Ngô Nhân
Dụng -
Thời Sự Kinh Tế
Friday, March 14, 2014 6:47:13 PM
Ngày hôm qua, thị trường chứng khoán New York tụt hơn 230 điểm. Không phải vì tin tức kinh doanh tại Mỹ, mà vì tin thế giới. Có hai nguyên do. Thứ nhất là mối lo ông Putin chiếm vùng Crimea ở Ukraine khiến các nước Âu Mỹ sẽ phong tỏa tài chánh các các đại gia ở Nga, “chiến tranh lạnh” sẽ làm nhiều công ty toàn cầu giảm bớt lợi nhuận. Nhưng đó là chuyện lo xa, còn lâu mới biết rõ sẽ thiệt hại nhiều hay ít. Mối lo gần hơn, biết rõ ràng hơn, là kinh tế Trung Quốc yếu hẳn đi trong cả hai tháng đầu năm 2014.
Nếu kinh tế Trung Quốc xuống thì các công ty Âu, Mỹ
sẽ mất nhiều khách hàng, mà các nước khác bán nguyên liệu và dầu khí cho họ
cũng thu ít tiền hơn, chính họ cũng bớt mua hàng nhập cảng từ Âu Mỹ. Trong dân
số thế giới cứ 6 người là có một người Tàu; nếu cái anh thứ sáu này bị ho hen
thì năm anh kia cũng khó mạnh khỏe. Ngày hôm qua, giới đầu tư thế giới lo lắng
hơn một tỷ người tiêu thụ ở Trung Quốc sắp cạn tiền, các nước khác sẽ khó bán
hàng, cho nên nhiều thứ cổ phần bị giảm giá!
Năm con Ngựa không hợp với tuổi các ông Tập Cận Bình
và Lý Khắc Cường. Ngay đầu năm đã gặp nhiều xui xẻo. Ông Thủ Tướng Lý Khắc
Cường mới công bố năm nay sản lượng quốc gia (GDP) sẽ chỉ tăng 7.5%, giảm đi so
với tỷ lệ 7.7% năm ngoái; và giảm rất mạnh so với ba bốn năm trước đây. Trước
kia các nước Nam Hàn, Ðài Loan, khi ở vào trình độ phát triển như kinh tế Trung
Quốc hiện nay, họ giữ được tỷ lệ cao hơn. Nhưng ông Lý Khắc Cường tuyên bố ông
không chú trọng đến GDP. Nhưng nếu GDP mà không tăng lên cho dân có đủ việc làm
thì các vị lãnh tụ cũng khó ngồi yên.
Các con số công bố trong ngày hôm qua cho thấy kinh
tế Trung Quốc đang giảm tốc độ rõ rệt. Trong Tháng Giêng và Tháng Hai, số sản
xuất công nghiệp chỉ tăng 8.6%, tỷ lệ gia tăng thấp nhất kể từ năm 2009; thấp
hơn cả mức tăng gần 10% trong Tháng Chạp năm 2013. Do chính sách của tập đoàn
lãnh đạo mới muốn kìm hãm những vụ đầu tư vô ích, trong hai tháng qua số đầu tư
vào nhà cửa, máy móc chỉ tăng 17.9% so với cùng thời năm ngoái, cũng thấp hơn
so với tỷ lệ 19.6% trong Tháng Mười Hai, 2013. Số tiền tiêu thụ chỉ tăng 11.8%
trong hai tháng đầu năm 2014, so với 13.6% trong tháng cuối năm ngoái. Trong
mấy năm qua kinh tế Trung Quốc được “bơm máu” nhờ số tiền đổ vào nhiều công
trường xây cất, của chính quyền cũng như cho dân tiêu thụ; mà hiện nay thị
trường địa ốc quá yếu. Tổng số nhà bán có giá trị giảm 5%, so với tỷ lệ tăng
hơn 13% trong ba tháng sau cùng năm ngoái. Số nhà cửa mới xây giảm gần 30% so
với cùng thời gian năm ngoái. Từ mấy chục năm nay, kinh tế Trung Quốc lên là
nhờ thị trường xuất cảng. Số xuất cảng trong hai tháng đầu năm chỉ tăng khoảng
2.4% so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Một chỉ dấu đáng lo ngại là tỷ lệ giá cả báo động có
thể sinh ra tình trạng giảm phát, tức là giá xuống thấp chứ không tăng lên. Giá
sinh hoạt trong Tháng Giêng tăng 2.5%, còn trong Tháng Hai chỉ tăng 2%. Nhưng
đáng lo nhất là giá hàng bán sỉ, từ nhà sản xuất tới nhà buôn, trong Tháng
Giêng chỉ số đã giảm 1.6%, sang Tháng Hai lại giảm thêm 2%. Mối nguy giảm phát
khó chữa hơn lạm phát. Vì khi giá cả trên đà đi xuống, cả nhà sản xuất và người
tiêu thụ sẽ ngưng bớt hoạt động! Người mua thì muốn chờ mai mốt giá có thể thấp
hơn sẽ mua, người bán thì không muốn chịu lỗ vì giá thấp quá! Nước Nhật đã bị
nạn giảm phát nhiều lần khiến cho kinh tế trì trệ hàng chục năm qua.
