Đào Văn Bình - Khai
Dân Trí
2013/07/04
Nói về những “kỷ niệm” trong các trại tù cải tạo do cộng sản dựng lên sau
ngày 30-4-75 thì tại hải ngọai này có cả ngàn truyện ngắn, hồi ức, thơ tù đã được
viết ra. Các hồi ký viết về các trại tù - trong một giai đọan khá dài, đã
được coi như là một thể lọai văn chương gây tác động mạnh mẽ cho người đọc. Hình
như suốt một thập niên từ những năm 1980 tới 1990 là thời kỳ “vàng son” của những
hồi ký tù. Người ta đua nhau đọc những cuốn hồi ký do các cựu tù nhân chính trị
hoặc vượt biển hoặc định cư theo diện ODP hoặc HO viết ra mà tôi còn nhớ được một
số tác phẩm như sau:
Đại
Học Máu của Hà Thúc Sinh
Trại
Cải Tạo của Phạm Quang Giai
Đáy
Địa Ngục của Tạ Tỵ
Những
Năm Tháng Cải Tạo
Tại Miền Bắc của Trần Hùynh Châu
Cùm
Đỏ của Phạm Quốc Bảo
Những
Sự Thực Không Thể Chối Bỏ của
Đào Văn Bình
Trại
Kiên Giam của Nguyễn Chí Thiệp
Trại
Ái Tử và Bình Điền của Dương Viết Điền
Cuộc
Nổi Dậy ở Trại A20 của Phạm Văn Thành
Vụ Án Vính
Sơn của Trần Kim Định
Bác
Sĩ Lê Mai (Tiểu thuyết lấy bối cảnh trại tù cải tạo của
Thanh Thương Hòang)
Trại
Đầm Đùn (không nhớ tên tác giả)
Tôi
Phải Sống của LM Nguyễn Hữu Lễ
Thế
rồi bẵng đi một thập niên, thể lọai hồi ký tù dần dần lui vào hậu trường sân khấu
để nhường bước cho những hồi ký chính trị xuất hiện, đặc biệt là những cuốn
sách mổ xẻ về cuộc chiến tranh Việt Nam. Thế nhưng ngày hôm nay, do
tình hình chính trị đổi thay, do sự ra đời của Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Và Tôn
Giáo ở quốc nội, đã đưa vấn đề tù nhân chính trị trở thành một trong
những đề tài nóng bỏng. Và thật là bất ngờ, một cuốn hồi ký tù mà tác giả
là người còn đang bị kìm kẹp ở trong nước được xuất bản ở Hải Ngọai. Đó là
tập Hồi Ký 26 Năm Lưu Đày của Thượng Tọa Thích Thiện
Minh ra mắt ngày 20-1-2007 tại một hội trường sang trọng của Ambassy Suites
Hotel thuộc Thành Phố San Jose nhân Lễ Ra Mắt Ban Điều Hành Hải Ngọai của Hội Cựu
TNCT & Tôn Giáo Việt Nam.
Là
một cựu tù nhân chính trị dĩ nhiên là tôi phải yêu thích các hồi ký
tù. Nhưng tôi không làm cộng việc phê bình mà chỉ giới thịệu tới quý vị những
gì mà một cựu tù nhân chính trị - cũng là một tu sĩ viết ra khi đã phải chịu đựng
26 năm lưu đày khổ nhục trong các nhà tù cộng sản. Với một quá trình khổ
đau dài như thế, những điều tác giả viết ra chắc chắn phải có một chút gì lưu lại
cho đời sau như là những sử liệu qúy giá về một giai đọan đen tối nhất của dân
tộc.
Hồi Ký 26 Năm Lưu Đày dày 278 trang, bìa bốn
màu với tấm hình của tác giả chụp lúc còn trẻ, mặt mũi sáng sủa, phúc hậu,
trang nghiêm trong bộ y vàng của Đức Phật, tay lần tràng hạt, gồm cả
thảy 13 Chương.
Chương
I: Tác giả kể lại thời thơ ấu, sinh năm 1955 tại Bặc
Liêu mà phụ thân là một tín hữu Cao Đài.“ Cha tôi có tấm lòng nhân
hậu, tính tình rộng rãi hay giúp người. Mẹ tôi là một người đàn bà hiền thục, mẫu
mực vất vả quanh năm vì chồnng con.” (Tr. 8) Có lúc gia đình phải tha
hương cầu thực tại Vĩnh Bình (Trà Vinh). Chính tại nơi đây cậu bé Hùynh
Văn Ba (thế danh của tác giả) đã có duyên với cửa Thiền và được cha mẹ cho phép
xuất gia. Năm 17 tuổi (1972) tác giả thọ giới Sa Di và năm 22 tuổi (1977) thọ Cụ
Túc Giới do Hòa Thượng Thích Trí Thủ - Nguyên Viện Trưởng Viện Hóa Đạo làm đàn
chủ và Đại Lão Hòa Thượng Thích Hành Trụ kiêm Phó Tăng Thống làm chứng minh đạo
sư. Sau đó ông “tu sĩ sữa ” (*) này được cử về trụ trì tại
một ngôi chùa tại Vĩnh Bình và đã được đồng bào Phật tử tại đây gọi thân mật bằng
các tên “ông đạo, huynh, cậu và thậm chí bằng con, bằng cháu nữa.” (tr.
