Wednesday 19 March 2014

UKRAINE & PHƯƠNG TÂY LÊN ÁN NGA, NGA CẢNH BÁO MỸ & PHƯƠNG TÂY (RFI, BBC)




Thanh Phương  -  RFI
Thứ tư 19 Tháng Ba 2014

Bất chấp các biện pháp trừng phạt của phương Tây, hôm qua, 18/3/2014, Tổng thống Vladimir Putin đã ký một hiệp định lịch sử tại điện Kremlin, sát nhập vùng Crimée vào Nga. Trước khi đặt bút ký, ông Putin đã có bài diễn văn dài, được các nghị sĩ Quốc hội lưỡng viện và thống đốc các vùng của Nga vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt. Các cường quốc phương Tây và Ukraina cực lực lên án việc sát nhập vùng Crimée vào Nga, xem đây là một hành động trái với công pháp quốc tế.

Ngay sau đó, tại Kiev, bộ Ngoại giao Ukraina đã triệu đại biện của Nga lên để trao công hàm phản đối. Về phần tổng thống lâm thời của Ukraina Tourtchinov thì lên án tổng thống Putin làm giống như Đức quốc xã thôn tín các vùng lãnh thổ trước khi bắt đầu Thế chiến thứ hai.Thủ tướng Ukraina thì cho rằng xung đột ở Crimée đã chuyển « từ giai đoạn chính trị sang giai đoạn quân sự », còn bộ Quốc phòng Ukraina thì thông báo là binh lính Ukraina ở Crimée kể từ nay được phép sử dụng vũ khí.

Về phản ứng của phương Tây, hôm qua, chủ tịch Uỷ ban châu Âu José Manuel Barroso và chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy tuyên bố là Liên hiệp châu Âu « không công nhận và sẽ không công nhận việc sát nhập Crimée và Sebastopol vào Liên bang Nga».

Thủ tướng Đức Angela Merkel thì xem việc sát nhập Crimée vào Nga là « trái với công pháp quốc tế ». Tổng thống François Hollande cũng tuyên bố Pháp không công nhận kết quả trưng cầu dân ý tại Crimée ngày 16/03, cũng như việc sát nhập Crimée vào Nga. Tổng thống Pháp kêu gọi một sự đáp trả « mạnh mẽ và có phối hợp » của châu Âu.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe hôm nay cũng lên án việc sát nhập Crimée vào Nga và doạ sẽ thi hành các biện pháp trừng phạt mới đối với Matxcơva.

Về phần tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua kêu gọi các lãnh đạo nhóm G7 và Liên hiệp châu Âu họp lại vào tuần tới ở La Haye để xem xét các quyết định mà nhóm G7 có thể đưa ra để đối phó với tình hình mới và hỗ trợ Ukraina.

Từ Washington, thông tín viên RFI Anne Marie Capomaccio  tường trình : 
Cuộc họp của các nước công nghiệp phát triển bàn về khủng hoảng Ukraina là một cách mới để chỉ cho thấy nước Nga mỗi ngày càng thêm cô lập và Nga đã tự khai trừ mình ra khỏi tổ chức. Một trong những chiến lược hành động của Hoa Kỳ là củng cố mối liên kết của cộng đồng quốc tế chống lại Matxcơva.  
Chuyến công du của Phó tổng thống Mỹ Joe Biden đến Ba Lan và các nước vùng Baltic cũng nằm trong mục đích đó. Như dự trù, Nhà trắng chuẩn bị thông báo là sắc lệnh sáp nhập Crimée vào Nga được ký hôm qua sẽ kéo theo đợt trừng phạt thứ ba.  
Các biện pháp cụ thể sẽ được loan báo trong những ngày tới. Người ta vẫn chưa biết liệu Tổng thống Putin có bị nhắm tới theo như đề nghị của một số dân biểu Mỹ hay không. Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ không loại từ khả năng này, nhưng từ chối bình luận thêm vào lúc này.  
Nhà trắng giải thích việc đưa ra các biện pháp trừng phạt tăng dần là nhằm mục đích để một cánh cửa cho đàm phán. Nhìn chung các biện pháp trừng phạt gần như đã được các nghị sĩ Mỹ nhất trí hoàn toàn.
Các chỉ trích chủ yếu là từ phe diều hâu. Những nhân vật của phe này, như Thượng nghị sĩ John McCain đề nghị phải trừng phạt mạnh hơn và nhất là phải làm nhanh. Ông John McCain đánh giá là Vladimir Putin đã công khai tỏ thái độ thù địch, cộng đồng quốc tế dù muốn hay không thì cũng đã ở trong một cuộc chiến tranh lạnh mới. 
Ngoại trưởng John Kerry hôm qua không còn lạc quan nữa, ông tỏ  lo lắng trước « tinh thần dân tộc cực đoan đang lên cao và có thể lan tràn một cách cực kỳ nguy hiểm".

------------------------------------


BBC
Cập nhật: 08:30 GMT - thứ tư, 19 tháng 3, 2014

Nga nói với Hoa Kỳ rằng quyết định trừng phạt Nga của phương Tây vì vấn đề Crimea là không thể chấp nhận được và sẽ "mang lại hậu quả".
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã đưa ra cảnh báo trên trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.
Việc này xảy ra vài giờ sau khi lãnh đạo Nga và Crimea ký hiệp ước cho phép Crimea gia nhập Liên bang Nga.
Cử tri trên bán đảo này đã lựa chọn tách ra khỏi Ukraine trong cuộc trưng cầu ý kiến gây tranh cãi hôm Chủ nhật 16/3.
Một phát ngôn viên của Tổng thống Nga Vladimir Putin nói với BBC rằng hiệp ước vừa ký đã có hiệu lực.
Phóng viên BBC Richard Galpin tại Moscow nói rằng hiệp ước này còn phải được tòa án hiến pháp Nga chuẩn thuận và thông qua Quốc hội, thế nhưng gần như chắc chắn là sẽ được các dân biểu ủng hộ.

