Âu Dương Thệ
Posted by adminbasam on
24/01/2016
Báo cáo Chính trị-Kinh tế của Nguyễn Phú Trọng báo hiệu: Đất nước
tiếp tục bị dìm trong độc tài, tụt hậu, tham nhũng, thối nát và đứng trước nguy
cơ lệ thuộc !
Sáng ngày 21.1.16 Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư
đương nhiệm, đã trình bày suốt gần một giờ trước trên 1500 đại biểu tham dự Đại
hội 12 bản tóm lược Báo cáo chính trị-kinh tế 5 năm vừa qua của Khóa 11
(2011-16) và mục tiêu cũng như kế hoạch cho Khóa 12 (2016-20). Trong toàn bộ
Báo cáo dài 13 trang, ông Trọng đã vạch ra một sợi chỉ đỏ không ai có
thể lầm lẫn được, đó là ĐCS vẫn muốn giữ độc quyền toàn diện trong mọi lãnh vực
và chủ nghĩa Marx-Lenin vẫn là kim chỉ nam của ĐCSVN. Nghĩa là sau hơn
một phần tư thế kỉ Liên xô và các nước CS Đông Âu đã chầu trời và luồng gió mát
Dân chủ đa nguyên đang tràn vươn tới nhiều nước trên thế giới, nhưng Nguyễn Phú
Trọng vẫn ngủ mê, nuôi giấc mơ muốn tiếp tục duy trì chế độ độc tài toàn trị
lên đầu lên cổ trên 90 triệu nhân dân VN. Dù ngay cả ông đã thừa nhận là, không
biết bao giờ mới thực hiện được chế độ Xã hội chủ nghĩa ở VN!
Chúng ta đang sống trong một bối cảnh thế giới đang
thay đổi toàn diện từ chính trị, kinh tế tới khoa học và kĩ thuật vào đầu Thế kỉ
21. Nhân loại đang bước vào kỉ nguyên toàn cầu hóa và cách mạng truyền thông điện
tử, nhưng Nguyễn Phú Trọng lại cố lôi kéo đất nước phải lùi lại thời kì tiền
bán Thế kỉ 20, như Ủy viên Trung ương kiêm Bộ trưởng kế hoạch-đầu tư Bùi Quang
Vinh vừa cảnh báo nghiêm khắc ngay trước Đại hội 12:
„70
năm qua, cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của bộ máy Đảng, Nhà nước, đoàn
thể các cấp trong hệ thống chính trị gần như không thay đổi.“ (BBC 22.1.16)
Nhưng tình hình và điều kiện hoàn toàn mới của thế
giới vào đầu Thế kỉ 21 đối nghịch triệt để với những tư duy cực kì giáo điều bảo
thủ của ông Trọng. Chính vì thế Nguyễn Phú Trọng và phe cánh đã phải nặn óc vận
dụng những lí luận sai trái và ngụy biện, bằng cách dựng lên các định đề và học
thuyết kiểu như rắn độc có thể ngủ chung với rồng, hổ sống chung được với
heo….để ru ngủ nhân dân và đánh lừa thế giới!
