Olmo
Silva, Trường Kinh Tế London
Posted on Jan 15, 2016
Trong quyển “Chiến thắng của Thành thị”, tác giả Ed
Glaeser dẫn chúng ta vào hành trình vòng quanh thế giới để tìm đến tâm trí của
các thành phố hiện đại – từ Mumbai đến Paris, đến Rio, đến Detroit và Thượng Hải,
và đến mọi thành phố khác giữa hành trình ấy – để hé mở cách tuy duy đặc thù của
những thành phố, lý giải tại sao thành phố lại có những biểu hiện như vậy, và
chúng truyền đạt được những tri thức gì đến những cư dân thành thị.
Bìa sách
Chiến
thắng của Thành thị. Tác giả: Edward Glaeser. Nhà xuất bản: Macmillan.
Tháng 3 năm 2011.
Ed Glaeser là giáo sư kinh tế tại Đại học Harvard,
và là một trong những nhà kinh tế đô thị tài năng nhất của thế hệ chúng ta. Ông
là một trong những người đầu tiên khai phá khuynh hướng sử dụng hệ thống công cụ
kinh tế để giải phẫu diễn trình của các đô thị. Và, mặc dù là thành quả của nhiều
năm nghiên cứu kinh tế, cuốn sách mới này của ông không phải là một tác phẩm
khó đọc đầy thuật ngữ, phương trình và số liệu thống kê trong kinh tế học. Dĩ
nhiên trong này phải có đầy số liệu, nhưng bên cạnh đó còn là cái nhìn năng động
về lịch sử sẽ dẫn dắt người đọc qua nhiều thế kỷ thăng trầm của những thành phố
– từ Athens và Venice, đến New York, London và Bangalore.
Những
bí mật của thành thị
Những bí mật của thành thị là gì? Nói ngắn gọn, đó
là con người và sự gần gũi. Còn nói theo cách riêng của Glaeser, thì “ý tưởng dễ
lan truyền ở những nơi con người sống gần nhau”, và mật độ dân cư cung cấp cho
thành phố một điểm mạnh so với những nơi phân tán. Người kinh doanh với những ý
tưởng sáng tạo tập trung tại các khu vực đô thị để học hỏi lẫn nhau và cũng để
nhận ra tiềm năng của họ. Và, trong một chu kỳ đạo đức, thành phố vinh danh tài
năng của những người này bằng cách kích thích sự tương tác và sự đổi mới, cũng
như bằng cách mài sắc trực giác nhạy bén trong kinh doanh thông qua việc cạnh
tranh.
Điều thú vị là trong thời đại của toàn cầu hóa và
công nghệ thông tin, khi tất cả mọi thứ đều nằm gọn trong một cú click chuột,
vùng thành thị càng phát huy năng suất cao hơn và trở thành cốt lõi của mọi quá
trình phát triển hơn bao giờ hết. Bởi vì đà phát triển của công nghệ thông tin
đã khiến ý tưởng chúng ta ngày càng phức tạp hơn, sự gần gũi và hình thức tương
tác mặt–đối–mặt đã trở nên ngày càng quan trọng trong việc thúc đẩy giáo dục và
quá trình kiến tạo những ý tưởng mới. Hơn nữa, một thị trường toàn cầu cho phép
những gì vừa được phát minh tại New York, London hay Singapore có thể được bán
tức khắc trên toàn thế giới, lợi nhuận càng cao khi mọi người cùng sáng trí – tức
là làm việc cùng nhau trong môi trường đô thị – và cùng phát minh ra những điều
lớn lao nối tiếp. Quá nhiều bước ngoặt đã đến từ cái chết của khoảng cách …
Mặt
tối của thành phố
Các thành phố cũng có những khía cạnh tiêu cực: hãy
nghĩ đến các khu ổ chuột ở Mumbai, cuộc sống ở London thời Victoria và New York
cách đây 150 năm. Vấn đề tội phạm, tắc nghẽn giao thông, bất trắc trong vệ sinh
môi trường và hiện tượng đói nghèo tập trung chỉ là một số trong nhiều thách thức
mà thế giới đô thị đã phải đối mặt – và vẫn còn phải đối mặt – trong khi tìm đường
phát triển và thu hút dân cư nhiều hơn. Tuy nhiên, tác giả Glaeser đã lập luận
rằng chính sự hiện diện của người nghèo trong đô thị là một dấu hiệu của sự tiến
bộ: thành phố vốn không làm cho người ta nghèo đi! Vùng thành thị đã thu hút những
người nghèo, những người để lại đằng sau những khó khăn của cuộc sống nông thôn
để tìm kiếm một tương lai tươi sáng ở chốn đô thành.
