Ngô Nhân
Dụng
Tuesday, March 18, 2014 7:17:14 PM
Trong mấy tuần nay, hai ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường thực ra không lo lắng nhiều về các số thống kê cho thấy kinh tế Trung Quốc yếu hẳn đi trong cả hai tháng đầu năm 2014. Họ biết trước tình trạng sẽ như vậy, có khi còn mừng vì đây là hậu quả tất nhiên của chính sách thay đổi cơ cấu tài chánh và xí nghiệp, hy vọng củng cố thực lực kinh tế trong vòng mươi năm sau.
Mối lo lớn của hai ông nằm ở chỗ khác. Họ đang lo dân chúng bắt đầu nghi ngờ khả năng của giới lãnh đạo ở Bắc Kinh qua những biến cố gần đây, chứng tỏ chính quyền Trung Cộng không mạnh và không nâng cao uy tín của nước Trung Hoa như họ vẫn khoe khoang.
Vụ chiếc máy bay biến mất trên đường từ Kuala
Lumpur, Malaysia, sang Bắc Kinh cho thấy chính quyền Trung Quốc còn rất yếu,
trong công cuộc tìm kiếm, cũng như trong cách phản ứng để trấn an các thân nhân
của những người mất tích. Trước hết, cả thế giới thấy rõ Hải Quân Trung Quốc
không mạnh như người ta tưởng. Một cách cụ thể, còn thua xa một Hạm Ðội Bảy của
Hải Quân Mỹ.
Khi chuyến bay MH 370 đột ngột mất tích ngày 8 Tháng
Ba năm 2014, hải quân của hàng chục quốc gia trong vùng đã cùng tổ chức tìm
kiếm. Vai trò Trung Quốc tự nhiên nổi lên hàng đầu, vì có 153 người Trung Hoa
trong số 239 hành khách. Họ đã đưa tới vùng biển giữa Việt Nam và Mã Lai Á một
đội tàu cấp cứu lớn nhất từ xưa đến nay, với bốn chiến hạm, năm tàu duyên hải,
và các tàu hải giám dân sự. Máy bay, trực thăng đều có mặt. Bắc Kinh còn báo
tin vệ tinh của họ nhìn thấy dấu vết lạ trên mặt biển.
Hàng chục nước trong vùng này, cộng thêm Hải Quân
Mỹ, Nhật, cùng đi tìm, cứu. Việc phối hợp chính là việc hoạt động ngoại giao.
Khi đó người ta mới thấy các quốc gia trong vùng hợp tác với Hải Quân Mỹ dễ
dàng hơn là với Trung Quốc. Hạm Ðội Bảy của Mỹ đã từng gửi các tàu đến thăm
nhiều hải cảng các nước trong vùng trong mấy chục năm qua. Trung Quốc mang một
bộ mặt vừa xa lạ, vừa đe dọa. Vì ai cũng biết Bắc Kinh đã đòi mọi người công
nhận cả vùng Ðường Chín Ðoạn trong biển Ðông thuộc về họ. Nhiều người Việt Nam
cũng nghi ngờ rằng Trung Cộng lấy cớ đi tìm kiếm để đem chiến thuyền vào vùng
biển nước ta! Chưa hết, chính quyền Bắc Kinh còn lên tiếng đả kích chính phủ
Malaysia không biết phối hợp công cuộc tìm kiếm! Chỉ trích một nước láng giềng
trong lúc người ta “tang gia bối rối” chỉ cho thấy chính quyền cộng sản Trung
Quốc vừa vô cảm vừa hung hăng. Mà ai cũng biết, những lời đả kích rẻ tiền đó
chỉ nhắm lái dư luận dân Trung Hoa trong lục địa, để họ quên đi cảnh lúng túng
và bất lực của người cầm quyền trong hoàn cảnh 153 công dân của mình không biết
sống hay chết.
Cuối cùng, mọi người biết rằng chuyến bay MH 370
không rớt xuống biển ở nơi đó, đã bay thêm gần bảy giờ về phía khác, có thể
theo hướng về Ấn Ðộ Dương hoặc lên tới Kazakhstan ở miền Trung Á Châu. Trong
cuộc tìm kiếm sau đó, các nước chung quanh thấy họ chỉ có thể trông cậy vào Hải
Quân Mỹ, hầu như ai cũng quên sự có mặt của Hải Quân Trung Quốc. Hạm Ðội Bảy đã
gửi tới đó những máy bay P-3 và P-8 (Poseidon) có thể bay đường trường.