'Lựa chọn dân chủ'
Vào thứ Hai, Hoa Kỳ và EU đã ra lệnh trừng phạt đối với một số quan chức Nga và Ukraine bị cho là liên quan tới hành động của Nga tại Crimea.
Sau khi ký hiệp ước hôm thứ Ba 18/3, Nhà Trắng nói các biện pháp trừng phạt sẽ còn được mở rộng.
Phó Tổng thống Joe Biden cáo buộc Nga là "cướp đất".
Sau khi ông Lavrov nói chuyện với ông Kerry, Bộ Ngoại giao Nga ra thông cáo viết: "Các cư dân của cộng hòa Crimea đã đưa ra lựa chọn dân chủ của mình đúng với luật pháp quốc tế và hiến chương Liên Hiệp Quốc, mà Nga thừa nhận và tuân thủ".
"Lệnh trừng phạt mà Hoa Kỳ và EU đưa ra là không thể chấp nhận được và sẽ dẫn tới hậu quả."
Tuy nhiên bộ này không nói đó là các hậu quả gì.
Sau đó ông Kerry cảnh báo rằng bất cứ việc xâm lấn nào của Nga vào khu vực đông Ukraine đều sẽ là hành động "vô cùng sai lầm".
Ông nói thêm: "Tôi hy vọng điều đó sẽ không xảy ra".
Hôm 18/3, ông Putin cũng nói lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ bị coi là hành động gây hấn và Moscow sẽ trả thù.

'Căng thẳng lên cao'
Trong khi căng thẳng lên cao, quân đội Ukraine nói rằng một quân nhân của họ bị sát hại trong một cuộc tấn công vào căn cứ ở thủ phủ Crimea Simferopol.
Cùng lúc đó, chính quyền thân Kremlin cũng nói một lính của họ thiệt mạng trong cùng vụ trên.
Chính phủ Kiev cho hay đã ra lệnh cho quân lính bắn lại để tự vệ.
Thủ tướng lâm thời Arseniy Yatsenyuk nói tại một cuộc họp khẩn: "Cuộc xung đột đang chuyển từ giai đoạn chính trị sang quân sự".
"Lính Nga bắt đầu bắn vào binh lính Ukraine và đây là tội ác chiến tranh."
Phóng viên BBC Mark Lowen tại Simferopol nói hiện đang có quan ngại rằng sẽ còn có các cuộc đụng độ khác nữa.
Trong bài phát biểu của mình tại Điện Kremlin hôm 18/3, ông Putin nói với Nghị viện Nga rằng Crimea "luôn luôn là một phần của Nga" và việc ký kết hiệp ước vừa qua của ông là để khắc phục "sự bất công của lịch sử".
Sau đó ông xuất hiện trước đám đông ở Quảng trường Đỏ và tuyên bố: "Crimea và Sevastopol đang quay trở về với đất mẹ, về với bến cảng quê hương, về với Nga".
Tổng thống tạm quyền của Ukraine Olexander Turchynov nói hành động của Nga gới nhớ việc Đức Quốc xã chiếm Áo và vùng Sudetenland.
Khủng hoảng Ukraine bắt đầu tháng 11 năm ngoái sau khi Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych bác thỏa thuận với EU nhằm phát triển quan hệ thân cận hơn với Nga.
Ông chạy khỏi Ukraine hôm 22/2 sau các cuộc biểu tình làm hơn 80 người chết.
Các dân quân thân Nga sau đó đã chiếm kiểm soát Crimea, vốn thuộc về Ukraine từ 1954 nhưng có dân số chủ yếu là người Nga.
Cảng Sevastopol là nơi Nga đặt hạm đội Hắc Hải.

-----------------------

Thanh Phương  -  RFI
Thứ tư 19 Tháng Ba 2014

Tại Crimée hôm nay, 19/03/2014, khoảng 200 dân quân thân Nga đã chiếm tổng hành dinh hải quân Ukraina ở Sebastopol mà không cần nổ tiếng súng nào. Theo hãng tin Nga Itar-Tass, lực lượng dân quân này đã treo cờ Nga lên nóc toà nhà thế chỗ quốc kỳ Ukraina. Sau đó, họ đã áp tải các binh lính Ukraina ra khỏi tổng hành dinh.

Hôm qua (18/3), một quân nhân Ukraina đã bị bắn chết trong một vụ tấn công vào đơn vị của quân nhân này ở Simferopol. Phía dân quân tự vệ thân Nga cũng có một người thiệt mạng. Ngoài ra có hai binh lính bị thương.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraina Ihor Teniuokh hôm qua tuyên bố là lực lượng Ukraina sẽ không rút khỏi Crimée cho dù Tổng thống Putin vừa ký hiệp định sáp nhập vùng này vào Nga.

Hôm nay, ông dự định cùng với Phó thủ tướng thứ nhất của Ukraina đến Crimée để « ngăn chận xung đột leo thang », nhưng tại Matxcơva, Thủ tướng của Cộng hòa Crimée Serguei Axionov vừa tuyên bố với hãng tin Itar-Tass cho biết Crimée sẽ không chấp nhận cho Bộ trưởng và Phó thủ tướng Ukraina đi vào vùng này.



No comments:

Post a Comment

View My Stats