Chắc chắn, điều này có vẻ mâu thuẫn với nhận thức của
chúng ta về sự tồn tại ở các thành phố: cuộc sống ở London, New York và Hồng
Kông luôn căng thẳng và tốn kém. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều dữ liệu cho thấy
rằng dân cư thành thị không chỉ giàu có và làm việc hiệu quả hơn, mà thậm chí
còn hạnh phúc, khỏe mạnh và sống lâu hơn. Quá trình biến đổi của vùng thành thị
từ nơi sản xuất thành nơi tiêu thụ và cung cấp phúc lợi không thể xảy ra một sớm
một chiều. Để có thể phát triển thịnh vượng, thành phố cần những người kinh
doanh và giáo dục, và đây cũng là nhiệm vụ của những người chịu trách nhiệm quản
lý các thành phố. Thật vậy, cuốn sách này trình bày nhiều trường hợp giới chức
một thành phố đã quản lý thành công, cũng như trường hợp hóa ra là có tiếng
không có miếng.
Lộ
trình tới hoàng hôn của những đô thị
Thành phố Liverpool và Detroit đã đem lại cho chúng
ta nhóm The Beatles và hãng Motown. Các đô thị này đã tỏa sáng như những trung
tâm xuất sắc, nhờ vào một bến cảng với vị trí chiến lược (Liverpool) hay một
ngành công nghiệp xe hơi thống trị thế giới (Detroit). Tuy nhiên, hình ảnh của
hai thành phố này hôm nay chỉ còn gắn liền với thảm kịch của sự suy thoái… điều
gì đã xảy ra? Đà phát triển của công nghệ đã làm giảm đáng kể chi phí vận chuyển
và qua đó bào mòn cả thế mạnh một thời của Liverpool như một trung tâm hậu cần
xuyên lục địa. Quá trình thay đổi công nghệ tương tự đã khiến những người như
Henry Ford có thể sản xuất xe hàng loạt và tích hợp nhiều hoạt động dưới một
mái nhà đơn sơ của một nhà máy trong một thị trấn nhỏ. Trong khi Ford cần môi
trường thành phố để tiếp thu kiến thức thương mại từ những doanh nhân thông
minh khác chuyên cung cấp các bộ phận và ý tưởng, một công ty chỉ cần “không
gian giá rẻ” khi tiến vào giai đoạn sản xuất hàng loạt: như vậy công ty ấy di
chuyển ra khỏi trung tâm đô thị, và để mặc nó suy thoái.
Đây chỉ là hai trong số rất nhiều ví dụ về hoàng hôn
của những thành phố một thời vàng son trong cuốn sách này. Bài học chung là mọi
thành phố suy thoái đã vứt bỏ chính khái niệm kinh doanh cốt lõi để thu hút những
người thông minh, năng động, cũng như tập trung vào việc sáng tạo ra ý tưởng.
Thực vậy: có một số thành phố đã nổi lên như những tượng đài công nghiệp, nhưng
đó chỉ là những trường hợp bất thường. Trong lịch sử, tiềm năng của một thành
phố được bồi đắp bởi tài sản của các thương gia, cùng thái độ khôn ngoan, thông
minh và tài năng kinh doanh của họ. Chỉ cần nghĩ về Amsterdam và Venice của những
thế kỷ trước, và gần đây hơn là London và New York, cũng như Thung lũng Silicon
và thành phố Bangalore với khả năng giáo dưỡng nhân lực của lĩnh vực công nghệ,
chúng ta có thể thấy tất cả đều là môi trường nuôi dưỡng tia lửa sáng tạo của
những thiên tài.
Chúng
ta học được những gì từ sách này?
Chúng ta có thể làm gì để đảm bảo vùng thành thị tiếp
tục phát triển thịnh vượng? Cuốn sách này chứa đựng nhiều gợi ý rõ ràng và có
căn cứ về chính sách, mặc dù không phải mọi ý tưởng của tác giả sẽ làm hài lòng
mọi người đọc và mọi nhà hoạch định chính sách trên thế giới.
