Saturday, 22 March 2014

NGA ĐÃ THẮNG PHƯƠNG TÂY ? (TS Đoàn Xuân Lộc gửi BBC)




TS Đoàn Xuân Lộc
Gửi cho BBC từ Anh quốc
Cập nhật: 14:46 GMT - thứ bảy, 22 tháng 3, 2014

Một bài bình luận có tựa đề ‘Trận pháp Putin’ của Đặng Vương Hạnh trên báo Tiền Phong hôm 20/03 nhận định rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin ‘đã thắng trong trận chiến Crimea’.

Bài viết cho rằng ‘có thể phương Tây đã tạm “dẫn bàn” bằng việc lật đổ ông Viktor Yanukovych, nhưng sau “cú giật mình”, ông Putin đã nhanh chóng giành lại thế chủ động và vượt lên trong ván cờ địa chính trị’.

Cũng theo tác giả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang ‘bối rối, bị động’, cố gắng ‘gỡ gạc thể diện’ sau kết quả ‘không có gì bất ngờ’ của cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea và đang ‘đau đầu trước nan đề kỳ thủ Putin’ vì không biết ông có ‘tung ra những nước cờ nào nữa trong “hiệp hai” cuộc đấu’.

Bằng những nhận định đó, xem ra Đặng Vương Hạnh cũng cảm thấy phấn khởi trước ‘chiến thắng’ này của Tổng thống Nga.

‘Bị động’ do đâu?

Không ai có thể phủ nhận Nga đã dễ dàng chiếm được Crimea. Chủ biên thời sự quốc tế của BBC John Simpson gọi việc Nga thôn tính vùng tự trị thuộc chủ quyền của Ukraine này là một ‘cuộc xâm lăng êm thấm nhất của thời hiện đại’.

Được coi là ‘êm thấm’ vì – ngoại trừ tới lúc các tay súng thân Nga tấn công một căn cứ quân sự của quân đội Ukraine ở Simferopol làm một người chết và một người khác bị thương – cuộc xâm lược đã diễn ra và kết thúc nhanh gọn, không có đổ máu, thương vong.

Nga đã giành ‘chiến thắng’ dễ dàng vì ngày từ đầu quân đội nước này không phải chiến đấu với bất cứ ai trong ‘trận chiến Crimea’. Họ thản nhiên tiến vào Crimea mà không gặp sự phản kháng quân sự nào từ Ukraine và các nước phương Tây.

Thậm chí khi bị khiêu khích, binh lính Ukraine vẫn giữ bình tĩnh. Khi thấy phía Nga và những dân quân thân Nga có những hành động gây hấn, họ đã chấp nhận rút lui để tránh xung đột.

Hơn ai hết, giới nắm quyền mới ở Kiev biết rằng dùng vũ lực để chống lại sự xâm chiếm của Nga sẽ dẫn đến xung đột vũ trang giữa hai nước và trong một cuộc chiến như thế Ukraine sẽ thất bại nặng nề.

Mỹ và đặc biệt các nước EU cũng không thể – và càng không muốn – dùng biện pháp quân sự để ngăn chặn việc Nga xâm chiếm Crimea vì nếu làm vậy, căng thẳng giữa Nga và phương Tây sẽ leo thang và có thể dẫn đến xung đột vũ trang.

Và nếu một cuộc chiến như vậy xẩy ra, không chỉ châu Âu mà cả thế giới sẽ rơi vào bất ổn, nếu không muốn nói là phải đối diện thảm họa.

Nga và Mỹ, Anh và Pháp – ba trong số những quốc gia quyết liệt lên án hành động của Nga – là bốn trong tám quốc gia chính thức có vũ khí hạt nhân.

Giới lãnh đạo phương Tây biết rõ chẳng ai được lợi gì nếu Chiến tranh Lạnh thứ hai hay Thế chiến ‘nóng’ thứ ba bùng nổ.

