Sunday, 16 March 2014

BẮC KINH TĂNG CƯỜNG ĐE DỌA LÁNG GIỀNG (Đại Dương)




March 16, 2014 7:18 PM

Phiên họp Quốc hội thường niên của Trung Cộng đã khai mạc hôm 5-3-2014 quy tụ 3,000 đại biểu sẽ kéo dài đến hết ngày 15-3.

Thủ tướng Lý Khắc Cường đã đọc diễn văn khai mạc tương tự như Thông điệp Liên bang của Tổng thống Barack Obama trước giới chính trị gia và dân chúng với nội dung báo cáo các việc chính quyền đã làm và đề ra kế hoạch cho năm tới.

Cả hai đã quá dông dài mà thiếu chi tiết cụ thể về chính sách dù cho Lý ba hoa tới 105 phút so với 40 của Obama nên cứ như gió thoảng qua tai.

Họ Lý huênh hoang về những điều từng được thảo luận từ lâu như tự-do-hoá lãi suất, tư-nhân-hoá doanh nghiệp nhà nước, cải cách luật hộ khẩu, giải quyết nạn ô nhiễm thành phố, dự đoán tăng trưởng 7.5% GDP trong năm 2014, nâng chi phí quốc phòng lên tới 132 tỉ USD, tức tăng 12.2% so với năm ngoái.

Chi phí quốc phòng của Trung Cộng bằng 2.2% GDP so với 4.4% của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, các chuyên gia quốc tế ước lượng chi phí quốc phòng thực sự của Trung Cộng phải trên 200 tỉ USD vì có rất nhiều loại chi tiêu nằm ngoài ngân sách.

Họ Lý nhấn mạnh “chính phủ sẽ tăng cường nghiên cứu về quốc phòng, phát triển các loại vũ khí và trang thiết bị mới, công nghệ cao, cũng như tăng cường bảo vệ biên giới trên bộ, trên biển và trên không”.

Mặc dù tăng thêm ngân sách quốc phòng, nhưng, Quân đội Trung Cộng khó mạnh hơn vì: (1) phần lớn dùng tăng lương cho binh sĩ để nâng cao tinh thần hiếu chiến thay vì trau dồi kỹ năng tác chiến, (2) binh sĩ đã dùng 40% để học tập chính trị. (3) suốt 30 năm qua, chưa đụng trận với ngoại bang. (4) hơn 1 thế kỷ chưa hải chiến với các cường quốc Hải quân. (5) Tình trạng tham nhũng tràn lan làm teo tóp ngân sách quốc phòng và khuyết tật cho khí tài chiến tranh.

Hồi tháng 1-2014, công an đã ập vào nhà cựu Trung tướng Cục trưởng Hậu cần thu được những đồ quý giá chất đầy 4 xe vận tải gồm cả bồn tắm, mô hình tàu biển toàn bằng vàng khối và nhiều két rượu Mao Đài rất đắt tiền. Báo cáo còn cho biết viên tướng tham ô này còn có 10 căn nhà tại trung tâm Thủ đô Bắc Kinh.

Đường lối quốc phòng cứng rắn của Bộ Chính trị Trung Cộng được Ngoại trưởng Vương Nghị đem ra răn đe các quốc gia láng giềng trên Biển Đông Trung Hoa và Biển Nam Trung Hoa.

Vương Nghị nói với báo chí hôm 8-3-2014 “Trung Quốc không lấy bất cứ thứ gì không phải của mình, nhưng, chẳng để mất tấc đất nào thuộc về chúng tôi. Không đe doạ tiểu quốc, nhưng, chẳng bao giờ chấp nhận đòi hỏi phi lý của chúng”.

Đồng thời, họ Vương cũng trấn an Hoa Kỳ “Quan hệ Mỹ-Trung rất quan trọng và phức tạp. Tôi tin rằng khi hai bên thành thật tôn trọng chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ, mô hình phát triển và hệ thống xã hội, các quan tâm chính yếu và lợi ích cốt lõi ắt sẽ tạo nền móng vững chắc”.

Ôm tham vọng siêu cường thế giới, nhưng, giới lãnh đạo Bắc Kinh biết rõ thực lực quân sự của Trung Cộng cần vài, ba thập niên nữa mới có thể tương đương với Hoa Kỳ hiện nay. Do đó, Bắc Kinh đã hình thành chiến thuật hai mũi giáp công: đe doạ các quốc gia duyên hải Đông Á, đánh lạc hướng Hoa Kỳ.
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền chiếm hơn 80% Biển Đông Nam Á và đã đệ trình lên Liên Hiệp Quốc năm 2009 bị các chuyên gia quốc tế về lịch sử và pháp lý coi như không phù hợp với bất cứ luật lý nào đang được chấp hành trên thế giới.

Đường 9 Vạch, tức Lưỡi Bò, tức Đường Chữ U không được các quốc gia hoặc tổ chức quốc tế nào công nhận vì thuộc loại luật rừng.