Đầu tiên, Glaeser lập luận về việc nên dừng nhóm
chính sách trợ cấp cho mục tiêu mở rộng những tiểu vùng đô thị. Chúng bao gồm
những quy định về thuế có lợi cho quyền sở hữu bất động sản nằm cách xa trung
tâm các đô thị – chẳng hạn như lãi suất thế chấp khấu trừ – và phí sử dụng đường
bộ không được tính trong phí xây dựng đường bộ – sẽ khuyến khích người dân di
chuyển đường dài, gây tắc nghẽn và ô nhiễm. Trong lĩnh vực này, London và cả
Vương quốc Liên hiệp Anh đã đi trước thời đại: các khoản khấu trừ thuế thế chấp
đã được bãi bỏ vào những năm 1990 và thay vào đó là phí chống ùn tắc London (được
giới thiệu vào năm 2003) đã thành công trong việc giảm ùn tắc và khuyến khích
người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Chắc chắn rằng, khi chúng
ta làm cho vùng ngoại ô trở nên ít hấp dẫn hơn, chúng ta cần phải làm cho cuộc
sống nội đô trở nên hấp dẫn hơn. Điều này bao gồm việc cải thiện cơ sở hạ tầng
đô thị, nhất là trong các trường học đặc biệt – mối bận tâm chính của nhiều gia
đình nội thành – và hệ thống giao thông công cộng.
Khuyến nghị về chính sách thứ hai và còn gây nhiều
tranh cãi hơn nữa của tác giả Glaeser là “xây cao hơn chứ không xây thêm”: cụ
thể là những tòa nhà chọc trời với không gian sử dụng hỗn hợp, bao gồm phần văn
phòng và phần nhà ở, chẳng hạn như tòa cao ốc The Shard, một hình mẫu tiền phong.
Tác giả đưa ra kết luận này bởi vì những tòa cao ốc sẽ làm tăng mật độ dân số –
nghĩa là tăng cường sự tương tác và đổi mới, và bởi vì, có lẽ theo cách đi ngược
lại trực giác, chính thành phố cao hơn mới xanh hơn chứ không phải những đô thị
vệ tinh được mở rộng. Hãy suy nghĩ về những căn hộ nhỏ đặt sát nhau trong nội
thành, như một đối trọng với kiểu nhà lớn, dạng biệt thự phung phí năng lượng ở
ngoại ô… Hoặc những hành khách cùng sử dụng một xe buýt, như một đối trọng với
hình ảnh người nhân viên lái xe một mình từ đô thị vệ tinh dọc theo những con
đường (hầu như) miễn phí.
Tuy nhiên, luận điểm về chính sách gây tranh cãi nhất
là nhận xét cho rằng giải pháp hạn chế đà suy thoái đô thị là ngừng lo lắng về
địa điểm, và bắt đầu tập trung vào con người. Sau cùng, thành phố chính là những
con người sống ở đó, và mục đích của mọi chính sách công là đảm bảo rằng họ được
sống trong một nền giáo dục có giá trị và có thể tiếp tục dấn bước trên con đường
hướng đến thành công. Tất nhiên, họ có thể di chuyển ra ngoài để tìm kiếm một
tương lai tươi sáng hơn: như vậy là tốt cho họ! Tuy nhiên, giải pháp tốt nhất
cho các thành phố đã chiến thắng trong quá khứ và đang đấu tranh để tỏa sáng một
lần nữa là thu hẹp được tham vọng và thay vào đấy tập trung cải thiện cơ hội
thành công của những người dân, dù hành trình này dẫn những thành phố đến đâu
chăng nữa.
Không thể phủ nhận rằng đây là những luận điểm không
dễ thuyết phục. Tuy nhiên, cuốn sách đã minh họa một hành trình hấp dẫn qua sự
sống và cái chết của các thành phố, thuyết phục rằng “những phát minh vĩ đại nhất
của chúng ta” thực sự có tiềm năng để làm cho tất cả chúng ta “giàu có hơn,
thông minh hơn, xanh tươi hơn, khỏe mạnh và hạnh phúc hơn”.
Olmo
Silva, Giảng viên ngành Kinh tế và Tài chính Bất động
sản tại Trường Kinh tế London
©
2007-2016 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC – www.phiatruoc.info
No comments:
Post a Comment