Về phần mình, đã từng bị hai đại chiến tàn phá, các nước châu Âu sẵn sàng làm tất cả và tìm bằng mọi cách để tránh một cuộc chiến tương tự.

Lãnh đạo EU càng không muốn đánh mất sự ổn định, hòa bình và thịnh vượng mà họ phải bỏ bao nhiêu công sức gây dựng từ sau Thế chiến thứ hai.

Vì vậy, dù không thể chấp nhận việc Nga xâm chiếm Crimea đến giờ Mỹ và EU vẫn chủ yếu dùng các kênh ngoại giao và trừng phạt kinh tế để buộc Moscow suy nghĩ và xem lại hành động của mình.
Đây là lý do chính yếu giải thích tại sao Mỹ và EU ‘bị động’ trước Nga.

Nắm bắt được sự ‘bị động’ này, ông Putin đã cho quân vào Crimea và Nga đã giành được một chiến thắng quá dễ dàng trong ‘trận chiến Crimea’.

Đó cũng là một sự khác biệt lớn giữa ông Putin và giới lãnh đạo phương Tây.

Trong khi Tổng thống Nga sẵn sàng dùng biện pháp cứng rắn và dám bất chấp mọi hậu quả để đạt được mục đích, tham vọng của mình tại Crimea và Ukraine, giới lãnh đạo Mỹ và EU không thể dùng những hình thức đó để giải quyết cuộc khủng hoảng Crimea/Ukraine.

Nói cách khác, ông Putin và những người ủng hộ vẫn còn mang não trạng của homo sovieticus (con người Xô Viết) – coi mình hơn người nhưng lại thích bạo lực, phi luật pháp.

Và khi phải đối diện với một người như vậy – đặc biệt khi người ấy có vũ khí (hạt nhân) nguy hiểm – chuyện các nước phương Tây ‘bối rối’, ‘bị động’ và ‘đau đầu trước nan đề Putin’ ít hay nhiều có thể hiểu được.

Một đối tượng khác mà Mỹ và các nước phương Tây luôn cảm thấy ‘đau đầu’ cũng vì những lý do tương tự là chế độ Bình Nhưỡng ở Bắc Hàn.

Ai thắng, ai thua?

Nhưng điều đó không có nghĩa là ông Putin hoàn toàn thắng – và phương Tây hoàn toàn thua – ‘trong trận chiến Crimea’.

Đến giờ ông Putin gần như chắc chắn có được Crimea nhưng ông và Nga cũng đang mất nhiều thứ khác. Một trong số đó là việc ông Putin và Nga bị cộng đồng quốc tế khinh thường, cô lập.

Chẳng hạn, hôm 15/03, 13 nước trong số 15 thành viên của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc (LHQ) đã tán thành một nghị quyết lên án cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea.

Chỉ một mình Nga trơ trọi, cô đơn ‘giơ tay’ phủ quyết vì Trung Quốc – được coi là đồng minh của Nga trong vấn đề Crimea/Ukraine và thường cùng với Moscow phủ quyết các dự thảo liên quan đến các vấn đề quốc tế tại LHQ do các nước phương Tây khởi xướng – đã bỏ phiếu trắng.

Các nước thuộc khối G7 cũng không muốn họp với Nga trong khuôn khổ G8 – một diễn đàn được bảy nước công nghiệp phát triển mở rộng vào năm 1998 để đón nhận Nga.

Không chỉ bị cộng đồng quốc tế cô lập, ông Putin cũng bị một số người dân Nga chỉ trích.

Cũng vào ngày 15/03 tại Moscow có hai cuộc biểu tình liên quan đến việc Nga can thiệp vào Ukraine. Trong khi có khoảng 50.000 người xuống đường phản đối hành động của Nga ở Ukraine, cuộc biểu tình ủng hộ trưng cầu dân ý ở Crimea chỉ quy tụ khoảng 15.000 người.

Bài viết của Đặng Vương Hạnh cho rằng ‘Nga đã sẵn sàng chơi đòn cân não với phương Tây’ và nếu trừng phạt kinh tế làm Nga ‘vỡ đầu’ thì nó cũng làm phương Tây ‘mẻ trán’.