12).
Chương
II: Biến Cố 30 Tháng 4 xảy đến như một cơn đại hồng
thủy mà tác giả gọi đó là “Ách Vận Đại Biến” hay “Hắc Ám Nhật Tử (Ngày Đen Tối).
Ngòai phần văn xuôi, tác giả đã mô tả lại những đau thương vô tiền khóang hậu
này bằng 76 câu thơ, tôi xin trích ra một số đọan như sau:
Chuông giáo đường đã từ từ hoang vắng
Chùa, nhà thờ vườn cảnh trống người thưa
Người thay trâu kéo cộ để cày bừa
Bao cơ khổ sáng trưa chiều tối.
Ăn cháo độn cùng củ khoai củ chuối
Biết bao người chết đói thảm thương
Kẻ ăn xin, người hành khất vạn nẻo đường
Phải trú ẩn nhà thương, bến cảng
Và cả những em bé, nữ sinh, sân trường đại học cũng
không thóat khỏi cảnh đổi đời ghê rợn này:
Sân đại học ngày xưa thơ mộng lắm
Đến bây giờ cảnh buồn vắng sầu vơi
Bao thư sinh đi viễn xứ xa vời
Gío thu thổi, lá rơi buồn rũ rượi
Công viên vắng như nhớ nhung chờ đợi
Phương lẻ sầu không phơi phới trổ hoa
Cô nữ sinh áo dài trằng thướt tha
Nay cắt ngắn áo bà ba lo cuộc sống!
Riêng tác giả phải đối đầu ngay với các “anh hùng giải
phóng” điển hình là Hai Thổ- Xã Đội Trưởng Du Kích, hống hách bước vào chùa, chỉ
vào lá cờ ngũ sắc của Phật Giáo nói “Giờ này mà nhà chùa còn treo lá cờ của
Thực Dân Pháp nữa à? Bọn Đế Quốc Mỹ và Ngụy Quân, Ngụy Quyền Sài Gòn đã cuốn
xéo bỏ chạy rồi, tại sao Pháp còn ở đây? Thật là hết sức phản động, có lẽ cần
phải cho đi học tập dài hạn mới được!” (tr. 25) Và ông “Quan Kách Mệnh”
(*) này chỉ vào tượng Đức Phật Đản Sinh, cười khinh khỉnh nói “ Thằng Phật
nhỏ xíu này nó không có công làm cách mạng để đánh đuổi Đế Quốc, tại sao phải
thờ nó? Nó ngồi một chỗ, để chờ người ta đem quà lại dâng cúng. Nó là
thành phần giai cấp bóc lột mà!” (tr. 25)
Do áp lực của chính quyền địa phương và ủy ban tôn
giáo vận buộc phải hiến ngôi chùa cho để làm trụ sở của xã đội, tác giả chạy
lên Sài Gòn để trình với Tổ Đình Ấn Quang và trực tiếp xin gặp LS Nguyễn Hữu Thọ
- Chủ Tịch MT/GPMN và đem về một bứt thư…trình lên Tư Hóa - Trưởng Ban Quân Báo
Huyện Đội Vĩnh Lợi. Đọc xong, Tư Hóa xé nát bức thư nói rằng “Chừng nào thằng
Thọ, thằng Phát (Hùynh Tấn Phát) – Chủ Tịch Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng
Hòa Miền Nam Việt Nam xuống đây thì tao mới không lấy ngôi chùa này mà
thôi !” ( Tr.31)
Trong thời gian này, sự đàn áp tôn giáo thật khốc liệt
và xảy ra ngay cho hàng ngũ lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống
Nhất ở Sài Gòn. Đại Đức Thích Huệ Hiền trụ trì Chùa Thiền Viện Dược Sư Cần Thơ
cùng chư tăng ni tự thiêu tập thể vào ngày 2-11-75 để phản đối bạo
quyền. Hòa Thượng Thích Thiện Minh – Cố Vấn Viện Hóa Đạo bị tra tấn đến chết
trong trại tù, ngòai ra “ khắp các tỉnh, nhiều ngôi
chùa, trường học, tự viện và tài sản giáo hội bị quản lý, xung công..”(tr.
