Sunday, 16 March 2014

CRIMEA BỎ PHIẾU VỀ VIỆC SÁP NHẬP VÀO NƯỚC NGA (BBC, VOA)




BBC
Cập nhật: 10:03 GMT - chủ nhật, 16 tháng 3, 2014

Cử tri tại Crimea đang bỏ phiếu về việc có trở thành một phần của Nga hay ở lại với Ukraine mà có thêm quyền tự trị.
Kiev và phương Tây gọi đây là cuộc trưng cầu dân ý “phi pháp” nhưng Moscow ủng hộ.
Từ khi Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych bị lật đổ, quân Nga đã kiểm soát Crimea nơi có đa số là người gốc Nga.
Giới quan sát nói cử tri sẽ ủng hộ việc rời bỏ Ukraine, nhưng người Tatar tại đây tẩy chay.
Phòng phiếu mở cửa lúc 8h sáng giờ địa phương và đóng cửa 12 tiếng sau đó.
Mỹ và Liên minh châu Âu đã cảnh báo họ sẽ đưa ra thêm các biện pháp trừng phạt khắt khe hơn nhằm vào các quan chức Nga nếu cuộc trưng cầu dân ý vẫn diễn ra.
Moscow đã can thiệp vào bán đảo Crimea với việc giành quyền kiểm soát các trụ sở chính quyền và phong tỏa quân đội Ukraine ở căn cứ của họ sau khi ông Yanukovych, vị tổng thống thân Nga của Ukraine, bị lật đổ hôm 22/2.
Tuy nhiên, Điện Kremlin bác bỏ họ đã triển khai quân ở Crimea và cho biết lực lượng này chỉ là ‘tự vệ địa phương’.

Hai lựa chọn

Các phòng phiếu trên khắp Crimea sẽ mở cửa vào lúc 8h sáng giờ địa phương, tức 1h trưa giờ Việt Nam, và sẽ đóng cửa sau 12 tiếng đồng hồ.
Các cử trị sẽ chọn họ có muốn Crimea sáp nhập vào Nga hay không.
Câu hỏi thứ hai trên lá phiếu là Ukraine có muốn trở lại với thể chế theo Hiến pháp năm 1992 – tức là họ có nhiều quyền tự trị hơn.

Người dân Nga tuần hành ở Moscow hôm 15/3 phản đối nước họ can thiệp vào Crimea

Khoảng 1,5 triệu cử tri đủ điều kiện đi bỏ phiếu và kết quả sơ bộ sẽ được thông báo ngay sau khi các phòng phiếu đóng cửa.
Người gốc Nga chiếm đa số rõ ràng ở Crimea với 58,5% dân số và họ được cho là sẽ bỏ phiếu về với Nga.
Trước cuộc bỏ phiếu, một người phụ nữ nói với BBC với điều kiện giấu tên: “Chúng tôi yêu mến ông Putin (tổng thống Nga) và ủng hộ Nga.”
“Chúng tôi chỉ ủng hộ nước Nga. Tại sao? Bởi vì chúng tôi không muốn có những kẻ phát xít ở đây,” bà nói thêm.
Đây là lập luận mà Tổng thống Putin đã dùng để miêu tả những người hiện đang nắm quyền ở Kiev. Ukraine đã bác bỏ những cáo buộc này và gọi đây là ‘lời nói dối trắng trợn’.
Tuy nhiên cũng có những người dân Crimea muốn bán đảo này vẫn là một phần của Ukraine nhưng có nhiều quyền tự trị hơn.
Chính phủ lâm thời Kiev, vốn được Washington và Brussels hậu thuẫn, đã lên án cuộc bỏ phiếu này là ‘phi pháp’. Họ nói rằng không thể có bỏ phiếu tự do ‘dưới họng súng’.
Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phát biểu hôm thứ Sáu ngày 14/3 rằng Moscow sẽ ‘tôn trọng nguyện vọng của người dân Crimea’.

-----------------------------------

VOA
14.03.2014

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết việc Nga chấp nhận cuộc trưng cầu dân ý về việc để Crimea li khai Ukraina và có thể sáp nhập Nga sẽ là "sự thôn tính cửa sau" bất hợp pháp.

Ông Kerry đã họp bàn với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov suốt sáu tiếng ở London hôm thứ Sáu ở một nỗ lực nhằm giải tỏa căng thẳng tại bán đảo Crimea.

Nếu cuộc bỏ phiếu ngày Chủ nhật được đa số tán thành và được quốc hội Nga phê chuẩn, ông Kerry nói điều này sẽ vi phạm luật pháp quốc tế. Ông nói diễn tiến này sẽ giáng thẳng vào mọi nỗ lực hợp pháp để tìm một cách khác bảo vệ lợi ích của Nga và của người dân Crimea trong lúc vẫn tôn trọng chủ quyền của Ukraina.

Ông Kerry cho biết sẽ có những hậu quả. Ông nói đây không phải là lời đe dọa nhắm vào Nga mà là vấn đề tôn trọng những tiêu chuẩn quốc tế đối việc sáp nhập và tuyên bố độc lập.

Ông Lavrov nói trong một cuộc họp báo riêng rẽ rằng cuộc hội đàm với ông Kerry là hữu ích, nhưng cả hai đều "không có chung viễn kiến" về bán đảo Crimea. Ông nói Nga sẽ "tôn trọng ý nguyện của người dân Crimea," và ông chỉ trích lời đe dọa trừng phạt Nga của Mỹ và EU là "phản tác dụng."

Tổng thống Barack Obama hôm thứ Sáu cho biết ông vẫn hy vọng vào một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng ở Crimea. Nhưng Bộ trưởng Ngoại giao Kerry nói, rõ ràng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không có bất kỳ động thái nào cho đến sau khi cuộc trưng cầu dân ý diễn ra vào Chủ Nhật.

Điện Kremli nói rằng ông Putin đã nói với Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon trong một cuộc gọi điện đàm rằng cuộc trưng cầu dân ý là "hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ."

Moskva thừa nhận hôm thứ Năm rằng họ đang triển khai hàng ngàn binh lính và khí giới quân sự đến gần biên giới Ukraina cho hai tuần diễn tập quân sự.

Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng họ "rất quan ngại" về việc triển khai này. Mỹ ước tính rằng Nga có thể đã điều 20.000 binh sĩ vào Crimea.



No comments:

Post a Comment

View My Stats