Chủ quyền quốc gia không do lịch sử mà dựa vào chiếm hữu và cai quản thực tế. Với chiều dài lịch sử, Bắc Kinh chưa hề chiếm hữu, cai quản thực tế trên các đảo ở Biển Nam Trung Hoa.

Trung Cộng cưỡng đoạt Vùng đảo Hoàng Sa năm 1974 do Việt Nam Cộng Hoà cai quản, vài hòn đảo và đá tại Trường Sa vào năm 1988 và 1995 do Việt Nam và Phi Luật Tân trấn giữ. Hành động đó không được luật pháp quốc tế công nhận chủ quyền.

Ranh giới Lưỡi Bò do Bắc Kinh tuyên bố đã lấn sâu vào Vùng Đặc quyền Kinh tế và Thềm Lục địa của Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai Á, Brunei.

Mỗi quốc gia duyên hải được quyền có Vùng Đặc quyền Kinh tế cách đường cơ sở 200 hải lý và quyền đối với Thềm Lục địa có thể kéo dài tối đa 350 hải lý cách đường cơ sở được Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 bảo vệ.

Như thế, tuyên bố chủ quyền của Trung Cộng trên Biển Nam Trung Hoa hoàn toàn phi lý và bất-hợp-pháp. Chẳng có nước nào chiếm hoặc lấn biển, đảo của Trung Cộng mà chỉ muốn bảo vệ chủ quyền quốc gia hợp pháp.

Trái lại, hành động cưỡng đoạt và đe doạ hung hăng của Trung Cộng đã làm cho Biển Đông Nam Á vốn hiền hoà trở nên sóng gió khiến cho các quốc gia duyên hải phải tăng cường tiềm lực phòng thủ, đồng thời, kết thân với các cường quốc phòng khi hữu sự.

Trên Biển Đông Nam Á không chỉ tồn tại có quyền lợi của Trung Cộng và Hoa Kỳ mà còn có quyền lợi sinh tử của các quốc gia trong vùng cũng như các nước có hoạt động liên quan đến hải lộ huyết mạch quốc tế tại đây.

Bất cứ quốc gia nào cũng có quyền ngang nhau trong việc bảo vệ quyền lợi quốc gia, nhưng, phải phù hợp và tuân thủ nghiêm ngặt Luật Biển năm 1982 và các tập tục hàng hải quốc tế.

Không bao giờ có chuyện thoả thuận giữa Trung Cộng và Hoa Kỳ, như Bắc Kinh muốn ám chỉ, để cho Hải quân Trung Cộng tự tung, tự tác trên Biển Nam Trung Hoa.

Hoa Kỳ đã công khai không công nhận Đường 9 Vạch và cảnh cáo Bắc Kinh chẳng nên lập Khu Nhận diện Phòng không trên Biển Nam Trung Hoa.

Do thái độ và hành động rừng rú của Trung Cộng nên năm 2009, Hoa Kỳ đã cương quyết tái lập trật tự trên hai Biển Đông và Nam Trung Hoa nhằm gìn giữ hoà bình, ổn định, phát triển cho chiếc đầu tàu kinh tế thế giới, nơi tập trung ba nền kinh tế lớn nhất toàn cầu Hoa Kỳ, Trung Cộng, Nhật Bản và các con rồng Đại Hàn, Đài Loan, Hồng Kông, Tân Gia Ba.

Nhằm thực hiện được điều này, Hoa Kỳ đang đóng hai vai trò: (1) có nghĩa vụ bảo đảm cho đồng minh và đối tác trong vùng, đặc biệt trước sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Cộng, (2) xây dựng mối quan hệ hữu ích và xây dựng với Trung Cộng mà không buộc các nước trong vùng phải chọn lựa.

Trong nhiệm kỳ 1, Tổng thống Barack Obama đã gặp Chủ tịch Hồ Cẩm Đào 13 lần, rồi gặp Chủ tịch Tập Cận Bình 2 lần để xây dựng mối quan hệ hữu hảo. Nhưng, Hoa Kỳ chỉ nhận được những lời hứa như hợp tác an ninh, hoà bình, phi-nguyên-tử trên Bán đảo Triều Tiên mà các điểm nóng vẫn còn nguyên. Nếu không muốn nói đã gia tăng cường độ.

Bắc Kinh chỉ muốn gây chia rẽ giữa Hoa Kỳ và đồng minh trong khu vực để Hoa Thịnh Đốn không thể can thiệp vào các hoạt động lấn chiếm, đe doạ lân bang.

Trong khi đó, ASEAN cứ đợi Hoa Kỳ chống Trung Cộng mà không làm thiệt hại tới quyền lợi của họ. Ngoại trừ, Phi Luật Tân và Tân Gia Ba công khai chống Bắc Kinh và yêu cầu các cường quốc Hải quân che chở vì bản thân không thể đương cự với Hải quân Trung Cộng.

Thái độ “mũ nỉ che tai” của các quốc gia Đông Nam Á làm cho chiến lược trục xoay của Hoa Kỳ chưa có tác dụng mạnh mẽ để buộc Bắc Kinh phải chùn bước đe doạ các nhược tiểu.

Đại Dương


No comments:

Post a Comment

View My Stats