Loan. Hiển nhiên là ông có ý so sánh, nhưng với mục tiêu gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi sở dĩ nhìn ra khỏi Việt Nam và nhắc đến Đài Loan, chứ không nói thêm về Nam Hàn, vì mình có thể rút tỉa nhiều bài học. Con trai của ông Tưởng Giới Thạch là Tưởng Kinh Quốc đã được đào tạo tại Liên Xô và có tinh thần xã hội chủ nghĩa, là chú trọng đến an sinh và công bằng xã hội dù theo kinh tế thị trường với một đảng độc tài và thủ cựu.
Vậy mà chính quyền Tưởng Kinh Quốc dần dần cải cách về chính trị, để trên thành quả kinh tế chói lọi mà cho người dân thêm quyền chọn người lãnh đạo và trực tiếp phê phán Chính phủ. Kết quả là Quốc Dân Đảng phải cạnh tranh với đối lập để tranh thủ lòng dân, có lúc cầm quyền, có lúc phải ngồi ghế đối lập rồi lại trở về vai trò lãnh đạo. Đài Loan đã tự chuyển hóa như vậy 20 năm trước, khi Đông Á bị khủng hoảng tài chính và kinh tế năm 1997-1998.
Trong 10 năm cầm quyền vừa qua của Mã Anh Cửu dưới sự lãnh đạo của Quốc Dân Đảng, Đài Loan đã đi theo chủ trương khắng khít hợp tác với Bắc Kinh, nhưng tình hình kinh tế và nhất là xã hội lại sa sút nên dân chúng đã ào ạt bầu cho đảng đối lập để tìm con đường ra khỏi bóng rợp của Bắc Kinh. Bài học ở đây là người dân có lợi nhất, họ thực sự làm chủ tương lai và vận mệnh và các đảng chính trị thay nhau cầm quyền phải quan tâm đến lòng dân.
Việt Nam chưa được vậy dù chẳng gặp hoàn cảnh nguy nan về an ninh của Đài Loan. Trách nhiệm là ở đảng Cộng sản Việt Nam, khi cầm quyền liên tục từ 40 năm qua mà làm xứ sở tụt hậu, chẳng khi nào bắt kịp Đài Loan hay Nam Hàn tại Đông Bắc Á và nay vẫn còn thua kém các nước Đông Nam Á. Đại hội đảng vừa qua đã gây thất vọng, cho thấy đảng này không xứng đáng cầm quyền và nên tự chuyển hóa để khỏi tự tiêu vong như nhiều đảng độc tài khác.