33)
Chương
III: Nói về giai đọan tác giả vừa cứu khổ độ sanh vừa hỗ
trợ, rồi tham gia Mặt Trận Dân Quân Phục Quốc sau đổi thành Mặt Trận Nghĩa
Quân Cứu Quốc – Việt Nam Dân Quốc với tư các cố vấn. Vào ngày
28-3-1979 tác giả bị bắt rồi bị giam vào Trại Giam Vĩnh Lợi , Tỉnh
Minh Hải (gồm hai tỉnh Bặc Liêu và Cà Mau). Và đây đúng là một địa ngục trần
gian với “những người mang tội chính trị chưa bị kết án nhưng bị cùm kẹp
liên tục ngày đêm hơn bốn năm rồi..” (tr. 53) Và đây là cảnh tù đi tắm “ Chúng tôi
tắm ở một ao nước rất cạn và dơ. Khi tắm giặt, nước bên trên chảy xuống
ao, cứ múc lên tắm tiếp. Thậm chí khi khát nước cũng cứ múc lên mà uống. Cái
ao này nữ tù cũng cũng thường xuyên tắm giặt, giặt đủ mọi thứ trên đời kể cả tấm
tã lót của các cháu bé. Nước ao càng ngày càng bị cạn và đục ngàu, nhưng mọi
người tù khát nước cứ tự nhiên múc lên mà uống, uống một cách ngon lành, dường
như chẳng có suy nghĩ chuyện gì đã xảy ra.” (tr. 55) Còn các tù nhân
được gọi lên “làm việc” với chấp pháp, khi trở về buồng giam thì “thân
thể, tay chân bầm tím, mặt mày xưng vù, đêm về không sao ngủ được.” (tr.
56). Nếu quả đây là lời của một vị chân tu viết ra thì phải nói, tác giả
là người “nghĩa khí can vân” mang giòng máu anh hùng mã thượng của Miền Nam,
không bao giờ chịu khuất phục, chịu nhục trước cai tù và chấp pháp. Dù không
nói ra nhưng người đọc có thể hiểu tác giả rất giỏi võ nghệ cho nên tác giả đã
né tránh một cách nhẹ nhàng ngón đòn Thôi Sơn Thủ (Thiếu Lâm Bắc Phái) của tên
công an muốn đánh tác giả để dằn mặt, rồi dõng dạc nói với tên
công an “Xin lỗi anh vì tôi đang ở tù chứ cỡ hai người như anh không
thể là đối thủ của tôi. Nếu muốn công bằng mà tỉ thí…” (tr. 57) Trong thời
gian này tác giả âm mưu giải thóat tù nhưng vì bị phản bội cho nên kế họach vỡ
lở và bị chuyển tới Trại Tù Ty Công An Minh Hải.
Chương
IV: Nói về Trại Giam Ty Công An Minh Hải. Tại
đây có một lọai công an mà dân chúng gọi là “công an 30 Tháng 4”. Bọn
này có “ ngón nghề độc đáo để điều tra, nào là đánh túi bụi,
đánh kiểu trên đao dưới búa, còng tay đứng, còng chéo tay sau lưng, còng ngồi
đan chéo hai tay. Họ dùng nhục hình để điều tra và bản thân tôi cũng không
thóat khỏi…” (Tr. 63) và “phòng giam chỉ rộng khỏang 3 mét vuông mà nhốt
có khi đến 20 người..” (Tr. 63). Cũng tại trại này, cộng sản cho
tù giả vào để làm khổ nhục kế để theo sát tù và khai thác điều tra đó là tên Hồ
Công Sơn – cựu hạ sĩ quan binh chủng Biệt Động Quân QL/VNCH bị móc nối trước
1975 và có người chú là Hồ Nghi- Bí Thư Tỉnh Ủy Quảng Nam- Đà Nẵng. Trong
chương này có một đọan “ đối khẩu nảy lửa” (*) giữa tác giả và tên
Phạm Minh Chánh – Trưởng Ban Chấp Pháp có biệt danh Ba Lát Gừng rất lý thú như
sau “ Này chú Thiện Minh ! Tôi hỏi chú, cách mạng từ trước đến giờ có
đào mồ cuốc mả cha chú không? Cách mạng có hãm hiếp mẹ, chị gái, em gái của chú
không? Mà chú tham gia vào tổ chức phản cách mạng để chống lại cách mạng vậy
chú?” Và đây là câu trả lời của tác giả “ Này Ông
Ba, tôi từ nhỏ đến giờ chỉ tu hành không có tham gia chính quyền Miền Nam,
nhưng đứng khách quan tôi muốn hỏi ông rằng: Chánh quyền Sài Gòn có đào mồ cuốc
mả cha ông không? Chánh quyền Sài Gòn có hãm hiếp chị gái, em gái của ông
không?Tôi biết chắc là không nhưng giả sử cho rằng mọi việc là có đi nữa thì
ông mới đứng lên tham gia cái gọi là “cách mệnh”. Nếu mọi việc là không
thì chắc ông không tham gia cách mệnh chứ gì ?” (Tr. 68
&69). Khi tác giả vừa nói xong, Ba Lát Gừng tay run run…nộ khí xung
thiên quát to “ Mầy, đồ bán nước, đồ lũ phản động, đồ ôm chân Đế Quốc Mỹ,
làm tay sai cho Sen Đầm Quốc Tế….” (tr. 69)
Chương
V: Nói về trại tù Cà Mau, nhưng tác giả đã làm người
đọc phải rơi lệ khi mô tả về tình cảnh khốn quẫn của gia đình như người cha vừa
qua đời, mẹ thì “ gầy mòn, tiều tụy” (*) còn các em
“ Em thứ bảy phải nghỉ học đi bán bánh mì dạo nuôi gia đình. Em thứ sáu
phải làm nghề xe đạp thồ. Em thứ năm vào tù vì liên hệ tới tác
giả và người em gái thứ tư cũng phải bỏ học ngồi bán khoai, cóc, mía, ổi trước
cửa nhà.” (Tr. 77). Trong giai đọan này người dân quá đói khổ cho
nên liều chết vượt biển ra đi.Cho nên bên cạnh tù chính trị còn có tù vượt
biên, tù cải tạo công thương nghiệp cho nên nhà tù tỉnh không còn chỗ chứa. Tỉnh
Minh Hải cho dựng thêm rất nhiều nhà tù, có những địa điểm mãi tận rừng
sâu và ..rất nhiều án tử hình đã được ban ra kể cả phụ nữ có thai
cũng bị đem ra hành quyết! (tr. 83).