Khi sinh thời chính tướng Võ Nguyên Giáp, một đại thần
khai sáng chế độ, vào những năm cuối đời và sau khi Liên xô tan rã một thập
niên đã thức tỉnh đưa ra lời cảnh báo đanh thép „Cái thời đại dựa
vào sách vở để tranh luận cương lĩnh Chủ nghĩa xã hội đã qua rồi“:
„Chủ
nghĩa xã hội ở ngay trong thực tiễn…Không nên chỉ dựa vào kinh nghiệm để bàn về
Chủ nghĩa xã hội…Cái thời đại dựa vào sách vở để tranh luận cương lĩnh Chủ
nghĩa xã hội đã qua rồi. Ngày nay tất cả đều do thực tiễn…, lí luận được thực
tiễn cung cấp sức sống, được thực tiễn sửa đổi và thực tiễn kiểm nghiệm.“ (Võ Nguyên Giáp, „Thấm nhuần hơn nữa quan điểm thực tiễn, phát
triển sáng tạo lí luận, đưa đất nước tiến lên nhanh hơn, vững vàng hơn“, Tạp
chí Cộng sản số 15, 5.2002, tr. 13)
Nhưng 15 năm sau Nguyễn Phú Trọng đã không biết nghe
lời cảnh báo đúng đắn của tướng Giáp! Hãy nhìn vào kết quả thực tiễn
hơn 70 năm thực hành Chủ nghĩa xã hội Marx-Lenin đất nước phất lên hay đang tụt
hậu, nhân dân được hưởng dân chủ hay vẫn phải chịu ách độc tài, độc lập vững
vàng hay đang đứng trước nguy cơ lệ thuộc phương Bắc?
Những định đề chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hóa…
theo chiều hướng giáo điều và ước muốn chủ quan trong Báo cáo của Nguyễn Phú Trọng
đã bị thực tiễn bác bỏ, đã rơi vào sọt rác, hoặc chứa đựng đầy mâu thuẫn như nước
với lửa, trắng với đen! Thay vì thành thực nghiêm túc học hỏi những điều mới,
cơ hội tốt; nhưng ông Trọng lại dùng quyền lực của người cầm đầu chế độ toàn trị
tìm cách ngụy biện, trí trá vẫn đề cao một ý thức hệ đã sai lầm và cổ vũ độc
tài bạo lực để bảo vệ quyền lợi cá nhân và phe nhóm. Chính thái độ này đã tự
minh chứng tư cách rất xấu và đạo đức rất tồi của những người cầm quyền, đứng đầu
là Nguyễn Phú Trọng!
Trong Báo cáo trước Đại hội 12, Nguyễn Phú Trọng đã
lập lại „con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với
thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử“, và „vận
dụng sáng tạo, phát triển, chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh“. Đây
là một định đề, một khẳng định cực kì chủ quan và sai trái đã bị thực tế phủ nhận, như
tại Liên xô cũ và Đông Âu. Từ định đề tư tưởng và ý thức hệ sai lầm này ông Trọng
đòi duy trì tiếp tục toàn bộ hệ thống xã hội theo mô hình đảng trị, trong kinh
tế „Kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa“, trong
pháp luật „pháp quyền Xã hội chủ nghĩa“, quân đội và công an
phải trung thành tuyệt đối với đảng… Thế rồi Nguyễn Phú Trọng phóng tay kết luận
bản Báo cáo bằng một câu để ru ngủ 1500 đại biểu: „Chúng ta nhất định
thành công trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội“!
Định
đề cực kì sai trái khác của Nguyễn Phú Trọng khi ông khẳng định, phải „bảo vệ Đảng“, „bảo vệ chế độ Xã hội chủ nghĩa“ thì
mới bảo vệ được độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Khi diễn tả ý này Nguyễn
Phú Trọng cố dùng lối lí luận ngụy biện hạ cấp theo kiểu „ta với mình tuy hai
mà một“. Trong bản Báo cáo, ông Trọng -tự coi là nhà lí luận uyên bác- đã đưa
ra một khẳng định cố tình chắp vá lối tam đoạn luận ngụy tạo, trong đó các vế
hoàn toàn không ăn khớp với nhau: „Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền,
thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế
độ Xã hội chủ nghĩa luôn luôn gắn bó chặt chẽ, mật thiết với nhau.“
Trong khoa học chính trị hiện đại thì độc lập, chủ
quyền, thống nhất của một nước thuộc bình diện toàn dân, toàn quốc, chứ không
tùy thuộc hay là sở hữu riêng của một nhóm hay đảng nào. Một chính đảng và ý thức
hệ của nó chỉ liên hệ tới đảng này và các đảng viên của nó. Nó không có
quyền tự đặt cho mình là „quốc đảng“ và bắt toàn dân phải theo! Một đảng
ra đời, tồn tại hay mất đi qua thời gian, nhưng dân tộc đó vẫn trường tồn, giữ
được độc lập, chủ quyền và thống nhất…và vẫn vươn lên. Ngày nay đó là trường hợp
của hầu hết các nước trên thế giới, từ các quốc gia trong khu vực như Nhật, Đại
hàn, Nam dương, Ấn độ, hay trên thế giới như Hoa kì, Gia nã đại và EU…Tại đó
các chính đảng với các ý thức hệ khác nhau và các chính sách khác nhau đã thay
nhau cầm quyền, tùy theo quyết định của nhân dân trong các cuộc bầu cử tự do
dân chủ!