Ai cũng biết việc phương Tây trừng phạt kinh tế Nga sẽ gây thiệt hại cho cả hai bên. Tuy vậy như chính tác giả của ‘Trận pháp Putin’ thừa nhận Nga chắc chắn sẽ chịu nhiều tổn thất hơn vì trong khi chuyện đó làm Nga ‘vỡ đầu’ thì phương Tây chỉ ‘mẻ trán’.

Đó cũng là lý do tại sao trong những ngày qua Mỹ và EU đưa ra nhiều hình thức trừng phạt với Nga và sẵn sàng chấp nhận chịu ‘mẻ trán’ để làm Nga ‘vỡ đầu’.

Vũ khí lớn nhất mà Nga dùng để chèn ép Ukraine và để ông Putin thách thức Mỹ và EU là khí đốt. Nhưng tiền từ xuất khẩu khí đốt sang EU – chiếm đến 15% GDP của Nga – cũng là một nguồn sống của nền kinh tế nước này.

Trong khi EU là đối tác thương mại quan trọng nhất của Nga, Nga chỉ là đối tác thương mại lớn thứ ba của EU.

Sự trừng phạt kinh tế của phương Tây còn có thể làm mức tăng trưởng kinh tế của Nga vốn đang giảm – chỉ 1.3% năm 2013 so với năm 2012 và là nước có tỷ lệ tăng trưởng thấp nhất trong số các quốc gia đang nổi – càng giảm trong năm 2014.

Điều đó cũng có nghĩa là hy vọng biến nước Nga thành một cường quốc kinh tế của ông Putin bị tan biến.

Trong thời gian qua cũng có ý kiến cho rằng căng thẳng giữa Nga và phương Tây sẽ dẫn đến một Chiến tranh Lạnh khác. Nhưng nếu điều đó diễn ra, Nga luôn yếu thế hơn phương Tây và cũng giống như Liên Xô trước đây, cuối cùng Nga cũng thất bại.

Về kinh tế, dù đứng thứ tám trên thế giới về GDP (với hơn 2000 tỷ USD vào năm 2012, theo chỉ số GDP của Ngân hàng thế giới), GDP của Nga chỉ bằng 17% của năm nền kinh tế lớn của EU (Đức, Pháp, Anh, Ý và Tây Ban Nha) và 12.4% GDP của Mỹ.

Mức độ ảnh hưởng của Nga cũng không còn mạnh như Liên Xô trước đây vì ba trong số 15 nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô viết và sáu trong tám nước thuộc khối Warszawa giờ là thành viên của EU.
Và trên hết, dùng sức mạnh, bất chấp luật pháp quốc tế để có được Crimea, ông Putin lại đang từ từ đánh mất Ukraine.

Trong khi tại Moscow ông ký các sắc lệnh hoàn tất thủ tục sáp nhập Crimea vào Nga và cho bắn pháo hoa ăn mừng ‘chiến tích’ mới thu được, ở Brussels lãnh đạo EU đã ký thỏa thuận thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với Ukraine.

Việc Ukraine tiến gần EU là một điều ông Putin hoàn toàn không muốn và ông đã từng dùng mọi cách để ngăn ngừa điều đó.

Có nên vui mừng?

Đối với Mỹ và các nước EU, việc chọn các kênh ngoại giao và trừng phạt kinh tế – thay vì dùng vũ lực để đối phó với Nga – chắc chắn làm ông Putin và những người ủng hộ ông cho rằng phương Tây yếu thế.

Nhưng có thể nói đó giải pháp tốt nhất – hay ít ra ít thiệt hại nhất – cho Ukraine, châu Âu, các nước phương Tây và có thể cả thế giới lúc này. Vì dùng vũ lực để đáp trả vũ lực trong trường hợp này chỉ gây nên bất ổn, xung đột, chiến tranh.

