18.03.2014
Theo dõi các biến động tại Ukraine trong mấy tuần qua,
tôi nghĩ một trong những bài học đầu tiên cần được rút ra là tính chất phức tạp
trong sinh hoạt chính trị đương đại. Liên quan đến Ukraine, sự phức tạp ấy có
hai khía cạnh: Một, quan hệ bên trong bản thân Ukraine với những sự khác biệt
về phương diện chủng tộc, lịch sử, ngôn ngữ, văn hóa, chính trị, tôn giáo, địa
lý; và hai, quan hệ quốc tế liên quan đến việc hành xử quyền lực tại Ukraine.
Trong bài này, tôi chỉ xin tập trung vào khía cạnh thứ hai.
Cứ tưởng tượng một sự kiện tương tự như vụ Nga lấn chiếm Crimea của Ukraine xảy ra trước năm 1990, tức trong thời Chiến tranh lạnh, phản ứng của Mỹ và châu Âu sẽ ra sao?
Câu trả lời rất dễ thấy: Chả làm được gì cả.
Ví dụ, năm 1956, hàng ngàn dân chúng, đặc biệt là giới sinh viên và trí thức, biểu tình trên các đường phố ở Budapest để chống lại một số chính sách của chính phủ Hungary. Một số sinh viên bị bắn chết. Làn sóng công phẫn trào lên, dân chúng khắp nơi lại ào ào xuống đường biểu tình. Đầu tháng 11, Liên Xô tràn quân qua biên giới Hungary để trấn áp những người biểu tình, giúp chính phủ cộng sản độc tài tại Hungary khôi phục lại quyền lực. Hơn 2000 người Hungary bị giết chết. Khoảng 200.000 người phải chạy ra nước ngoài tị nạn. Trước biến cố ấy, Mỹ làm được gì? Tổng thống Dwight Eisenhower chỉ làm được một việc duy nhất là tố cáo những hành động trấn áp dã man của Liên Xô trước Liên Hiệp Quốc. Hết.
Một ví dụ khác: Năm 1968, ở Tiệp Khắc lại xuất hiện một biến cố lớn được gọi là Mùa xuân Prague khi Alexander Dubček được bầu làm Tổng bí thư đảng Cộng sản Tiệp. Dubček muốn tiến hành một số cải cách theo hướng dân chủ hóa. Những cải cách ấy bị Liên Xô xem là xét lại, thậm chí, phản cách mạng, do đó, họ xua hơn 200.000 quân và hơn 2000 xe tăng xâm chiếm Tiệp khiến khoảng 300.000 người dân phải chạy ra nước ngoài tị nạn. Trước sự xâm lược ấy, Tổng thống Lyndon Johnson cũng không làm được gì khác ngoài những lời lên án gay gắt trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc. Hết.
Các ví dụ tương tự có thể kéo dài thêm nữa, nhưng trong mọi trường hợp, chúng ta cũng đều thấy rõ, trước những thái độ gây hấn ngang ngược của Liên Xô, Mỹ và Tây phương chỉ có một trong hai lựa chọn: hoặc quyết định dùng vũ lực để đánh nhau hoặc chỉ đánh bằng võ mồm. Trong tình trạng cả hai bên đều có vũ khí hạt nhân, việc đánh nhau bằng vũ lực là một giải pháp tuyệt vọng vì cả hai đều sẽ tự hủy. Cuối cùng, tất cả các tổng thống Mỹ, kể cả người được xem là cương quyết nhất như Ronald Reagan, đành phải chọn biện pháp đánh võ mồm.
Bây giờ thì khác. Khi Nga tấn công và chiếm đóng bán đảo Crimea của Ukraine, phản ứng của Mỹ khác hẳn. Vẫn không động binh. Nhưng cũng không phải chỉ đánh bằng võ mồm. Tổng thống Barack Obama tận dụng một thứ vũ khí mới, thứ vũ khí phi quân sự (nonmilitary): kinh tế. Có thể nói, từ thời đệ nhị thế chiến đến nay, trong tổng số 12 tổng thống Mỹ đương đầu với những thử thách xuất phát từ Liên Xô và sau đó, Nga, Obama là một trong những người đầu tiên sử dụng vũ khí ấy.