Kính Hòa: Thưa là ông thất vọng nhất ở những điểm gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Ngoài chuyện tranh đoạt quyền lực rất đáng chê trách, tôi thất vọng ở tầm nhìn của giới lãnh đạo. Mười năm trước, Việt Nam đã gia nhập tổ chức Thương mại Quốc tế WTO và bước vào một thời kỳ hội nhập mới, còn có lợi hơn Đài Loan là một nước bị Trung Cộng cô lập về ngoại giao. Vậy mà Việt Nam không tự chuẩn bị cho việc hội nhập đó sau 15 năm đàm phán và bị khủng hoảng trong các năm 2007-2008 nhồi trong nạn Tổng suy trầm toàn cầu 2008-2009. Lãnh đạo là tiên liệu, đảng Cộng sản Việt Nam không biết tiên liệu.
Chuyện thứ hai là Việt Nam cũng vừa trải qua bảy năm đàm phán để hội nhập ở cấp cao hơn, đó là thành đối tác của Hiệp ước Xuyên Thái bình dương TPP, vừa được thông qua ngày năm Tháng 10. Sau Hội nghị Trung ương chuẩn bị cho Đại hội XII người ta mới hiểu là Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã trực tiếp chỉ đạo và kiểm soát từng bước đàm phán việc hội nhập lớn lao này vào môi trường kinh doanh mở rộng của TPP, của Liên hiệp Âu châu và khối ASEAN của 10 Quốc gia Đông Nam Á, với rất nhiều triển vọng mà cũng có nhiều thách đố về cạnh tranh.
Chỉ đạo và kiểm soát việc thương thuyết ra sao, theo các tiêu chuẩn nào và tại sao? Người dân không được biết về mấy điều then chốt ấy, lại càng khó biết Chính phủ Việt Nam sẽ thực thi cam kết với quốc tế như thế nào khi mà Nhà nước và Quốc hội vẫn nằm dưới hệ thống quyền lực mơ hồ và mờ ám của đảng ở đằng sau? Đã vậy, những chỉ thị của lãnh đạo đảng lại đi ngược với những cam kết về kinh tế, xã hội và luật pháp với quốc tế khi khẩu hiệu “định hướng xã hội chủ nghĩa” và vai trò chủ đạo của khu vực kinh tế nhà nước vẫn có giá trị như mệnh lệnh tối cao về kinh tế.
Những nghi vấn chính đáng ấy cho thấy đảng Cộng sản Việt Nam cứ xoay trong chân không, chẳng hề chịu trách nhiệm trước quốc dân và nhờ vậy đảng viên lại có thêm đặc quyền đặc lợi khi được đảng đưa vào vị trí điều hành bộ máy nhà nước. Thành tích tham nhũng của chính quyền Nguyễn Tấn Dũng là hậu quả tất nhiên, dù rằng ông ta có khả năng vượt mọi kỷ lục.

Kính Hòa: Nói về thành tích, câu hỏi được nêu ra là viễn ảnh kinh tế Việt Nam nếu có hay không có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì ra sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Khi tường thuật trận đấu đá đằng sau Đại hội đảng ở Hà Nội, báo chí quốc tế đã sai lầm trong cách đánh giá Nguyễn Tấn Dũng là có tinh thần cải cách, thân Mỹ và có ma lực lôi cuốn quần chúng. Họ có cái nhìn phiến diện vì không hiểu là đảng viên cao cấp mà được đảng đưa vào vị trí điều hành bộ máy nhà nước rồi tiếp cận với kinh tế và quốc tế đều phải có ngôn ngữ văn minh và phổ biến của thị trường nên được hiểu lầm là muốn cải cách.
Thứ hai, sau khi lên làm Thủ tướng, ông Nguyễn Tấn Dũng đã có nhiều chọn lựa tai hại cho kinh tế Việt Nam qua sự hình thành các tập đoàn kinh tế nhà nước mô phỏng từ Trung Cộng chứ chẳng phải là các “chaebols” của tư doanh Nam Hàn, với hậu quả là vay thả giàn và vỡ nợ hàng loạt từ năm 2008. Chuyện nợ xấu đang đe dọa kinh tế Việt Nam cũng từ đó mà ra.
Thứ ba, chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chấp thuận cho các dự án tai hại của Trung Cộng tại những khu vực sản xuất và vùng chiến lược của lãnh thổ Việt Nam nên gây nguy hiểm cho an ninh tổ quốc. Kinh tế Việt Nam trôi vào vị trí vệ tinh của Trung Cộng là dưới triều Nguyễn Tấn Dũng chứ không phải là dưới thời ông Phan Văn Khải. Sau đấy, cũng nhờ đặc quyền trong khu vực kinh tế nhà nước mà ông Nguyễn Tấn Dũng có thể mở ra cơ hội kinh doanh cho tay chân và thân tộc để có một mạng lưới cấu kết của các nhóm lợi ích riêng, ngụy danh là tư nhân, trong khi bót nghẹt tư doanh và chẳng giúp gì cho sức cạnh tranh của Việt Nam. Thứ năm, nạn đàn áp dân chủ và bách hại những ai phê phán hành động bành trướng xâm lược của Trung Cộng đã lên tới cao điểm vào thời cầm quyền của ông Dũng. Bảo rằng ông ta có lập trường cứng rắn với Bắc Kinh là nói chuyện sừng thỏ lông rùa!
Nói cho công bằng, Thủ tướng Dũng giữ tinh thần chia chác sòng phẳng với anh em nên mạng lưới quyền lực và tiền tài của ông có mở rộng hơn là của các đảng viên phụ trách về tổ chức và lý luận của đảng. Cái gọi là ma lực lôi cuốn hay “charisma” mà báo chí quốc tế nói đến thật ra rổn rảng hơi đồng. Nếu Việt Nam còn có một Thủ tướng như vậy thì chẳng thể hội nhập vào thế giới văn minh được.

