Wednesday, 19 March 2014

BLOGGER PHẠM VIẾT ĐÀO BỊ KẾT ÁN 15 THÁNG TÙ GIAM (Danlambao, RFI, BBC, RFA)





Blogger Phạm Viết Đào tại phiên tòa sơ thẩm sáng 19/3/2014 (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN). Hai 'bị hại' liên quan đến vụ án là TBT Nguyễn Phú Trọng và thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vắng mặt.

Trong phiên xử kéo dài khoảng 2 tiếng đồng hồ vào sáng ngày 19/3/2014, tòa án nhân dân Hà Nội đã kết án blogger Phạm Viết Đào 15 tháng tù giam với cáo buộc 'lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước' theo điều 258 bộ luật hình sự.

Theo hãng thông tấn AFP, thẩm phán chủ tọa phiên tòa là Ngô Tự Học cáo buộc blogger Phạm Viết Đào đã có những bài viết “phỉ báng đảng và nhà nước... bôi nhọ danh dự, uy tín của lãnh đạo đảng và thủ tướng”.

Những nhân vật được coi là 'bị hại' trong vụ án gồm có tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không có mặt tại tòa. 

Được biết, blogger Phạm Viết Đào tự bào chữa trước tòa mà không cần nhờ đến luật sư. Theo AFP, tại tòa, ông Đào hối tiếc 'vì đăng tải một số thông tin không đúng', tuy nhiên ông cho rằng nội dung những bài viết không gây ảnh hưởng xấu đến xã hội như cáo trạng.

Phiên tòa sơ thẩm kéo dài chỉ trong vòng một buổi sáng. An ninh được thắt chặt tối đa bên ngoài trụ sở tòa án nhân Hà Nội.

Blogger Phạm Viết Đào chính thức bị khởi tố và bắt tạm giam vào ngày 13/6/2013. Với bản án sơ thẩm là 15 tháng tù giam, trong trường hợp không kháng cáo hoặc bản án phúc thẩm vẫn giữ nguyên thì ông Đào sẽ ở tù đến tháng 9 năm nay.

An ninh được thắt chặt bên ngoài phiên xử blogger Phạm Viết Đào (Ảnh: CTV Danlambao)

Trước khi bị bắt, trang blog chuyên về Thế sự - Văn chương - Tâm linh của ông thường xuyên trích đăng những thông tin thời sự nóng hổi, đặc biệt là những tin tức cơ mật liên quan đến các nhân vật chóp bu trong đảng cộng sản.

Blogger Phạm Viết Đào, sinh năm 1952, một cựu chiến binh, từng là thanh tra của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Sau khi về hưu, ông thường xuyên thể hiện quan điểm, suy nghĩ của mình trên blog cá nhân. 

Ông là một người có quan điểm chống sự xâm lược, bành trướng của Trung Quốc mạnh mẽ. Được biết, em trai ông đã hi sinh trong cuộc chiến biên giới với Trung Quốc năm 1979. Ngoài ra, những bài viết của ông trên blog nhiều lần phê phán mạnh mẽ bộ sậu lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam khi để đất nước rơi vào tình trạng suy thoái, kiệt quệ và phụ thuộc quá lớn vào nước ngoài, cụ thể là Trung Quốc.

Loạt bài tổng hợp về chiến tranh biên giới Việt Nam - Trung Quốc đăng trên trang blog Phạm Viết Đào từng thu hút sự quan tâm rất lớn của độc giả. Trong đó, có nhiều bài viết mang nội dung phơi bày những âm mưu, thủ đoạn và tội ác của Trung Quốc đối với Việt Nam. 

CTV Danlambao

-------------------------------------------

Thanh Phương  -  RFI
Thứ tư 19 Tháng Ba 2014

Hôm nay, 19/03/2014, Tòa án Nhân dân Hà Nội vừa tuyên án 15 tháng tù giam đối với ông Phạm Viết Đào, bị đem ra xét xử với tội danh « lợi dụng các quyền tự do dân chủ », chiếu theo điều 258 bộ Luật Hình sự Việt Nam, do những bài viết đăng trên trang blog của ông.

Trong phiên xử hôm nay, ông Phạm Viết Đào không nhờ luật sư, mà đã tự bào chữa trước tòa. Theo lời một luật sư đã từng hỗ trợ pháp lý cho blogger Phạm Viết Đào, ông Đào đã không đồng ý với bản án nói trên, vì theo ông, những bài viết đăng trên trang blog của ông không hề có nội dung vi phạm điều 258.

