Saturday 22 March 2014

UKRAINE ĐỘC LẬP hay LỆ THUỘC (Đại Dương)




March 22, 2014 11:54 AM

Hàng trăm ngàn dân ở Miền Tây Ukraine đã rầm rộ xuống đường từ tháng 11 năm 2013 và liên tục, đặc biệt tại Thủ đô Kiev để đòi Chính phủ thân Nga trả lại quyền tự quyết cho dân tộc.

Khát vọng được hội nhập kinh tế sâu rộng hơn với Liên Âu của dân tộc Ukraine đã bị Tổng thống Viktor Yanukovych quyết định ngưng thương lượng Hiệp ước Tự do Mậu dịch với Khối này làm dấy lên làn sóng “phản đối dân sự” quyết liệt.

Chính quyền Yanukovych đã ra tay đàn áp khiến người Ukraine nổi trận lôi đình buộc Tổng thống phải chạy sang Nga tị nạn mặc dù đã ký thoả thuận hoà bình với phe đối lập.

Khoảng trống quyền lực tạo điều kiện cho sắc tộc Ukraine chiếm 78% trong số 46 triệu dân lập Chính quyền Lâm thời, đại diện cho nguyện vọng của toàn dân.

Ngược lại, Bán đảo Crimea tự trị thuộc Ukraine từ năm 1954 có 2 triệu dân mà sắc tộc Nga chiếm 58%, Ukraine 24%, Tartar 12% đã thiết lập Chính quyền Tạm thời do lính Nga bảo vệ sau khi Kiev có Chính phủ Lâm thời.

Mạc Tư Khoa bác bỏ nguồn tin xâm lăng Crimea, nhưng, binh sĩ không mang phù hiệu xác nhận thuộc Quân đội Nga đã chiếm Quốc hội, cơ quan địa phương, tuần hành trên đường phố.

Vài ngày sau xe tăng tối tân mang bảng số Nga tràn vào Crimea, cờ Nga tung bay trên các công thự. Lính Nga bao vây doanh trại Ukraine và ra lệnh cho binh sĩ đầu hàng, nhưng, quân nhân Ukraine bình tĩnh và tự chế nên không kháng cự, không đầu hàng, không buông súng.

Thoả ước Nga thuê hải cảng Sevastopol cho Hạm đội Hắc Hải được quyền có 25,000 binh sĩ phải ở trong 3 doanh trại, mà hiện chỉ có 16,000 sẽ hết hạn vào năm 2017. Tổng thống Yanukovych đắc cử năm 2010 đã gia hạn cho thuê đến 2042 với giá 98 triệu USD/năm. Như thế, lính Nga rời doanh trại và can thiệp vào khủng hoảng chính trị của nước chủ nhà đã vi phạm hợp đồng thuê mướn.

Hơn nữa, Bản Ghi nhớ Budapest 1994 giữa Mỹ, Nga, Anh và Ukraine, đồng ý không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực đối với sự toàn vẹn lãnh thổ cũng như sự độc lập về chính trị của Ukraine. Như thế, Mạc Tư Khoa đã vi phạm điều ước quốc tế.

Cuộc trưng cầu vào 16-3-2014 để dân quyết định Crimea trở thành một tỉnh của Nga, hoặc vẫn thuộc một phần của Ukraine được 95% cử tri chọn giải pháp trở về với tổ quốc Nga.

Tổng thống Vladimir Putin ký Sắc lệnh hôm 16 tháng 3 năm 2014 “công nhận Cộng hòa Crimea là một quốc gia độc lập, có chủ quyền và thành phố cảng Sevastopol có quy chế tự trị đặc biệt”.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc với 13 phiếu thuận lên án vụ xâm lăng Ukraine bị Nga phủ quyết và Trung Cộng không bỏ phiếu.

Liệu hai sắc tộc Ukraine và Tartar có chấp nhận kết quả trưng cầu dân ý hay không? Điều gì sẽ xảy ra cho Crimea, chưa biết.

Người Nga dựa vào lịch sử cùng dòng giống Đông Slave như Ukraine và Belarus; sự thành lập Công quốc Rus-Kiev từ năm 882 bị tan rã dưới vó câu Mông Cổ vào thế kỷ 13; Kiev đồng sáng lập ra Liên Xô năm 1922 để cho rằng Ukraine thuộc Nga.

Theo dòng lịch sử, Ukraine bị nhiều đế quốc thống trị, kể cả Nga nên Mạc Tư Khoa cho rằng có sự ràng buộc về lịch sử, nhưng, quên yếu tố tự nguyện của dân tộc hay bị cưỡng bức. Không nên kể đến thoả thuận giữa giới cầm quyền với nhau.

Đứng trước các đế quốc hung bạo nên hể có cơ hội là các dân tộc nhược tiểu đòi độc lập. Khi Liên Xô tan rả năm 1991, Ukraine lập tức tách ra và tuyên bố độc lập giống như các vệ tinh khác trong quỹ đạo Đệ tam Quốc tế.

Dù cùng chủng tộc, chia sẻ ngọt bùi theo dòng lịch sử mà nếu khác chính kiến có thể tách ra thành các quốc gia riêng biệt như trường hợp Czechoslovakia đã tách thành hai quốc gia Czech và Slovakia bằng thoả thuận hoà bình có hiệu lực từ 01-01-1993.

