BBC
Cập nhật: 10:34 GMT -
thứ ba, 11 tháng 3, 2014
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry từ chối đề nghị đàm phán
với Tổng thống Nga Vladimir Putin cho tới khi Moscow đồng ý với các giải pháp
của Mỹ nhằm giải quyết khủng hoảng Ukraine.
Ông Kerry nói với người tương
nhiệm phía Nga Sergei Lavrov rằng can thiệp quân sự của Nga ở Crimea khiến bất
kỳ đàm phán nào cũng cực kỳ khó khăn.
Quan chức Hoa Kỳ nói sẽ không
có nhiều chuyện để bàn nếu cuộc trưng cầu dân ý về tương lai Crimea vẫn diễn
ra.
Cuộc trưng cầu dân ý dự tính
được thực hiện vào Chủ nhật 16/03.
Ukraine và phương Tây cho rằng
cuộc bỏ phiếu này là bất hợp pháp.
Trong một buổi xuất hiện trên
truyền hình với Tổng thống Putin hôm thứ Hai, ông Lavrov nói đề nghị của ông
Kerry để tìm giải pháp thông qua đàm phán về cuộc khủng hoảng là “không phù
hợp” vì cách nhìn của họ là “lấy điểm bắt đầu của tình huống từ khi cuộc đảo
chính xảy ra” – ám chỉ tới vụ lật đổ tổng thống Ukraine thân Nga Viktor
Yanukovych.
Washington nói vẫn chưa nhận
được trả lời chính thức cho những câu hỏi mà ông Kerry đặt ra với ông Lavrov
vào cuối tuần qua, trong đó đặc biệt nhấn mạnh về việc liệu Moscow có sẵn sàng
gặp các quan chức của chính phủ mới tại Ukraine.
“Hoa Kỳ cần thấy có chứng cứ chắc chắn rằng Nga
sẵn sàng cam kết với các đề nghị ngoại giao chúng tôi đã đưa ra để tạo điều
kiện cho đối thoại trực tiếp giữa Ukraine và Nga và dùng tổ chức quốc tế như một
nhóm liên lạc nhằm làm giảm căng thẳng,” theo thông cáo của phát ngôn viên Bộ ngoại giao
Hoa Kỳ Jen Psaki.
“Ông Kerry bày tỏ rõ với Ngoại trưởng Lavrov rằng ông sẽ hoan nghênh
các bàn thảo tập trung vào việc làm sao giảm căng thẳng khủng hoảng ở Ukraine
khi và chỉ khi chúng tôi thấy có chứng cứ chắc chắn rằng Nga sẵn sàng cam kết
với những đề nghị này.”
Bà nói “có thể hình dung được”
khả năng ông Kerry gặp ông Lavrov trước cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea, nhưng
ngoại trưởng Mỹ trước tiên muốn đảm bảo rằng Moscow sẽ nghiêm túc cam kết với
các đề nghị ngoại giao của Hoa Kỳ.
Đe dọa
Trong lúc đó, NATO hôm thứ Hai
10/03 thông báo rằng sẽ cho triển khai máy bay do thám ở Ba Lan và Romania
để giám sát cuộc khủng hoảng Ukraine.
Cùng ngày, nhiều người mang vũ
trang – được cho là quân Nga và dân quân địa phương – đã chiếm cứ một bệnh viện
quân đội ở Crimea.
Những người tấn công tiến vào
bệnh viện ở thành phố Simferopol, đe dọa nhân viên và khoảng 30 bệnh nhân.
Các nhóm quân ủng hộ Nga cũng
lập các chốt chặn quân Ukraine trên khắp Crimea.
Moscow đã chính thức phủ nhận
việc quân đội Nga có mặt ở các chốt chặn, gọi những người mang vũ trang không
mang phù hiệu là lực lượng “tự vệ” Crimea.
Chính phủ Kiev – cũng như Hoa
Kỳ và châu Âu – cáo buộc Nga xâm lược Ukraine, vi phạm luật quốc tế.
'Tăng cường cảnh giác'
NATO nói các máy bay do thám sẽ
“tăng cường khả năng cảnh giác tình hình của đồng minh”.
Hồi tuần trước, tổ chức này nói
đang xem xét lại toàn bộ hợp tác với Nga và củng cố quan hệ với chính phủ Kiev.
Một nhóm lính thân Nga cũng cố
chiếm đóng căn cứ vận tải quân đội ở Bahkchysarai, thị trấn nằm giữa Simferopol
và thành phố Sevastopol.
Các tay súng bắn chỉ thiên cảnh
cáo, nhưng lính Ukraine đã đẩy lùi được cuộc tấn công.
Từng bước một, và ít gặp phải kháng
cự, quân lính thân Nga đang dần dần phá hủy khả năng cầm cự Crimea của Ukraine,
theo phân tích của phóng viên BBC Christian Fraser từ khu vực Crimea.
Tổng thống Putin bảo vệ quyết
định cho trưng cầu dân ý Crimea. “Các bước do chính quyền hợp pháp của Crimea
đều dựa trên luật pháp quốc tế,” ông nói.
Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela
Merkel nói trong một cuộc điện thoại với ông Putin rằng bà coi cuộc bỏ phiêu là
bất hợp pháp.
Cả lãnh đạo trong khối châu Âu
và Hoa Kỳ cùng đưa ra cảnh báo với Moscow rằng họ sẽ áp dụng cấm vận nếu quân
Nga vẫn trụ lại ở Crimea.
Khủng hoảng Ukraine nổ ra từ
tháng 11/2013 sau khi cựu Tổng thống Viktor Yanukovych bỗng từ chối một thỏa
thuận với EU vào phút cuối để chọn quan hệ với Nga.
Ông Yanukovych bị lật đổ hồi
tháng Hai, và một chính phủ mới được quốc hội Ukraine bầu ra, mà Nga coi là một
cuộc “đảo chính”.
No comments:
Post a Comment