Tại trại tù này tác giả phải “quần thảo” với
hai tên chấp pháp là Trần Văn Ơn và Lê Quang Dũng. Riêng tên Ơn đã ghép tội tử
hình cho gần 20 người. Nhưng có một tên chấp pháp rất độc đáo đó là Nguyễn Ngọc
Cơ tự Sáu Búa – đương kim Viện Trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân. Sở
dĩ Nguyễn Ngọc Cơ có hỗn danh Sáu Búa chỉ vì công trạng của y như
sau “ Thời kỳ còn họat động trong rừng ông này phụ trách thi
hành án tử hình. Một hôm nọ, tòa án xử tử hình một bà lão trên 70 tuổi.
Cụ bà bị khép vào tội “làm điềm” tức là chỉ điểm cho Quân Đội VNCH…đáng lý ra
ông ta thi hành án xử tử bằng mã tấu. Nhưng đây là phiên tòa nhân dân
lưu động đặc biệt, nên xử xong là thi hành án ngay. Hôm đó ông không
đem theo mã tấu bên mình, nên đành tạm mượn một chiếc búa của dân
làng. Ông phải cật lực và ra đòn đúng sáu nhát búa bà cụ mới tắt thở. Có
người cho rằng bà cụ bị hàm oan cho nên khi chết đôi mắt cứ mở trao láo, mà
không chịu nhắm nghiền lại…Ở Viện Kiểm Sát, tội nhân chỉ nghe danh thôi thì đã
khiếp đảm, rởn tóc gáy rồi !” (tr. 85). Với những tên lấy khẩu
cung ghê gớm như thế thì bản án tử hình chắc chắn đã dành sẵn cho tác
giả. Trong phiên tòa xử tại Bặc Liêu vào năm 1981 do Ung Ngọc Uyển (em ruột Ung
Văn Khiêm- cựu Bộ Trưởng Ngọai Giao của chỉnh phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa) ngồi
ghế chánh án, tác giả bị tuyên án chung thân. Nhưng chỉ ít tháng sau,
tác giả lại bị lôi ra tòa một lần nữa - gọi là xử phúc thẩm hòan tòan kín với
những ông chánh án Miền Bắc mặc vét-tông oai vệ nhưng răng nhuộm đen, khít rịt,
không còn thấy kẽ hở. “Tôi không giỏi về Ma Y Thần Tưởng nhưng nhìn
thóang qua tôi biết đây là thứ thiệt rồi!” (tr. 94) Phiên tòa y
án chung thân và tác giả bị áp tải đi Trại Tù Cây Gừa giữa hai hàng
nước mắt của “người mẹ với mái đầu bạc trắng và đứa em gầy ốm, lêu khêu...”
Đó là hai nhân chứng duy nhất của phiên tòa điển hình cho lọai phápđình
của lòai muông thú. Trại Tù Cây Gừa là một vùng thiên la địa võng là
nơi tác giả có gặp gỡ một số tù nhân, thuộc lực lượng phục quốc của các ông Lê
Quốc Túy và Mai Văn Hạnh. Sở dĩ tổ chức này bị phá vỡ là vì cộng sản cài tình
báo vượt biên qua các trại tỵ nạn Thái Lan để xâm nhập. Trong thời gian này tác
giả hợp tác với hai người bạn đồng tù để vượt ngục nhưng bất thành và bị cùm
hơn một năm trời trước khi bị áp tải đi Xuân Phước. Còn người bạn cùng vượt ngụcvới
tác giả là Nguyễn Văn Tấn – Cựu trung úy đặc công VC ra tòa lãnh án tử
hình.