Lịch sử cũng như biên cương có thể thay đổi. Tuy nhiên, không quốc gia nào có quyền sử dụng vũ lực để buộc dân tộc khác phải quy phục. Đó là hành động xâm lược.

Sau Thế chiến Thứ nhất, Hội Quốc Liên đã nêu lên quyền tự quyết dân tộc để bảo vệ các nhược tiểu khỏi bị nước lớn sáp nhập. Sau Đệ nhị Thế chiến, quyền tự quyết dân tộc được thực hiện rộng rãi.
Bản đồ các châu Âu, Á, Mỹ, Úc đã ổn định như biểu tượng văn minh trong nền chính trị quốc tế sau Đệ nhị Thế chiến. Tuy nhiên, các cường quốc, đặc biệt dưới thể chế độc tài, thường viện dẫn lý do lịch sử từ thời đế quốc xa xưa để tìm cách tái lập đế chế mới.

Kể từ khi lên cầm quyền vào năm 2000, Vladimir Putin dù ở cương vị tổng thống hoặc thủ tướng cũng chẳng bao giờ từ bỏ tham vọng khôi phục đế chế Nga.

Tiểu quốc Chechnya có 1.3 triệu dân, tuyên bố độc lập năm 1991 bị Putin xua quân đàn áp tàn bạo từ cuối năm 1999 và đến 2003 đã thiết lập chế độ thân Nga.

Sau cuộc tấn công Georgia năm 2008, hai vùng tự trị Nam Ossetia và Abkhazia của nước này bị đặt dưới quyền bảo trợ của Nga.

Nga đang chuẩn bị sáp nhập Crimea coi như đòi lại phần đất mà Tổng bí thư Nikita Khruschev đã trao trả cho Ukraine năm 1954.

Chiêu bài bảo vệ người Nga tại Ukraine của Mạc Tư Khoa không chính đáng vì chưa có dấu hiệu Chính quyền Lâm thời Kiev chủ trương đàn áp sắc tộc Nga. Xung đột lẻ tẻ giữa các thành phần khác biệt chính kiến thường diễn ra ở bất cứ quốc gia nào.

Người Nga chiếm từ 20-40% dân số các tỉnh công nghiệp Miền Đông Ukraine, giáp giới với Nga, đang chống đối Chính phủ Lâm thời Kiev. Nhưng, có lẽ Putin sẽ không xua quân vào tiếp sức mà chỉ mở các cuộc tập trận quy mô để doạ nạt Ukraine và cảnh cáo sự can thiệp quân sự của Tây Phương.

Tham vọng nóng vội của Putin làm thức tĩnh cộng đồng quốc tế về xu hướng đa cực. Châu Âu xiển dương thế giới đa cực, nhưng, do hệ thống chính trị phức tạp nên không có khả năng đơn phương chống lại dã tâm của Nga. Siêu cường duy nhất Mỹ vẫn lúng túng trong bối cảnh thế giới đa cực bổng thức giấc trước một địch thủ tiềm lực từng đối đầu quyết liệt suốt cuộc Chiến Tranh Lạnh.

Do đó, Tây Phương có thể sẵn sàng chấp nhận một cuộc Chiến Tranh Lạnh mới trên mặt trận ngoại giao, chính trị và kinh tế hòng ngăn chặn Thế chiến Thứ ba.

Ngoại giao con thoi, áp lực kinh tế, tập họp chính trị, phô diễn quân sự của Nga và Tây Phương không ngoài mục đích ngăn chặn một cuộc Chiến Tranh Nóng vượt tầm kiểm soát.

Cộng đồng Châu Âu và Hoa Kỳ ra sức ủng hộ Chính quyền Lâm thời Kiev thiết lập thể chế dân chủ đại diện cho quyền lợi của dân tộc Ukraine. Đồng thời, áp lực để Kiev tự chế tối đa, dù cho có tổ chức đội quân tình nguyện, cũng không thể đưa quân vào Crimea mà kích thích Mạc Tư Khoa mở chiến dịch quân sự.

Thu hồi Crimea đủ làm thoả mãn tâm lý dân Nga và duy trì được vị trí chiến lược trọng yếu trong giấc mơ siêu cường nên Putin đang tìm cách xuống thang theo chiều hướng có lợi nhất.

Mạc Tư Khoa tuyên bố không đưa quân vào miền Đông Ukraine, nơi có nhiều người Nga sinh sống; đòi thi hành thoả ước Yanukovych; cho Âu-Mỹ và Ukraine dùng phi cơ, trực thăng quan sát vị trí đóng quân tại Belarus và biên giới Nga-Ukraine.

Dù kết cục vụ khủng hoảng Ukraine như thế nào thì xu thế đa cực cũng sẽ cáo chung nhường chỗ cho thế giới lưỡng cực. Cực “dân chủ” do Hoa Kỳ và Liên Âu lãnh đạo cạnh tranh với cực “độc tài” do Nga và Trung Cộng điều khiển.

Đại-Dương


No comments:

Post a Comment

View My Stats