Wednesday, 5 March 2014

PHƯƠNG TÂY & NGA CỐ TÌM GIẢI PHÁP NGOẠI GIAO CHO KHÙNG HOẢNG UKRAINA (Thanh Phương - RFI)




Thanh Phương  -  RFI
Thứ tư 05 Tháng Ba 2014


Lãnh đạo các nước phương Tây và Nga đang cố tìm ra một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Ukraina, vào lúc Hoa Kỳ duy trì áp lực lên Matxcơva.

Bên lề hội nghị quốc tế về Liban tại Paris hôm nay, 05/03/2014, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã gặp đồng nhiệm Nga Sergei Lavrov lần đầu tiên kể từ khi Tổng thống thân Nga của Ukraina Viktor Inukovitch bị truất phế. 

Cuộc gặp giữa hai Ngoại trưởng diễn ra sau khi hôm qua, tại Kiev, ông John Kerry tố cáo Nga tìm cớ để « xâm lược » Ukraina. Trong khi đó tại Washington, tổng thống Mỹ Barack Obama nói thẳng là ông không tin lời ông Putin, sau tuyên bố của Tổng thống Nga về tình hình Ukraina. 

Hôm qua, ông Putin bác bỏ tin cho rằng quân Nga đã can thiệp vào Ukraina, đồng thời lên án điều mà ông gọi là « cuộc đảo chính vi hiến » lật đổ « Tổng thống chính đáng duy nhất » Viktor Inukovitch. 

Không loại trừ khả năng là Tổng thống Pháp François Hollande, với tư cách người chủ trì hội nghị quốc tế về Liban, nhân cơ hội này quy tụ đại diện các nước phương Tây và Nga để thảo luận về hồ sơ Ukraina. Trong số các chủ đề thảo luận, có thể có đề nghị của Thủ tướng Đức Angela Merkel về việc thành lập một « nhóm tiếp xúc » quốc tế về Ukraina. 

Riêng về phía châu Âu, theo lời Ngoại trưởng Laurent Fabius, nước Pháp và Đức muốn đề nghị một kế hoạch đưa Ukraina ra khỏi khủng hoảng và kế hoạch này có thể được thảo luận bên lề hội nghị quốc tế về Liban. Liên hiệp châu Âu có thể sẽ quyết định các biện pháp trừng phạt Nga tại cuộc họp đặc biệt về Ukraina ngày mai tại Bruxelles, nếu tình hình căng thẳng không giảm bớt. 

Một nguồn tin ngoại giao vừa cho hãng tin AFP biết là 15 nước thành viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu đã quyết định sẽ tham gia vào phái đoàn quan sát viên quân sự ở Ukraina.

------------------------------

Thanh Phương  -  RFI
Thứ tư 05 Tháng Ba 2014

Tình hình tại bán đảo Crimée, nước Cộng hòa tự trị của Ukraina hôm nay vẫn căng thẳng. Một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Ukraina hôm nay 05/03/2014 cho hãng tin AFP biết rằng lực lượng Nga đã kiểm soát một phần căn cứ phóng tên lửa Evpatoria, miền Tây vùng Crimée. Nhưng trạm chỉ huy và trung tâm kiểm soát căn cứ vẫn nằm trong tay quân đội Ukraina.

Ngay sau đó, một quan chức Ukraina thông báo với AFP là lực lượng Nga cũng đã kiểm soát một phần căn cứ phóng tên lửa thứ hai tại Fiolent, gần cảng Sebastopol, nơi trú đóng hạm đội Hắc hải của Nga.

Việc lực luợng Nga kiểm soát hai căn cứ tên lửa nói trên diễn ra mà không có một vụ chạm súng nào, nhưng nó làm tăng thêm căng thẳng giữa lực lượng Nga và lực lượng Ukraina tại vùng Crimée. Cho tới nay, thường thì quân Nga chỉ bao vây các căn cứ quân sự của Ukraina, chứ không vào bên trong.

Ngoài ra, trong một bức thư gởi Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế, đại sứ Ukraina tại Vienne thông báo là chính quyền Kiev đã quyết định tăng cường các biện pháp an ninh chung quan các cơ sở hạt nhân trước mối đe dọa của lực lượng Nga trên lãnh thổ Ukraina.

Trong đêm qua, bộ tham mưu quân đội Ukraina cho hãng tin Interfax-Ukraina biết rằng lực lượng Nga đang có mặt tại Crimée không chỉ thuộc hạm đội Hắc hải mà, còn có binh lính từ những đơn vị đóng tại Tchechnia hay vùng Krasnodar, bên bờ Hắc hải.