Theo một số nhà bình luận chính trị, chính việc Nga tham gia vào thị trường chứng khoán thế giới kể từ ngày Liên Xô sụp đổ vừa tạo cơ hội cho Nga phát triển lại vừa tạo cơ hội để Mỹ phản công. Ngoài thị trường chứng khoán, việc giao dịch thương mại giữa Nga và Tây phương cũng càng ngày càng phát triển, càng đa dạng hóa, và đặc biệt, càng phức tạp. Điều này, thật ra, tạo sức mạnh cho cả hai phía: Nga và Tây phương. Việc sử dụng sức mạnh ấy để dẫn đến chiến thắng cuối cùng là một nghệ thuật cần sự khôn ngoan và đặc biệt, sự kiên nhẫn.
Trước hết, về phía Mỹ, các biện pháp được Mỹ áp dụng để gây sức ép với Nga, bao gồm: cấm một số người Nga và người Ukraine thân Nga nhập cảnh vào Mỹ; đóng băng tài khoản của một số giới chức quan trọng trong chính quyền Nga; cấm các công ty Mỹ và Tây phương nói chung làm ăn với Nga; loại trừ Nga ra khỏi khối Bát Cường (Group of 8), biến Bát Cường thành Thất Cường (Group of 7) như cũ, v.v... Chưa biết trong tương lai các biện pháp ấy có hiệu quả như thế nào, chỉ biết, trước mắt, trong một ngày, ngày đầu tiên khi Nga mới tràn qua biên giới Crimea, Nga mất trọn 60 tỉ Mỹ kim khi thị trường chứng khoán giảm đến 12%.
Nhớ, năm 2008, khi Nga tấn công Georgia, Tổng thống George W. Bush phản ứng tương đối chừng mực bằng cách gửi các viện trợ nhân đạo đến Georgia, ngưng các việc giao tiếp quân sự giữa khối NATO và Nga cũng như hoãn lại các hiệp ước về hạt nhân dân dụng. Dù vậy, tất cả các biện pháp ấy cũng có ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế Nga khiến nó bị suy thoái đến 8% trong hai năm 2008 và 2009. Bây giờ nếu Tổng thống Obama phản ứng mạnh mẽ và toàn diện hơn, các tác động đến nền kinh tế của Nga chắc chắn sẽ nghiêm trọng hơn.
Nhưng liệu nó có nghiêm trọng đủ để Putin phải nghĩ lại và rút quân ra khỏi Crimea? Không ai có thể trả lời được câu hỏi ấy cả. Nạn nhân đầu tiên của các cuộc cấm vận (như trường của Cuba và Bắc Hàn từ hơn nửa thế kỷ nay, của Iraq dưới thời Saddam Hussein và của Iran hiện nay) bao giờ cũng là dân chúng. Ở các chế độ dân chủ, sự cùng khốn của dân chúng có thể biến thành sự bất mãn, từ đó, tác động lên chính trị, làm thay đổi chính phủ hoặc chính sách hoặc cả hai, nhưng dưới các chế độ độc tài, hầu như chỉ có một mình dân chúng chịu đựng. Trường hợp của Nga hiện nay không hẳn là dân chủ nhưng cũng không hẳn là độc tài; ở đó, dân chúng cũng có một số tiếng nói nhất định, ít nhất trong các kỳ bầu cử, nên không chừng kết quả sẽ khác.
Về phía Nga, vũ khí phi quân sự của họ cũng lợi hại không kém. Trước hết, Nga cung cấp khoảng 30% số dầu khí cho Liên Hiệp Âu Châu, trong đó nhiều nhất là Đức (40%), kế tiếp là Ý (20%) và Pháp (18%). Chỉ cần Putin nhấc điện thoại ra lệnh, nguồn cung cấp dầu khí ấy sẽ bị cắt ngay tức khắc. Dĩ nhiên cái giá phải trả cho quyết định ấy, về phía Nga, sẽ lớn vô cùng. Nhưng trước mắt, mọi khó khăn sẽ đổ ập xuống Liên Hiệp Âu Châu: mọi sinh hoạt sẽ bị ngưng trệ, từ đó, rất dễ dẫn đến các sự khủng hoảng về phương diện xã hội cũng như chính trị.
