Tikhon Dzyadko - New Republic
Bản dịch Việt ngữ của Carl
Trần
Dịch
giả gửi tới Dân Luận
Thứ Ba, 04/03/2014
Rất dễ để bị mất trí ở Nga, đặc
biệt nếu bạn cố tìm sự hợp lý trong hành động của chính quyền, nhất là trong
phạm trù chính sách đối ngoại. Tình hình càng khẩn trương, sự điên rồ càng len
lỏi vào gần hơn: ngay trước mắt bạn, đen thành trắng, gây hấn trắng trợn là
"gìn giữ hòa bình", còn thái độ thù địch đối với một quốc gia có chủ
quyền được mô tả là những hành vi cao thượng. Và đây lại là nơi hôm nay chúng
ta tìm thấy chính mình, như nước Nga thấy chính mình bên bờ vực chiến tranh với
nước láng giềng Ukraine.
Dường như điều mà Nga đang cố
công đạt được ở Crimea không rõ ràng ngay cả đối với điện Kremlin. Trong mấy
ngày vừa qua, tôi đã đọc kỹ tất cả các tuyên bố của giới chức Nga; tôi đã nói
chuyện với nhiều người trong số họ. Tôi đã được nghe hàng chục lời giải thích
về hành động của Nga ở Crimea: bảo vệ các căn cứ quân sự, bảo vệ công dân Nga,
phản ứng với một chính phủ mới không đáng tin cậy tại Kiev. Nhưng tôi vẫn chưa
thể có được một câu trả lời dứt khoát cho câu hỏi đơn giản là "tại
sao?"
Càng ngày tôi càng thấy vị thế
của Nga trên bán đảo Crimea giống như của gã điên không ngừng chạy qua chạy
lại: Valentina Matvienko, phát ngôn nhân Hội đồng Liên bang, người mới hôm thứ
Bảy lên tiếng ủng hộ việc gửi quân đội Nga đến Crimea, đã bác bỏ hoàn toàn bất
cứ khả năng xung đột vũ trang nào chỉ vài ngày trước đó. Và trong khoảng thời
gian ba tháng vừa qua cho đến gần đây, Bộ Ngoại giao Nga vẫn nghiêm khắc cảnh
cáo chống lại bất cứ sự can thiệp nào của các tác nhân bên ngoài vào Ukraine.
Như thế đủ để làm đầu óc bạn
quay cuồng, nhất là khi bạn muốn tìm xem chính sách đó chặt chẽ ở chỗ nào.
Nhưng không thể. Và cũng không có gì là hợp lý trong đó. Khi nói đến Ukraine,
từ nhiều năm nay không có gì là hợp lý. Nga thờ ơ quan sát trong khi đồng minh
thuận tiện nhất của điện Kremlin, cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko bị đưa vào tù
về những tội danh giả tạo, và Nga tiếp tục xây dựng mối quan hệ với kẻ bỏ tù
bà, Viktor Yanukovich. Khi ông bị lật đổ, Moscow bỏ mặc ông như một kẻ không
còn quyền hành, nhưng ngay sau đó lại che chở ông trên đất Nga và giúp ông tổ
chức một cuộc họp báo khổng lồ.
Có một ngạn ngữ Nga: "Để
làm mẹ tức, tôi sẽ để tai mình đóng băng đến rụng." Ngạn ngữ này là về một
đứa trẻ không đội mũ trong trời lạnh đơn giản chỉ vì muốn cãi lời mẹ. Chính sách đối ngoại của Nga
đúng là đang vận hành theo cách này: hết lần này đến lần khác, Moscow đưa ra
những quyết định có hại nhất cho chính Moscow. Trong khi xuyên tạc một
cách cừ khôi nhiều nguyên tắc luật quốc tế khác nhau, chính quyền Nga liên tục
làm hỏng các mối liên hệ với các đối tác quốc tế.
