Tô Văn Trường
Posted by News on March 21st, 2014
Sau những vật nài xin ưu đãi nhiều thứ kể cả vốn đầu tư,
thuế tài nguyên, môi trường…hai dự án bôxit Tây Nguyên (Tân Rai và Nhân Cơ) đã
phải công khai thừa nhận từ nay đến năm 2020, Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam
(TKV) sẽ lỗ hàng nghìn tỉ đồng. Riêng Tân Rai năm
2013 lỗ hơn 258 tỉ đồng, Nhân Cơ còn nặng nề hơn, dự kiến 2015 sẽ lỗ hơn 671 tỷ
đồng vv…
Thực tế bi đát của dự án này là điều có thể thấy trước và
không làm ai ngạc nhiên. Nói theo nhà Phật thì “quả
báo nhãn tiền” đã có ngay chứ không cần đợi đến kiếp sau.
Bể lắng quặng đuôi của Nhà máy Alumin Tân Rai – Lâm Đồng.
Ảnh: QUANG TÚ (nld.com)
Nguy hiểm hơn, có vẻ như những người quyết
định và đang theo đuổi dự án này đã lỡ ngồi trên lưng hổ rồi, nên cứ tiếp tục
liều mạng bất chấp cái giá mà nhân dân và đất nước phải trả trong điều kiện nền
kinh tế đang suy kiệt hiện nay. Việc cố tình che dấu tội lỗi thường mang lại
hậu quả lớn hơn nhiều tội lỗi ban đầu.
Theo Ts Nguyễn Thành Sơn mới đi khảo sát ở
Tây Nguyên cho biết thực tế đã chứng minh: Bộ Công Thương và TKV đã giải trình
không đúng sự thật để cố đấm ăn “khoai”! Giá thành chưa hạch toán đúng và đủ vì
quyết toán chưa xong (mức khấu hao chưa đúng). Khâu cung cấp đầu vào là quặng
bauxite do TKV chỉ định (người khai thác, cũng như giá bán bauxite). Thực chất
là thuê ngoài (thông qua “đầu nậu” là một đơn vị thành viên của TKV). Khâu vận
chuyển tiêu thụ về Gò Dầu cũng do TKV chỉ định và ép giá. Hoàn thổ qua dự án
thí điểm tại chỗ sau 3 năm cho thấy chỉ có thể trồng cây keo, những loại cây
khác không thể sống được. Công nghệ khí hóa than để cung cấp nhiệt cho khâu
luyện alumina thuộc loại cổ điển cách đây khoảng 50 năm, nên phải dùng than cục
đắt tiền (chở từ Quảng Ninh vào) và giống hệt như của các lò khí hóa của các lò
gốm thủ công ở Bát Tràng, bên kia bờ sông Hồng của Hà Nội. Đặc biệt, nguy cơ nổ
là rất lớn vv…
Cách đây 2 năm, người viết này đã từng cảnh báo kinh
doanh theo lợi nhuận phải chấp nhận “lời ăn, lỗ chịu”!. Về khía cạnh kinh tế,
nguyên tắc phải tính đúng, tính đủ để tránh lời giả, lỗ thật. Hay nói cách
khác, lời doanh nghiệp và nhóm lợi ích hưởng những lỗ thì nhà nước nghĩa là
toàn dân phải chịu.
Trong thực tế, TKV lẫn lộn, không phân biệt nổi hiệu quả
kinh tế-tài chính (là của doanh nghiệp), hiệu quả kinh tế-xã hội (của xã hội).
Các nước gần đây còn chú trọng đến hiệu quả kinh tế-môi trường là những khái
niệm không thể lập lờ, nhất là cái khoản thu to nhất của ngân sách là thuế xuất
khẩu!?
Cần sử dụng mô hình tổng thể cân bằng kinh tế để tính
toán lời lỗ một cách bài bản, khoa học. Cách tính đơn giản hơn đem chi phí sản
xuất 1 tấn sản phẩm tại chỗ, cộng chi phí vận chuyển ra cảng, trong chi phí sản
xuất cần tính cả chi phí đầu tư.
Nếu có giá trị tổng đầu tư thì đem chia cho đời sống của
nhà máy để ra chi phí khấu hao phải tính vào giá thành. Sau đó, so sánh giá 1
tấn sản phẩm trên thị trường thế giới thì biết ngay khoản lời, lỗ của dự án.