Ngoài dầu khí, giữa Nga và Châu Âu còn những liện hệ kinh tế chằng chịt khác. Nga là đối tác thương mại lớn hàng thứ ba của Liên Hiệp Âu Châu (chỉ sau Mỹ và Trung Quốc) với tổng số hàng hóa trị giá gần 500 tỉ Mỹ kim mỗi năm (ví dụ năm 2012 là 462 tỉ Mỹ kim). Nếu cộng thêm việc giao dịch dịch vụ nữa, trị giá này sẽ lên đến trên 520 tỉ Mỹ kim. Với số hàng hóa và dịch vụ lớn lao như vậy, số các công ty Âu châu làm ăn tại Nga hoặc số các công ty Nga làm ăn ngay tại Âu châu sẽ lên rất cao. Ví dụ cựu Thủ tướng Đức, ông Gerhard Schroeder hiện đang làm chủ tịch hội đồng chứng khoán của Nord Stream vốn đang hợp tác với công ty dầu khí Gazprom của Nga và bốn công ty khác, trong đó có hai của Đức, một của Thụy Điển và một của Pháp. Nord Stream mới đầu tư trên 10 tỉ Mỹ kim để xây dựng hai đường ống dẫn gas xuyên qua Baltic Sea. Trong một mạng lưới kinh tế đa quốc gia như thế, bất cứ quyết định nào cũng sẽ có ảnh hưởng đến nhiều quốc gia, chứ không riêng gì đối với Nga.
Các ví dụ ở trên cho thấy sinh hoạt chính trị hiện nay khác hẳn thời chiến tranh lạnh ở nhiều điểm, trong đó, có điểm này là quan trọng nhất: Trước, các quốc gia có thể độc lập và cô lập với thế giới bên ngoài; nay, mọi quốc gia, với những mức độ khác nhau, đều ở thế liên lập (interdependent) với các quốc gia khác. Điều này dẫn đến hệ quả: các tranh chấp giữa nước này và nước khác không phải chỉ ở bình diện quân sự mà còn bao gồm nhiều bình diện khác, từ kinh tế đến xã hội.
Có thể áp dụng các quan sát trên vào mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện nay.
Nói đến tranh chấp giữa hai nước, chúng ta thường có khuynh hướng tập trung vào các hành động ít nhiều có tính quân sự, chủ yếu ngoài biển khơi hoặc trên hải đảo mà ít chú ý đến quan hệ kinh tế cũng như xã hội giữa hai nước. Nếu không khéo tính toán, khi tranh chấp giữa hai nước bùng nổ, những yếu tố kinh tế và xã hội ấy có thể bị Trung Quốc sử dụng như những con tin để làm áp lực lên Việt Nam.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ
Cứ tưởng tượng một sự kiện tương tự như vụ Nga lấn chiếm Crimea của Ukraine xảy ra trước năm 1990, tức trong thời Chiến tranh lạnh, phản ứng của Mỹ và châu Âu sẽ ra sao?
Câu trả lời rất dễ thấy: Chả làm được gì cả.
Ví dụ, năm 1956, hàng ngàn dân chúng, đặc biệt là giới sinh viên và trí thức, biểu tình trên các đường phố ở Budapest để chống lại một số chính sách của chính phủ Hungary. Một số sinh viên bị bắn chết. Làn sóng công phẫn trào lên, dân chúng khắp nơi lại ào ào xuống đường biểu tình. Đầu tháng 11, Liên Xô tràn quân qua biên giới Hungary để trấn áp những người biểu tình, giúp chính phủ cộng sản độc tài tại Hungary khôi phục lại quyền lực. Hơn 2000 người Hungary bị giết chết. Khoảng 200.000 người phải chạy ra nước ngoài tị nạn. Trước biến cố ấy, Mỹ làm được gì? Tổng thống Dwight Eisenhower chỉ làm được một việc duy nhất là tố cáo những hành động trấn áp dã man của Liên Xô trước Liên Hiệp Quốc. Hết.
Một ví dụ khác: Năm 1968, ở Tiệp Khắc lại xuất hiện một biến cố lớn được gọi là Mùa xuân Prague khi Alexander Dubček được bầu làm Tổng bí thư đảng Cộng sản Tiệp. Dubček muốn tiến hành một số cải cách theo hướng dân chủ hóa. Những cải cách ấy bị Liên Xô xem là xét lại, thậm chí, phản cách mạng, do đó, họ xua hơn 200.000 quân và hơn 2000 xe tăng xâm chiếm Tiệp khiến khoảng 300.000 người dân phải chạy ra nước ngoài tị nạn. Trước sự xâm lược ấy, Tổng thống Lyndon Johnson cũng không làm được gì khác ngoài những lời lên án gay gắt trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc. Hết.