Vì vậy, không nên quá vui mừng trước ‘chiến thắng’ của ông Putin và sự ‘bị động’, ‘bối rối’ của các nước phương Tây trong ‘trận chiến Crimea’.

Trong bài viết của mình, ông Hạnh còn nhận định rằng ‘ông Putin có nhiều sự lựa chọn để đánh vào các lợi ích của Mỹ’ vì theo ông Nga có thể sẽ ‘cung cấp nhiều vũ khí hơn cho chính quyền Syria, hâm nóng thùng thuốc súng Trung Đông’.

Hơn nữa, ông cũng cho rằng Nga có thể ‘hợp tác với Trung Quốc sản xuất vũ khí siêu thanh tấn công toàn cầu, cung cấp các loại vũ khí công nghệ cao và giúp nước này hoàn thiện chiến lược “chống tiếp cận”, đánh thẳng vào chiến lược “xoay trục” châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ’.

Nếu là một người yêu chuộng hòa bình, muốn thế giới ổn định chắc không ai lại cảm thấy thích thú khi biết ‘thùng thuốc súng tại Trung Đông’ được ‘hâm nóng’ vì điều đó càng làm cho khu vực này vốn đã nhiều bất ổn lại càng thêm xung đột.

Hơn nữa, khi một số nước tại Đông Á, trong đó có Việt Nam, đang quan ngại về sự lớn mạnh của Trung Quốc và những động thái mạnh bạo của Bắc Kinh trong vấn đề tranh chấp chủ quyền, chắc chỉ có những người như tác giả của ‘Trận pháp Putin’ muốn Trung Quốc có thêm ‘các loại vũ khí công nghệ cao’.

Càng ngạc nhiên khi tác giả muốn Nga giúp Trung Quốc ‘hoàn thiện chiến lược “chống tiếp cận”, đánh thẳng vào chiến lược “xoay trục” châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ’. Được biết Việt Nam là một trong các nước khu vực ủng hộ chiến lược ‘xoay trục’ của Mỹ.

Có thể Đặng Vương Hạnh ủng hộ hành động của ông Putin ở Crimea và chê phương Tây (một phần) vì không thích các cuộc biểu tình ở Ukraine dẫn đến việc ông Yanukovych bị lật đổ và cho rằng phương Tây đứng đằng sau làn sóng biểu tình đó.

Nhưng đến giờ nhiều người đã biết ông Yanukovych là một Tổng thống bất tài, tham nhũng và chính ông bỏ Kiev chạy sang Nga kêu gọi Moscow can thiệp vào Ukraine. Tại sao lại đi ủng hộ những lãnh đạo như Yanukovych?

Ai cũng hiểu có nhiều người Nga tại Crimea và miền Đông Ukraine nói chung và ai cũng biết Nga có căn cứ quân sự tại Ukraine và nhiều lợi ích khác ở Ukraine. Nhưng không thể viện cớ bảo vệ người Nga và bất chấp luật pháp quốc tế để xâm chiếm lãnh thổ của một quốc gia khác.

Vẫn biết rằng ít hay nhiều các nước phương Tây góp phần gây nên cuộc khủng hoảng hiện tại ở Crimea/Ukraine. Nhưng những quốc gia – như Việt Nam – có nên vui mừng trước việc một nước láng giềng lớn mạnh dùng vũ lực và các thủ đoạn khác nhau hay viện cớ bảo vệ kiều bào của mình để đưa quân vào và thôn tính lãnh thổ của mình như Nga đang làm với Ukraine?

Cộng đồng mạng trong những ngày qua đang bàn tán về một văn thư của Ban Tuyên giáo hướng dẫn báo chí Việt Nam đưa tin về một số vụ việc, trong đó có tình hình ở Ukraine. Dù chuyện đó đúng hay không, hy vọng rằng những bài như ‘Trận pháp Putin’ không được viết theo định hướng của Ban Tuyên giáo.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả, một cây bút bình luận người Việt Nam đang sinh sống ở Anh.



No comments:

Post a Comment

View My Stats