Ông Phạm Viết Đào cũng đã nói với vợ con là sẽ kháng cáo và sẽ nhờ luật sư bào chữa trong phiên xử phúc thẩm. Tuy nhiên, do bị tạm giam từ 9 tháng nay, blogger Phạm Viết Đào chỉ còn 6 tháng nữa là mãn hạn tù. Còn nếu kháng cáo thì cũng phải chờ từ 3 đến 4 tháng mới xử phúc thẩm. Cho nên, theo vị luật sư đã cố vấn cho ông Đào, có thể gia đình sẽ cân nhắc việc có nên kháng cáo hay không.

Hôm qua, tổ chức Human Rights Watch đã ra thông cáo yêu cầu Việt Nam bãi bỏ mọi cáo buộc đối với blogger Phạm Viết Đào và trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông.Theo lời ông Brad Adams, giám đốc đặc trách châu Á của HRW, ông Phạm Viết Đào chỉ có một tội duy nhất là « sử dụng Internet để bày tỏ những ý kiến, mà nhiều người Việt Nam, bên ngoài cũng như bên trong chính quyền, chia sẽ ».

Nguyên là một quan chức bộ Văn hóa, blogger Phạm Viết Đào đã bị bắt ngày 13/06/2013 tại Hà Nội. Ông là blogger thứ ba bị bắt giữ và bị đưa ra xét xử ở Việt Nam kể từ giữa năm ngoái. Ngày 29/10/2013, blogger Đinh Nhật Uy đã bị toà án Long An tuyên án 15 tháng tù treo và gần đây nhất, ngày 04/03/2014, blogger Trương Duy Nhất đã bị tòa án Đà Nẵng tuyên án 2 năm tù giam, cũng với tội danh vi phạm điều 258.

--------------------------------------------

BBC
Cập nhật: 08:15 GMT - thứ tư, 19 tháng 3, 2014

Tòa án Nhân dân TP Hà Nội ngày 19/3 vừa tuyên án nhà văn, blogger Phạm Viết Đào 15 tháng tù vì tội 'Lợi dụng các quyền tự do dân chủ' theo Điều 258 Bộ Luật Hình sự, luật sư hỗ trợ pháp lý cho gia đình ông Đào vừa thông báo với BBC.
Luật sư này cho biết "trước đó, Viện Kiểm sát đã đề nghị mức án là 15-18 tháng tù giam," và hiện ông Đào vẫn chưa quyết định có kháng cáo hay không.
"Nếu kháng cáo thì cũng phải đợi từ hai đến bốn tháng sau mới xử, mà trong trường hợp ông Đào thì tôi nghĩ nhiều khả năng sẽ là bốn tháng," luật sư nói.
"Ông Đào đã bị bắt giữ hồi tháng Sáu năm ngoái nên nếu chấp nhận bản án này thì chỉ trong sáu tháng nữa, ông sẽ hoàn tất việc thi hành án."
"Gia đình tất nhiên cũng không hài lòng với việc ông bị giam giữ, nhưng sáu tháng nữa thì cũng không phải là dài lắm, thế nên có kháng cáo hay không thì phải đợi bàn bạc với vợ ông vào tuần sau."

Ông Đào đã chọn tự bào chữa mà không cần đến luật sư.
Trong tin đăng ngày 19/3, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) dẫn cáo trạng được đọc tại phiên tòa cho biết từ tháng 2/2012 đến tháng 6/2013, ông Đào đã lập ra ba blog và đăng tải tổng số 91 bài "có nội dung nói xấu, xuyên tạc, bôi nhọ, công kích Đảng, Nhà nước, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân."
Cũng theo TTXVN, "tại phiên tòa, bị cáo Phạm Viết Đào thừa nhận việc đăng tải các bài viết nói trên", "thừa nhận toàn bộ nội dung luận tội của Viện kiểm sát là đúng" và "xin được xem xét cho hưởng mức án thấp nhất."
Trong khi đó, hãng thông tấn AFP cho biết ông Đào đã xin lỗi vì "đăng tải một số thông tin không đúng sự thật", nhưng cũng nói thêm rằng ông không nghĩ những bài viết của ông "ảnh hưởng xấu đến xã hội".

HRW lên tiếng

"Chính quyền Việt Nam đang tự làm xấu mặt mình trước công luận trong nước và quốc tế"
Ông Brad Adams, giám đốc khu vực châu Á của HRW
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) trong chiều cùng ngày 19/3 đã ra thông cáo kêu gọi chính quyền Việt Nam "trả tự do ngay tức khắc và vô điều kiện" cho ông.
"Chính quyền Việt Nam đang tự làm xấu mặt mình trước công luận trong nước và quốc tế" bẳng việc tổ chức thêm một phiên tòa "xét xử tiếng nói chỉ trích ôn hòa," ông Brad Adams, giám đốc khu vực châu Á của HRW được dẫn lời nói trong thông cáo.
"Thay vì tiếp tục đứng đằng sau một hành động vi phạm nhân quyền nữa, chính phủ nên thực thi đúng những nghĩa vụ quốc tế của mình về quyền con người để góp phần giải quyết một cách hiệu quả nhiều vấn đề mà Việt Nam đang đối mặt."
Ông Đào, người có nhiều bài viết trên blog chỉ trích chính quyền Việt Nam, bị bắt hồi 13/6 năm ngoái tại Hà Nội.