Cả trong lãnh vực kinh tế, xương sống của một nước, Nguyễn
Phú Trọng cũng đưa ra một định đề cực kì mâu thuẫn. Một mặt ông đưa ra
mục tiêu rất cao, „phát triển nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước
ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại“. Ông còn hô
hào „vận hành đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả theo qui luật Kinh tế thị
trường“ và „tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch
và lành mạnh“. Nhưng đồng thời Nguyễn Phú Trọng vẫn đòi phải gò bó
nền kinh tế của VN trong khuôn khổ Kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ
nghĩa và ông đưa ra định nghĩa cực kì ngụy biện và đầy mâu thuẫn, đó là:
„Nền
kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng
thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển
của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự
quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam
lãnh đạo.“ Và „Nhiều thành phần kinh tế, trong đó
Kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo.“ Rõ ràng ông Trọng đang cố dựng
lên một truyền thuyết, rắn độc ngủ chung với rồng và hổ sống chung với heo!
Như vậy các tập đoàn và tổng công ti nhà nước vẫn giữ
vai trò chủ đạo và được độc quyền cũng như ưu tiên trong vay tiền của Ngân hàng
Nhà nước, tiếp nhận độc quyền mỗi năm nhiều tỉ Mĩ kim từ nguồn vay các nước
ngoài (ODA), tự do sử dụng mặt bằng và xây dựng các cơ sở từ ngân sách nhà nước…
Như thế làm sao lại bảo là „cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành
mạnh“ được?! Suốt mấy chục năm nay tư doanh luôn luôn bị bạc đãi,
thiệt thòi. Không những thế, mỗi khi có tranh chấp đất đai, nhà cửa thì bọn
quan tham cấu kết với công an đàn áp dân lành; nếu phải ra tòa án thì các thẩm
phán (đảng viên) lại xử theo „pháp chế Xã hội chủ nghĩa“ rất
tùy tiện!
Như thế thật là rõ, định đề phát triển kinh tế trong
Báo cáo của Nguyễn Phú Trọng cực kì mâu thuẫn; duy trì „Kinh tế nhà
nước giữ vai trò chủ đạo“, tức là cố tình thủ tiêu„cạnh tranh bình
đẳng, minh bạch và lành mạnh“ của một nền Kinh tế thị trường thực sự! Ông
Trọng thừa nhận rằng, thời gian tới phải giải quyết nợ công ngày càng cao chống
chất, trong đó các tập đoàn và tổng công ti nhà nước chiếm phần nợ lớn nhất.
Chính nó từ nhiều năm nay, nhất là thời Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng, đang trở
thành ổ tham nhũng của bọn tham quan. Duy trì Kinh tế nhà nước làm chủ đạo là
duy trì những cách làm ăn bất công, cổ vũ cho nạn tham nhũng, làm cho kinh tế
tư nhân không thể đi lên. Như vậy thì làm sao có thể làm cho kinh tế phát triển,
đất nước giầu mạnh, làm sao chống được tham nhũng?