Các ví dụ tương tự có thể kéo dài thêm nữa, nhưng trong mọi trường hợp, chúng ta cũng đều thấy rõ, trước những thái độ gây hấn ngang ngược của Liên Xô, Mỹ và Tây phương chỉ có một trong hai lựa chọn: hoặc quyết định dùng vũ lực để đánh nhau hoặc chỉ đánh bằng võ mồm. Trong tình trạng cả hai bên đều có vũ khí hạt nhân, việc đánh nhau bằng vũ lực là một giải pháp tuyệt vọng vì cả hai đều sẽ tự hủy. Cuối cùng, tất cả các tổng thống Mỹ, kể cả người được xem là cương quyết nhất như Ronald Reagan, đành phải chọn biện pháp đánh võ mồm.
Bây giờ thì khác. Khi Nga tấn công và chiếm đóng bán đảo Crimea của Ukraine, phản ứng của Mỹ khác hẳn. Vẫn không động binh. Nhưng cũng không phải chỉ đánh bằng võ mồm. Tổng thống Barack Obama tận dụng một thứ vũ khí mới, thứ vũ khí phi quân sự (nonmilitary): kinh tế. Có thể nói, từ thời đệ nhị thế chiến đến nay, trong tổng số 12 tổng thống Mỹ đương đầu với những thử thách xuất phát từ Liên Xô và sau đó, Nga, Obama là một trong những người đầu tiên sử dụng vũ khí ấy.
Theo một số nhà bình luận chính trị, chính việc Nga tham gia vào thị trường chứng khoán thế giới kể từ ngày Liên Xô sụp đổ vừa tạo cơ hội cho Nga phát triển lại vừa tạo cơ hội để Mỹ phản công. Ngoài thị trường chứng khoán, việc giao dịch thương mại giữa Nga và Tây phương cũng càng ngày càng phát triển, càng đa dạng hóa, và đặc biệt, càng phức tạp. Điều này, thật ra, tạo sức mạnh cho cả hai phía: Nga và Tây phương. Việc sử dụng sức mạnh ấy để dẫn đến chiến thắng cuối cùng là một nghệ thuật cần sự khôn ngoan và đặc biệt, sự kiên nhẫn.
Trước hết, về phía Mỹ, các biện pháp được Mỹ áp dụng để gây sức ép với Nga, bao gồm: cấm một số người Nga và người Ukraine thân Nga nhập cảnh vào Mỹ; đóng băng tài khoản của một số giới chức quan trọng trong chính quyền Nga; cấm các công ty Mỹ và Tây phương nói chung làm ăn với Nga; loại trừ Nga ra khỏi khối Bát Cường (Group of 8), biến Bát Cường thành Thất Cường (Group of 7) như cũ, v.v... Chưa biết trong tương lai các biện pháp ấy có hiệu quả như thế nào, chỉ biết, trước mắt, trong một ngày, ngày đầu tiên khi Nga mới tràn qua biên giới Crimea, Nga mất trọn 60 tỉ Mỹ kim khi thị trường chứng khoán giảm đến 12%.
Nhớ, năm 2008, khi Nga tấn công Georgia, Tổng thống George W. Bush phản ứng tương đối chừng mực bằng cách gửi các viện trợ nhân đạo đến Georgia, ngưng các việc giao tiếp quân sự giữa khối NATO và Nga cũng như hoãn lại các hiệp ước về hạt nhân dân dụng. Dù vậy, tất cả các biện pháp ấy cũng có ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế Nga khiến nó bị suy thoái đến 8% trong hai năm 2008 và 2009. Bây giờ nếu Tổng thống Obama phản ứng mạnh mẽ và toàn diện hơn, các tác động đến nền kinh tế của Nga chắc chắn sẽ nghiêm trọng hơn.