Ngay cả trong trường hợp tính có lãi cũng phải lấy lãi
này so sánh với lãi, nếu đem làm chuyện khác như trồng cà phê để tính lãi theo
nguyên tắc giá thành cơ hội (opportunity cost) phải lấy lãi từ làm bô xít trừ
đi lãi trồng cà phê. Đó mới là lãi thực.
Ngoài chi phí cơ hội kinh tế, còn chi phí xã hội thì khôn
lường: hàng ngàn người mất nguồn thu nhập mà nếu tính đủ thì không chỉ là tiền
công ‘lấy công làm lời’ mà còn cả các chi phí bảo trợ xã hội đang bị bỏ qua.
Đất bazan là đặc sản của Tây Nguyên, một trong những loại
đất địa thành tốt nhất cho nông nghiệp nhất là cây công nghiệp dài ngày nhờ có
tỷ lệ sét cao, khả năng giữ nước, giữa phân rất tốt, khi bị bóc đi, bề mặt bị
mưa rửa trôi, xói mòn là tổn thất không dễ bù đắp.
Dù được bao cấp, ưu đãi rất nhiều nhưng tính bằng cách
nào chúng tôi cũng chỉ thấy dự án bô xít lỗ to chưa kể rất nhiều rủi ro khó
lường khác về chính trị, an ninh quốc phòng, kinh tế, xã hội, và môi trường.
Cảnh báo trên, đến nay nhìn lại càng được thực tế chứng minh là chính xác.
Khai thác bauxite không được sự đồng thuận
của các nhà khoa học Việt Nam và cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dẫn chứng kết
quả điều tra về việc này của các chuyên gia Liên Xô cũ, là họ không tán thành
việc khai thác này, rất không có lợi cho VN. Trước đây có lời giải thích là ta
làm bôxit vì “chủ trương lớn”. Nếu cần hỏi tiếp thì phải là tại sao các vị có
trách nhiệm lại quyết định có “chủ trương lớn”!? Dự án bô xít Tây Nguyên nếu
nhìn lại quá trình đàm phán và cam kết, có thể nói đó là chuyện đã chót lỡ, rồi
mới đưa ra Quốc hội cho đủ thủ tục và Chính phủ thực thi.
Theo quy trình cải thiện liên tục PDCA
(Plan Do Check Act) Kế hoạch – Thực hiện – Kiểm tra và – Hành động, thừa đủ dữ
kiện để đánh giá ai quyết định về chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án thì người
ấy phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước (Quốc hội) và nhân dân. Còn những
ai đã báo cáo không chính xác để dẫn đến quyết định sai thì những người đó phải
chịu trách nhiệm trước người đã ra quyết định.
Vấn đề đã rõ như ban ngày, đâu cần thêm
thông tin để làm quyết định. Vấn đề là
ai quyết định? Không lẽ Quốc hội chỉ vì “Đảng cử dân bầu” nên vẫn né tránh
không bàn đến các “chủ trương lớn” và quan tâm đến nguyện vọng của cử tri. Xem
lại các trang báo mạng, báo giấy thời sôi động can ngăn dự án “Trời gầm” nầy
thì sẽ thấy nhân dân ta thông minh và tâm huyết biết chừng nào. Gần đây, Chính
phủ biết lắng nghe các ý kiến phản biện, đối chiếu với thực tế đã hủy bỏ dự án
cảng Kê Gà. Bây giờ, dừng dự án Nhân Cơ tuy muộn, dù sao còn hơn không vì chỉ
cần thí điểm dự án Tân Rai là quá đủ! Bài học đổ vỡ đắt giá về Vinashin,
Vinaline vv… rất có thể dự án bô xit Tây Nguyên trở thành nấm mồ của một anh cả
đỏ khác là Tập đoàn Than khoáng sản VN.
—
Tham khảo:
Không yên tâm với dự án bôxit (Tuổi trẻ).
Những đoạn tô đỏ là đã
bị cắt bỏ so với bài Bôxit lỗ nhiều mặt trong
báo Tuổi trẻ của TS Tô Văn Trường.
No comments:
Post a Comment