Chương
VI: Trong đợt di chuyển bất thần tới Trại Tù Xuân
Phước mệnh danh là Thung Lũng Tử Thần, gồm 21 người trong đó có chị Thái Thị
Kim Vân – nguyên huấn luyện viên Trường Nữ Quân Nhân QL/VNCH, tham gia Mặt Trận
Dân Tộc Tự Quyết bi án tù chung thân, được anh em đồng tù mệnh danh
là “ Nữ anh hùng, một đấng nam tử trượng phu, một nữ tướng
hào kiệt. Chị đã bị công an đánh gẫy cả hàm răng chỉ vì dám hô
Đảo Đảo Cộng Sản ngay trước trại.” (tr.114). Đòan áp tải và tù nhân có ghé
ngang Sài Gòn vào lúc nửa khuya, nghỉ tạm tại Khám Chí Hòa và tác giả đã được
nhìn lại Sài Gòn…một Sài Gòn đã chết bởi một lũ người không phải người tràn
vào từ Miền Bắc đang làm ô uế cả một thành phố hoa mộng yêu kiều trước
đây.
Chương
VII: Đây Xuân Phước, đây Thung Lũng Tử Thần! Một trại
tù trừng giới “nằm dưới thung lũng, chung quanh là rừng núi âm u với dãy Trường
Sơn bao la, nơi sơn cùng thủy tận, tưởng chừng như là chỗ cuối đất, cùng trời
nên ít thấy bóng người…” (tr. 122) Trại tù này có bí số A20 gồm ba phân trại,
mỗi phân trại chứa khỏang 1000 tù nhân, trước giam giữ sĩ quan thuộc chế độ cũ,
sau giam giữ tù nhân bị kết tội xâm phạm an ninh quốc gia. Do chế độ lao tù khắc
nghiệt, do sơn lam chướng khí, tù nhân ở đây “dễ bị nhiều chứng bệnh bất thường
như sốt rét kinh niên, vàng da, bại liệt, sạn thận, mù lòa, lao phổi hay tâm thần
điên lọan..” (tr. 123). Tại trại tù này, công an xử dụng tù hình
sự vốn là những cán bộ, công an, bộ đội phạm pháp để cai trị tù nhân.. Có
những lần Thượng Tọa Thích Huệ Đăng cùng LM Nguyễn Huy Chương ngồi rửa từng hạt
cơm vì trộn muối mặn quá mà đếm chỉ được vài mươi hạt. Sau LM Nguyễn Huy
Chương chết tại trại kỷ luật K2. Sống thì như thế, nhưng chết cũng
chưa yên. “ Giai đọan đầu tù nhân chết không có quan tài, chỉ
bó sơ một chiếc chiếu không được lành cho lắm. Về sau mới có quan tài
nhưng không đủ đinh để đóng nắp đậy. Khi đưa xác đi chôn, quan tài được đặt
trên một chiếc xe gọi là “xe cải tiến” dùng tay đẩy đi. Khốn khó
trong khi đẩy, đinh bị mục, ván thùng xe rớt xuống đất, chiếc quan tài
cũng rớt theo, thi hài lộ ra ngòai nằm sõng sòai trên đất.” (tr.133). Trong
thời gian này tác giả đã gan lì cộng tác với một số người như BS Nguyễn Kim
Long để phá ngục, giải cứu cho khỏang 1000 tù nhân nhưng kế hoạch bị bại lộ và
bị tra tấn chết đi, sống lại, rồi bị đưa ra tòa thiết lập ngay tại trại tù…
lãnh bản án chung thân lần nữa đúng vào năm 1987. Trong
thời gian bị kiên giam, tác giả có dịp ở chung với một số chức sắc tôn giáo
như: Ô. Phan Đức Trọng con nuôi Trung Tướng Cao Đài Trần Quang Vinh, Ô. Trần
Văn Nhành (PGHH), LM Nguyễn Văn Vàng (Dòng Chúa Cứu Thế), LM Nguyễn Quang Minh
(Nhà Thờ Vinh Sơn), LM Nguyễn Luân (Phan Rang) và LM Nguyễn Tấn Chức. LM Nguyễn
Quang Minh bị đánh hộc máu ứa ra từ miệng và hậu môn rồi chết sau đó vài ngày
chỉ vì mang vào trại vài chiếc bánh Thánh. Tác gỉa cũng kể lại kỷ niệm xướng họa
thơ với LM Vàng và LM Nguyễn Luân trong đó có một bài thơ tứ tuyệt như sau:
Vô thần diệt sạch khó gì đâu
Đòan kết liên tôn cứu họa sầu
Đập rắn, đập mình không thể chết
Mà ta phải đập cả luôn đầu ! (tr. 146)
Riêng LM Luân bị kiên giam quá lâu, bọn cai tù
dụ dỗ bằng cách chỉ cần linh mục viết một câu sau đây là chúng thả ra:
Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc
Thế nhưng đã bao lần, linh mục chỉ viết:
Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
Không Độc Lập, Không Tự Do, Không Hạnh Phúc
Sau đó LM Luân bị cùm cho đến chết. Trước khi
chết, linh mục để lại một bài thơ sau đây:
Trước kia không biết Thầy Minh
Đến đây không hẹn mà mình gặp nhau
Chúa Trời, Đức Phật trên cao
Còn ta trong ngục kết giao nghĩa tình
Chương
VIII: Trại Tù Xuân Lộc Z30A nằm gần chân Núi Chứa
Chan là trại tù mà chính tôi đã có lần ở đó, được thả ra năm 1984 và tác giả được
chuyển về đây cùng với 250 người vào năm 1987. Tại đây tác giả có dịp gặp gỡ
các Tướng, Tá Miền Nam bị tù trên 10 năm cùng một số tu sĩ nổi danh thuộc các
tôn giáo như sau:
Hòa Thượng Thích Đức Nhuận- Chánh Thư Ký Vịên Tăng
Thống
Thượng Tọa Thích Trí Siêu (án tử hình chưa đem
bắn)
Thượng Tọa Tuệ Sĩ (án tử hình chưa đem ra bắn).
