Wednesday 19 March 2014

UKRAINA CHỊU MẤT CRIMEA ĐỂ ĐỔI LẤY TỰ DO ? (Việt Hoàng - Thông Luận)




Chi tiết
Được đăng ngày Thứ ba, 18 Tháng 3 2014 10:00

Đất nước Ukraina đang trải qua những ngày tháng lịch sử đau thương. Bán đảo Crưm xinh đẹp đã tuyên bố độc lập và sáp nhập vào đế quốc Nga sau một cuộc “trưng cầu dân ý” vội vã dưới bàn tay đạo diễn của Putin.

Tại miền Đông Ukraina những phần tử quá khích thân Nga vẫn tiếp tục tấn công vào trụ sở chính quyền và đòi sáp nhập luôn những vùng đất này vào lãnh thổ của Nga. Chính quyền lâm thời của Ukraina đang phải vất vả đối phó với “thù trong giặc ngoài”.

Tại Crưm, các hành động ngoại giao và chính trị của chính quyền Kiev cũng như cộng đồng quốc tế không đủ mạnh để ngăn cản quyết tâm giành cho bằng được bán đảo này của Putin.

Tại miền Đông, chính quyền cũng rất lúng túng. Nếu cảnh sát mạnh tay trấn áp những kẻ quá khích thì sợ Putin lu loa là người Nga bị đàn áp và rồi sẽ tiếp tục can thiệp quân sự như ở Crưm, chính quyền chỉ còn cách nhẹ tay với những người biểu tình thân Nga. Và điều này đã khuyến khích nhóm người này mạnh tay hơn, hung hăng hơn. Ukraina đang chia rẽ hơn bao giờ hết.

Có lẽ cuộc cách mạng vừa qua của Ukraina đã diễn ra quá nhanh và quá bạo lực một cách không ai ngờ nên các lực lượng dân chủ Ukraina chưa kịp có phương án đối phó với tình hình mới. Mọi chuyện trở nên xấu đi khi các lực lượng cực hữu nhanh chóng hình thành và xông lên tuyến đầu khi những người biểu tình ôn hòa đã mệt mỏi và rút về tuyến sau. Chính các lực lượng cực hữu này đã gây sức ép lên chính quyền lâm thời và vì không đủ bản lĩnh và viễn kiến nên chính quyền mới đã nhân nhượng nhiều thứ, điều này đã  khiến cho Putin nổi giận và quyết định can thiệp quân sự vào Crưm.

Bài học lớn nhất cho Việt Nam là chính quyền nên chủ động thay đổi trong hòa bình thay vì một cuộc cách mạng đường phố. Nước Nga tuyên truyền rằng những người biểu tình lật đổ Yanucovich là cực đoan và phát xít, chính quyền mới là “kẻ cướp” …và cũng có những người Việt ở Nga và Ukraina nghĩ như vậy nhưng sự thực không phải vậy. Suốt 4 tháng qua, chưa một người Việt Nam nào nói riêng hay một người nước ngoài nói chung bị các nhóm cực hữu này tấn công, đánh đập hay cướp bóc gì cả. Các khu chợ vẫn hoạt động bình thường. Chúng ta thử tưởng tượng là nếu Việt Nam xảy ra một cuộc cách mạng như vậy thì hậu quả sẽ ra sao? Liệu có thể ôn hòa và văn minh như vậy không? Chắc chắn là không. Trả thù, đập phá, cướp bóc và hôi của trên diện rộng sẽ xảy ra mà không ai có thể dừng lại cho đến khi tất cả chỉ còn là một đống đổ nát.