Kính Hòa: Chúng ta bước qua kịch bản kia, là nếu không còn ông Nguyễn Tấn Dũng cầm đầu Hội đồng Chính phủ thì kinh tế Việt Nam sẽ ra sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi khởi đầu với trường hợp Đài Loan thì xin kết thúc với Đài Loan. Sau hai nhiệm kỳ Tổng thống, ông Trần Thủy Biển của đảng Dân Tiến đã bị điều tra về tội tham nhũng và nay phải chấp nhận công lý của một chế độ dân chủ pháp trị, có nhà nước pháp quyền chứ không phải đảng quyền. Có khi ông Dũng sẽ may mắn hơn ông Trần Thủy Biển nhờ đảng Cộng sản vẫn còn cầm quyền. Nhưng tài sản của ông và gia đình đang nằm tại Hoa Kỳ lại thuộc về hệ thống pháp luật khác nên ta có thể nhớ đến tiền lệ là số phận và tiền tài của Tổng thống độc tài Ferdinand Marcos của Phi Luật Tân cách nay đúng 30 năm.
Nói về tương lai kinh tế Việt Nam sau 10 năm cầm quyền của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì tôi chẳng lạc quan hơn vì đảng Cộng sản vẫn còn đó và giới hạn tiềm lực của quốc dân.
Thứ nhất, trong kịch bản lý tưởng như qua lối phát biểu chung chung đã được nghe trong Đại hội, thì Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội phải nêu thẳng vấn đề cải tổ pháp chế để minh định vai trò độc lập của nhà nước, là độc lập với đảng. Tôi cho rằng Việt Nam phải tách đảng ra khỏi nhà nước thì mới cải tiến về hành chính và kinh tế được.
Thứ hai, trên cơ sở đó, Chính phủ mới có thể thành lập hay cải tiến thể chế để có định chế và hạ tầng luật pháp mang tính chất yểm trợ kinh tế, ổn định xã hội và phát huy văn hóa giáo dục, là yếu tố cần thiết cho kinh tế. Còn lại, các chi tiết kỹ thuật khác, dù có ưu tiên hay khẩn cấp, thì vẫn  có thể tiến hành sau khi tháo gỡ ách tắc chính trị và tư duy ở thượng tầng.
Chúng ta sẽ chỉ thấy chuyện này kể từ Tháng Năm, khi Quốc hội khóa mới xuất hiện, y hệt như tại Đài Loan. Quốc hội Việt Nam là vật trang trí của đảng hay sẽ có thực quyền cũng là một vấn đề cho tương lai. Còn lại đảng Cộng sản không có tương lai khi cái gì cũng muốn nắm mà cái đầu lại trống rỗng, chỉ rổn rang khẩu hiệu của một thời đã qua, năm năm lại nghe thấy một lần.

Kính Hòa: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do xin cảm tạ ông Nghĩa về bài phân tích này.







1 comment:

  1. điều cần làm không phải là chính trị, mà trình độ lập pháp ở VN thì còn kém cỏi, những văn bản pháp lật cần thiết thì không được ban hành kịp thời điề chỉnh những vi phạm pháp luật, thế dù cả tổ chính trị thì cũng như nhau cả thôi

    ReplyDelete

View My Stats