Thượng Tọa Thích Tâm Lạc
Thượng Tọa Thích Nguyên Giác
Thượng Tọa Thích Minh Thông
Thượng Tọa Thích Tâm Căn
LM Trần Đình Thủ- Cha Bề Trên Dòng Đồng Công
LM Lê Quang Quế- Tiến Sĩ Thần Học
LM Tiến (Dòng Tên) Tiến Sĩ Thần Học Roma
LM Nguyễn Tấn Chức
LM Tuyên
LM kiên nhạc sĩ Huyền Linh
Cụ Nguyễn Trác (Cao Đài)
Cụ Ba Đấu (PGHH)
Cụ Bảy Khánh (PGHH)
Ô. Tư Nhành (PGHH)
Tu Sĩ Đòan Văn Huynh
Rồi trong một dịp phái đòan trung ương của VC phối hợp
với Viện Sử Học tới trại để thuyết giảng về đề tài “Truyền Thống Dân Tộc Việt
Nam” và cho phép tù được phát biểu tự do. Hai lần tác giả bị cướp micro và sau
đó bị chuyển sang Phân Trại B với tội lợi dụng học tập để tuyên truyền sách động
chống chế độ. Và chính tại nơi đây, tác giả có dịp gặp gỡ BS Nguyễn Đan Quế
và gọi đùa BS Quế là John F. Kennedy vì BS Quế được giải thưởng nhân quyền mang
tên Cố TT. Kennedy. Vì sức khỏe tác giả quá yếu sau những lần tuyệt
thực, BS Quế đã nhét đường vào lỗ gió thông hơi cho tác giả. Những lần Bà
Tâm Vấn – vợ BS Quế vào thăm có gửi cho một số đồ chay chế biến trông giống như
đồ mặn (Bà Tâm Vấn ăn chay trường) làm tác giả tưởng đó là đồ mặn, trả lại khiến
tí nữa mang họa với cai tù. Sau đó thì BS Quế được phóng thích nhưng “tình cảm
và tinh thần bất khuất với lập trường kiên định của BS Quế luôn hằn mãi trong
trái tim tôi.” (tr. 172)
Chương
IX: Tác gỉa mô tả về cuộc tiếp xúc với phái đòan nhân
quyền LHQ vào ngày 24-10-1998 do Ô. Abdel Rattah Amor cầm đầu với hai người tù
Phan Ngọc Ấn tức TT. Thích Không Tánh và Huỳnh Văn Ba tức TT. Thích
Thiện Minh. Mặc dù đã được ban giám thị trại tù “xuống nước năn nỉ”, dụ dỗ cho
định cự tại Pháp v.v.. hai vị đã dũng cảm đề nghị với Ô. Abdel Rattah
Amor bốn điểm như sau:
1. Thả tất cả tù nhân
chính trị, tù nhân lương tâm, tù nhân tôn giáo đang bị giam giữ.
2. Đòi trả lại tài sản
của các tôn giáo và phục hồi quyền tự do tôn giáo một cách hòan tòan trong đó
có phục hồi quyền sinh họat pháp lý của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
3. Xóa bỏ Đìêu 4 Hiến
Pháp, thực hiện một chế độ đa đảng, đa nguyên, bình đẳng giữa các đảng phái.
4. Tổng tuyển cử tự do
với sự giám sát của LHQ, đôi bên đồng bộ chủ trương tình thương nhân đạo và hóa
giải hận thù.