Chính định đề phát triển kinh tế mà Nguyễn Phú Trọng
đã trình bày trong Báo cáo tại Đại hội 12 chứa đầy những mâu thuẫn và sai trái,
mơ ra biển lớn mà lại chỉ loay hoay bằng chiếc thuyền thúng và người lái lại chẳng
biết coi địa bàn, cho nên sau hơn 40 năm thống nhất nhưng VN vẫn tụt hậu so
ngay với các nước trong khu vực. Tuy thế, Nguyễn Phú Trọng vẫn ngang ngược chống
lại đổi mới toàn diện cả kinh tế và chính trị. Vì thế ông vẫn đội lên đầu chủ
nghĩa Marx-Lenin, giữ chế độ độc đảng, kinh tế nhà nước làm chủ đạo, biến quân
đội và công an thành công cụ đàn áp nhân dân để bảo vệ chế độ toàn trị!
Kinh
tế suy yếu, nhân dân nghèo đói, giáo dục lạc hậu và chính quyền thối nát, chia
rẽ là cửa mở mời các thế lực đế quốc can thiệp và thôn tính. Chính vì thế trong
khi Đại hội 12 đang họp thì Bắc kinh đưa giàn khoan HD 981 trở lại biển Đông, lập
phi trường quân sự trên các đảo chiếm đóng của VN, cho phi cơ xâm phạm không phận
VN và bắn phá các tầu đánh cá và giết hại ngư dân VN!
***
Một chính trị gia chỉ có khả năng làm thủ lãnh một đảng,
hay có thể trở thành một chính khách quốc gia có uy tín, điều này tùy thuộc ở tầm
nhìn, tiêu chuẩn giá trị và ý chí của họ, chứ không tùy thuộc ở tham vọng và ước
muốn chủ quan của họ. Nếu họ chỉ lợi dụng quyền lực để thu vén cho gia đình và
phe nhóm thì họ chỉ là người lo xôi thịt, như trường hợp Nguyễn Tấn Dũng. Nếu họ
chỉ biết đội lên đầu chủ nghĩa không tưởng và sẵn sàng sử dụng cả bạo lực để bảo
vệ cho phe đảng, bất kể những giá trị chính đáng và cao đẹp khác, cùng lắm họ
chỉ là thủ lãnh của một đảng độc tài bảo thủ, đây là trường hợp của Nguyễn Phú
Trọng.
Muốn trở thành một chính khách quốc gia, lãnh tụ của
dân tộc thì chính trị gia đó phải có tầm nhìn sâu và rộng, có tâm và trí, có lí
có tình, dứt khoát phải đặt và thực hành đúng tiêu chuẩn giá trị đảng dưới dân
trên, quyền lợi của dân tộc và đất nước cao hơn sự tồn tại của đảng, nhân dân hạnh
phúc thì đảng mới vui…
Đảng
CSVN với trên 4,5 triệu đảng viên đang đứng trước một chọn lựa quan trọng,
nhưng rất khó khăn về nhân sự cấp cao tương lai. Liệu đảng này có còn tư cách tồn
tại, có còn chính danh cầm quyền nữa không? Câu hỏi rất quan trọng và khẩn thiết
này tùy thuộc vào 4,5 triệu đảng viên, trong đó với trên 1.500 đại biểu đang
tham dự Đại hội 12, có đủ ý chí và ý thức được rằng, không phải chỉ phải chọn
giữa Nguyễn Phú Trọng hay Nguyễn Tấn Dũng, như thế có khác nào chọn giữa bệnh dịch
tả hay bệnh dịch hạch…!
___
Ghi
chú:
*Các phần trích trong bài không ghi xuất xứ là từ “Xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, vững bước tiến lên trên
con đường đổi mới“ trên báo CS điện tử ngày 21.1.
*Về tình hình Đại hội 12 mời xem bài phân tích của
cùng tác giả: “Đại hội 12 đi về đâu? Nguyễn Phú Trọng quyết dùng cả giải
pháp bạo lực để thanh toán đối thủ trong đảng“.
No comments:
Post a Comment