Hôm 4/3, ông Trương Duy Nhất, một blogger có tiếng khác trong nước, bị bắt trước ông Đào vài tuần, đã bị Tòa án Nhân dân TP. Đà Nẵng tuyên án hai năm tù vì tội danh tương tự.
Trong buổi phỏng vấn cuối cùng với BBC trước khi bị bắt, ông Phạm Viết Đào đã bình luận về đợt lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên của Quốc hội và nói đây là "thử thách cho nền chính trị của Việt Nam" và rằng "Quốc hội nào Chính phủ ấy".
Nói về các cố gắng thay đổi nền chính trị Việt Nam, ông Đào cũng nhận định ông không hy vọng có "đột phá".
Ông Phạm Viết Đào từng công tác tại Vụ Điện ảnh của Bộ Văn hóa và sau đó là Thanh tra của bộ này cho tới năm 2007.
Sau đó ông làm Trưởng phòng Thanh tra hành chính và phòng chống tham nhũng của Bộ Văn hóa–Thể thao và Du lịch.
Ông là Hội viên Hội nhà văn và cũng từng dịch nhiều tác phẩm sang tiếng Romania, nước ông đã du học và tốt nghiệp đại học ngành văn chương.

--------------------------------

BTV Mac Lâm, RFA
2014-03-19

Sáng hôm nay 19 tháng 3 Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên xử nhà báo Phạm Viết Đào về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức công dân theo điều 258 bộ luật hình sự.

Từ 8 giờ sáng một blogger có mặt tại trước cổng tòa cho biết công an và an ninh dày đặc không cho bất cứ ai tiếp cận, anh nói:
- Khi tôi ra đấy thì lực lượng an ninh và công an dàn quanh phiên tòa rất đông. Có một an ninh ở quận Hoàn Kiếm thì phải, đến đuổi không cho đứng ở khu vực đó khi em đưa điện thoại lên để chụp ảnh thì họ đuổi đi ngay. Ngoài tôi ra thì hiện tại không nhìn thấy ai quen trong những người đấu tranh. An ninh nó vây quanh khu vực tòa và các mặt đường. Tòa án nó có hai cửa, một cửa ở Hai Bà Trưng và một cửa ở Lý Thường Kiệt thì tất cả các cửa ấy an ninh và công an đều vây quanh hết.

Lúc 11 giờ sáng hôm nay theo thông tin từ trang Basam cho biết đề nghị của Viện Kiểm sát với mức án từ 15 tới 18 tháng tù và tòa đã tuyên phạt ông 15 tháng tù giam.

Do nhà báo Phạm Viết Đào không nhận sự giúp đỡ của luật sư nên mọi thông tin về lời khai của ông trong biên bản điều tra cũng như các diễn tiến trong phiên tòa hoàn toàn không thể tiếp cận.

Ông Phạm Viết Đào bị bắt vào ngày 13 tháng 6 năm 2013 vì vậy do ông đã bị giam 9 tháng ông phải thi hành án thêm 6 tháng nữa.

Nhà văn, nhà báo và blogger  Phạm Viết Đào, sinh năm1952 tại Nghệ An; thường trú tại đường Thụy Khuê, phường Bưởi, quận Tây Hồ Hà Nội.

Từ năm 1975 đến 1992 ông công tác tại Vụ Điện ảnh của Bộ Văn hóa. Sau đó giữ chức Thanh tra Bộ Văn hóa Thông tin và Trưởng phòng Thanh tra hành chính và phòng chống tham nhũng của Bộ Văn hóa.

Ông Phạm Viết Đào bị xét xử vì vi phạm điều 258 nổi tiếng nhất hiện nay, một điều luật bị nhiều người lên án là có tính chất mơ hồ cũng như tùy tiện có thể bắt ai cũng được. Đã có hàng chục người bị đem ra tòa xét xử bởi tội danh này tuy họ chỉ viết ý kiến của mình trên trang blog cá nhân mà thôi. Riêng trường hợp của nhiều đồng bào H’mong cũng bị ghép vào điều 258 mặc dù họ chỉ thực hành nghi thức tôn giáo chứ hoàn toàn không phát biểu hay đưa ý kiến trên trang mạng xã hội.



No comments:

Post a Comment

View My Stats