Đổi lại thì Nga được gì? Những
vấn đề ngay trên lãnh thổ của mình. Hãy xét đến những tuyên bố thiếu thận trọng
về quyền tự quyết của Crimea: chúng rất có thể bắt đầu vang vọng lại từ trong
nước, từ Kaliningrad, Tatarstan hoặc bắc Caucasus, những nơi mà tình cảm ly
khai chưa bao giờ tắt hẳn. Hơn nữa, điện Kremlin dường như đã quên rằng Nhật có
tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Kuril, và rằng một hiệp ước hòa bình vẫn
chưa được ký kết với Tokyo. Nói cách khác, bị mờ mắt vì tham vọng chứng tỏ mình
là một siêu cường có ảnh hưởng trong khu vực, Nga đang đặt chính mình vào các
ống ngắm. "Đừng chặt cành cây mà bạn đang ngồi trên" là một ngạn ngữ
khác của Nga.
Một cuộc xâm lăng của Nga vào
Ukraine, nếu rốt cuộc xảy ra, có nghĩa là thảm họa, nhiều nhất đối với Nga.
Ngược đời thay, nó sẽ chỉ giúp Ukraine: Những nghi vấn về tính hợp pháp của
chính quyền mới ở Kiev sẽ rơi rụng mất; IMF và phương Tây sẽ nháo nhào đổ vào
giúp Ukraine về tài chính; rồi chính điều này sẽ vực dậy chính phủ Kiev hiện
đang phá sản; và sau cùng, người dân Ukraine sẽ đoàn kết trong một cuộc chiến
chống lại lực lượng chiếm đóng -- và phải chăng điều này chính là dạng thức
đoàn kết mà họ cần sau một cuộc cách mạng? Mặt khác, Nga sẽ rơi vào thế cô
lập trên trường quốc tế với một lãnh thổ kế cận không được ai công nhận. Năm 2008 là Abkhazia và Nam
Ossetia; bây giờ là Crimea. Nhưng trong cuộc tranh giành Crimea, Nga
sẽ đánh mất Ukraine, đối tác lớn nhất để vận chuyển khí đốt đến châu Âu.
Dường như cuộc xâm lăng Ukraine
đang được tiến hành chỉ nhằm nhắc nhở thế giới về Nga, và rằng đó là một đối
thủ mạnh trong khu vực. Nhưng đây là một trò chơi không có tàn cuộc. Nếu quân
đội Nga sát nhập Crimea hoặc tiến sâu hơn vào đông Ukraine, Nga sẽ làm gì với
chiến lợi phẩm này? Tôi nghi là không một ai trong điện Kremlin biết.
Những người biết rõ Vladimir
Putin nói rằng vị trí của ông trong lịch sử là điều tối quan trọng đối với ông.
Theo họ, ông xem như một thành tựu chính của mình việc thống nhất Giáo hội
Chính thống Nga và Giáo hội Chính thống Nga bên ngoài Nga năm 2007, hai giáo
hội chia lìa sau cuộc cách mạng Bolshevik. Nhưng dường như lịch sử không dạy
cho Putin điều gì. Cuộc chiến tranh Nga-Georgia năm 2008 không đem lại cho Nga
điều gì khác hơn những cỗ quan tài kẽm và hai quốc gia nghèo khổ trên thực tế
trở thành lãnh thổ Nga.
Nhưng có những ví dụ từ lịch sử
xa hơn, lịch sử mà Vladimir Putin phải biết. Giữa thế kỷ 19, Nga cũng từng tiến
hành một cuộc chiến ở Crimea, chống lại một liên minh Anh, Pháp và Ottoman.
Cuộc chiến này là một thảm họa cho Đế quốc Nga. Nicholas I, người khai chiến,
đã không thọ cho đến khi cuộc chiến kết thúc. Ngai vàng của ông được Alexander
II thừa kế. Ông ký Hiệp ước Paris, và từ tro tàn cuộc chiến, khởi động chiến
dịch mở cửa lớn nhất trong lịch sử Nga.
[*] Tikhon Dzyadko là một phó
tổng biên tập của DozhdTV, đài truyền hình độc lập cuối cùng của Nga.
Nguồn: Bản dịch Anh ngữ của
Olga Zeveleva đăng trên tờ New Republic
(http://www.newrepublic.com/article/116833/putin-doesnt-know-what-he-wants-ukraine)
(http://www.newrepublic.com/article/116833/putin-doesnt-know-what-he-wants-ukraine)
No comments:
Post a Comment