Poseidon là thứ máy bay chống tầu ngầm cũng như tầu chiến, có khả năng bao trùm
một vùng rộng gần 40 ngàn cây số vuông. Chiến thuyền của Hải Quân Trung Quốc
chỉ quanh quẩn ở vùng Singapore, qua Indonesia.
Ðây là lần thứ nhì Hải Quân Mỹ đã đạt được uy tín
cao so với Trung Quốc. Gần đây nhất, cơn bão Haiyan tàn phá vùng ven biển
Philippines; chính phủ Trung Quốc chỉ gửi mấy trăm ngàn Mỹ kim sang cứu trợ (số
tiền người Việt vượt biển tị nạn đang ở Mỹ gửi tặng cũng lên tới hàng triệu Mỹ
kim). Trong khi đó, chỉ vài ngày sau cơn bão, Hải Quân Mỹ đã phái các chiến hạm
tới tham dự vào cuộc tìm kiếm người mất tích; chưa kể họ còn lên bộ làm các
công tác cấp cứu và xây dựng.
Người Trung Quốc rất chú ý đến công tác tìm kiếm
chiếc máy bay MH 370; không phải chỉ vì có nhiều đồng bào của họ trên đó. Họ
còn theo dõi để so sánh hải quân của họ với Hải Quân Mỹ. Giáo Sư Nghê Lạc Hùng
(Ni Lexiong), một chuyên gia quốc phòng ở Ðại Học Thượng Hải, đã nói thẳng rằng
đây là một cơ hội thử thách ý chí, khả năng của Hải Quân Trung Quốc trong một
công tác ở xa bờ biển mình; đặc biệt là có dịp so sánh với Hải Quân Mỹ. Người
Trung Quốc chắc bây giờ thất vọng khi so sánh khả năng của hai bên! Năm ngoái
có 100 triệu lần người Trung Quốc đi du lịch ra nước ngoài; chắc họ cũng tin
tưởng khi cần cấp cứu thì có thể trông cậy vào chính phủ của họ. Nhưng có lẽ
khi cần cấp cứu, họ sẽ trông cậy vào Hải Quân Mỹ nhiều hơn!
Nhưng biến cố MH 370 cho họ thấy trong công tác tìm
và cấp cứu trên mặt biển, Hải Quân Trung Quốc không thể so sánh được với Hải
Quân Mỹ. Chỉ đi xa nhà mấy ngàn hải lý, các chiến hạm Trung Quốc đã cho thấy họ
còn yếu ớt, với tầm hoạt động ngắn và thiếu các phương tiện tối tân như thế
nào. Và đó là tình trạng sau khi Bắc Kinh bắt đầu dồn sức xây dựng lực lượng
hải quân, để “mở đường vào Thái Bình Dương.”
Cha đẻ của lực lượng hải quân mới của Trung Quốc là
Ðô Ðốc Lưu Hoa Thanh (Liu Huaqing, qua đời năm 2011) từng tuyên bố rằng một
cường quốc cần phải chứng tỏ sức mạnh trên cả ba mặt: thương mại quốc tế mạnh,
hàng hải thương thuyền mạnh, và hải quân mạnh để bảo vệ đường lưu thông trên
biển. Năm ngoái, Trung Quốc đã chiếm địa vị số một về số lượng hàng hóa xuất
cảng và nhập cảng; mà 90% số hàng hóa đó đi theo đường biển.
Tháng Mười năm 2013, Hải Quân Trung Quốc đã mở một
cuộc tập trận đầu tiên, kéo dài 15 ngày, với mục tiêu “vượt hàng rào các hải
đảo” ngăn Trung Quốc vào Thái Bình Dương. Hàng rào này kéo dài từ quần đảo
Kuril ở phía Bắc nước Nhật Bản, qua Ðài Loan, Philippines cho tới Borneo. Không
Quân và Hải Quân Nhật đã theo sát cuộc thao diễn này.
Biến cố chuyến bay MH 370 mất tích còn tạo cơ hội
cho chính quyền Trung Quốc thấy phản ứng của người dân khi phải nghe những lời
tuyên truyền trống rỗng. Họ bất mãn. Và họ sẵn sàng bày tỏ nỗi bất mãn của
mình.