Nước Nga của Putin có thể gìành được Crưm nhưng cái giá phải trả sẽ rất đắt. Rồi niềm vui của người Nga sẽ qua mau. Tư tưởng nước lớn và chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi vẫn ăn sâu trong đầu óc một phần lớn người Nga. Họ vui mừng khi có được Crưm nhưng không đủ viễn kiến để thấy được những mất mát mà họ sẽ phải nhận trong tương lai. Với việc sát nhập Crưm vào Nga, Putin đã thay đổi trật tự thế giới nói chung và Châu Âu nói riêng. Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai thì việc một nước này đem quân xâm chiếm một nước khác là không được phép, mọi chuyện phải thông qua Liên Hợp Quốc. Ngay cả siêu cường số một thế giới là Mỹ, khi đem quân can thiệp vào một nước khác cũng phải xin phép Liên Hợp Quốc và nhận được sự đồng thuận của các nước đồng minh. Và Mỹ cũng chỉ dừng ở mức “can thiệp quân sự” một thời gian rồi rút chứ không chiếm đóng vĩnh viễn một vùng đất nào. Nước Nga dù hùng mạnh nhưng cũng không thể làm được điều đó. Nếu thế giới không lên án và tẩy chay Nga thì tiền lệ xấu “cá lớn nuốt cá bé” sẽ kích thích các cường quốc khác noi theo và chiến tranh sẽ nổ ra trên khắp địa cầu.

Tất nhiên sẽ không có nước nào dù là Mỹ hay NATO dùng biện pháp quân sự để đối đầu với nước Nga. Các vũ khí như kinh tế, chính trị, ngoại giao …sẽ thay cho vũ khí quân sự trong cuộc đối đầu này nhưng không vì thế mà nó kém phần khốc liệt và hậu quả sẽ vô cùng nặng nề cho nước Nga. Dù giàu có và hùng mạnh nhưng Putin không thể đối đầu với cả thế giới. Trong cuộc biểu tình ủng hộ Ukraina diễn ra tại Moskva hôm 15/3/2014 qui tụ khoảng 50.000 người, ông Boris Nemsov một lãnh tụ đối lập, cựu phó thủ tướng Nga cho rằng việc Putin can thiệp quân sự và sáp nhập Crưm là một “thảm họa đối với nước Nga”.

Cho dù Putin có chiếm được Crưm thì biên giới của NATO cũng đã tiến tới sát nước Nga. Tình nghĩa anh em thân thiết giữa Nga và Ukraina đã chấm dứt vĩnh viễn từ đây và mãi mãi không thể hàn gắn được. Ukraina đã trở thành một Balan thứ hai. Chắc chắn Ukraina sẽ không ngần ngại nhận sự trợ giúp về quân sự của khối NATO dù không gia nhập vào khối này. Ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraina sẽ hồi sinh bởi sự giúp đỡ của Mỹ và Châu Âu. Nước Nga đã tự mình phá hỏng “vùng đệm” an toàn giữa Nga và Châu Âu. Uy tín và hình ảnh tốt đẹp của nước Nga đã bị Putin đánh mất. Tại Liên Hợp Quốc, Nga đơn độc một mình chống lại thế giới. Ngay cả người bạn vàng Trung Quốc cũng bỏ phiếu trắng cho Nga. Dù Trung Quốc với Nga luôn là cặp bài trùng để chống Mỹ và Phương Tây nhưng trong vụ này Trung Quốc cũng phải “tắt tiếng” vì “há miệng mắc quai”. Các vùng rộng lớn của Trung Quốc như Tân Cương, Tây Tạng, Nội Mông …vẫn đang ngày đêm đòi độc lập.

Mà nghĩ cũng thấy làm lạ, vì sao Nga và Trung Quốc luôn luôn chống Mỹ và muốn trở thành bá chủ thế giới nhưng họ lại cư xử rất tiểu nhân và kém văn minh đến như vậy? Làm sao thu phục được tình cảm của thế giới và khu vực? “Làm anh, làm ả phải ngả mặt lên”, muốn làm đại ca, đại bàng thì phải cư xử cho ra dáng đại ca, đại bàng. Đáng ra với những nước đàn em và hàng xóm thì phải rộng lượng và hào phóng để tạo dựng vây cánh, thế lực và đồng minh. Đằng này dù chỉ có mấy hòn đảo ngoài Biển Đông nhưng Trung Quốc vẫn cố giành cho bằng được từ tay đàn em Việt Nam. Ukraina có mỗi bán đảo Crưm mà Nga cũng quyết chiếm cho bằng được. Không hiểu có khi nào Putin hay Tập Cận Bình tự hỏi tại sao mình là nước lớn vừa là hàng xóm mà Ukraina và Việt Nam cứ quay lưng lại với mình? Lại đi kết thân với một kẻ tận đẩu tận đâu là Mỹ? Không biết Trung Quốc cho chính quyền Việt Nam vay bao nhiêu, trong khi Nga ném cho Ukraina 15 tỉ đô la mà người dân Ukraina vẫn quay mặt không nhận? Chẳng lẽ nào họ không hiểu rằng một thể chế chính trị tự do, dân chủ và tôn trọng phẩm giá con người mới chính là thứ mà người dân Ukraina cũng như Việt Nam mơ ước và đòi hỏi.