Khoảng ba tháng sau, TT. Thích Không Tánh được
phóng thích, nhưng vẫn tiếp tục gửi tiền và vật chất để nuôi tác giả trong
tù. Sau buổi gặp gỡ này, cuộc sống trong tù của tác giả dễ thở hơn một
chút. Và thế là sau sáu năm biệt giam, tác giả được quay trở lại với tù tập
thể và lao động khổ sai. Chính vì tình hình chính trị thế giới đổi
thay, do tinh thần đòan kết, một ủy ban đấu tranh cho quyền lợi
của tù nhân chính trị và tôn giáo đã ra đời bao gồm những nhân vật như sau:
TT. Thích Thiện Minh (Đại diện Phật Giáo)
Ô. Nguyễn Viết Huân (Dòng Đồng Công, đại diện Thiên
Chúa Giáo)
GS Nguyễn Văn Bảo (Đại diện Cao Đài)
Cụ Nguyễn Văn Đấu (Đại diện PGHH)
Ô. Phạm Trần Anh (Cựu Sinh Viên QGHC, đại diện Hội Bảo
Vệ Tù Nhân Chính Tri Việt Nam)
Trong chương này, tác giả cũng ghi lại một số câu
chuyện đau thương, trớ trêu nghiệt ngã mà tác giả thu lượm được như: Vợ Thiếu
Tá Đặng Bình Minh ra thăm chồng tại Trại Tù Đồng Mua ở Miền Bằc. Sau buổi thăm
nuôi người vợ ngủ nhờ tại nhà thăm để chờ mai xuôi Nam. Còn Thiếu Tá Minh
trở về trại mở tiệc liên hoan mừng gặp mặt vợ. Nhưng vì sức khỏe quá suy yếu,
đêm đó anh đột ngột qua đời. Chị Minh chờ cho nhà tù đưa quan tài chôn cất
xong, chị tự cầm dao cắt mái tóc dài đen huyền óng ả của chị để lại trên mộ chồng
cùng với một bài thơ xé ruột:
Nắng hè thiêu đốt Đồng Mua
Đặng Bình Minh chết giữa mùa thương đau
Thương anh em cắt mái đầu
Quấn trên mộ đá thay màu khăn tang.
Và chuyện của một người tù, vợ đến thăm, dẫn theo
người chồng mới, ăn ở với nhau có ba đứa con, giới thiệu xong, chị ta nói rằng “ Nhờ người
chồng sau giúp đỡ mới có tiền đến thăm nuôi anh trong nhiều năm qua và nuôi con
ăn học tới ngày khôn lớn!” (Tr. 208)
Chương
X: Tác giả chia tập thể đấu tranh chống cộng sản
trong nước thành bốn thành phần như sau:
1. Đấu tranh vì tinh thần
quốc gia, dân tộc
2. Đấu tranh vì hận thù
3. Đấu tranh vì quyền lợi
4. Đấu tranh vì xu hướng
phong trào.
Chương
XI: Tác giả ghi ơn suốt đời một số ân nhân mà tác giả
gọi là “ân công” như: BS Nguyễn Đan Quế, LM Trần Đình Thủ, Thầy Chương, Thầy
Nguyễn Viết Huân, Thầy Nguyễn Văn Hịêp (nay đã là Linh Mục), Hòa Thượng Thích Đức
Nhuận và Ô. Phạm Trần Anh (nguời anh em kết nghĩa với tác giả). Cũng trong
chương này tác giả đề cao một số nhân vật như Hòa Thượng Thích Huệ Đăng,
TT. Thích Không Tánh, TT. Thích Tuệ Sĩ, GS Nguyễn Văn Bảo. Nhà văn Dõan Quốc
Sĩ đã được tác giả mô tả như sau “ Bác là nhà văn hóa, một bậc mô phạm,
đầy đủ tư cách, một trí thức uyên thâm, tính tình từ tốn, lịch sự, nhã nhặn, ôn
tồn và phúc hậu. Bác là một Phật tử trí thức thuần hòa, đạo hạnh.” (tr.
231)
Chương
XII: Là chương kết luận và tác giả đã gửi gấm tâm sự của
mình qua một vài nhận định như sau:
1. Việc thả tự do cho
tác giả cũng như cho bao nhiêu tù nhân chính trị và tôn giáo khác không phải
phát xuất từ lòng nhân đạo của nhà cầm quyền cộng sản mà vì họ bắt buộc phải thả
do áp của thế giới.
2. Trong thời đại “ma
vương quỷ dữ” lộng hành này, tác giả rất hãnh diện khi thấy Giáo Hội Phật Giáo
VNTN được lãnh đạo bởi Đại Lão Hòa Thượng Tăng Thống Thích Huyền Quang và HT.
Viện Trưởng Thích Quảng Độ. Tác giả đã dẫn Thông Điệp của Đệ Nhị Tăng Thống
Thích Giác Nhiên nói cách đây 25 năm để minh định lập trường đấu tranh hiện tại
của Giáo Hội cũng như của chính tác giả “ Đối với Giáo Hội PG/VNTN,
giáo hội chúng ta là hậu thân thừa kế của các tổ chức giáo hội tiền nhiệm đã có
từ ngàn xưa. Pháp lý của Giáo Hội là lịch sử, địa vị của Giáo Hội là trong lòng
người, đường lối của Giáo Hội là phục vụ dân tộc và chúng sanh. Do đó, dù ở đâu
hay trong hòan cảnh nào, Phật Giáo Việt Nam muôn đời vẫn là Phật Giáo
Việt Nam. Phật Giáo Việt Nam muôn đời vẫn là của dân tộc Vịêt Nam.”