Các ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường đang đứng
trước một thế lưỡng nan. Nếu chấp nhận để cho kinh tế giảm tốc độ, thì hy vọng
cải tổ được cơ cấu tài chánh, khai phóng thị trường, như họ đã hứa hẹn sẽ thực
hiện từ lúc bắt đầu nhiệm kỳ này. Nhưng họ sẽ phải đương đầu với hậu quả, là
nhiều doanh nghiệp nhà nước sẽ phải đóng cửa, số người thất nghiệp tăng lên,
chắc chắn nhiều người bất mãn, có thể đi tới xáo trộn. Ngược lại, nếu muốn kinh
tế đừng giảm tốc nhanh quá, thì họ sẽ phải trở về biện pháp cũ, là tiếp tục bơm
tiền công quỹ vào những dự án xây cất của quan chức cấp tỉnh, cấp huyện, và thả
tiền cho các xí nghiệp quốc doanh tiêu phí. Nhưng nếu cứ tiếp tục như vậy thì
các món nợ sẽ chồng chất, chờ ngày quả bom nợ xấu bùng nổ. Tính đường trường,
thì giảm bớt tăng trưởng kinh tế để buộc cơ cấu thay đổi thì ích lợi cho tất cả
mọi người, về lâu về dài. Nhưng trong ngắn hạn, liệu tập đoàn lãnh đạo ở Trung
Nam Hải có chấp nhận chịu búa rìu của những người bất mãn vì kinh tế suy giảm
hơn trước hay không?
Ðến đây, chúng ta lại thấy năm nay cả hai người lãnh
đạo Trung Quốc không may mắn. Họ lên nắm quyền đúng vào lúc hệ thống kinh tế
của đảng Cộng sản Trung Hoa đang cạn kiệt hết những điều kiện thuận lợi của họ.
Thứ nhất là cả khối người lao động từ nông thôn lên thành phố chấp nhận lương
rẻ mạt chỉ cốt có việc làm, khối người này đã thay đổi. Họ có những nhu cầu mới,
đòi tăng lương. Thứ hai, chương trình công nghiệp hóa nhanh chóng, chỉ cốt tăng
số lượng mà không quan tâm đến phẩm chất của đời sống, đã gây hậu quả làm môi
trường sống ô nhiễm. Nhưng người được thụ hưởng nhiều nhất trong thời gian qua
là giới trung lưu ở thành phố, chính họ bây giờ to tiếng nhất không chịu sống
với bầu không khí khó thở và nước sông hồ toàn chất độc. Nguy hiểm nhất là cơ
cấu kinh tế tài chánh đang đi vào ngõ cụt. Chính sách dùng ngân hàng của nhà
nước thả tiền ra cho các doanh nghiệp nhà nước xây cơ xưởng, mua máy móc, cho
các chính quyền địa phương dựng cao ốc, làm đường sá, phi trường, vân vân, đến
lúc đầy lên, hàng không có người mua, nhà không có người thuê, tất cả là những
vụ đầu tư phung phí, vì không căn cứ vào nhu cầu người sử dụng, mà chỉ theo nhu
cầu “tiêu tiền chùa” của các cán bộ. Số nợ xấu chồng chất đang chờ ngày bùng
nổ, gây khủng hoảng tài chánh có thể làm tê liệt cả guồng máy kinh tế. Hai ông
Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường phải gánh những di sản đó, và ai cũng khuyên họ phải
cải tổ cơ cấu nền kinh tế, trước khi quá trễ.
Hiện nay, hai người vẫn giương cao ngọn cờ cải tổ.
Trong cuộc họp báo hàng năm mới rồi, ông Lý Khắc Cường đã nhắc lại hai lần
những mục tiêu của chính sách mới, mà ông đã nói từ năm ngoái, lần đầu tiên tiếp
xúc với nhà báo. Một mục tiêu là nâng cao vai trò của “thị trường,” giảm bớt
vai trò của nhà nước trong đời sống kinh tế. Một cách cụ thể, năm nay ông Lý
nhấn mạnh tới hành động giảm thiểu các rào cản do guồng máy nhà nước tạo ra để
ngăn không cho các xí nghiệp tư ra đời và hoạt động. Giảm bớt quyền “cấp giấy
phép,” đủ các thứ giấy phép do các thư lại bày ra, là một cách hiệu quả để giảm
bớt tham nhũng, ông Lý nhấn mạnh. Ông nêu ra một thí dụ để làm gương: Trong năm
qua, chính phủ trung ương tại Bắc Kinh đã tự giảm bớt quyền quyết định trong
hơn 400 lãnh vực trước đây họ vẫn cấp các loại giấy phép, trao quyền này về cho
các địa phương. Ông khoe thành tích, cho biết sau đó số xí nghiệp mới ra đời ở
Trung Quốc đã tăng lên 27% so với năm trước.
Nhưng các ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường sẽ còn
bị thử thách. Năm ngoái, họ cũng rất cứng rắn vào đầu năm, giảm bớt tín dụng để
bắt các ngân hàng vào kỷ luật. Nhưng trong nửa năm sau, thấy tình hình kinh tế
quá trì trệ, họ lại mở cửa cho tiền chạy vào túi các doanh nghiệp nhà nước. Hai
người sẽ còn bị thử thách trong ít nhất ba năm nữa. Nếu họ thành công, chuyển
đổi cả hệ thống tài chánh và kinh tế thì họ sẽ thành anh hùng, sánh ngang với
Ðặng Tiểu Bình, người bắt đầu cuộc cải tổ theo kinh tế tư bản. Nếu không, thì không
riêng hai người này mà cả đảng Cộng sản Trung Quốc chưa chắc đã được ngồi yên.
Cùng
tác giả :
No comments:
Post a Comment