Trong thế kỷ 21 quyền lực và sức mạnh mềm quan trọng hơn là máy bay và tên lửa. Đệ tứ quyền lực là các cơ quan truyền thông độc lập có sức mạnh hơn các đoàn quân thiện chiến. Lẽ phải và chân lý luôn chiến thắng mọi sự áp đặt và dối trá. Trước thái độ và hành động hung hăng hiếu chiến của Putin, chính quyền và người dân Ukraina càng quyết tâm hội nhập vào Châu Âu. Chúng ta đều thấy rằng những tư tưởng và tập quán cũ của người dân sống lâu dưới các chế độ độc tài rất khó gột rửa, nước Nga cộng sản đã sụp đổ hơn 20 năm nhưng chế độ độc tài kiểu mới của Putin vẫn còn đó và vẫn có người ủng hộ. Việt Nam cũng vậy, dù ai cũng thấy chế độ hiện tại là tồi dở nhưng đa số đều cam chịu chấp nhận. Người dân Ukraina dù gì cũng đã dũng cảm đứng lên làm cuộc cách mạng Cam năm 2004 nhưng rồi vì tầng lớp trí thức dân chủ Ukraina “chưa kịp lớn” nên đã thất bại. Cuộc cách mạng lần này đau đớn hơn, mất mát hơn và chắc chắn nó gây nên một cơn “chấn động” lớn trong tâm trí mỗi người dân Ukraina. Có thể nhờ đó mà họ sẽ đau đớn nhưng dứt khoát chia tay quá khứ, chia tay người hàng xóm độc tài Putin để tiến bước và hướng tới các giá trị nhân bản của thời đại như tự do, dân chủ, hòa bình, nhân phẩm và các quyền con người được tôn trọng.

Bài học lớn nhất dành cho các nhà độc tài đó là hãy khôn ngoan để mở ra cánh cửa thay đổi trong hòa bình bằng việc tôn trọng các giá trị của con người như tự do ngôn luận, tự do thành lập các hội đoàn xã hội dân sự và các đảng phái chính trị …đấu tranh bằng lời nói, bằng tư tưởng và sự thuyết phục trên nghị trường sẽ tốt hơn vạn vạn lần so với các cuộc cách mạng trên đường phố vì hậu quả của nó sẽ khôn lường và phải mất nhiều thập niên mới có thể hàn gắn được sự đỗ vỡ đó.

Trí thức Việt Nam, trong cũng như ngoài đảng hãy nhanh chóng bắt tay nhau để tập hợp đội ngũ và dấn thân cho một đất nước Việt Nam dân chủ và phồn vinh. Hãy sẵn sàng và chuẩn bị để đón nhận mọi sự thay đổi khi thời cơ đến. Hãy dũng cảm và đứng dậy để nhận lãnh trách nhiệm lãnh đạo và dẫn dắt quần chúng. Đừng để người dân cùng đường đứng lên làm cách mạng. Mọi cuộc thay đổi “từ trên xuống” sẽ tốt hơn là “từ dưới lên” vì trước những cái đầu rỗng và cái bụng đói thì mọi lý lẽ hay luân thường đạo lý đều vô nghĩa. Khi đó tất cả mọi người đều mất hết, không chừa một ai.

Việt Hoàng  



No comments:

Post a Comment

View My Stats