(tr.250)
3. Còn về chuyện Đạo và
chuyện Đời, tác giả hòan tòan tán đồng quan điểm của Hòa Thượng
Viện Trưởng Thích Quảng Độ khi đề cập đến thái độ chính trị của
một công dân “Trên lãnh vực tu hành, sự tham gia vào đời sống chính trị
không có nghĩa là ra tranh chức, tranh quyền, ứng cử dân biểu, hoặc lập đảng
này, đảng nọ” mà là “ Ý thức được trách nhiệm của mình đối với Tổ
Quốc, cho nên mọi người dân có quyền suy nghĩ chính trị, nói chính trị và hành
động chính trị. Mỗi người dân khi biết xử dụng quyền công dân, cân nhắc lá phiều
của mình để chọn người xứng đáng đại diện cho mình hay bầu người cầm vận mệnh
quốc gia thì dù muốn dù không cũng đã tham dự vào đời sống chính trị rồi.”
(tr. 251)
4. Còn về vấn đề đòan kết
tôn giáo, tác giả ghi nhớ tới lời trăn trối cuối cùng của LM Luân để nhắn nhủ tới
các tôn giáo trong và ngòai nước như sau “ Dầu các tôn giáo
không thể trở thành keo sơn gắn bó đi nữa thì chúng ta nhất quyết không bao giờ
bị sa vào âm mưu cạm bẫy chia rẽ của loài quỷ dữ ma vương.” (tr. 255)
Chương
Phụ Lục: Bao gồm một số tấm hình tác giả tới vấn an Hòa Thượng
Tăng Thống Thích Huyền Quang và Hòa Thượng Viện Trưởng Thích Quảng Độ cùng một
vài sinh họat cứu trợ bão lụt Miền Trung mới đây của tác giả. Rồi tác phẩm kết
thúc bằng 170 câu thơ làm theo thể Song Thất Lục Bát nhan đề Ngày
Quốc Nạn xin tạm trích bốn câu:
Ngày ghi chép càng buồn trang sử
Ngày tang sầu chứng cứ còn đây
Ngày này sử khó mờ phai
Ngày vừa quốc nạn, vừa ngày quốc tang (tr. 269)
Lời
Kết: Đọc xong tập hồi ký, lòng tôi vừa phẫn uất, vừa buồn bã, vừa xót xa. Qua
256 trang giấy, bằng thơ và lời văn chân tình, mộc mạc, bình dị, chất phác, hiền
hậu của Miền Nam, của người dân xứ Bặc Liêu ruộng thẳng cánh cò bay, cá tôm đầy
đồng, đời sống nơi đây chân tình, cởi mở…tác giả đã vẽ nên một địa ngục trần
gian, một cơn ác mộng không thể tìm thấy ở một nơi nào trên thế giới. Ở một
nơi nào đó
trên thế giới người ta có thể
giết nhau trong chiến tranh. Thế nhưng tại nơi đây, trong hòa bình, nguời
ta đã dùng những thủ đọan tàn độc nhất, xử dụng những con người ngu dốt và hung
ác nhất, những âm mưu hung hiểm nhất, những trò chơi tra tấn tinh vi nhất để giết
hại hằng triệu người …chỉ cho một mục đích duy nhất là thỏa mãn tham vọng quyền
lực cuồng điên. Chính cái thiên đường ảo vọng, chính cái chủ nghĩa cộng sản
quái ác này là thủ phạm của mọi tang thương, đổ vỡ, chết chóc cho dân tộc Việt
trong hơn nửa thế kỷ qua. Thế nhưng trong nỗi nhục hình của bản thân, sự đổ
vỡ của gia đình, nỗi đau thương của đồng lọai, trong suốt 256 trang giấy chúng
ta không thấy tác giả khơi dậy căm thù. Tác giả đã dùng những danh từ lễ độ như
“anh” hoặc “ông” hoặc “bà” hoặc dùng “cấp bậc” để gọi những con quỷ dữ nói ở
trên. Lúc nào tác giả cũng giữ gìn phong độ của một nhà tu hành, không bao giờ
bộc lộ vẻ oán hờn mà chỉ dùng “Nhẫn nhục Ba La Mật”,”Trí Huệ Ba La Mật”,
“Thiền Định Ba La Mật” để đối đầu với lòai quỷ, để thóat qua những khổ
hình ngặt nghèo nhất. Dù hiện nay đang đấu tranh cho Dân Chủ, Tự Do, cho Tự Do
Tôn Giáo, tác giả không chủ trương trả thù, hoặc quét sạch những con người đã
gây tạo những tội ác tày trời với dân tộc mà bằng tâm nguỵện chí thành “ Cuối
cùng tôi nguyện cầu mười phương chư Phật khai thị Phật tánh cố hữu của những tư
tưởng bảo thủ trong Đảng CSVN, sớm giải thóat khỏi phiền trược, dứt bỏ ác nghiệp
cơ cầu, hồi tâm chuyển ý, quay về nẻo thiện để đưa Dân Tộc , Tổ Quốc Việt Nam
ngày càng thăng hoa phát triển.” (tr. 256).
Cùng
với những hồi ký tù nói ở trên, Hồi Ký Lưu Đày 26 Năm của
TT. Thích Thiện Minh sẽ góp phần như một sử liệu quý giá cho đời sau
nghiên cứu về đất nước Việt Nam bất hạnh./.
Đào
Văn Bình
(3-3-2007)
No comments:
Post a Comment