Nhưng liệu nó có nghiêm trọng đủ để Putin phải nghĩ lại và rút quân ra khỏi Crimea? Không ai có thể trả lời được câu hỏi ấy cả. Nạn nhân đầu tiên của các cuộc cấm vận (như trường của Cuba và Bắc Hàn từ hơn nửa thế kỷ nay, của Iraq dưới thời Saddam Hussein và của Iran hiện nay) bao giờ cũng là dân chúng. Ở các chế độ dân chủ, sự cùng khốn của dân chúng có thể biến thành sự bất mãn, từ đó, tác động lên chính trị, làm thay đổi chính phủ hoặc chính sách hoặc cả hai, nhưng dưới các chế độ độc tài, hầu như chỉ có một mình dân chúng chịu đựng. Trường hợp của Nga hiện nay không hẳn là dân chủ nhưng cũng không hẳn là độc tài; ở đó, dân chúng cũng có một số tiếng nói nhất định, ít nhất trong các kỳ bầu cử, nên không chừng kết quả sẽ khác.
Về phía Nga, vũ khí phi quân sự của họ cũng lợi hại không kém. Trước hết, Nga cung cấp khoảng 30% số dầu khí cho Liên Hiệp Âu Châu, trong đó nhiều nhất là Đức (40%), kế tiếp là Ý (20%) và Pháp (18%). Chỉ cần Putin nhấc điện thoại ra lệnh, nguồn cung cấp dầu khí ấy sẽ bị cắt ngay tức khắc. Dĩ nhiên cái giá phải trả cho quyết định ấy, về phía Nga, sẽ lớn vô cùng. Nhưng trước mắt, mọi khó khăn sẽ đổ ập xuống Liên Hiệp Âu Châu: mọi sinh hoạt sẽ bị ngưng trệ, từ đó, rất dễ dẫn đến các sự khủng hoảng về phương diện xã hội cũng như chính trị.
Ngoài dầu khí, giữa Nga và Châu Âu còn những liện hệ kinh tế chằng chịt khác. Nga là đối tác thương mại lớn hàng thứ ba của Liên Hiệp Âu Châu (chỉ sau Mỹ và Trung Quốc) với tổng số hàng hóa trị giá gần 500 tỉ Mỹ kim mỗi năm (ví dụ năm 2012 là 462 tỉ Mỹ kim). Nếu cộng thêm việc giao dịch dịch vụ nữa, trị giá này sẽ lên đến trên 520 tỉ Mỹ kim. Với số hàng hóa và dịch vụ lớn lao như vậy, số các công ty Âu châu làm ăn tại Nga hoặc số các công ty Nga làm ăn ngay tại Âu châu sẽ lên rất cao. Ví dụ cựu Thủ tướng Đức, ông Gerhard Schroeder hiện đang làm chủ tịch hội đồng chứng khoán của Nord Stream vốn đang hợp tác với công ty dầu khí Gazprom của Nga và bốn công ty khác, trong đó có hai của Đức, một của Thụy Điển và một của Pháp. Nord Stream mới đầu tư trên 10 tỉ Mỹ kim để xây dựng hai đường ống dẫn gas xuyên qua Baltic Sea. Trong một mạng lưới kinh tế đa quốc gia như thế, bất cứ quyết định nào cũng sẽ có ảnh hưởng đến nhiều quốc gia, chứ không riêng gì đối với Nga.
Các ví dụ ở trên cho thấy sinh hoạt chính trị hiện nay khác hẳn thời chiến tranh lạnh ở nhiều điểm, trong đó, có điểm này là quan trọng nhất: Trước, các quốc gia có thể độc lập và cô lập với thế giới bên ngoài; nay, mọi quốc gia, với những mức độ khác nhau, đều ở thế liên lập (interdependent) với các quốc gia khác. Điều này dẫn đến hệ quả: các tranh chấp giữa nước này và nước khác không phải chỉ ở bình diện quân sự mà còn bao gồm nhiều bình diện khác, từ kinh tế đến xã hội.
Có thể áp dụng các quan sát trên vào mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện nay.
Nói đến tranh chấp giữa hai nước, chúng ta thường có khuynh hướng tập trung vào các hành động ít nhiều có tính quân sự, chủ yếu ngoài biển khơi hoặc trên hải đảo mà ít chú ý đến quan hệ kinh tế cũng như xã hội giữa hai nước. Nếu không khéo tính toán, khi tranh chấp giữa hai nước bùng nổ, những yếu tố kinh tế và xã hội ấy có thể bị Trung Quốc sử dụng như những con tin để làm áp lực lên Việt Nam.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ
No comments:
Post a Comment