Ba ngày sau khi chiếc máy bay biến mất, hơn 500 thân
nhân của 153 hành khách Trung Hoa được gặp các viên chức nhà nước. Họ đã từ
khắp nước kéo nhau về Bắc Kinh chờ tin tức, ở rải rác trong các khách sạn và tư
gia. Họ đã chờ hai ngày trời mà không được nghe chính quyền cho biết một tin
tức nào mới, cũng không gặp được ai có thẩm quyền để hỏi. Các quan chức sau
cùng đã tiếp họ trong một phòng hội của khách sạn Lido, nơi được coi là trung
tâm tin tức về chuyến bay MH 370. Viên chức Bộ Giao Thông trình bày bản đồ hành
trình của máy bay, với các giả thuyết dựa trên kỹ thuật, cũng được dân chăm chú
nghe.
Người đầu tiên ra mắt công chúng là một viên chức ngoại
giao, ông ta nói chính ông cũng có một người “rất thân” đi trên chuyến bay đó;
ông rớm nước mắt, và mọi người vỗ tay. Nhưng đến lượt một viên chức của thành
phố Bắc Kinh lên tiếng, thì mọi người bắt đầu được nghe những lời lẽ huênh
hoang trống rỗng quen thuộc của nhà nước! Không khí phòng họp khác hẳn. Viên
chức này tên là Lưu Trị (Liu Zhi) đã kể công nhà nước làm những gì từ khi tai
nạn xảy ra; và lên tiếng dạy dân rằng nếu có những công trình đó thì họ còn đau
khổ hơn nhiều!
Trong lúc ông Lưu Trị kể công đảng và nhà nước, một
bà trong cử tọa cất tiếng: “Mấy ngày vừa qua ông làm cái gì?” Ông ta trả lời
rằng ông có đến trung tâm thông tin đặt ở khách sạn này ngày Thứ Bảy, ngay hôm
sau vụ máy bay mất tích xảy ra. Dân nhao nhao hỏi: “Có ai thấy ông đến hay
không?” Ông Lưu Trị không trả lời, ngước nhìn ra xa để tránh con mắt của đám
đông.
Cuối cùng, một người đàn ông có con đi trên chuyến
máy bay, lớn tiếng: “Các ông có biết chúng tôi đau khổ thế nào không? Ðừng có
nói láo vòng vo nữa!” Lưu Trị cãi: “Nhà nước đã có những biện pháp...” Người
cha khoảng 60 tuổi cắt lời: “Im cái miệng đi. Nghe mãi chán rồi!” Trong lúc cả
phòng họp náo động, ba viên chức nhà nước len lén tìm đường ra cửa. Có người
hét lên: “Ðừng để họ chạy!” Nhiều người khác hô theo: “Giữ chúng lại!”
Ba viên chức nhà nước Trung Cộng được công an chìm
bảo vệ đưa ra khỏi khách sạn. Nhưng những người cầm quyền ở Trung Nam Hải nhận
được một thông điệp: Dân đã chán những lời giả dối nhắc đi nhắc lại về công lao
của đảng và nhà nước lắm rồi!Tại sao ở các nước khác, chính quyền họ coi cứu
giúp dân gặp nạn là một bổn phận tự nhiên, còn ở nước Trung Hoa cứ phải khoe đó
là công của nhà nước? Ai trả tiền nuôi nhà nước?
Chắc hai ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường đã theo
dõi tin tức cuộc tìm kiếm chuyến bay MH 370. Họ biết không có gì đáng đem ra
khoe về sức mạnh của hải quân nước mình cả. Bây giờ mà còn khoe khoang, chính
người dân Trung Hoa cũng cảm thấy hổ thẹn. Chắc hai ông Tập, Lý cũng được nghe
báo cáo về cuộc họp mặt ở khách sạn Lido. Họ có thể tự hỏi không biết đám dân
đen đang nghĩ gì về những khẩu hiệu trống rỗng mà đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn
cho hô trên các báo, các đài? Ðến bao giờ họ sẽ nổi giận hét lên: “Ðừng để
chúng nó chạy! Giữ chúng lại!”
CÙNG
MỘT TÁC GIẢ :
No comments:
Post a Comment