------------------------------------

Thanh Phương  -  RFI
Thứ ba 04 Tháng Ba 2014

Trong cuộc khủng hoảng hiện nay, Tổng thống Putin rõ ràng là muốn dùng giải pháp quân sự để duy trì Ukraina trong vòng ảnh hưởng của Nga, qua việc đưa quân sang chiếm đóng Crimée, một vùng đất mà cho tới nay thường xuyên gây căng thẳng giữa Kiev và Matxcơva.

Nguyên là một vùng lãnh thổ thuộc Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga, Crimée đã được Chủ tịch Liên Xô Nikita Khroushchyov “tặng” cho Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Ukraina vào năm 1954, mặc dù đa số dân trên báo đảo này là người nói tiếng Nga ( khoảng 90% ).

Dưới thời Liên Xô, dù Crimée có thuộc nước Cộng hòa nào thì cũng chẳng có gì thay đổi lớn đối với người dân tại đây. Nhưng sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Crimée trở thành một bộ phận không thể tách rời khỏi nước Ukraina độc lập kể từ ngày 12/02/1991.

Đây là điều mà người dân nói tiếng Nga ở Crimée khó có thể chấp nhận và đây cũng là nguyên nhân gây nhiều căng thẳng giữa Ukraina với Nga trong hơn hai thập niên qua. Tình hình lại càng rối rắm do hạm đội Hắc Hải của Nga nay vẫn đóng tại thành phố cảng Sebastopol của Crimée.

Cho tới nay, Crimée vẫn nằm trong Ukraina như là một nước Cộng hòa tự trị. Theo quy chế này, tuy Crimée không được quyền ban hành các luật riêng, nhưng lại có Hiến pháp riêng và một Quốc hội riêng. Riêng Sebastopol thì vẫn nằm dưới sự quản lý trực tiếp của Kiev, tuy đây là nơi trú đóng của Hạm đội Hắc hải của Nga. Quy chế của Sebastopol cũng như vấn đề rút hạm đội Nga ra khỏi thành phố này cho tới nay vẫn gây rắc rối trong quan hệ giữa Kiev với Matxcơva.

Sang đến đầu thiên niên kỷ thứ ba, Nga lại gây ảnh hưởng lên chuyện nội bộ của Ukraina, nhất là qua việc cấp hộ chiếu cho dân nói tiếng Nga ở vùng Crimée. Hành động như vậy, Matxcơva càng đào sâu thêm hố ngăn cách giữa người nói tiếng Nga ( thân Nga ) với người nói tiếng Ukraina ( thân phương Tây ) nói chung. Trong hai cuộc bầu cử tổng thống lần cuối, có đến 8/10 cử tri Crimée đã bỏ phiếu cho ứng cử viên thân Nga Viktor Ianukovitch.

Khủng hoảng hiện nay càng khiến xu hướng ly khai ở Crimée trỗi dậy mạnh mẽ. Sau khi Tổng thống Ianukovitch bị truất phế, phe đối lập thân phương Tây lên nắm quyền ở Kiev, cuối tháng 2 chính quyền vùng Crimée tuyên bố không công nhận Tổng thống lâm thời Tourtchinov, cũng như chính phủ lâm thời của Ukraina. Quốc hội Crimée cũng đã quyết định tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về một nền tự trị rộng rãi hơn cho vùng này. Cuộc trưng cầu dân ý ban đầu được dự trù cho ngày 25/05, nhưng sau đó họ quyết định tổ chức sớm hơn, tức là ngày 30/03. Đồng thời, tân Thủ tướng của Crimée Sergei Axionov chính thức kêu gọi Nga trợ giúp.

Theo nhận định của thông tín viên RFI Sébastien Gobert từ Simferopol, có thể nói là ở Crimée hiện đang diễn ra một cuộc chiến tranh rất kỳ lạ : chẳng cần bắn một phát đạn nào, quân đội Nga vẫn đang chiếm dần dần toàn bộ bán đảo, bằng những hành động gây áp lực, thương lượng, thậm chí mua chuộc các đơn vị Ukraina.

Hơn nữa, vừa yếu thế, vừa bị cô lập, lực lượng Ukraina dù có muốn cũng không thể nào chống trả lực lượng Nga, mà trong đó có nhiều đơn vị tinh nhuệ. Nhưng có điều hơi đặc biệt là người dân nói tiếng Nga tại Crimée lại không hồ hởi, phấn khởi đón chào quân Nga như những người giải phóng.

Như vậy rõ ràng việc bảo vệ cộng đồng nói tiếng Nga ở vùng Crimée chỉ là cái cớ để Tổng thống Putin can thiệp vào vùng Crimée và qua đó, dùng vũ lực để giữ Ukraina trong vòng ảnh hưởng của Nga, ngăn không cho nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ này xích gần lại phương Tây.



No comments:

Post a Comment

View My Stats